Ngôi chùa nghìn năm tuổi

Ngôi chùa nghìn năm tuổi

Chùa Vạn Niên toạ lạc tại thôn Vệ Hồ, phường Xuân La, quận Tây Hồ. Đây được xem là một trong những ngôi chùa cổ kính nhất của Thăng Long – Hà Nội.

Khuôn viên chùa không lớn nhưng nằm ở ven hồ nên cảnh quan thoáng đãng và hấp dẫn. Ngày thường, chùa vắng lặng, đến ngày rằm và ngày lễ, người dân đến đây thắp hương rất đông. Không giống như các ngôi chùa khác người ta đến xin cầu tài làm ăn, chùa Vạn Niên mang hơi hướng cầu bình an, tránh tà, cầu xin sức khoẻ cho gia đình, con cháu.

Hiện nay trên nóc chùa Vạn Niên còn ba chữ triện đắp nổi "Vạn Niên tự", ý muốn chùa này tồn tại mãi mãi cùng thời gian. Theo sách sử ghi lại, khi mới xây chùa, người ta không gọi là Vạn Niên mà gọi là Vạn Tuế. “Thăng Long cổ tích khảo” chép: "Chùa ở bờ Tây hồ Tây, xưa là chùa Vạn Tuế, nay gọi là Vạn Niên. Chùa thuộc địa phận ấp Quán La. Lý Thuận Thiên năm thứ 5 (1014), Hữu Nhai Tăng thống xin tâu lập giới đàn tại đây, thụ giới cho các tăng đồ. Vua xuống chiếu ban cho. Bấy giờ danh tăng Lâm Tuệ Sinh, Thảo Đường thời Lý kế thừa trụ trì ở đây". Như vậy, chùa có thể đã được xây từ trước thời Lý, ngay từ thời Lý, chùa đã trở thành chốn tùng lâm thị giới cho các tăng đồ. Một điều đáng lưu ý là nhiều cao tăng đã trụ trì tại đây, đó là Lâm Tuệ Sinh, Biện Tài và đặc biệt là sư Thảo Đường.

Sách “An Nam chí lược” cũng ghi: "Thảo Đường theo sư phụ đi truyền giáo ở Chiêm Thành. Lý Thánh Vương (Lý Thánh Tông) đánh Chiêm Thành bắt được sư Thảo Đường cho làm nô của Tăng lục. Một hôm Tăng lục viết ngữ lục để ở trên bàn rồi đi ra ngoài. Sư lén sửa chữa lại. Tăng lục lấy làm lạ về tên nô, tâu lên vua. Vua phong là Quốc sư". Nho Phật Đạo Bách khoa từ điển (NXB Ly Giang - Quảng Tây (Trung Quốc) - 1995), mục Thảo Đường cũng chép "... giữa thế kỉ XI đến phương Nam hoằng dương Phật pháp đề xướng Thiền - Tịnh hợp nhất. Lý Thánh Tông đánh Chiêm bắt được, tri ngộ phong làm Quốc sư. Trụ trì tại chùa Khai Quốc (Hà Nội, Việt Nam) truyền bá phép tu Trọng Hiển, giảng trăm phép tắc của sơn môn Tuyết Đậu. Chính thức thành lập thiền phái Thảo Đường".

Thiền phái Thảo Đường đã được các vua thời Lý như Lý Thánh Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông ủng hộ. Họ không xuất gia nhưng tự coi là đệ tử của thiền phái. Các chùa ở Hà Nội, đặc biệt là các chùa ở Tây Hồ đã chịu ảnh hưởng rất lớn ở môn phái này. Chùa Trấn Quốc, chùa Vạn Niên là nơi Quốc sư Thảo Đường đã từng trụ trì.

Chùa Vạn Niên nằm khiêm tốn bên đường Lạc Long Quân nhìn ra Hồ Tây. Quy mô không lớn, nhưng chùa nằm dưới những lùm cây um tùm, nên cũng có thể coi đây là tùng lâm. Chùa gồm năm gian bái đường và ba gian bảo điện nối nhau thành chữ đinh. Suốt hơn 1.000 năm lịch sử, qua bao thăng trầm, thay đổi, ngôi chùa cũng đã nhiều lần trùng tu. Câu đối ở hàng cột nhà bái đường đã nói rõ: “Cổ tự trung tu tân cảnh sắc/Vạn Niên kiến tạo cựu quy mô” (Chùa cổ trùng tu cảnh sắc mới/Vạn Niên sửa chữa quy mô xưa). Về bài trí thì chùa cũng giống như nhiều chùa ở miền Bắc. Trên cao là Tam Thế Phật, dưới là A Di Đà Phật, dưới nữa là Quan Âm, phía ngoài là Thích ca Sơ sinh. Hai bên trên câu đối rất uy nghi: “Nam vô đại từ đại bi kim bích oanh hoàng tam bảo toạ/ Bắc Kỳ thử danh thắng hương hoa đỉnh thịnh thập phương dân” (Nam vô đại từ bi Phật tượng huy hoàng trên bảo điện/ Bắc Kỳ  danh thắng hương hoa thơm ngát thập phương dâng).

Hiện nay chùa Vạn Niên còn lưu giữ khối kiến trúc vật chất và bộ sưu tập di vật có giá trị lịch sử, nghệ thuật cao. Đó là chứng cứ khoa học để đoán định niên đại khởi dựng ngôi chùa và góp phần đánh giá những giá trị đích thực của di tích. Những bức tường cổ của chùa chính được xây dựng bằng gạch vồ (vật liệu tiêu biểu thời Lý), bộ tượng tròn gồm 46 pho, trong đó có 26 pho tượng Phật, 20 pho tượng Mẫu, tượng tổ; hai quả chuông đồng niên đại thời Nguyễn, 11 đạo sắc phong thần và nhiều đồ thờ khác. Bài ký trên chuông đồng "Vạn Niên Tự Chung" đúc vào đời Gia Long cho biết: "Chùa Vạn Niên là một di tích cổ có qui mô bề thế, một danh lam cổ tích lớn ở phía tây kinh đô Thăng Long".

Ngôi cổ tự này là nơi dừng chân của nhiều du khách đến thưởng ngoạn cụm di tích phủ - đền - chùa Hồ Tây của Thủ đô ngàn năm tuổi. Chùa đã được Bộ VHTT xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia năm 1996. Từ nhiều năm nay di tích nay vẫn luôn được chính quyền và nhân dân quận Tây Hồ trân trọng, gìn giữ, tu bổ tôn tạo ngày một khang trang hơn. Hướng tới 1000 năm Thăng Long Hà Nội, quận cũng có kế hoạch tu sửa, cắm mốc giới chùa Vạn Niên để giữ mãi nét đẹp truyền thống, cổ kính cho không gian của Thủ đô mà còn giữ lại cả nét độc đáo về văn hoá kiến trúc cho con cháu mai sau.

Vũ Nguyễn

Theo KTDT