Mùi của Tết, đã về


medium_DP_Tet_3496.jpg

Một em bé gái đi xem Diễn Hành Tết 2009 trên đường Bolsa, Westminster. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


Nhìn qua ngó lại, năm tháng cứ vùn vụt trôi tuột qua đời tự lúc nào chẳng hay. Chỉ đến khi nghe khí lạnh thực sự tràn về, trời chiều mau sẫm tối, và cây trong vườn rụng gần trụi lá, những nụ đào hưng hửng nhú lên, mới hay một cái Tết nữa đang đến rất gần.

Nói đến Tết, người ta hay nói chuyện ăn uống và chuyện đi chùa hái lộc. Tôi may mắn khi có được những kỷ niệm đáng nhớ về cả hai điều này.

1. Tết theo truyền thống tổ tiên phát xuất tự lúc nào tôi không nhớ rõ. Riêng tôi, đâu từ năm 8, 9 tuổi, tôi bắt đầu thực sự biết Tết là một dịp đặc biệt, khác hẳn ngày thường. Tết là dịp tôi có được bộ quần áo mới, là lúc tôi được lì xì, được ăn ngon hơn ngày thường, và hơn hết, tôi có thể mua được món ăn mình thích bằng tiền lì xì.

Tôi bước chân vào trường học vào những năm khốn khó nhất sau 1975. Ở tuổi học trò tiểu học, tôi đã quen thuộc với những tô cơm nấu từ loại gạo mà khi bỏ vô nước vo thì mọt và những hột bị sâu đục rỗng phía trong nổi lềnh trên rổ. Mà đâu chỉ có được ăn cơm trơn như vậy. Trộn vào thứ gạo khó nuốt đó còn có loại “bo bo” cứng ngắc và những sợi mì, lát khoai ngai ngái những mùi khó ngửi. Vật vã, bon chen cùng cuộc sống, ba má tôi cũng cố gắng để có thêm trong những tô cơm độn đó vài cọng rau xào hay một lát trứng mỏng tanh được chiên từ 2 cái hột vịt đánh lên rồi chia đều cho 6, 7 đứa con đang hồi tranh ăn, háu đói.

Khi đó, những đứa trẻ nhà nghèo như tôi, nhìn cái gì cũng thèm, cái gì cũng thích, cái gì cũng ước ao. Những hàng xôi, hàng chè, hàng cháo, bánh đúc, bánh canh, bánh mì... người ta bày bán đầy trong xóm hay trước cổng trường, với tôi, vừa là một thứ quà xa xỉ vừa có một hấp lực ghê gớm.

Trong số hàng quà đó, tôi mê nhất gánh bánh mì trước cổng trường.

Một bên đầu gánh là những ổ bánh mì con cóc vàng rộm được ủ trong cái bao bố giữ ấm. Ðầu gánh bên kia là nồi nước chan màu đỏ (tại sao nó màu đỏ tôi cũng không cần biết) loang loáng mỡ và bốc khói thơm ngát mùi hành; một khay đầy những miếng thịt mỡ (mỡ nhiều hơn thịt) cũng được nhuộm đỏ xắt sợi như chỉ, rồi chả lụa thái mỏng như giấy quyến, và ngò và ớt và dưa chua.

Một nửa ổ bánh mì con cóc chan thứ nước đỏ hơi sền sền mỡ cùng hành lá, gọi là “bánh mì chan,” là món tôi có thể mua được bằng số tiền mà “năm khi mười họa” má cho để mua quà ăn sáng bên ngoài. Như vậy là quá đủ với tôi, là ngày quá hạnh phúc với tôi vì được thỏa mãn sự thèm ăn của mình. Nhưng ổ bánh mì có thịt bên trong vẫn còn là nỗi khát khao.

Tôi nhớ hoài năm tôi học lớp Sáu. Sau thời gian nghỉ Tết, Mùng Năm tôi trở lại trường. Với ít tiền lì xì rủng rỉnh trong túi, việc đầu tiên tôi làm là mua bánh mì. Lần này, khác hẳn bao lần khác, không phải là nửa ổ bánh mì con cóc chan nước, mà tôi “hiên ngang, mạnh dạn” mua cả một ổ bánh mì thịt.

