Gương sáng đạo hạnh của chư ni Phật giáo Việt Nam

Việt Nam, một dân tộc hào hùng, có nền văn hiến bốn ngàn năm lịch sử, Phật giáo hiện diện trên đất nước Việt Nam hơn hai ngàn năm, một tôn giáo gắn liền cùng dân tộc suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Trải qua những thăng trầm, đất nước hứng chịu những chiến chinh với sức chịu đựng bền bỉ và một kinh nghiệm kháng chiến trường kỳ của một dân tộc bé nhỏ nhưng quật cường, bất khuất. Nữ giới có quyền tự hào rằng trong ba cuộc đấu tranh chống phong kiến phương Bắc thì đã có hai lần do Phụ nữ khởi nghĩa như khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Bà Triệu làm hào hùng trang sử Việt.

Phật giáo Việt Nam đã hòa quyện cùng dân tộc qua mấy ngàn năm lịch sử. Trong suốt thời gian ấy, Ni giới là một bộ phận đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển của Phật giáo. Thời Ðức Phật còn tại thế, Ngài chấp thuận cho Di Mẫu xuất gia thành lập giáo đoàn Ni giới. Di Mẫu Kiều Ðàm Di cùng 500 mệnh phụ phu nhân được thọ Ðại giới trở thành những vị Tỳ - kheo Ni đầu tiên của đạo Phật.

Ðối với Phật giáo nói chung, Ni giới nói riêng, từ khi đạo Phật du nhập vào Việt Nam cho đến thế kỷ XX, có rất nhièu tấm gương sáng đạo hạnh của quý Sư trưởng, quý Ni trưởng, Ni sư trải qua từ thế hệ này sang thế hệ khác, lần lượt nối tiếp mạng mạch Phật pháp, tạo lập công đức góp phần trang nghiêm ngôi nhà Phật giáo như quý Ni trưởng: Ni trưởng Như Thanh, nguyên Trưởng Ni bộ Bắc Tông, viện chủ chùa Huê Lâm, Ni trưởng Như Hoa, Ni trưởng Tâm Nhàn, Ni trưởng Giác Nhẫn, Ni trưởng chùa Linh Phong… nhiều và thật nhiều không thể kể hết là những vị Ni trưởng mẫu mực luôn quan tâm việc chấn chỉnh Ni đoàn. Ở Bạc Liêu, Sa Ðéc, Rạch giá quý Ni trưởng đã từng đóng góp cho đạo pháp và dân tộc, nhất là trong cuộc kháng chiến dành độc lập cho đất nước Việt Nam, mở ký nhi viện, trường nuôi dạy trẻ….

Thời hiện tại, ngoài quý Ni trưởng chúng con được biết, còn có Ni trưởng Huệ Hương, suốt cả cuộc đời hành đạo là suốt cả quá trình báo Phật ân đức, cống hiến công sức cho đạo pháp cho dân tộc, nhận nhiệm vụ quan trong trong Ni bộ và tham gia các đại giới đàn, làm hòa thượng Ni đầu truyền giới Sa Di Ni, giáo thọ Yết Ma đàn Thức Xoa, đàn Tỳ-kheo Ni. Nhất là từ khi giải phóng cho đến nay, Ni trưởng đặt nhiều tâm huyết cho việc đào tạo Ni tài, kế vãng khai lai, được biết gần đây Ni trưởng đi rất nhiều nước, dự nhiều cuộc họp góp tiếng nói của mình cho Phật giáo và dân tộc Việt Nam rất tốt đẹp. Phải nói Ni trưởng có biệt tài ngoại giao rất tuyệt vời, về lòng nhân đạo được nhiều người mến mộ, tích cực trong công tác từ thiện xã hội, đi rất nhiều nơi từ ba miền Nam, Trung, Bắc để thăm hỏi những người đang lâm cảnh khổ cực lầm than thiên tai bão lụt như: vùng u minh lịch sử, dân tộc thiểu số. Trong thời điểm năm 85, 86, 87 rất là khó khổ, khi Ni trưởng chứng kiến đám tang của những gia đình nghèo rất là vắng vẻ thương tâm, Ni trưởng đã ủng hộ cho Chữ Thập Ðỏ xã Bình Minh, một bộ trống kèn, bộ y phục để Chữ Thập Ðỏ xã tại vùng u minh lịch sử giúp cho đám tang những gia đình nghèo. Gần đây nhất, vào các năm 2007, 2008, 2009, Ni trưởng hướng dẫn các y bác sĩ đến khám chữa bệnh phát thuốc cho trên 2.000 hộ dân.

Tại huyện đảo Phú Quốc cơn bão lớn nhất từ 40 năm qua, Ni trưởng vận động Phật tử cùng Hội chữ thập đðỏ tỉnh Ðồng Nai không ngại đường xá trắc trở đến tận nơi cứu trợ an ủi trên 1.000 gia đình nghèo khó, làm lễ vớt vong, gởi vong cho những vong linh tử nạn, Phật tử tại huyện Phú Quốc rất mến mộ. Thực hiện lòng từ bi bình đẳng cứu khổ ban vui của Ðức Phật, là tấm gương sáng, xứng đáng để chư Ni trẻ noi theo./.

 

Tỳ kheo Ni Thích Nữ Diệu Hoa

(Trích tham luận Hội nghị Phật giáo thế giới lần thứ XI tại Tp. HCM, Việt Nam)