Phật giáo lược khảo - 01. Phần I: Phật tổ sự tích

image

Một nhà làm sách Nhật Bản có nói rằng: “Hai cái nguồn lớn của văn hóa Đông Á ta là Khổng giáo và Phật giáo. Ngày nay dẫu ta theo đòi văn minh học thuật Thái Tây, ta cũng chớ nên quên nguồn gốc cũ”. Lời đó thật là phải lắm. Trước khi các dân Đông Á bắt đầu giao thông với nước ngoài, thời duy có luân lí của Khổng Phu tử và tôn giáo của Phật Thích - già là thống nhất cả lòng người trong nước và gây dựng ra xã hội đời xưa. Đến thời đại này, tuy đạo Phật đã suy, đạo Nho đã sút, mà ảnh hưởng trong xã hội còn sâu, hoài vọng của lòng người còn thiết, đủ biết nhân tâm chưa đến nỗi bỏ gốc quên nguồn vậy.

Song đạo Khổng là một nền luân lí, thiết cận với việc đời hơn, nên người đời dễ hiểu; đạo Phật vốn là tôn giáo, có vẻ siêu việt huyền bí, nên ít người lí hội được rõ. Vả sách Nho có ít mà sách Phật rất nhiều, kinh tàng đã bề bộn, lời lẽ lại rắc rối, lại thêm tôn nọ phái kia, khó phân mành mối, khiến cho các nhà khảo cứu cũng phải chán mà không thể suy xét cho đến cùng. Bởi vậy nên đã lâu nay đạo Phật nhiều người tin mà ít người biết, những bậc cao tăng danh thiền đời xưa tuy cũng có, mà gần đây không đâu còn, tới nay đến những nơi chùa chiền, bọn tăng chúng, cũng khó lòng tìm được người nào là còn giữ được chút tàn hồn của Phật giáo. Đạo Phật bây giờ chỉ có tên mà không có thực, chỉ có bóng mà không có hình, chỉ còn cái bã rả cúng bái mà không còn cái tinh thần tu niệm: Phật giáo đã vắng ngắt trong cõi tư tưởng nước ta lâu lắm vậy.

picture1_600Nhưng trong khoảng một thế kỉ nay, nhiều nhà bác học bên Âu châu tìm tòi được những kinh sách cũ bằng chữ “phạn” (là thứ chữ Phật bên Ấn Độ), khảo cứu dịch thuật ra, phê bình bàn bạc vào, đối chiếu với tam tàng dịch bản của Tàu, bằng chứng với các tôn giáo cũ của Ấn Độ; người Pháp, người Anh, người Đức, thi nhau mà nghiên cứu, đã ngót trăm năm nay; nhờ công các nhà ấy mà ngày nay cỗi rễ đạo Phật đã khám phá được, giáo nghĩa đạo Phật đã lí hội được, Phật giáo đã thành một chuyên khoa trong cõi học vậy.

Nay những nghĩa tinh vi của Khổng giáo thời trong làng Nho ta chắc nhiều ngài đã tường tận; còn những điều cốt yếu về Phật giáo thời vì những lẽ đã nói trên kia, tưởng nhiều người còn chưa được rõ. Vậy kí giả muốn tóm tắt những điều sở đắc trong sách vở của các nhà bác học Âu châu (nhất là người Pháp) đã chuyên trị về Phật học, cùng tham bác ít nhiều kinh sách bằng chữ Tàu, mà soạn ra bài lược khảo này, cống hiến cho các học giả nước ta, tưởng cũng là một việc có ích vậy.

Khảo về các đạo giáo cũng là một sự học vấn, không tất nhiên là sự tín ngưỡng. Đời nay việc tín ngưỡng với việc học vấn khác nhau. Người ta trong lòng dù tín ngưỡng sự gì mặc dầu, về đường học vấn cũng chỉ có một phương châm nhất định, là bình tĩnh thành thực mà cứu xét cho ra sự thực, cho vỡ lẽ phải, còn ngoại giả không nên có ngu ý bao biếm gì cả. Vậy xin độc giả biết cho rằng, bài này là một bài sử khảo về Phật giáo, không phải là một bài cổ động cho đạo Phật; dẫu có người không ưa lấy Phật giáo làm một khoa tín ngưỡng, cũng phải nhận cho Phật học làm một môn khảo cứu vậy. Bài này chỉ là một bài khảo cứu về Phật học.

Bài này chia ra làm ba phần: 1) Phật tổ sự tích; 2)Phật lí uyên nguyên; 3) Phật giáo lịch sử. - Phần thứ nhất xét về sự tích đức Phật Thích-già-mâu-ni theo khoa học mới và kinh sách cũ, cố phân biệt phần nào là sự thực, phần nào là truyện huyền. Phần thứ nhì xét về giáo lí của đạo Phật, căn nguyên tự đâu, kết quả thế nào, duyên cách làm sao. Phần thứ ba xét về đạo Phật phát nguyên tự Ấn Độ, rồi bành trướng ra các nước ngoài thế nào, sang mỗi nước thay hình đổi dạng ra làm sao, và kể qua về hiện trạng đương bây giờ. - Ba phần ấy tưởng cũng gồm được đại khái các điều cốt yếu về đạo Phật, phàm người trí thức cần thiết phải biết. Còn bình phẩm đạo Phật hay, hay là dở, nên theo hay không nên theo, thời đó không phải là mục đích bài này.

***

1. Phật tổ sự tích

Tôn giáo này cũng có một ông giáo chủ, nghĩa là người xướng ra đạo trước nhất, rồi sau thiên hạ theo,thờ như một vị thần, coi như một bậc “siêu nhân”. Đạo Giatô có đức Giatô Cơ đốc (Jesus Christ), đạo Hồi có ông Mahomet, đạo Phật thời có Phật tổ Thích-già (Bunddha Sakyamuni) (1). Tôn giáo nào cũng lấy sự tích ông giáo chủ làm trọng. Vậy trước khi xét về Phật giáo phải biết rõ sự tích Phật tổ. Và cứ theo ý kiến các nhà khoa học Âu châu thời phần hay nhất, có giá trị nhất trong đạo Phật, không phải là phần giáo lí, vì giáo lí của đạo Phật chẳng qua là tổ thuật các đạo Bà-la (Brahma), Phệ-đà (Véda) ở Ấn Độ trước mà thôi, chính là cái sự tích đặc biệt, nhân cách phi thường của ông giáo chủ, nhờ đó mà đạo Phật về sau mới bành trướng được ra ngoài mạnh như vậy. Nhưng sự tích Phật tổ, người đời sau thêm thắt vào nhiều việc hoang đường, khó phân biệt được thực hư. Nay cứ theo trong sách cũ, thuật lại đầu đuôi, chỗ nào hoang đường thời bỏ bớt đi, cốt chép lấy những việc chính, đủ hiểu được thân thế sự nghiệp một nhân vật vĩ đại nhất của Á châu ta, và của cả thế giới nữa.

phat-000-phathichca-large_600Phật là gì? - Phật không phải tên người, tức là một tiếng thường, một “chức” vậy. Phật là dịch âm Tàu của chữ Phạn ngữ(2) “bụt”, “but-đa” (budh, buddha = Phật- đà, Phật-đồ), “But-đa”, nghĩa là người có trí tuệ sáng suốt, thông hiểu cả muôn lẽ trong trời đất, lại hay dạy bảo được người đời. Tức sách Tàu giải thích là: “Phật giả giác dã. Giác nhất thiết chúng tri, phục năng khai giác hữu tình, như thụy mộng giác nhĩ” nghĩa là: “Phật ấy, là tỉnh vậy; tỉnh ngộ mọi lẽ, lại hay khai tỉnh cho người đời như người mê ngủ tỉnh dậy vậy” - Trong sách Tây thời có người dịch chữ “Phật” là “Illuminé, illuminateur”, nghĩa là tự mình đã được sáng, lại làm sáng suốt cho người đời. - Như vậy, thời Phật không phải là tên người; là một bậc người, là một chức vậy. Là một bậc người, vì phải tu luyện, phải qua nhiều bậc dưới, mới tới bậc ấy. Là một chức, vì đã tới bậc ấy thời có cái nhiệm vụ, có cái thiên chức phải cứu tế cho loài người, cho vạn vật, cho “chúng sinh”. Theo sách Phật thời người ta tu luyện cho được thành Phật, phải qua bốn bậc như sau này: 1) bậc “thanh văn” (sravaka), là người mới được thoát cõi tục, mới được nếm mùi đạo; 2) bậc “la hán” (arhan), là người tu đã đắc đạo; 3) bậc “độc giác” (pratyékabuddha), là người tu đã đắc đạo mà tự mình sáng suốt muôn lẽ, nhưng chỉ mong giải thoát lấy mình, không ra tế độ chúng sinh; 4) bậc “bồ tát” (bodhisattva), là người tu luyện đã hoàn toàn, trí tuệ đã viên mãn, đáng thành Phật mà chưa chịu thành Phật vội, còn muốn ra tế độ chúng sinh. Trên bốn bậc ấy, bậc Phật là cao hơn hết cả. Chính Phật tổ Thích-già kiếp trước đã qua bốn bậc ấy, và khi giáng sinh xuống loài người mới là “bồ tát”.

Nay Phật, không những một kiếp này mới có Phật, mà kiếp trước đã từng có, kiếp sau cũng sẽ có, gọi là: “tam thế Phật”: Phật hiện tại, Phật quá khứ, Phật tương lai. Phật hiện tại là Phật Thích-già; Phật quá khứ thời có sáu vị, ba vị thuộc về “trang nghiêm kiếp” là kiếp trước: Tỉ-bà-thi- Phật (Vipasyi), Thi-khí-Phật (Sikhi), Tỉ- xá-phù-Phật (Visvabhu); ba vị thuộc về “hiền kiếp” là kiếp này, cũng như Phật Thích-già: Câu-lưu-tôn-Phật (Krakutchanda), Câu-na-xá-mâu-ni-phật (Kanakamuni), Già-diệp-Phật (Kasyapa). Phật tương lai, tiếp theo ngay Phật Thích-già về sau này, là phật Di-lặc-phật (Maitreya); còn về sau nữa chưa biết.

Đó là cái quan niệm về “Phật” trong các sách Phật như thế. Đại khái lấy ý rằng đời nào kiếp nào cũng có xuất hiện ra một đấng cứu thế, có trí cao hơn phàm trần, để cứu vớt cho người trần; đấng ấy gọi là “Phật”, mà đấng ấy không phải là nhờ một cái sức thiêng liêng vô hình nào mới được như thế, chỉ là bởi công phu mình tu luyện, qua nhiều bậc dưới mới tới bậc ấy vậy. Còn những Phật quá khứ, Phật tương lai, chẳng qua là những sự ảo tưởng, không bằng cứ nào, không thể tin được. Rút lại chỉ có Phật Thích-già là thuộc về lịch sử mà thôi. Sau này thuật sự tích Phật tổ Thích-già:

picture3_600Phật tổ Thích-già. - Phật tổ sinh năm nào, mất năm nào, các sách nói không giống nhau. Sách Tây thời phần nhiều nói vào khoảng năm 622 - 542 trước Kỉ nguyên Tây lịch. Sách Tàu (như hai bộ Phật tổ thông kí và Biện chính kí) thời nói Phật sinh năm 26 đời vua Chiêu vương nhà Chu, tính vào lịch Tây là năm 1127 trước Kỉ nguyên. Ấy hai đàng cách xa nhau như vậy, biết đàng nào là phải. Song gần đây, các nhà bác học Âu châu chuyên trị về Phật giáo đã so sánh các sách cũ, đối chiếu các niên hiệu, tính toán rất kĩ, thời tìm được chắc năm Phật “nhập nát bàn” là vào khoảng trước sau năm 480 trước Kỉ nguyên. Oldenberg là nhà bác học nước Đức có soạn một quyển Phật tổ truyện kí, khảo cứu tinh tường, phê bình xác đáng lắm - thật là pho sách cốt yếu cho người nào muốn nghiên cứu về Phật học - đã nói rằng: “Năm Phật tịch diệt là một năm chắc nhất trong lịch sử Ấn Độ đời xưa; đã tính kĩ lắm thời tìm ra vào khoảng năm 480 trước Giatô, dẫu có sai cũng không sai nhiều được”(3). Theo truyện cũ thời Phật thọ 80 năm, vậy có lẽ sinh vào năm 560 trước Kỉ nguyên, cũng là gần đồng thời với Khổng Phu tử bên Tàu. Thế là cũng cùng một khoảng thế kỉ thứ 6, thứ 5 trước Kỉ nguyên. Á châu ta sinh được hai bậc đại hiền triết trong thiên hạ vậy.

