NGẮM XUÂN

 Khi nói đến xuân, lòng nghe như có gì rạo rực vui tươi, vì xuân mang niềm vui cho bao người, nhất là ở tuổi trẻ. Song ai là người đã sống và tận hưởng được mùa xuân một cách trọn vẹn? Có phải mọi người đều có niềm vui chung khi xuân đến? Hay xuân chỉ dành riêng cho giới trẻ?

Theo sự hiểu biết thiển cận của tôi thì không hẳn như vậy. Quan niệm thế gian, khi tết đến, người ta hay bày ra những trò vui để giải trí, để bù lại những ngày lao động vất vã trong suốt một năm qua. Thế nhưng những niềm vui đó chỉ tạm bợ. Vì sau canh bạc, chuyện được thua không sao tránh khỏi. Sau tiệc rượu thân tình là thân thể rã rời mệt mõi … Ngẫmlại cái vui ấy có gì là trường viễn? Thế nên Phật dạy :

Thế gian vô thường
Quốc độ nguy nan
Tứ đại khổ không
Ngũ ấm vô ngã
(Kinh Bát Đại Nhân Giác)

Từ thân này cho đến mọi vật đều bị lửa vô thường thiêu đốt trong từng sát na “Xuân xanh mới đó, bạc đầu rồi đây”. Vậy mà, mọi người chẳng biết, chấp thân này cảnh vật này là bền chắc lâu dài, cho đó là ta, là của ta nên sanh tâm tham đắm, tranh giành rồi tạo tội mãi không thôi. Ta tham ăn ngon, mặc đẹp, tiền bạc, của cải dư thừa, những thứ ấy không ngoài việc phục vụ cho bản ngã hư dối này. Khi gần kề cái chết thì chịu khổ đủ điều, tay chân co rút, tâm thần hốt hoảng. Thở ra mà không hít vào thì vĩnh viễn chia tay. Tâm thức dật dờ nương theo gió nghiệp. Thế nên Phật dạy khi thân hoại mạng chung, vật chất không thể mang sang kiếp khác, mạng này ngắn ngũi không thể nương tựa, thế lực tiền tài và tình ái không thể cứu khỏi khổ sanh già bệnh chết. Chỉ mang theo nghiệp thiện hay ác, để nhận quả báo mà thôi, rồi chịu xoay chuyển mãi trong luân hồi. Ôi! Đáng thương thay, khi nhìn lại thân giả tạm này, được cha mẹ khó nhọc sinh ra, được nâng niu cưng chìu đủ điều tốt đẹp, nhưng thật ra, nó chỉ là đảy da, với biết bao tật bệnh. Có gì đáng quí đâu. Thế nên trong kinh Pháp Hoa đức Phật đã dạy “Chúng sinh là những đứa con khờ dại, vì không biết nhà này đã hư mục, vách phên sụp đổ, bốn phía đồng một lúc lửa dậy đốt cháy nhà cửa. Vậy mà các con khờ chẳng biết, cứ mãi lo vui chơi đùa giỡn. Không sợ sệt, không có ý muốn ra ngoài, lại không hiểu gì là lửa, gì là nhà, thế nào là bị hại. Cứ đông tây chạy giỡn rồi nhìn cha mà thôi”. Thương con người cha vô cùng lo ngại, sợ các con sẽ bị lửa hại, lúc nào ông cũng kêu các con ra khỏi nhà, và hứa sẽ cho các con những món đồ chơi đẹp như xa dê, xe trâu, xe nai …

Quả thế, chúng ta vì quá mê mờ cứ dạo chơi trong nhà lửa vô thường mà quên mất lối về. Quên mất khả năng thành Phật của mình. Thế nên sau khi thành đạo, đức thế tôn đã quán sét căn cơ chúng sinh mà bảo rằng: “Kỳ diệu thay! Tất cả chúng sinh đều có trí tuệ đức tướng Như Lai …”. Chỉ do chúng sinh mê lầm, nhận chấp các pháp rồi khởi tình yêu ghét, điên đảo, vọng tưởng nên tánh giác bị che mờ, tạo nhiều tội lỗi để phải chịu cảnh trầm luân trong ba cõi sáu đường. Đồng với quan điểm trên, Bồ tát thường bất Khinh đã nói “Tôi không dám khinh các Ngài, vì các ngài đều sẽ thành Phật …”.

Thật vậy, nếu ai biết áp dụng công phu, hằng trở lại sống với chính mình, sáu căn không dính mắc với sáu trần, tâm thường tĩnh lặng, không bị cảnh duyên lôi kéo, thì tâm thanh tịnh hiện tiền như Lục Tổ đã dạy: “Tâm không trụ nơi pháp, đạo tức là thông lưu”. Tự tại vô ngại là người sống được với Phật pháp thân không còn bị khổ vui phiền lụy. Đó mới gọi là bậc đại trượng phu, là người biết và đã hằng sống với mùa xuân bất diệt nơi mình …

 

Chí Trường