Lần đầu tiên trong đời tôi cầm trên tay nguyên một ổ bánh mì thịt. Tôi cứ muốn nhắc hoài cái chữ “nguyên một ổ bánh mì thịt,” dù chỉ là ổ bánh mì con cóc bé tí. Tôi cảm giác như thế gian này không còn điều gì tuyệt vời hơn như thế. Nó ngon đến tê tái. Cái giòn rụm của bánh mì, cái béo ngậy của thịt mỡ, cái vị ngon thật lạ của chả lụa lần đầu tôi nếm thử, rồi dưa leo, rồi dưa chua, rồi ngò rí, và cả miếng ớt đỏ. Tất cả hòa quyện lại để cho tôi, một đứa bé 11 tuổi, cắn, nhai và nuốt bằng cả tất cả giác quan mà mình có. Dường như không gì có thể đánh đổi, không gì trên đời có thể ngon hơn thế.

Cảm giác đó, tôi mang hoài trong lòng cho đến hôm nay.

2. Kỷ niệm nữa là chuyện đi chùa hái lộc đầu năm.

Ðây là điều tôi chưa từng làm khi còn ở quê nhà. Ðơn giản là vì tôi không có thói quen này.

Năm ngoái, Mùng Một Tết rơi vào ngày cuối tuần, theo lời rủ rê của ông anh, tôi nhất định sẽ đi chùa Việt Nam một lần cho biết.

Chỉnh tề trong áo dài quần trắng thướt tha, nhưng phải trùm thêm cái áo len bên ngoài bởi “trời Tháng Giêng lạnh như mùa Ðông,” tôi theo ba má và vợ chồng ông anh đến chùa Việt Nam , ngôi chùa mang tên Việt Nam nằm trên đường Chapman.

Cảm giác vào chốn thâm nghiêm thật lạ. Mùi khói nhang, mùi trầm thoang thoảng, cùng tiếng chuông thỉnh thoảng được gõ “đinh đon” hay “bon bon” tự dưng dễ đưa lòng người vào cảm giác bình an.

Người thật đông. Quần áo thật đẹp. Những gương mặt thật tươi. Dường như trong tâm linh mỗi người vẫn nghĩ, hãy phô bày những điều đẹp đẽ nhất ra trong ngày đầu năm, để được hưởng lộc ấy cả năm. Hay lắm chứ.

Như đã nói, tôi không quen với việc lễ chùa cúng bái, nên cứ nhìn mọi người làm gì, tôi làm theo đó. Thấy người ta “xin xăm,” tôi cũng thử xin xăm. Sau một hồi khấn vái, lắc ống cho thẻ xăm rớt ra, tôi cũng nhặt được thẻ xăm của mình. Nhưng ngay lúc đó, má tôi đứng ngoài quan sát và bước đến nói, “làm sai rồi, làm lại.”

Tôi bỏ thẻ trở vào và bắt đầu lại theo như qui trình má tôi chỉ dẫn. Nói chung là “xin gì được đó,” từ việc thảy hai cục gỗ cho sấp ngửa đến xốc ống xăm cho thẻ rớt ra, tôi đều chỉ phải làm một lần. Rồi đến lấy tờ giấy giải quẻ tổng quát ra xem vận mình hên xui. Mà tôi bảo số tôi “đẻ bọc điều” nên cái gì cũng hên, quẻ xăm cũng tốt. Nghe vậy biết vậy.

Xong, tôi theo sự chỉ dẫn của ông anh vào chánh điện thắp nhang và hái lộc. Thắp nhang xong, tôi hỏi anh tôi, “Hái lộc ở đâu?” - “Bên phải chánh điện người ta có để những thùng quýt đó. Ðến đó lấy một trái mang về. Ðó là lộc.”

Tôi đến nhặt một trái. Ra đến cửa, tôi phát hiện ra trái quýt có một lỗ thủng, có lẽ bị con gì cắn. “Chẳng lẽ mang trái này về nhà, xui làm sao?” Bụng bảo dạ, tôi quay lại đổi trái khác. Tôi cũng lầm bầm, “Thôi thì Phật trời cũng bỏ qua, cho con lựa lại, bởi không ai muốn mang lộc có tì vết về nhà.”

Tôi ra cửa với một trái quýt vàng ươm, căng tròn. Ông anh nhìn tôi, lắc đầu.

3. Những kỷ niệm mà tôi giữ trong lòng vào ngày Tết là vậy.

Nay một cái Tết nữa đang cận kề. Những bánh mức, củ kiệu, dưa hành, bao đỏ, bánh chưng, bánh tét, đã tràn ngập các chợ Việt Nam. Tha hương nhưng lại thấy quê hương đong đầy quanh đây, trên các con phố, trong các khu chợ, và ở những câu chuyện nhắc Tết của đồng hương.

Ừ, mùi nhang trầm, mùi thịt kho, mùi dưa giá, mùi khói pháo - mùi của Tết, đã về.

Ngọc Lan

Theo Người Việt