Chính tên Phật tổ là Tất-đạt-đa (Siddhârtha), nhưng thường gọi thông hiệu là Thích-già-mâu-ni picture4_600(Sâkyamuni), hay là Cồ-đàm-phật (Gotama Bouddha), “Thích-già” là giòng nhà Phật; “mâu-ni” là người tu hành nghĩa là “người tu hành về giòng Thích-già”. Tên Cồ-đàm mới thật là tên họ của Phật. Phật còn nhiều tên và hiệu khác nữa, như: Thế tôn, Như-lai; (Tathâgata), Thiện-thệ (Sugata), Thế-gian-giải (Lokavit), Thuyết- pháp sư (Vâdisinha) v.v., mỗi tên có một nghĩa hay là một tích riêng. Nhưng chỉ có hai tên Thích-già và Cồ-đàm là thông dụng hơn cả; Bắc tôn hay gọi Thích-già, Nam tôn hay gọi Cồ-đàm, Nam, Bắc có khác nhau. Không những khác thế mà thôi; ngay trong sự tích Phật, Nam, Bắc cũng có chỗ không giống nhau, và chính trong Bắc tôn lắm khi cùng một việc mà hai ba thuyết khác nhau, khiến cho người khảo cứu không biết bên nào là thực, bên nào là hư. Nay ta châm chước hai bên mà cóp nhặt lấy những việc chính, phân ra thứ tự, kể lần lượt theo như trong cựu truyền, còn những sự mâu thuẫn, không dám tự tiện giải quyết.

Sự đản sinh. - Phật tổ đản sinh trong vườn Lam-tỉ- ni (Lumbini), gần thành Già-tỉ-la (Kapitavastu) là thủ đô một nước nhỏ của dòng Thích-già (Sakya), ở về phía Bắc Ấn Độ, chân núi Himalaya. Cha là Tĩnh-phạn vương (Suddhodana), làm vua xứ ấy; mẹ là Ma-gia phu nhân (Mayâ dévi). Phu nhân mười tháng trước nằm chiêm bao thấy con voi trắng sáu ngà tự trên trời xuống, do bên nách tay phải vào trong bụng phu nhân, tự đấy thụ thai. Đến khi sinh hạ, cũng do bên nách tay phải ra. Sinh được bảy ngày thời phu nhân mất. Sách Phật chép rằng gần lúc Phật đản sinh, các thiên thần như Phạn vương (Brahma), Đế-thích (Indra), đều xuống điềm lành để báo trước, như đàn sáo trên trời, mưa hoa xuống đất. Phật mới lọt lòng đã đi được ngay, nhìn bốn phương trời, đi lại bảy bước, nói to lên như tiếng sư tử kêu (4), rằng: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn. Vô lượng sinh tử, ư kim tận hĩ”, nghĩa là: Trên trời dưới đất, duy ta là tôn, sống chết không cùng, từ nay là hết. - Nói xong rồi, lại nằm xuống nghiễm nhiên như các trẻ khác. - Đó là những chuyện huyền, đời sau bịa đặt ra, cho thêm tôn trọng lên, không biết rằng cứ một thân thế Phật, đáng tôn trọng biết bao, hà tất phải bày ra những sự quái dị như vậy. Nhưng tôn giáo nào cũng vậy, đều có một phần quái dị, để cảm kẻ phàm phu, người trí giả không nên lấy thế làm lạ vậy.

Cùng một ngày Phật đản sinh, có bốn vua bốn nước về Trung bộ Ấn Độ bấy giờ cũng sinh; trong bốn vua ấy thì có hai vua Tần-bà-sa-la (Bimbisâra) nước Ma-yết-đà (Magaddha) và Ba-ti-nặc (Prasenajit) nước Câu-sa-la (Kosala) sau này theo đạo Phật và giúp cho Phật được nhiều. Vua cha là Tĩnh-phạn vương lấy thế làm điềm lành, mừng rỡ lắm, bèn đặt tên cho Thái tử là “Tất-đạt- đa”, Phạn ngữ nghĩa là mọi sự nguyện vọng, đều được thành cả.

2cuocdoidpViệc dưỡng dục. - Phu nhân đã mất sớm, vua cha bèn giao Thái tử cho bà Ba-đồ-ba-đề (Prajâpati, nhất danh là Gôtami) là em phu nhân và là hầu vua, để nuôi nấng trông nom. Bà này rồi sau cũng sinh hạ được một người con trai tên là Nan-đà (Nanda), và một người con gái tên là Lư-bà-nan-đà (Rupananda), hai người tức là em đồng phụ dị mẫu của Thái tử Tất-đạt-đa. Vua và bà đem Thái tử cho thầy tướng xem thì thấy có đủ “tam thập nhị tướng” (lakshana) và “bát thập chủng bảo” (asityanuvyanijani) là tướng bậc anh kiệt ở đời. Thày tướng lại đoán rằng: “Thái tử sau này ví ra đời trị nước thời nhất thống thiên hạ, ví xuất gia tu đạo thời đắc đạo thành Phật”. Và Thái tử từ thuở bé đã tỏ ra người thông tuệ khác thường, nghề văn nghề võ đều kiêm toàn cả, dạy gì cũng biết, học gì cũng hay. Như trong sách nói khi mới đi học, ông thày dạy viết, Thái tử đọc luôn sáu mươi tư thứ chữ ông thày chưa từng nghe thấy bao giờ. Đó cũng lại là một sự huyền, vì Phật bình sinh không viết gì bao giờ, và có lẽ thời bấy giờ chữ viết cũng chưa có; chuyện này là trong sách đời sau bịa đặt ra. - Thái tử hồi còn nhỏ đã có tính hay ngồi biệt tịch một mình, đăm đăm mà ngẫm nghĩ, tức là khởi điểm phép “nhập thiền”, “nhập định” sau này. Sách nói có một hôm vua cha cho ra đồng xem làm ruộng. Thái tử bèn thừa lúc vắng người vào ngồi dưới bóng cây, tựa gốc cây mà ngẫm nghĩ, mê đến nỗi không biết có người ở quanh mình. Vua cha lấy làm lạ ra xem thì mặt trời xế mà bóng cây không dịch, cứ yên một chỗ mà che cho Thái tử ngồi, vua lại càng kinh dị lắm; tự bấy giờ đã biết con là người phi thường vậy.

altViệc gia thất. - Thái tử đã có đủ tư cách đặc biệt như thế, chắc sau này làm nên sự nghiệp hiển hách ở đời, tưởng trong lòng vui vẻ lắm thì phải, thế mà xem người bao giờ cũng có vẻ buồn rầu u uất, cả nhà lấy làm lo. Muốn cho giải phiền, cho khuây khỏa, bèn hỏi vợ cho Thái tử. Lấy con gái ông trưởng giả Đàn-đạt-bà-ni (Dadapanie, nhất thuyết là Ma-kha-na-ma (Mahanaman), cùng giòng Thích-già, tên là nàng Giu-đa-đà-la
(Yasodhara, nhất danh là Gôpa), người nhan sắc mà tính thuần hậu.

Tuy đã lập thành gia thất mà vẫn không nguôi sự buồn sầu, có lẽ lại vì nỗi gia thất mà thêm buồn lên cũng có. Thái tử lấy nàng Giu-đa-đà-la đã lâu cũng chưa thấy có con cái gì. Mười năm mới sinh được đứa con trai, đặt tên là La-hầu-la (Râhula), nhưng bấy giờ Thái tử đã chán ngán nỗi đời lắm, quyết chí xuất thế rồi. Cho nên được tin sinh con lấy làm buồn lắm, cho là sự đời lại thêm một gánh nặng nữa, khó lòng thoát được cho đành. - Đoạn này các sách nói không giống nhau. Có sách nói rằng Thái tử đã quyết chí xuất gia, được tin sinh con thời ngã lòng thoái chí mất một độ. Lại theo sách Bắc tôn, thời không phải là mười năm sau khi cưới nhau mà là sáu năm sau khi Thái tử đã xuất gia rồi mới sinh La-hầu-la, sự đó mới kì thay. Nhưng người làm sách đời xưa không lấy thế làm lạ, cho rằng người ta có thể mang bào thai trong mấy năm cũng được. Sách nói rằng vì sự sinh muộn ấy có người nghi nàng Giu-đa-đà-la là thất tiết, nàng bèn thử một cách như sau này, ai cũng phải chịu. Nàng buộc đứa bé lên lưng con lừa (có bản nói là buộc vào hòn đá) ném xuống ao, lừa với người không chìm, vẫn nổi trên mặt nước: thế là chứng cớ hiển nhiên rằng đứa bé thật là con Thái tử? Song đó là chuyện huyền, không đủ pha sự hồ nghi. Có lẽ nàng Giu-đa-đà-la thất tiết thật mà Thái tử cũng có bụng ngờ. Có một điều đoán được, là Thái tử chắc không được mãn nguyện về đường gia thất. Song nói rằng vì cớ ấy mà Thái tử quyết chí xuất gia, thời cũng không dám quyết đoán như thế, nhưng chắc nỗi gia thất cũng có một phần trong sự lập chí xuất gia vậy. Theo cựu truyền trong sách Phật thời duyên cớ sự xuất gia tức là ở cuộc “tứ môn xuất dư”, nghĩa là bốn lần ra chơi bốn cửa thành, gặp bốn cái cảnh cảm xúc trong lòng sinh ra yếm thế. Cuộc xuất du này có lẽ cũng là một chuyện đặt ra, nhưng cũng có ý nghĩa, vì bày được ra hiển nhiên cái lí do xuất gia yếm thế của Thái tử vậy.

004Tứ môn xuất du. - Thái tử vẫn âu sầu, không có mặt vui vẻ bao giờ. Vua cha muốn làm cho khuây lòng, thường đặt ra yến ẩm múa hát luôn; lại truyền người nhà đừng để cho Thái tử trông thấy cảnh gì là buồn. Thái tử ở trong cung tuy vui sướng như thế mà tự coi như người bị giam hãm, lấy làm bực tức lắm. Một hôm muốn đi chơi, sai người đánh xe ra ngoài thành, đi về phía cửa Đông. Ra khỏi cửa thành thời trông thấy một lão già, tóc bạc da răn, lụ khụ chống gậy mà đi; hỏi thằng đánh xe người ấy là người gì, thằng đánh xe nói rằng: “Đó là cái cảnh tuổi già mình yếu, người ta ai ai cũng thế, không thể tránh được”. Thái tử nghe nói, rầu rầu không vui, truyền đánh xe về. - Không được bao lâu, lại muốn đi chơi ra cửa Nam, giữa đường gặp một người ốm sắp chết, nằm trên đống bùn lầy rác bẩn, bèn động lòng thương, thở dài mà về. - Sau lại ra chơi ở cửa picture8_600Tây, thấy một cái thây người chết nằm ở giữa đường, kinh hãi mà lui về. - Ba lần ra chơi gặp ba cái cảnh rất bi thương là cảnh già, ốm, chết, mà bấy giờ Thái tử đối với sự đời trong lòng đã thấy lạnh ngắt như tro tàn rồi. Nghĩ người ta đương trai trẻ mạnh khỏe thế này, mà rồi có lúc già yếu, rồi có lúc ốm đau, rồi có lúc chết phơi thây trên đường, thời ở đời còn sự gì là hữu thường nữa, chẳng qua là một mớ phiền não mà thôi, sống mà làm gì! Đến lần sau cùng ra chơi cửa Bắc gặp một thày sa môn (Sramana, là người tu hành), tay xách áo, tay cầm bát, từ từ mà đi, mắt không nhìn ai, coi bộ ra vô ưu vô phiền; Thái tử hỏi là người gì, thằng đánh xe nói là người tu hành cho đắc đạo để thoát khỏi mọi sự phiền não ở đời; Thái tử lấy làm cảm phục, bảo đỗ xe xuống, chào hỏi thày sa môn. Tự bấy giờ về, thề quyết chí xuất gia, làm một người sa môn để cầu lấy đạo giải thoát. Về cung xin với vua cha cho xuất gia tu đạo, vua không nghe. Bèn lập chí trốn nhà đi.

