Xuân về trên Đông Trang tự

Ngôi chùa nhỏ nằm ngay cạnh quốc lộ 1A có tên gọi Đông Trang thuộc xã Ninh An, huyện Hoa Lư (Ninh Bình), do sư thầy Thích Diệu Nhân trụ trì đã 15 năm độ thế cho nhiều cảnh đời bất hạnh. Sư thầy nhận nuôi dạy những trẻ mồ côi để các em có cơ hội được đón chào một tương lai tươi sáng.

Mái ấm của 109 trẻ thiệt thòi
Sư thầy Thích Diệu Nhân về Ninh Bình hành đạo năm 1992 và về chùa Đông Trang năm 1995. Khi đó, ngôi chùa vẫn còn rất hoang sơ và thiếu thốn. Khó khăn là thế, nhưng chỉ cần nhận được tin ở đâu có trẻ bị bỏ rơi là sư thầy lại đến tận nơi để xin các em về nuôi dưỡng. Để cuộc sống của bọn trẻ được cải thiện, thầy đã xin địa phương cho đấu thầu ruộng, lập hội “tương thân, tương ái” kêu gọi mọi người tham gia. Khi đã có quỹ, thầy cùng các hội viên trồng trọt, nuôi cấy để có kinh phí cho các cháu mồ côi ăn học.
Sư thầy Thích Diệu Nhân cũng không dấu nổi niềm vui khi nhắc đến các cháu đã trưởng thành: “Nhà chùa đang nuôi dạy 109 cháu, hiện có hơn 30 cháu đã trưởng thành. Các cháu đã tự nuôi sống được bản thân. Hiện nay, có 9 cháu đang học trung học chuyên nghiệp. Đặc biệt, có 3 cháu đã tốt nghiệp trường y  loại giỏi và đang được giữ lại ở trường làm phụ giảng...”.

Em Quang Anh, 4 tuổi - thành viên nhỏ tuổi nhất trong chùa.

Sư thầy cũng mới xây dựng xong ngôi nhà hai tầng rất khang trang với tổng số tiền gần 700 triệu đồng. Toàn bộ là vay ngân hàng. Riêng tầng 2 được chọn làm phòng học cộng đồng, trong phòng có rất nhiều loại sách. Tuy ngôi nhà khang trang vừa được dựng lên nhưng vẫn chưa đủ chỗ cho bọn trẻ. Những em lớn vẫn phải ở những gian phòng lụp xụp.
Ngày Tết, các phật tử mang đến biếu chùa ít mỳ, ít gạo để nuôi các cháu, nhưng thầy Thích Diệu Nhân lại đem san sẻ cho các gia đình nghèo khó khác ở trong làng. Năm nay, mặc dù còn rất bận bịu với bọn trẻ nhưng thầy vẫn đứng ra kêu gọi quà Tết cho những gia đình khó khăn. Thầy cho biết: “Hiện trong tỉnh đang có ít nhất 81 người cần được “đỡ đầu”. Cuộc sống của họ còn rất nhiều khó khăn, người không có tay, người không có chân, người bị liệt...”.
Trước đây, khi mới nhận nuôi các em, thầy cũng gặp rất nhiều áp lực. Sư thầy cho biết: “Ngày trước, xin được cho 3,4 cháu miễn học phí, nhưng đến khi bình bầu, các cháu lại thấy mặc cảm với bạn bè nên cũng thương các cháu lắm. Nhiều lần các cháu về xin tiền đóng học mà chưa có lại phải khất lần...”.

Sư thầy Thích Diệu Nhân.

Gieo mầm cho những ước mơ
Đến nay, sư thầy vẫn lặn lội với công việc đồng áng để lo đủ gạo, rau cho các em. Đặc biệt, thầy còn trồng một số cây thuốc Nam để tiện cho việc chăm sóc các em khi ốm đau. Em Quang Anh bị bố mẹ bỏ rơi từ nhỏ và đã được thầy đưa về nuôi. Đến nay, em được hơn 4 tuổi, ở nhà chơi với các anh, các chị rất ngoan. Cậu bé hồn nhiên nói: “Em muốn làm một bác sĩ để giúp đỡ nhiều người và nếu sư thầy ốm, em sẽ chữa khỏi”.
Với các em nhỏ, ngôi chùa này đã thành một gia đình chan chứa tình yêu thương. Tối đến, các anh, các chị cấp 3 dạy các em cấp 2, cấp 1 học. Ngôi chùa trở thành một phòng học lớn, với những tiếng i tờ, tiếng chỉ bảo nhẹ nhàng, trìu mến. Chia sẻ, cảm thông với nỗi vất vả của thầy Thích Diệu Nhân, nhiều người quanh làng cũng đến xin đỡ đần thầy việc chăm sóc bọn trẻ. Hàng ngày, những lúc rảnh rỗi, họ lại giúp thầy cơm nước, dọn dẹp, giặt giũ quần áo cho đám trẻ nhỏ.

Ngôi nhà 2 tầng khang trang được xây dựng lên.

Thời gian cứ thế trôi đi, đã có biết bao ước mơ của những tâm hồn non trẻ được thắp lên dưới ngôi chùa Đông Trang, dưới sự yêu thương che trở của sư thầy Thích Diệu Nhân. Nơi đây đã trở thành điểm tựa tinh thần, bến neo đậu của những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ. Báo GĐ&XH mong rằng các em sẽ nhận được nhiều sự giúp đỡ của bạn đọc hảo tâm, của cộng đồng để  sư thầy Thích Diệu Nhân và những đứa trẻ mồ côi, lang thang đỡ khó khăn trong cuộc vật lộn cơm áo gạo tiền. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về chùa Đông Trang hoặc Báo GĐ&XH (138A Giảng Võ, Hà Nội).
Phương Hoa - Thục Na
Theo giadinh