picture10_600Xuất giá. - Bấy giờ Thái tử hai mươi chín tuổi. Một hôm đương đêm khuya, gọi tên đầy tớ tin cẩn tên Xa-nặc (Channa, nhất danh là Tchandaka) đánh con ngựa yêu tên là Kiền-trắc (Kantaka), rồi hai thày tớ cũng vượt ra cửa thành chạy trốn. Sách nói rằng đêm ấy có thiên thần xuống giúp, nên lính canh thành ngủ mê mở cửa không biết, lại làm cho ngựa chạy không có tiếng kêu. Đi xa thành được ít nhiều, Thái tử truyền tên đầy tớ dắt ngựa về, rồi đi vào một khu rừng gần đấy, sẵn gươm đeo bên mình, cầm lấy mớ tóc trên đầu cắt bỏ đi. Giữa lúc bấy giờ có người đi săn qua đấy (sách nói là thần run rủi đến), Thái tử bèn cởi những áo gấm vóc đương mặc đổi lấy bộ quần nâu áo vải của người thợ săn. Tự bấy giờ thì ông Thái tử Tất-đạt-đa đã nghiễm nhiên thành thày mâu-ni họ Thích-già vậy. Vậy từ đoạn này cho đến hồi đắc đạo, ta không gọi là Thái picture11_600tử nữa mà gọi là Thích-già-mâu-ni (sách Tàu đoạn này xưng là “bồ tát”), còn từ hồi đắc đạo về sau ta sẽ gọi là Phật vậy. - Thích-già đã cải trang như thế, không ai nhận biết nữa, bèn đi chân đến thành Phệ-xá-li (Vaisali), theo học ông đạo sĩ A-la-đạt Già-la-ma (Arata Kalama). Nhưng không được bao lâu biết rằng đạo sĩ dạy chưa phải đường, lại đi đến thành Vương-xá (Radjagriha), là thủ đô nước Ma-yết-đà. Thích-già đến đấy, người trong thành lấy làm lạ, lại xem đông lắm. Vua Tần-bà-sa-la là một ông trong bốn ông vua cùng sinh một ngày với Thích-già, nghe tin đến tận nơi thăm hỏi cảm phục lắm, đến nỗi bàn xin chia ngôi với Thích- già nhưng người không thuận, nói rằng chí còn muốn đi học cho đắc đạo. Vua bèn xin hễ khi nào đắc đạo thời nhớ mà về độ cho vua. Từ biệt vua rồi, Thích-già đi vào vùng núi gần đấy, vào học ông tiên nhân (rishi) Lư-la-già (Rudraka) là con ông La-ma (Râma) có picture12_600tiếng giỏi hơn đạo sĩ A-la-đạt. - Xét như đây thì biết tuy trong sách Phật thường nói đạo Phật là tự Phật tổ giác ngộ mà lập ra, hoặc là tự Phật tổ tiếp thụ được các Phật đời trước mà truyền cho đời nay, song cũng từng công nhận rằng Phật tổ có đi học và có thày vậy. Vẫn biết rằng trong sách cho các thày ấy là học lầm dạy sai cả, nhưng đạo các thày ấy chắc không phải là không có ảnh hưởng cho đạo Phật sau này. Song, còn có một sự hồ nghi, là những thày trong sách kể tên ra đó có phải thật đã dạy Phật học đạo không, và ngoài những thày ấy Phật còn theo học thày nào nữa không. Vì thời bấy giờ có một thày danh tiếng tên là Mahavira (nhất danh là Nataputta), lập ra một phái thịnh hành lắm, sau này cũng thành một tôn giáo gọi là đạo “Jain” (Jainisme). Xét trong sách kinh của đạo Jain thời nói rằng Mahavira có một người học trò giỏi tên là Cồ-đàm. Cồ-đàm này có phải là Thích-già-mâu-ni không? Vấn đề đó, các nhà bác học đã xét đến, nhưng chưa giải quyết được. Nếu Thích-già quả có học thày đạo Jain thật, mà trong sách Phật không nói đến, thời lẽ đó cũng dễ hiểu, vì người đời sau này muốn chứng đạo Phật là tự Phật tổ lập ra, không phải học ở ai, nên chỉ chép những thày ngoại đạo không có danh tiếng gì, mà đến thày có danh tiếng, có ảnh hưởng về đạo Phật, thời bỏ sót không nói đến. Tuy nhiên có một điều chắc được, là đạo Phật dù thế nào cũng có chịu ảnh hưởng ít nhiều của các giáo đương thời, không lẽ không vậy. Vấn đề ấy ta sẽ bàn kĩ về sau.

picture13_600Khổ hạnh. - Thích-già đi hết thày nọ sang thày kia, xét ra không thày nào dạy phải đường, lấy làm chán, bỏ Vương-xá-thành đi vào một miền cùng tịch, đến một cái rừng ở trên núi Già-đồ (Gaya), trong sách Phật về sau gọi là “Khổ hạnh lâm”, - ở đấy sáu năm, cùng với năm người đồ đệ, thi hành những phép khổ hạnh rất nguy hiểm và rất khó khăn, đến nỗi chỉ ăn một ngày một hột gạo, nhịn thở, và làm nhiều cách cực khổ nữa. Người quanh vùng đấy thấy thế thường cười đùa giễu cợt, cứ gọi tên thày sa môn Cồ-đàm mà chế bác. Họ nói: “Thày sa môn Cồ-đàm người đen thui thủi; thày sa môn Cồ-đàm mặt xanh ngăn ngắt; thày sa môn Cồ-đàm hôi như cá úi”. Được sáu năm thời thân thể suy nhược quá, chỉ còn xương bọc da, bấy giờ mới biết mình làm thế là sai đường và không phải cứ khổ hạnh mà đắc đạo, bèn quyết đổi cách tu hành, đi xuống một làng gần đấy tên là Uruvitva ở trên bờ sông Ni-liên (Nairandjâna), gặp được hai người con gái chăn trâu tên là Nan-đà (Nada) và Ba-la (Bala) -nhất thuyết là một người con gái trong làng tên là Sudjata - đem sữa và mật cho ăn, mới tỉnh dần người ra. Bấy giờ năm người đồ đệ kia, thấy Thích-già thôi khổ hạnh, chê là người chưa được thoát tục, còn bụng tham sinh, bỏ mà đi tu hành nơi khác. Thích-già thời được bát sữa ăn, người đã thấy mạnh dần; xuống sông tắm, lại càng thêm khoan khoái. Chẳng bao lâu mà người lại được tươi tỉnh đẹp đẽ như xưa.

picture14_600Đắc đạo. - Tự bấy, quyết bỏ những phép khổ hạnh vô lí đã theo lầm trong sáu năm, nhưng cũng không trở về đời tự nguyện giữ lấy cái “trung đạo”, là con đường giữa, không say mê sự đời, cũng không khắc khổ hại thân, chắc rằng đường ấy mới là đường phải, cứ theo có ngày đắc đạo. Bèn đi vào trong bãi tha ma, nhặt được mảnh vải bọc thây người chết, khoác làm áo mặc rồi tìm một nơi tĩnh mịch, để ngồi ngẫm nghĩ, “nhập định” cho thấu lẽ đạo. Theo tục truyền thời các Phật đời trước thường ngồi dưới gốc cây “bồ đề” mà đắc đạo. Vậy tìm đến dưới gốc một cây bồ đề, rải cỏ làm như cái chiếu, rồi khoanh chân ngồi tựa gốc cây, thề rằng ngồi đấy cho kì đắc đạo chưa đắc đạo không đứng lên vội. Đời sau gọi tên chỗ ấy là “bồ đề đạo trường” (bodhimanda) hay là “kim cương tọa” (vandjrasana), và cây ấy là “bồ đề bảo thụ” (bodhidruma), nghĩa là chỗ ông “bồ picture16_600tát” (cả chữ là “bồ đề tát thùy” (bodhidruma) ngồi đắc đạo thành Phật. Trong khi Bồ tát Thích già ngồi “nhập định” dưới cây bồ đề, thời Ma vương (Mâra) là vua các yêu tinh ma quỷ đến làm phản nạt nga cám dỗ để ngăn trở cho không thành đạo. Trước còn nổi mưa bão sấm sét, bắn tên bắn đạn vào chỗ Bồ tát ngồi, dùng hết cách bạo động cho Bồ tát sợ, Bồ tát vẫn cứ điềm nhiên, tên bắn như mưa mà không cái nào trúng, chệch ra ngoài cả; Ma vương thấy cách bạo động không ăn thua gì, dùng đến cách huyễn mị; sai ba đứa con gái là ba con yêu tinh cùng với một đoàn thị tì thể nữ, ăn mặc lõa lồ, nói năng ngon ngọt, đến dỗ cho Bồ tát xiêu lòng; Bồ tát vẫn kiên như đá, vững như đồng, không tài nào suy chuyển được Trong sách lại nói rằng Bồ tát dùng phép thần thông tức khắc biến ba đứa con gái đẹp thành ba lão già làm cho bọn yêu tinh khiếp phải lui về cả, và Ma vương cũng biết tay không dám trêu nữa.

picture17_600Bồ tát đã thắng phục được Ma vương, đến quá nửa đêm thời đại ngộ đắc đạo. Sách Phổ diệu kinh kể sự đắc đạo như sau này: “Bồ tát ngồi dưới gốc cây, đã giáng phục được ma oán, bèn thành chính chân giác dựng đại pháp tràng độ thoát tam giới. Trong khi ngồi lặng dưới gốc cây đã trải qua bốn bậc “thiền định” (dhyâna) thật là mở đường tắt cho người tu đạo về sau. Ý đã thanh tịnh, vị chi nhất thiền tĩnh nhiên thủ nhất, chuyên tâm bất dịch, vị chi nhị thiền; trong lòng đã bình tĩnh, trông rõ chân tướng mọi sự, vị chi tam thiền; lòng không y thiện, cũng không phụ ác, không khổ không vui, bình thản như không, tịch nhiên không biến, vị chi tứ thiền. Thế gọi là đạo vô vi độ thế vậy. Bỏ cái gốc ác, trừ những bụng dâm, nộ, mê, thoát được vòng sinh tử, đoạn được các chủng căn, không còn để đi nghiệt về sau, việc làm đã thành, trí tuệ đã tỏ, lúc sao mai mọc thời khuếch nhiên đại ngộ, được cái đạo “vô thượng chính chân”, “tối chính giác”, cùng các pháp lực của các Phật đời trước đều được hết cả. Lại có thể hồi ức những việc các kiếp trước, nói rằng: “Ta còn nhớ hồi Phật Đĩnh-quang (Dipamkara) đã báo trước cho ta biết rằng kiếp này ta sẽ thành Phật, hiệu là Thích-già, nay quả như vậy, thật là cái công cần khổ sở cầu trong bao nhiêu kiếp, tới nay đã thành vậy. Lại nhớ lại các kiếp trước mình đã làm được những việc gì là đạo đức, từ hiếu, nhân nghĩa, lễ tín, đã từng chung chính thủ thân, hư tâm học thánh, nhu nhược tĩnh ý, làm sáu bậc vô cực bố thí, trì giới nhẫn nhục, tinh tiến một lòng trí tuệ lại làm những việc từ bi hỉ hộ, tùy thời dưỡng dục chúng sinh, như thương con đỏ: công phu ấy thật đã không uổng vậy”

phatthichcaTheo các Phạn kinh thời đêm hôm ấy Thích-già đắc đạo là giác ngộ được bốn bậc như sau này: 1) thông tỏ cả việc các kiếp trước; 2) trừ khử các ác căn ở trong lòng và được các tuệ nhỡn để thấu xét mọi sự; 3) lí hội được “thập nhị nhân duyên” là cái lưới giam chúng sinh trong vòng luân hồi; 4) phát minh được “tứ diệu đề” là bốn điều cốt yếu để giải thoát khỏi vòng sinh tử. Đã được bốn bậc như thế, thời là nghiễm nhiên thành Phật. Tự đó Thích-già mới đắc danh là Phật, bấy giờ ba mươi lăm tuổi. Từ trước hãy còn là Bồ tát, nhưng thành Bồ tát đã lâu lắm rồi, từ mấy kiếp trước tu hành đã đắc đạo, chỉ muốn giáng sinh xuống hạ giới một lần cuối cùng để siêu độ cho chúng sinh, rồi mới thành Phật. - Chỗ Thích-già thành Phật ấy, tương truyền rằng bây giờ hãy còn, nơi gọi là Phật-đà-già-đồ (Buddha Gaya). Ở đấy có một cây lớn, tương truyền chính là cây bồ đề; Chính phủ Anh có cho đặt hàng rào sắt để giữ chung quanh. Gần đấy còn thấy những bia đá, có chữ đề, chứng rằng đời nào thiên hạ cũng lấy đấy làm một nơi trảy lễ đông.

Thích-già mâu-ni đã thành Phật, còn ở lại đấy bảy tuần lễ nữa, hoặc ở ngay dưới cây bồ đề, hoặc ở dưới các cây trong vùng gần đấy, hay là ở trên bờ hồ, bờ suối cũng trong một miền ấy. Theo sách kinh thời Phật ở bốn tuần lễ dưới cây bồ đề, tuần thứ năm ở dưới cây đa (nyagrodha) của bọn chăn dê thường đến nghỉ mát, tuần thứ sáu ở gần hồ Mutchalinda, tuần thứ bảy ở dưới cây târâyama. Trong suốt hồi bấy giờ Phật tĩnh tọa mà nghiền ngẫm về các phép đạo huyền diệu bí hiểm; sách nói rằng gặp khi mưa to gió lớn thời có những thần rồng thần rắn (naga) xuất hiện, phủ quanh mình cho khỏi gió mưa; khi đói thời các thiên thần đem những nước cam lộ tẩm thấm vào người cho no. Bấy giờ Ma vương lại đem yêu tinh đến trêu nữa, nhưng thấy hào quang Phật, sợ không dám làm gì. Nói tóm lại, thời bảy tuần lễ thơ thẩn dưới gốc cây trên bờ nước ấy, là hồi Phật đã đắc đạo rồi, mà trong lòng còn lưỡng lự phân vân, chưa biết có nên đem ra tuyên bố cho đời không. Về sau này Phật có nói rằng: “Hồi bấy giờ ta đã đại ngộ, biết rằng đắc đạo rồi, nhưng thấy đạo ta mầu nhiệm quá chừng, ngờ không biết đem ra dạy cho người đời, người đời có hiểu được không”. Trong lúc ấy thời sách chép rằng Phạn vương (Brahma) và các thiên vương khác ở trên trời, sợ rằng Phật ngã lòng không muốn ra tuyên giáo cho đời, bèn xuất hiện xuống để khuyến thỉnh Phật. Bấy giờ Phật động lòng thương chúng sinh trầm luân trong bể khổ, mới quyết chí ra “chuyển pháp luân” để cứu nhân độ thế. Vào khoảng cuối tuần thứ bảy, có một đoàn buôn năm trăm cỗ xe của hai chủ lái Đế-lê-phú-bà (Trapucha) và Bạt- lê-già (Bhallika) đi qua đấy, thấy Phật đã lâu chưa ăn uống gì, làm bát đồ ăn ngon dâng Phật, rồi xin Phật độ cho. Hai chú lái ấy tức là hai người được nghe Phật dạy trước nhất cả. Song chưa thể gọi được là môn đồ Phật vì môn đồ Phật phải làm tỉ-khưu (bhiksu), nghĩa là phải đi tu học đạo, hai người mới là đầu bọn “ưu-bà- tắc” (upasaka) mà thôi, nghĩa là ngôi vẫn ở đời mà có bụng mộ đạo.

picture19_600Phật thuyết pháp lần thứ nhất. - Song được ít nhiều người theo đạo cũng chưa đủ, cần phải khuyến dụ lấy nhiều môn đồ, truyền bá cho khắp mọi nơi, nghiễm nhiên sáng lập ra một tôn giáo mới vậy. Việc ấy thật là to tát, nhưng Phật không có nản lòng. Nay truyền đạo thời truyền cho ai trước nhất? Bấy giờ Phật mới nhờ đến hai thày dạy học năm xưa là A-la-đạt và Lư-la-già, là người tu hành đã lâu, nay thuyết pháp cho nghe, chắc dễ hiểu được ngay. Bèn đi tìm đến chỗ cũ nhưng hai thày vừa mới mất cả rồi. Phật lại nghĩ đến năm người đồ đệ đã cùng mình tu luyện khổ ở Khổ hạnh lâm, trên núi Già-đồ; được tin năm người ấy đã về thành Ba-nại-la (Bénarès) rồi, Phật bèn đi ra thành ấy. Giữa đường gặp một thày sa môn tên là Ưu-ba-già (Upaka) hỏi Phật đi đâu và có phải là bậc la hán không, Phật đáp rằng chính là bậc la hán và nay đi ra thành Ba-nại-la để thuyết pháp. Năm người đồ đệ bấy giờ ở trong vườn Lộc-giã, nơi gọi là Richipatana, vẫn làm phép khổ hạnh như khi ở núi Già-đồ. Năm người đã bàn với nhau rằng hễ thày sa môn Cồ-đàm có tới thời chỉ nên tiếp một cách lạnh nhạt. Khi trông thấy Phật đến, năm người không thèm đứng dậy ra đón. Nhưng Phật càng lại gần thời như có cái sức mạnh gì nó bắt năm người kia phải chạy ra mời vào, và tỏ lòng cung kính. Phật ngồi yên chỗ rồi mới báo cho năm người biết rằng mình đã đắc đạo và thuyết pháp cho năm người nghe. Lần thuyết pháp này là lần đầu, nói về “tứ biểu đề”, chính là gồm cả tinh túy của đạo Phật. Kinh Mahavagga của Nam tôn thuật lại đoạn này tường lắm, xin dịch ra như sau này (theo bản Pháp văn của Oldenberg Foucher):

“Thế tôn đi lần lần từng chặng, sau mới đến thành Ba-nại-la, tới cái vườn nuôi giống thú gọi là Isipatana (tức là Richipatana ở trên, đây là dịch theo tiếng Nam Phạn), năm thày sa môn tu hành ở đấy. Năm thày trông thấy Thế tôn ở đàng xa đi lại, bảo nhau rằng. “Này các anh, thày sa môn Cồ-đàm lại kìa, thày ăn sung mặc sướng, thày đã bỏ lòng tu đạo để ăn sung mặc sướng. Ta không nên tỏ lòng kính trọng, ta không nên đứng dậy đón thày, không nên cất áo cất bát cho thế ta chỉ nên dọn cho thày một chỗ ngồi; thày muốn ngồi thì ngồi”.

“Nhưng Thế tôn càng lại gần năm thày thời năm thày càng không thể gan được, năm thày đứng lên đón Thế tôn; một thày cất bát cất áo, một thày dọn dẹp chỗ ngồi, một thày lấy nước rửa chân, đặt cái ghế ngồi, lấy gỗ kê chân. Thế tôn ngồi lên ghế, ngồi xong rồi rửa chân.

picture29_600“Nhưng năm thầy nói với Thế tôn vẫn gọi tên và kêu là “anh”. Năm thày nói như thế, Thế tôn bảo năm thày rằng: “Này các thày sa môn, các thày đừng gọi Như-lai (Tathagata) bằng tên, đừng kêu Như-lai là bạn. Như-lai là thánh nhân, Như-lai là toàn Phật. Các thày nên lắng tai mà nghe, đạo giải thoát đã tìm được rồi: ta dạy cho các thày biết, ta thuyết pháp cho các thày biết, ta thuyết pháp cho các thày nghe. Các thày nghe ta dạy thời chẳng bao lâu cái gì mà những kẻ thanh niên tuấn tú yêu mến đến nỗi vì đó bỏ cửa bỏ nhà, tha thẩn mọi nơi, cái ấy các thày sẽ được, các thày sẽ thấy những sự hi vọng tối cao được hoàn toàn thành tựu; ngay đời nay các thày sẽ được biết phép mầu, các thày sẽ được trông thấy phép mầu ngay trước mắt”.

“Thế tôn nói như thế, năm thày sa môn bảo Thế tôn rằng: “Này anh Cồ-đàm, xưa kia anh tu hành, anh khổ hạnh, còn chưa được toàn trí, được chính giác, được phép mầu trọn vẹn của bậc thánh nhân, huống nữa ngày nay anh ăn sung mặc sướng, anh bỏ lòng tu đạo để ăn sung mặc sướng, anh còn mong được toàn trí, được chính giác, được phép mầu trọn vẹn của bậc thánh nhân sao?”

“Năm thày sa môn nói thế, Thế tôn bảo năm thày rằng: “Này các thày sa môn. Như-lai không có ăn sung mặc sướng. Như-lai không có bỏ tu đạo để ăn sung mặc sướng. Như-lai là thánh nhân, Như-lai là toàn Phật. Các thày nên lắng tai mà nghe, đạo giải thoát đã tìm được rồi, ta dạy cho các thày biết, ta thuyết pháp cho các thày nghe. Các thày nghe ta dạy thời chẳng bao lâu cái gì mà những kẻ thanh niên tuấn tú yêu mến đến nỗi vì đó bỏ cửa bỏ nhà, tha thẩn mọi nơi, cái ấy các thày sẽ được, các thày sẽ thấy những sự hi vọng tối cao được hoàn toàn thành tựu; ngay đời nay các thày sẽ được biết phép mầu, các thày sẽ được trông phép mầu ngay trước mắt”.

(Năm thày kia lại nói lại, Phật lại đáp lại hai lần như thế. - Các kinh Phật thường nói láy đi láy lại nhiều lần như thế, biệt thành ra một lối văn riêng).

“Năm thày sa môn nói như thế. Thế tôn bảo năm thày rằng: “Này các thày sa môn, các thày nhận có phải trước kia chưa bao giờ ta nói với các thày như thế không?”

“- Tôn sư chưa nói như thế bao giờ.

“ Này các thày sa môn, Như-lai là thánh nhân, Như-lai là toàn Phật. Các thày nên lắng tai nghe, đạo giải thoát đã tìm được rồi v.v...

“Bấy giờ năm thày lại nghe Thế tôn nói, lắng tai mà nghe, chú ý mà học.

picture30_600“Thế tôn bèn nói cho năm thày nghe như sau: “Này các thày sa môn, ở đời có hai sự thái quá, người tu đạo phải lánh cho xa. Hai sự thái quá là gì? Một là đam mê trong vòng sắc dục: như thế thời hèn xấu, trái với đạo lí, uổng công không đáng. Một là bắt buộc những sự khổ hạnh: như thế thời cực lắm, mà cũng uổng công không đáng. Này các thày sa môn, hai sự thái quá ấy, Như-lai đều lánh xa cả. Như-lai đã tìm được con đường đi giữa, để mở mắt mở trí cho người ta, khiến cho tinh thần được bình tĩnh, được thông tỏ, được sáng suốt, được tới cõi nát bàn (Nirvâna). Vậy các thày có biết con đường giữa mà Như-lai đã tìm được ấy, con đường để mở mắt mở trí cho người ta, khiến cho tinh thần được bình tĩnh, được thông tỏ, được sáng suốt, được tới cõi nát bàn ấy, là gì không? Con đường thần diệu ấy được gọi là “bát chính”: 1) chính kiến (sam-yaksadrsti), nghĩa là thành thực mà tin đạo; 2) chính tư duy (samyasankalpa), nghĩa là thành thực mà suy xét; 3) chính ngữ (samyakvâkram), nghĩa là thành thực mà nói năng; 4) chính nghiệp (samykkarmanta), nghĩa là thành thực mà làm việc; 5) chính mệnh (samya- kjivara), nghĩa là thành thực mà mưu sinh; 6) chính tinh tiến (samyakyyayâma), nghĩa là thành thực mà mong tới; 7) chính niệm (samyaksmrti), nghĩa là thành thực mà tưởng nhớ; 8) chính định (samyaksamâdhi), nghĩa là thành thực mà ngẫm nghĩ. - Này các thày sa môn, ấy đó là con đường trung đạo. Như-lai đã phát minh ra được, để mở trí cho người ta, khiến cho tinh thần được bình tĩnh, được sáng suốt, được tới cõi nát bàn.

“Này các thày sa môn, đây là phép mầu về sự khổ: sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, cái gì không ưa mà phải hợp là khổ, cái ưa mà phải rời là khổ, cái gì muốn mà không được là khổ, nói tóm lại triền miên trong ngũ trọc là khổ (5).

“Này các thày sa môn, đây là phép mầu về nguyên nhân sự khổ: nguyên nhân sự khổ là lòng tham sống, vì
tham sống nên phải luân hồi sinh tử, càng tham càng muốn, càng được càng tham, tham sống, tham sướng, tham mạnh (6)

“Này các thày sa môn, đây là phép mầu về sự diệt khổ: diệt khổ phải tiêu trừ lòng tham dục, phải giải thoát cho hết lòng tham dục, không để cho còn một chút nào (7).

“Này các thày sa môn, đây là phép mầu về đạo diệt khổ; đạo diệt khổ tức là đạo bát chính: chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mệnh, chính tinh tiến, chính niệm, chính định.

“Đó là phép mầu về sự khổ. Các thày sa môn coi đó thời biết những quan niệm ấy trước kia chưa ai nghĩ đến, mắt ta đã trông tỏ được; nhờ đó mà ta được biết, được rõ, được sáng, được tỏ. - Phép mầu về sự khổ ấy, cần nên phải hiểu mới được. - Phép mầu về sự khổ ấy, ta đây đã hiểu rõ rồi. - Các thày sa môn coi đó thời biết những quan niệm ấy trước kia ai nghĩ đến, mắt ta đã trông tỏ được; nhờ đó mà ta được biết, được rõ, được sáng, được tỏ.

“Đó là phép mầu về nguyên nhân sự khổ, v.v.. (Mỗi phép lại láy lại theo một giọng như trên).

“Này các thày sa môn, bốn phép màu trên ấy, trong khi ta còn chưa được thông tỏ rõ rệt, mỗi phép thành ba phần, bốn phép mười hai khoản (8), thời ta vẫn biết rằng trong cõi đời này, cùng với các cõi đời của chư thiên, của Ma vương, của Phần vương trong vòng nhất thiết chúng sinh, cùng các sa môn, các phẫn chí, chư thiên, chư nhân, ta chưa được tới bậc chí tôn là bậc Phật vậy. Này các thày sa môn, nhưng từ khi bốn phép ấy, ta được thông tỏ rồi, mỗi phép thành ba phần, bốn phép mười hai khoản, thời từ bấy giờ ta biết rằng trong cõi đời này, cùng với các cõi của chư thiên, của Ma vương, của Phần vương, trong vòng nhất thiết chúng sinh, cùng các sa môn, các phẫn chí, chư thiên, chư nhân, ta đã được tới bậc chí tôn là bậc Phật vậy. Ta đã nhận, ta đã biết như thế tâm hồn ta được vô cùng giải thoát; đời này là cuộc sinh cuối cùng của ta; kể tự nay trở đi, ta không còn sinh nữa”.

“Thế tôn nói như thế, năm thày sa môn hoan hỉ, ngợi khen lời Thế tôn dạy...”

Ấy cứ trong sách Phật của Nam tôn thời lần đầu Phật thuyết pháp cho năm thày sa môn như thế. Sách Bắc tôn chép cũng giống, nhưng không được tường tận như vậy. Lần thuyết pháp đầu ấy sách gọi là “chuyển pháp luân” (dharma tchakrapravartanam), Tây dịch là “tourner la roue de la toi”. nghĩa là quay bánh xe phép. Tuy năm thày sa môn đều hoan hỉ lĩnh giáo, song lần đầu ấy mới có một thày Kiều-trần-như (Kaundinya) là cảm hóa theo Phật, bởi thế nên được hiệu là "Thiện-thính" (Adjnyâta). Bấy giờ cho thày là đệ nhị la hán, đệ nhất la hán là Thích-già. Còn bốn thày kia thời phải thuyết pháp một lần nữa mới cảm hóa được, lần này không có tên riêng, nhưng có thể gọi là thuyết pháp về lẽ “vô ngã”. Trong khi Thích-già truyền phép, thời năm người môn đồ cắt lần cắt lượt nhau ra ngoài thành xin của bố thí về để thày trò cùng ăn. Khi truyền phép đã xong, ai nấy đã hiểu, thời sách Phật nói bấy giờ trong đời cả thảy có sáu vị la hán, tức là Thích-già mâu-ni và năm người đồ đệ vậy. Năm người ấy là Thiện-thích Kiều-trần-như (Adjnyâta Kaundinya), A-xả-bà-đồ (Asvadjit), Bạt-ba (Vâchpa), Ma-kha-na-ma (Mahânâma), và Bạt-đà-la-đồ (Bhadriko); tức là khởi điểm hội tăng già (sangha) sau này. Vì rút lại Thích-già mâu-ni chẳng qua là người sáng lập ra một đoàn tu đạo đi hành khất và ăn của bố thí mà thôi, thế mà sau ảnh hưởng sâu xa biết bao, thế lực bành trướng dường nào?

Phật ra tay truyền đạo. - Tự bấy giờ cho đến ngày nhập “nát bàn”, nghĩa là trong một khoảng bốn mươi lăm năm, Phật đi truyền giáo khắp mọi nơi, tăng hội mỗi ngày một thêm người thụ giới, phải tùy sự yếu cần đặt ra phép tắc, quy định mọi việc, lại giao thiệp với những nơi quyền quý, để mong có người bảo hộ lâm thời; gặp kẻ nào phản đối, phải biện bác cho được; nói tóm lại thời từ khi thành Phật cho đến khi “nát bàn”, thật đã hết sức truyền bá cho đạo ngày một rộng, gây dựng cho giáo hội vững bền. Trong ngót nửa thế kỉ ấy, công việc của Phật rất nhiều, không thể kể sao cho hết. Nay chỉ kể đại khái mấy việc trọng yếu như sau này.

Phật ở thành Ba-nại-la (Bénarès) ít lâu, độ cho chàng Gia-xá (Yasas), cho bốn người dân trong thành, và luôn một lúc năm mươi người nữa, rồi đi ra Ưu-lâu- tần-loa (Uruvilva), gần gũi Già-đồ (Gaya), có ý muốn độ cho ba anh em họ Già-diệp (Kasyapa): Ưu-lâu-tần-loa, Na-đề (Nadi), Kiệt-di (Gayâ) và Già-diệp, ba người là tay đạo sĩ có tiếng, lại có phép thần thông, môn đồ tới nghìn người, đều tết tóc thành “bím”, nên có tên là “phái để bím”! (djâtila). Trong khi đi đường, Phật gặp một lũ sáu mươi chàng thiếu niên phóng túng, chỉ nói chuyện chơi bời, Phật dụ cho có lòng cải quá. Tới nơi, Phật độ cho ba anh em Già-diệp cùng hai trăm năm mươi đồ đệ của mỗi người. Đoạn, họp cả nghìn người ấy lên trên núi Già-đồ, thi hành những phép kì thuật lạ cho mọi người cảm phục, rồi thuyết pháp cho nghe, nói về tình dục người ta, ví như ngọn lửa, đốt cháy tâm can, người nào tu đạo, phải tắt cho hết mọi lửa-dục tình. Lần thuyết pháp ấy tức là lần thứ ba từ khi đắc đạo gọi tên là “thuyết pháp về lửa cháy” (Aditta payâya); các nhà bác học Tây có khi gọi là “Thuyết pháp trên núi” (Lesermon sur la montagne) là có ý so sánh với truyện Đức Giám Cơ đốc cũng có một lần thuyết pháp ở trên núi như vậy.

Tự đấy rồi Phật đi ra Vương-xá-thành, đi cùng với cả bọn đồ đệ mới hơn một nghìn hai trăm người. Khi Phật vào thành, nhân dân hoan nghênh cổ vũ lắm. Trong sách nói thần Đế thích (Indra) cũng phải tự trên trời xuống hiện hình múa đón trước mặt. Vua Tần-bà- sa-la (Bimbisara) xuất quan quân ra tận ngoài thành đón, vui vẻ lắm. Vua mời Phật cùng các đồ đệ vào ở trong vườn Trúc-viên (Venuvâna). Vườn này rồi sau dựng tịnh-xá (vihâra) (9), Phật thường đi về đấy luôn.

Vua thời trong khi tại vị vẫn một lòng một đạo, hết sức bảo hộ. Ở Vương-xá-thành, Phật độ được hai người đệ tử trứ đanh về sau này, gọi là hữu thủ và tả thủ đệ tử: Xá lợi-phất (Sariputra) có tiếng là người khôn ngoan đạo đức và Mục-kiện-liên (Modgalyâyana), có tiếng là người tài lạ phép kỳ. Trong khi Phật còn ở Vương-xá-thành, có một nhà trưởng giả ở nước Kiều-tát-la (Kosala), tên là Tu-đạt (Sudatta), người giàu có nhân đức hay chẩn cấp cho kẻ nghèo nàn, nên dân gian thường gọi là “Cấp cô độc” (Anathapindika), nghe tiếng Phật, bèn đến mời Phật về Xá-vệ-thành (Srâvasti) là kinh đô nước Kiều-tát-la, rồi cùng với Thái tử trong nước tên là Kỳ-đà (Jeta) dâng Phật một nhà tịnh xá đẹp đẽ gọi là Kỳ-viên (Jetavana). -Thuộc về nhà tịnh xá này, sách Phật có thuật một truyện lạ. Trong Hiền ngu kinh chép rằng: “Tu-đạt sau khi tiếp mặt Phật, bạch Phật rằng: “Xin nguyện Như-lai, về thành Xá-vệ, độ cho chúng sinh, trừ tà tựu chính”, Thế tôn đáp rằng: “Ở thành Xá-vệ không có tịnh xá.” Tu-đạt nói: “Đệ tử xin khởi nguyện, mong Thế tôn cho phép.” Thế tôn không nói gì(9). - Khi Tu-đạt về Xá-vệ, Phật sai Xá-lợi-phất (Sariputra) đi theo để chọn đất. Tìm mãi không được chỗ nào địa thế tốt, duy có cái vườn của Thái tử Kỳ-đà là nơi tiện đặt nhà tịnh-xá hơn cả. Tu-đạt bèn đến nhà Thái tử bạch rằng: “Tôi nay muốn vì Như-lai, lập nhà tịnh-xá, Thái tử có vườn tốt, xin bán cho tôi mua”. Thái tử nói: “Ví ngươi đem vàng, rải khắp mặt đất, không sót chỗ nào, ta sẽ cho ngươi.” Tu-đạt sai người đánh voi khiêng vàng lại, vụt chốc tám mươi khoảnh đất, vàng gần khắp cả, chỉ còn sót một ít nữa. Thái tử hỏi: “Thế nào, ngươi hết vàng rồi sao?” Tu-đạt đáp: “Thưa không, tôi còn kho nữa.” Thái tử bấy giờ tự nghĩ rằng: Phật tất có Đại đức mới khiến được người này khinh của như vậy bèn cho thôi, không phải đem vàng lại nữa, nói rằng: “Đất vườn của ngươi, cây cối của ta, ta xin dâng Phật, cùng dựng tịnh-xá”. Tu-đạt ưng thế, tức tiện khởi công, khởi lập tịnh-xá. Đặt một điện (tchaitya) để Phật thuyết pháp, dựng biệt phòng để một nghìn hai trăm đệ tử trụ trì, chia ra một trăm hai mươi xứ, mỗi xứ mười phòng, v.v.. - Chuyện “bố kim mãi địa” (rải vàng mua đất) ấy không biết có thật đúng như thế không, nhưng cũng đủ chứng rằng đương Phật sinh thời đã có người mộ đạo Phật đến phí của một cách cực hào phóng mà không tiếc vậy.

Kỳ-viên (Jétavana) là nơi Phật thường ở luôn, dù đi thuyết pháp đâu rồi cũng hay về đấy. Song Phật bình sinh vẫn không có định cư. Chính ngay ở Xá-vệ, Phật cũng còn ở một nơi nữa, gọi là Đông-viên (Purvaramà), của một người tên là Visâkhâ dâng.

Phật đến Xá-vệ, thiên hạ ra xem đông lắm. Vua Ba-ti-nặc (Prasénajit) cũng như vua Tần-bà-sa-la cùng sinh một ngày với Phật, nghe nói có Phật đến chưa tin, không ngờ rằng người còn trẻ thế mà đã đắc đạo rồi, bèn thân hành đến xem và chất vấn về đạo. Phật thuyết pháp cho vua nghe, giải ngờ cho vua rõ. Bài thuyết pháp ấy gọi là “Thiếu niên kinh” hay là “Gương thiếu niên” (Dahara Sutra, Kumara drichtânta sutra), là một bài trứ danh nhất của Phật.

Từ thành Xá-vệ, Phật trở về thành Già-tỉ-la (Kapilavastu) là tỉnh nhà, đã hơn sáu năm nay chưa về. Vua cha, cả nhà, và cả dân trong thành thỉnh cầu mãi Phật mới chịu về. Phật về, mọi người đều vui vẻ đón rước, rồi cùng với đệ tử trụ trì trong vườn Ni-cư-đà (Nyagrodha), vì Phật đã xuất gia rồi, không còn để chân vào cung điện cũ nữa. Tự khi Phật về nhà, nhân dân nao nức theo đạo, người ta ham mê nhiệt thành quá, ai cũng có cái chí xuất gia. Bao nhiêu những nhà sang trọng trong giòng Thích-già đều xin bỏ nhà thụ giới. Chính vua Tĩnh-phạn (Suddhodana) cũng nhường ngôi để đi tu. Sách nói trong thành Già-tỉ-la bấy giờ đầy những tiếng đàn bà con gái than khóc, kẻ mất cha, người mất chồng, người mất con, vì bao nhiêu đàn ông con trai đua nhau đi tu gần hết cả. Bấy giờ Phật phải đặt phép hạn chế sự nhiệt thành quá như vậy, định rằng mỗi nhà chỉ được một người thụ giáo mà thôi, và con trẻ thời phải cha mẹ thuận mới được. Trong số những đệ tử Phật độ cho ở Già-tỉ-la thời có em Phật là Nan-đà (Nanda), con Phật là La-hầu-la (Rahula), em họ là A-nan-đà (Ananda), sau này thành người đệ tử thân tín của Phật, và Đề-đà-đạt-đa (Devadatta), sau này thành người cừu địch thâm thù với Phật; rồi đến anh thợ tên là U-ba-li (Upali) sau đắc đạo và có công to lớn trong việc tập thành bộ Tam tàng, v.v. .

Một việc quan trọng nhất trong khi Phật về ở Già- tỉ-la là sự cho đàn bà đi tu, và khởi đầu đặt ra một ban tỉ khưu-ni (bhiksuni) trong tăng già. Dì Phật là bà Ba- đồ ba-đề (Prajâpati) cùng với nhiều các bà khác trong giống Thích-già, nghe Phật thuyết pháp lấy làm cảm phục lắm, cố xin cho thụ giới. Phật trước còn không cho, nhưng A-nan thay lời các bà, nói khẩn khoản mãi, Phật mới chịu nhận. Tự đấy, trong tăng già (sangha) mới bắt đầu có vừa tỉ-khưu (bhiksu), vừa tỉ khưu-ni (bhiksuni). Song xét ra Phật cũng là miễn cưỡng mà cho vào, không có ý chăm chút lắm, chẳng qua là giám đốc xa mà thôi, hình như không muốn can thiệp đến. Phật thường để cho bà dì tự do quản lí, tiếp nhận và dạy bảo các vãi, nói tóm lại là giao cho một tay bà trông nom mọi việc về phần đàn bà vậy.

Nay thuộc về năm Phật trở về tỉnh nhà, thời các sách không được nhất thuyết. Có sách nói là ngay năm đắc đạo, có sách nói là sáu năm sau; lại có sách nói là mười lăm năm sau Phật có về tỉnh nhà một lần. Cũng có lẽ Phật đi về nhiều lần, mà người đời sau kể gồm cả các việc làm một lượt. Nói riêng về việc nhận đàn bà thụ giới thời cũng có lẽ việc ấy vào năm đầu Phật mới đắc đạo vậy.

Sau khi đi Xá-vệ và Già-tỉ-la thời Phật trở về Vương- xá-thành, ở luôn năm thứ hai, thứ ba và thứ tư. Năm thứ năm, đi ra Bế-tắc-thành (Vajsali) nhất thuyết là Tỉ- xá-li, đấy có người kĩ nữ trứ danh tên là Amradârikâ dâng Phật một nhà tịnh xá, chung quanh có vườn rộng ao sâu. Năm sau thời ra ở thành Câu-tát-tỉ (Kosambhi) thuộc về nước Câu-tát-tỉ-già (Kosambhiya). Năm thứ bảy, tục truyền Phật lên thiên giới, thuyết pháp cho ba mươi ba bậc thiên thần, và thứ nhất cho mẹ là bà Ma-gia phu nhân, vì bà mất sớm chưa được biết phép mầu của con. Năm thứ tám thời có sách nói Phật ở hòn núi Sansumâra gần thành Già-tỉ-la và năm thứ chín lại về thành Câu-tát-tỉ, nhưng ở nơi khác lần trước, trong vườn Ghosika. Mấy năm sau, thứ mười, mười một, mười hai, mười ba, thời trụ trì những nơi không có danh tiếng mấy, như rừng Parâli, làng Nalaka và Veranya, núi Tcheliya, ở đấy có thiên thần hiện xuống đón Phật. Năm thứ mười bốn về Xá-vệ-thành, năm thứ mười lăm về Già-tỉ-la ở vườn Ni-cưu-đà (Nyagaodha) như trên kia đã nói. Năm thứ mười sáu, Phật ra nơi gọi là Alava, hiện phép thần thông, thắng đoạt dị giáo. Năm thứ mười bảy, mười tám, mười chín ở Trúc-viên trong Vương-xá-thành; sáu năm sau ở Đông-viên trong Xá-vệ-thành. Mấy năm sau cùng Phật còn đi xa nhiều nơi khác nữa, nhưng thường ở Xá-vệ-thành nhiều hơn cả.

picture31_600Nói tóm lại thời Phật không có chỗ nào là định cư, và những nơi trên kia vừa kể đó cũng không phải là Phật suốt cả năm đâu, chẳng qua chỉ ở một phần năm là khoảng mùa mưa (varcha) từ tháng năm đến tháng chín mà thôi; còn những tháng khác thời cùng với đệ tử đi hành khất mọi nơi, gặp đâu ở đấy. Song trong khi đi như vậy, cũng không bao giờ đi xa lắm. Đạo Phật tuy về sau có cái thế lực rất mạnh, tràn ngập cả một phần thế giới, mà Phật tổ sinh thời, chẳng qua chỉ mới chiếm được một khu vực còn trong Trung bộ Ấn Độ mà thôi. Khu vực ấy trong sách gọi là “trung vực” (madhya desa), Phật không từng ra ngoài giới hạn bao giờ. Mấy thành Vương-xá, Xá-vệ, Ba-nại-la, Già-tỉ-la, Tỉ-xá-li, Câu-đàm-di, đó là mấy cái mốc lớn trong khu vực ấy, mấy nơi Phật thường đi lại luôn; đem ra mà đối chiếu vào bản đồ Ấn Độ bao giờ thời chẳng qua là một vùng nhỏ trong lưu vực sông Hằng Hà (Gange) vậy. Như vậy thời những truyện Phật du lịch phương xa là chuyện huyền cả. Tuy sách có nói Phật đi những miền nam biên bắc thùy, như phía Bắc tới hồ Anavtapta, phía Nam tới đảo Xây Lan - trong sách Phật gọi là Lăng-già (Lanka), song không có gì làm bằng cứ. Như nói về hồ Anavatopta thời sách nói Phật dùng phép thần thông đằng không mà tới, coi đủ biết truyện huyền. Còn việc đi Xây Lan tuy cũng nhiều sự huyền, nhưng cũng có lẽ có thật. Song xét kĩ ra thời chắc là người đời sau đặt ra, và là người thuộc Nam tôn Phật giáo, muốn cưỡng chứng rằng chính Phật tổ đã truyền đạo Phật tới đảo Xây Lan, kì thực Phật không từng đi đến đấy bao giờ.

Cách sinh hoạt và cách hành động. - Phật bình thời sinh hoạt hành động thế nào, nay không thể biết rõ được. Song cứ cóp nhặt các việc tản mạn trong kinh sách mà suy loại ra thời cũng có thể tưởng tượng được cách sinh hoạt hành vi của Phật đại khái như sau này.

Sáng dậy sớm, khoác áo cà-sa (kashaya), tay cầm cái bát - bởi đó mà ngày sau có tiếng “y bát” để chỉ người tu hành ra ngoài thành hay là vào trong xóm, đi từng cửa một, hành khất đồ ăn. Các đệ tử cũng làm như vậy. Những thiện nam tín nữ trong làng ngoài tỉnh muốn thi hành công đức bố thí thời đã sửa đoạn sẵn cơm cháo để người hành khất đến nơi, đem ra cung dưỡng. Hiện nay ở Miến Điện (Birmanie), Cao Miên (Cambodge), Xiêm La (Siane), tục tăng gia hành khất vẫn còn thịnh hành lắm, vì mấy nước ấy thuộc Nam tôn Phật giáo, mà Nam tôn vẫn giữ được nguyên chính truyền hơn Bắc tôn.

Đi hành khất xong thời về tịnh xá, đến ngọ mới ăn cơm, mỗi ngày chỉ một bữa. Từ trưa trở đi thời Phật tĩnh tọa để ngẫm nghĩ, hay là đăng đàn để thuyết pháp. Thường những giờ quá trưa về chiều, hay là buổi hoàng hôn chập tối là những lúc Phật hay ngồi một mình, thu thập tinh thần mà siêu thăng nhập định. Nhất là buổi hạ ngọ, chung quanh cây cối um tùm, ngoài ra ánh nắng chói lọi, vạn vật nín hơi, muôn loài thiếp ngủ, bấy giờ cái thú trầm tư mặc tưởng tịch mịch âm thầm, êm đềm mà khoan khoái biết bao!

Cứ trong sách kinh thời những khi Phật thuyết pháp số người nghe kể hàng ức hàng vạn, không những đệ tử cùng thiện nam tín nữ, lại cả thập phương bồ-tát la hán, tứ phương thiên vương, long vương, v.v.; nhưng đó là chuyện huyền, người sau phụ họa, không giá trị gì. Song xét những sách rất cổ của Nam tôn thời thấy ước lượng số người nghe Phật thuyết giáo thường thường chỉ có một nghìn hai trăm hay là ba trăm người mà thôi; như thế thời có thể tin được không lấy gì làm quá vậy. Trong số ấy có bốn hạng người, gọi là “tứ chúng”: li tỉ-khưu (bhikshu); 2) tỉ-khưu-ni (bhikshuni) nghĩa là những đệ tử đàn ông đàn bà đã xuất gia thụ giới, tức là hạng sư và vãi; 3) ưu bà-tắc (upashaka) và 4) ưu-bà-di (upasika) nghĩa là các thiện nam tín nữ, người tại gia mà có bụng mộ đạo. Lúc thuyết pháp thời chốn tịnh xá, cửa già môn, ai ra vào cũng được. Hoặc có người ngoài muốn nghe Phật giảng thuyết hay là chất vấn về đạo, Phật cũng sẵn lòng đối đáp, không hề từ chối bao giờ. Cũng có khi Phật không ra mắt, thời phái một người trong bọn đệ tử thân tín (thường thường là A-nan) ra để tiếp khách, rồi vào thuật lại cho Phật hay; nhưng một đôi lần có vấn đề gì khó, đệ tử cũng phải vào lĩnh giáo trước, ai nói phải làm phải thời Phật khen, ai nói sai làm trái thời Phật chê, có khi quở mắng. Song Phật không phải là chỉ có những người quyền quý bảo hộ, những kẻ đệ tử phụng thờ, những thiện nam tín nữ dốc lòng tin đạo; Phật cũng có kẻ thù hằn, người phản đối, đứa ghen ghét, kẻ không dung; trước nhất là các thày cả các đạo khác, trái với đạo Phật mà đạo

Phật gọi tổng danh là các thày “ngoại đạo”.

Kẻ cừu địch ở ngoài. - Hồi Phật tổ lập giáo, Ấn Độ có sáu phái triết học lớn, trong sách Phật thường gọi là “lục phái ngoại đạo” hay là “ngoại đạo lục sư” (tirthika):

1) Phái Phú-lan-gia Già-điệp (Purana Kasyapa) là phái của một thày Bà-la-môn họ Già-điệp (không phải ba anh em Già-điệp nói trên kia), giữ chủ nghĩa “hư vô"”, nói nhất nhiết sự vật nghĩa lí là hư vô cả, không có gì thực;

2) Phái Ni-kiện-đà (Nirorantha) của Ni-kiện-đà- nhược-đề-tử (Nirgranthadjnati, viết tắt là Ni-kiện-tử). Phái này gia chủ nghĩa “định nhân” nói rằng nhất thiết mọi sự khổ lạc đều có nguyên nhất định. Những người theo phái này tự xưng là “vô hệ”, “bất hệ”, hay là “khỏa hình” (asêlaka), nghĩa là người không có hệ lụy gì với đời nữa, thường ở trần truồng trong rừng sâu như giống thú vậy;

3) Phái Bế-đàn-đa (Védanta), là phái giữ chính truyền của đạo Bà-la-môn cũ, dạy rằng trong vũ trụ có một vị thần tuyệt đích, nhưng ở tản mạn trong mọi vật, thành ra “độc thần” mà là “phiếm thần” (monothéisme panthéistique);

4) Phái Vệ-thế-sư (Vaiseshika), hay là Bế-tư-già của Già-na-đà (Kanâda), theo chủ nghĩa “nhị nguyên” (dualisme), nói trong trời đất có hai nguyên tố. “cực-vi” (atome) và “tiềm lực” (force latente), hai bên hành động sinh ra vạn vật;

5) Phái Tăng-kiếp (Samkhya) của Già-tỉ-la, cũng theo thuyết “nghị nguyên”, nhưng nhị nguyên đây là tinh thần và vật chất;

6) Phái Du-gia (Yoga) nói rằng vũ trụ là một “đại tự tại” người ta dùng phép thiền định có thể sáp nhập với các đại tự tại ấy được (l0).

Đối với các phái “ngoại đạo” ấy, phật thường bị phản đối, hoặc có khi hai bên tranh biện. Nhưng xét ra thời không có mấy khi các thày đối diện nhau mà biện nạn, thường là các đệ tử, truyền đi đáp lại, phản đối vọng nhau mà thôi. Thảng hoặc có một đôi dịp, nhân có ông vua chúa nào hiếu sự muốn họp các thày lại để cho thi nhau cãi lẽ, thời bấy giờ phật mới phải ra xung đột với kẻ cừu địch, nhưng những khi ấy thời trong sách lại nói huyền lắm, chỉ kể những chuyện Phật dùng phép thần thông và thắng đoạt bọn kia, không thuật đến
nghĩa lí bao giờ, thật cũng đáng tiếc, vì không thể biết được các phái kia trách Phật những gì và Phật tự giải thế nào. Thể nào mặc dầu, sự cạnh tranh chắc cũng là kịch liệt lắm, và đạo Phật thành lập nên, thịnh hành được chính là bởi đã thắng đoạt được các giáo kia vậy.

Kẻ phản gián ở trong. - Phật không những phải đối phó với nhưng kẻ cừu địch ở ngoài, mà lại phải đàn áp những kẻ phản gián ở trong; vì chính trong tăng hội cũng có kẻ phản đối Phật. Đứng đầu đảng phản đối ấy là Đề bà-đạt-đa, em họ Phật. Đề-bà-đạt-đa ấy, trong sách Phật cho là kẻ tối hiểm độc, bao nhiêu những mưu gian chước ác là một tay hắn chủ trương cả; hắn muốn mưu phá công nghiệp Phật, muốn phân bè đảng trong tăng hội để thừa cơ mà lập một giáo hội khác, kỉ luật nghiêm hơn, vì hắn trách đạo Phật vẫn còn có cách phóng túng, chưa được thực là nghiêm nghặt. Song cứ trong sách thuật thời hắn chẳng qua là một kẻ xấu bụng, có tính ghen ghét. Sách nói rằng mấy lần hắn muốn hại đến cả sinh mệnh Phật; khi thời Phật đương đi, hắn thả con voi điên cho chạy vào Phật; hay là bảy tảng đá lớn cho lăn vào Phật; khi thời hắn cho tiền con đĩ, giả làm người chửa, để vu cho Phật thông dâm. Những tội đó trong sách đổ cả cho Đề-bà-đạt-đa nhưng không chắc có phải một mình hắn, hay còn nhiều kẻ khác nữa (11). Song sự đó cũng không quan hệ gì; chỉ nên biết là ngay trong tăng hội cũng có kẻ vì lòng ghen ghét mà phản đối Phật. Lệ thường các bậc siêu quần xuất chúng, có tài học, có đạo đức hơn người thường hay bị những kẻ tiểu nhân ghen ghét; các bậc giáo chủ xưa nay ai cũng từng qua những nông nỗi ấy, Phật tổ không thể tránh được lệ thường vậy.

Mấy năm về già. - Phật tổ mấy năm về già nhiều việc đau đớn. Xưa nay những kẻ được sống lâu thường hay phải cái khổ mắt trông thấy những người thân yêu, kẻ tin cậy, chết trước mình. Phật cũng vậy. Trong các đệ tử có hai người thân tín nhất là Xá-lợi-phất và Mục-kiện-liên, hai người đều chết trước Phật. Lại hai ông vua đã có công to giúp Phật, vua Tần-bà-sa-la nước Ma-yết-đà và vua Ba-ti-nặc nước Kiều-tát-la, đều kế nhau gặp nạn bị chết. Ông Tần-bà-sa-la bị con là A- nhược-đà-tát-la (Adjatasatru) giết cướp lấy ngôi, lên làm vua nước Ma-yết-đà. Nguyên A-nhược-đà-tát-la làm sự đại ác ấy, cũng là do Đề-bà-đạt-đa xui siểm, bày mưu đặt kế cho. Tên ấy bấy giờ đắc thế xui vua kháng Phật, hạ lệnh cấm người dân trong nước không được ai đi lại với Phật. Thậm chí có một người vợ vua trước chỉ mạn phép thắp đèn cho Phật mà phải tội chém. Nhưng về sau vua hối hận tội mình, cảm phục đạo Phật, xin Phật độ cho, Phật cũng rộng lòng tha thứ mà cho theo đạo. Tuy vậy mà Giáo hội cũng đã vì việc vua phản đối, qua một buổi khó khăn. Kế đấy đến vua Ba-ti-nặc nước Kiều-tát-la lại bị nạn nốt: vua bị quan chưởng binh trong nước bắt phải thoái vị, con tên là Virudhaka lên kế ngôi, quan chưởng binh xui đề binh sang đất của họ Thích-già. Phật hết sức can thiệp, không thể sao ngăn ngừa được. Trông thấy quê cha đất tổ bị quân ngoài chinh phục tàn phá, nước diệt dân tan mà không thể sao được, cực biết bao!

Phật nhập nát bàn. - Một đời Phật, hai mươi chín năm làm ngôi Thái tử ở trong cung cấm, sáu năm làm người khổ hạnh ở chốn rừng sâu, hơn mươi lăm năm làm ông giáo chủ truyền giáo thuyết pháp cho đời, đến tám mươi tuổi thì rời bỏ cõi đời, sách Phật gọi là tịch nhập nát bàn. Bấy giờ Phật ở đất vua Ma-la (Malla) gần thành Câu-thi-na-kiệt (Kusinagara) trong một cái vườn có mấy gốc cây sa-la (sâla). Sách nói Phật bảo đệ tử mắc cái võng dưới gốc cây, rồi nằm trên võng mà hóa. Lúc hóa chỉ có một mình A-nan là đệ tử thân tín phục dịch bên mình. Trước khi tắt nghỉ còn độ cho một người tên là Tu-bạt-đà (Subhadra): thế là cho đến lúc cùng tận cũng còn thi hành cái chức vụ ông giáo chủ vậy. Lạ thay, Phật đau vì đầy bụng; nguyên bữa trước có một người thợ kim hoàn mời Phật ăn cơm, có dọn thịt cá các thức, Phật ăn không tiêu, thành ra mắc bệnh. Xét thế thời biết hồi sinh thời Phật, sự ăn chay ăn lạt chưa thành nghiêm luật trong tăng hội. Song cứ trong sách nói thời Phật chỉ ăn mỗi ngày một bữa, và thường kiêng kị đồ súc sinh. Bữa cơm cuối cùng ấy, ăn phải thịt mà thụ bệnh, sách cho là nghiệp báo về một tội đã phạm từ kiếp trước. Nhưng Phật đắc đạo thành Phật đã ngót năm mươi năm rồi, chắc là đạo nghiệp đã thập phần hoàn mãn, há còn có tội lỗi, còn phải nghiệp báo nữa sao? Sách nói rằng: tuy vậy Phật vẫn còn một chút tội cỏn con, phạm từ kiếp trước, chưa báo đền xong, nên đến kiếp này, dẫu đã đắc đạo, cũng phải chịu nốt mới thật được viên mãn. Đã được viên mãn thời tiện thị siêu thoát cõi đời, vào nơi tịch mịch, là cõi nát bàn. Thế nào là vào cõi nát bàn? Nhập nát bàn nghĩa là hết đời này thời thôi, không phải sinh tử nữa, vòng luân hồi đến thế là cùng tận vậy. Vì Phật đã từng qua nhiều kiếp mới tới đến kiếp này, kiếp thì làm cây cỏ, kiếp thì làm súc sinh, kiếp thì làm người, kiếp thì làm thần, vòng luân hồi xoay vần cũng đã lắm, sinh kiếp nọ để chịu nghiệp kiếp kia, mãi đến đời này, tu hành đã đắc đạo, mới mong được siêu thăng. Cứ như trong sách Phật thuật chuyện Phật thời phải kể cả chuyện các kiếp trước và có hẳn một hạng sách riêng gọi là “túc sinh truyện” (jataka) chỉ chuyên thuật những việc của Phật về các đời trước. Song bài này là một bài sử khảo, không phải là một thiên truyền kì nên tưởng chỉ kể một kiếp sau cùng của Phật, nhặt lấy những việc đích xác có thể tin được, cũng là đủ vậy.

Phật đã viên tịch, bèn đem thiêu táng. Tro than còn lại (gọi là xá lị) chia ra tám phần, dựng tám cái tháp (stupa) để chôn vào trong, làm nơi lễ bái. Hai thế kỉ về sau, có vua A-dục (Asoka) cho đào tám cái tháp cũ lên, lấy tro chia ra làm tám vạn bốn nghìn phần, dựng tám vạn bốn nghìn cái tháp mới, trong khắp cõi Ấn Độ bấy giờ, ngày nay còn có nơi tương truyền là tháp Phật vậy.

Ấy đại khái sự tích Phật như vậy. Trong sách Du già luận có một bài kệ (gatha) tóm tắt chuyện Phật lại mấy câu như sau:

Tự trời xuống nhập thai - Hiện sinh có cha mẹ - ở nhà là con trẻ - Tập học các kỹ nghệ - Chơi bài cùng vui vẻ - Xuất gia làm khổ hạnh - Theo học thày ngoại đạo - Giáng phục được Ma vương - Thành Phật chuyển pháp luân - Truyền đạo nhập nát bàn - Các chúng sinh bạc phúc - Không được thấy Như lai.

Mấy điều nghi vấn về sự tích Phật. - Sự tích Phật như mới kể trên đó là phỏng theo sách Phật mà xếp đặt mọi việc cho có thứ tự, những việc gì hoang đường quái đản lắm thời không chép là có ý muốn biên thành bài truyện kí đích xác về Phật tổ vậy. Song dù thế nào cũng phải căn cứ ở sách Phật, mà sách Phật thuật truyện Phật thời việc huyền với việc thực lẫn lộn nhau, có việc huyền bịa đặt ra coi như sự thực, khó lòng biện biệt cho rõ ràng. Cứ trong sách Phật thời một đời Phật toàn là chuyện kì dị cả: lúc đẻ ra cũng kì dị, lúc chết cũng kì dị, trung gian trong tám mươi năm trời hết việc kì dị nọ đến việc kì dị kia. Trên kia đã kể qua một vài việc cho biết cái đặc sắc, nếu muốn kể cho hết, mấy pho sách không đủ. Không có một việc gì Phật can thiệp vào mà trong sách chịu chép như việc thường, theo lẽ tự nhiên ở đời này; bao giờ phần truyền kì cũng hỗn hợp với phần thực sử. Bởi thế nên thuộc về cá nhân Phật tổ, các nhà bác học Âu - Mĩ thường khởi ra bốn cái nghi đề như sau: 1) Phật có thật hay không? 2) Trong đời Phật có những việc gì là việc thực, có thể tin được? 3) Phật sinh hoạt vào khoảng đời nào? 4) Phật đã làm nên sự nghiệp gì? - Bốn vấn đề ấy ta không thể nghiên cứu cho tường tận được. Nay chỉ xin theo ý kiến của các học giả, lấy lẽ chiết trung mà giải qua những khoản như sau này:

1) Một thế kỉ về trước, hồi những sách Phật bằng các thứ tiếng chưa có ai khảo cứu đến nơi đến chốn, thời hoặc có thể ngờ rằng không biết Phật có thật hay không. Nhưng trong khoảng một trăm năm, những bậc thông thái trong các nước đã ra công nghiên cứu đến ngọn nguồn cỗi rễ đạo Phật, đủ biết rằng đạo Phật quả có một ông giáo chủ sáng lập ra, mà ông giáo chủ ấy chính là Thích-già-mâu-ni, không còn nghi ngờ gì nữa. Đương thời Phật không có sách vở gì; sách Phật cổ hơn nhất là những sách bằng chữ Nam Phạn thuộc về Nam tôn, bắt đầu biên từ hai trăm năm sau khi Phật nhập nát bàn. Những sách cổ ấy không có lắm truyện hoang đường như các sách làm về sau, nhất là sách của Bắc tôn và các sách dịch thuật bằng chữ Tàu. Vậy cứ trong các kinh rất cổ của Nam tôn thời chỗ nào cũng nói Phật tổ như một người đã có sống ở đời này thật, như một vị tôn sư đã qua đời đi mà những di ngôn ý hạnh vẫn còn phảng phất trong bọn các môn đồ vậy. Người kí sự cách người chủ động có hai trăm năm, không có lẽ những việc biên chép ra lại là truyện huyền cả, không có lẽ người chủ động vốn không có mà lại bằng không tưởng tượng ra được. Chắc những người kí sự ấy không phải là những tay sử học như người đời nay, không thể trách bị được rằng việc ghi chép ra cũng là sự thực đích xác cả; những người ấy vốn là những tín đồ rất nhiệt thành của một tôn giáo, nên thường lấy con mắt riêng mà quan sát những việc quan hệ đến thân thế sự nghiệp ông giáo chủ mình, nhất thiết coi như việc thần thánh cả, không giống với việc thường; những người ấy lại là người Ấn Độ là một giống người cổ lai vẫn có tiếng là hay mơ màng những sự hoang đường huyền diệu mà không có tính vụ thực như các dân khác, thậm chí đã có người nói rằng: “Dân Ấn Độ là một dân không biết sử kí là cái gì”. Coi như vậy thời đủ biết rằng chuyện hoang đường trong sách Phật không phải là một chứng cớ rằng Phật không có, và cứ các lẽ trên kia, cứ bình tĩnh mà xét, không có lẽ Phật không có thật được. Đó là ý kiến chung của phần nhiều các Tây - Nho chuyên trị về Phật học. Tuy vậy vẫn còn có một vài ông giữ cái chủ nghĩa hoài nghi, như ông Sanart nước Pháp làm một quyển sách đề là La Légende du Bouddha để cưỡng chứng rằng Phật không có, và chuyện Phật là chuyện huyền, chẳng qua là chuyện một vị thần mặt trời (un mythe solaire) mà thôi. Song hoài nghi đến thế thời cũng quá đáng vậy.

2) Nay Phật đã chắc rằng có, muốn xét công việc trong đời Phật thời phải chịu rằng khó quá, vì như trên kia đã nói việc thực việc huyền lẫn lộn nhau, không biết lấy gì làm bằng cứ mà phân biệt cho chắc được. Nếu cứ việc gì kì dị bỏ đi, việc gì tin được mới chép, thời như thế cũng chưa đủ, vì có việc có thể tin được mà kì thực không có, như việc Phật du lịch đảo Xây Lan. Lại những việc xét rất kì dị, rất hoang đường, mà có lẽ gốc là sự thực, chỉ vì người đời sau phụ họa vào mới thành ra chuyện huyền, nhưng làm thế nào mà phân biệt được huyền với thực, lấy gì làm bằng cứ, lấy gì làm giới hạn? Bởi thế nên chép sự tích Phật Thích-già mà muốn cho nhất thiết hợp với phép sử học cả thời phi sai lầm tất khuyết điểm vậy.

3) Thuộc về niên đại Phật tại thế thời như ở đầu bài này đã nói, các sách không được hợp nhau. Theo Nam tôn thời Phật tổ sinh vào năm 622, mất năm 542 trước Giatô Cơ đốc; theo Bắc tôn thời lại cách mấy thế kỉ về trước nữa. Như trong sách Tây tạng nói rằng Phật sinh vào năm 969 trước Kỉ nguyên. Chúng thuyết khác nhau như thế, nên đã có người ngờ rằng có lẽ có hai ông Phật, một ông sáng lập ra tôn giáo, một ông cải cách lại đạo trước, nhưng thuyết ấy không có bằng cứ đâu, hiện nay không ai đề cập đến nữa. Xét ra thời niên đại sai nhau như thế chẳng qua là các phái Bắc tôn tính lầm mà thôi. Nay các học giả căn cứ ở sách Nam tôn và bằng chứng châm chước các sách khác đã tính ra vào khoảng 560 - 480, số ấy không dám quyết là đúng hẳn, song cũng có lẽ là gần với sự thực vậy.

4) Trong Phật giáo - kinh sách, giáo lí, chế độ, - hết thảy đều cho là tự Phật tổ sáng lập ban bố ra. Nay phải xét ra phần gì là phần suy nguyên tự Phật, phần gì là phần tiếp phụ về sau. Trước hết ta phải biết rằng Phật không có viết gì: người ta ngờ rằng thời bấy giờ có lẽ Ấn Độ còn chưa có chữ viết. Vả cũng biết chắc rằng tôn giáo của Phật là do truyền khẩu mà lưu mãi đến lâu năm về sau. Vậy thời trong những bài thuyết giáo trong những lời phán định của Phật cũng có nhiều lời, nhiều bài đời sau còn nhớ được đúng; nhưng làm thế nào phân biệt cho biết được? Vì các môn đồ về sau đến khi chép thành sách, phụ họa thêm vào quá, cho là lời Phật cả, không biết lấy đâu bằng cứ. Thành ra xét đến giáo lí đạo Phật, cũng gặp sự khó khăn, như là khảo về sự tích Phật tổ. Nếu nay cứ biên tập cả những lời trong sách cho là lời Phật nói, thời chắc là chép lầm phải nhiều lời không phải của Phật, mà lại bỏ sót mất nhiều lời chính Phật đã nói thật. Cứ các kinh sách đều công nhận, thời duy có hai lí thuyết là chắc tự Phật xướng ra, làm gốc cho đạo Phật, một là lí thuyết về “tứ diệu đề”, hai là lí thuyết về “thập nhị nhân duyên”. Có lẽ phần nhiều các lí thuyết khác của đạo Phật chỉ là do một lời dạy, một câu nói của Phật mà đời sau phô bày suy diễn thêm ra, nhưng cách phô bày suy diễn ấy thế nào, thời không thể sao biết được. Đến những chế độ trong Phật giáo, muốn khảo sát cho tường, cũng thấy khó như vậy. Chắc sáng lập ra hội tăng già, là do tự Thích-già, điều đó không còn nghi ngờ gì nữa. Đặt ra hội ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, cho người ngoài vào thính giáo, chắc cũng là tự Phật và chính là một kiến thiết hay nhất của Phật. Những đặt ra ban tỉ khưu-ni, cho đàn bà vào thụ giới, có phải là tự Phật không, điều này không được chắc lắm. Nhận đàn bà vào tăng hội là một sự mới lạ thời bấy giờ, trong sách cũng nói rằng không phải Phật khởi xướng ra, và lúc mới đầu Phật vẫn có ý phản đối, sau miễn cưỡng mới phải thuận; nhưng nếu như vậy thời có lẽ việc ấy không phải đồng thời với Phật và là việc về sau chăng? Song việc đã là việc mới lạ, chắc phải tự Phật làm, không có lẽ người khác làm nổi. Vả lại phải biết rằng đương thời bấy giờ đã có một phái Ni-kiền-đà cũng cho đàn bà đi tu. Người lập phái ấy là thày Nataputra (nhất thuyết là Mahavira) nhiều tuổi hơn Phật, có người ngờ là Phật đã có học đạo thày ấy. Như vậy thời sự cho đàn bà thụ giới, có lẽ là Phật bắt chước của phái Ni-kiền-đà chăng? Nếu không thời cũng là nhân cái phong trào mới nhóm lên trong xã hội Ấn Độ bấy giờ muốn giải phóng cho người đàn bà khỏi bó buộc như trước và cũng được tự do tu đạo như đàn ông vậy.

Phật đối với đàn bà cũng như là đối với các giai cấp Ấn Độ bấy giờ, không phải là Phật muốn dụng tâm cải cách xã hội Ấn Độ đâu, nhưng trong giáo hội của Phật, Phật không có phân biệt gì đàn ông hay đàn bà, thật là khác hẳn với đạo Bà-la-môn cũ của Ấn Độ vậy. Song cái thái độ khoan dung ấy tuy lúc đầu có giúp cho đạo Phật truyền bá được mau, mà thật là một nguyên nhân về sau này làm cho đạo Phật bị tiêu diệt ở Ấn Độ vậy.

Đó gọi là phê phán mấy câu để thử biện biệt cho rõ trong đạo Phật phần nào là phần sự nghiệp riêng của Phật tổ, phần nào là phần sự nghiệp chung của các môn đồ kế tiếp về sau. Nhưng dù sự nghiệp của các môn đồ đệ tử sau tiếp thêm vào thế nào mặc dầu, Phật tổ vẫn là ông giáo chủ độc nhất vô nhị của đạo Phật, đã sáng lập ra tôn giáo, lại gây dựng thành giáo hội, thật là một nhân vật vĩ đại nhất của thế giới và là một sản nhi rất quý báu của cái cổ văn hóa cõi Á châu ta vậy. Đạo Phật sở dĩ thành lập được, thịnh hành được, không phải bởi những lí thuyết mập mờ huyền diệu về vô ngã, hữu ngã, không sắc, sắc không của các học giả đời sau thêu dệt phụ họa vào, chính là bởi cái thân thế rất đáng cảm, đáng phục, đáng kính, đáng yêu của đạo Phật Thích-già vậy. Người sao mà trong sạch như vậy, thuần túy như vậy, từ bi như vậy, kiên nhẫn như vậy! Bụng sao mà rộng rãi như vậy, êm đềm như vậy, chính trực như vậy, cao thượng như vậy? Người ấy, bụng ấy, thân thế ấy, đó là cái chốt của đạo Phật, chứ không phải là những sự bịa đặt thêm thắt về sau vậy. Cho nên Tây - Nho bàn về Phật đã phán đoán rằng: “Giá trị của đạo Phật ở giáo lí ít mà ở thân thế ông giáo chủ nhiều”. -Thiết tưởng không những đạo Phật, các tôn giáo khác cũng thế cả.


(1) Trong bài này, bao nhiêu những danh từ về Phật, vừa chua Phận âm, vừa chua Hoa âm, nghĩa là biên cả tiếng Ấn Độ (Sanscrit), cả chữ Tàu, theo như trong tam tàng dịch bản của Tàu, để tiện đối chiếu; từ những tiếng nào hoặc không tìm thấy chữ Tàu, hoặc chữ Tàu không có, thời không kể. Kí giả lấy sự tra chữ ấy làm một việc rất khó trong khi khảo cứu, song đã ra công kê cứu cho được. Người mình xưa nay chỉ biết đạo Phật bằng sách Tàu, nếu nay cứ theo sách Tây mà dùng, thuần chữ tín Độ thì không ai hiểu. Nên phải tra cả hai thứ chữ cho tiện đường, chắc độc giả cũng lượng xét cho.

(2) Phạn ngữ là thứ chữ Ấn Độ, chữ nguyên văn của kinh Phật. Có hai thứ chữ: một thứ dùng ở phương bắc Ấn Độ gọi là “Bắc Phạn” (sanscrit); một thứ dùng ở phương nam gọi là “Nam Phạn” (pali). Chính đạo Phật cũng chia ra làm hai tôn, sau này sẽ nói tường: Bắc tôn và Nam tôn, tức là “Đại thừa” và “Tiểu thừa”, kinh sách của Đại thừa chép bằng chữ Bắc Phạn, kinh sách Tiểu thừa chép bằng chữ Nam Phạn.

(3) L’année de la mort du Bouddha est une des dates les plus surement establies de l’histoire de l’Inde ancienne; des calculs qui ne peuvent beaucoup s’escarter de la vesrité le font mourir vers 480 av J.C.” (Oldenberg: Le Bouddha, traduction Foucher, page 200).

(4) Bởi tích này nên Phật thuyết pháp gọi là “sư tử hống” (sư tử kêu).

(5) Đây tức là đệ nhất diệu đề. – “Ngũ trọc hay là “ngũ uẩn” (panachaskanha), là năm cái nguyên tố hợp lại thành ra thân thể tâm thần người ta: 1) sắc uẩn (rufpaskandha) là hình thể người ta; 2) thụ uẩn (vedaskandha) là sự cảm giác; 3) tưởng uẩn (sanjaskanha) là sự tưởng tượng; 4) hành uẩn (sanskaraskandha) là sư hành vi; 5) thức uẩn (vijnâanknasdha) là sự ý thức.

(6) Đệ nhị diệu đề.

(7) Đệ tam diệu đề.

(8) Mỗi phép mầu, Phật phân ra làm ba đoạn, thí dụ như phép thứ nhất nói rằng: - Đó là phép mầu về sự khổ sở ấy, cần nên phải hiểu mới được – Phép mầu về sự khổ ấy, ta đây hiểu rõ rồi. – Mỗi phép ba đoạn như thế, bốn phép thành mười hai đoạn, vị chi là ba phần mười hai khoản.

(9) "Tịnh-xá" là nhà tăng ni ở để tu hành, tức là nhà chùa

(10) Phép Phật không đáp lại tức là nhận lời.

(11) Có người ví đề bạt đa với Laraze trong sự tích đức Giatô.


Phạm Quỳnh - Luận giải văn học và triết học

NXB Văn hóa Thông tin - TT VHNN Đông Tây