Xin cúi đầu đưa về

Những năm gần đây tôi đã khám phá ra rằng niềm thao thức, niềm trăn trở ở nơi mỗi người thanh niên phải được nuôi dưỡng, và người thanh niên không thể nào sống một cách thất niệm và chôn vùi đời mình trong chuyện ăn chơi được. Thanh niên Việt Nam hồi 1940 đã làm được như vậy; trước tình hình của đất nước họ đã không thể tiếp tục sống cuộc sống quên lãng, ăn chơi. Thanh niên Việt Nam thời đó đã thức dậy; hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn người đã đi vào con đường cách mạng nhưng cũng có hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn đã ngã gục trên bước đường phục vụ cho cách mạng. Có những thầy trẻ, có những sư cô trẻ tuy đi tu nhưng cũng phục vụ cách mạng và có nhiều người đã bị bắn chết. Tôi đã mang những người đó trong tôi. Liệu lý tưởng tâm linh có thể đi đôi với lý tưởng cách mạng? Có sự dùng dằng giữa hai con đường, một là cởi áo tu đi theo cách mạng, hai là tiếp tục giữ áo tu? Câu hỏi đó day dứt trong rất nhiều người tu sĩ trẻ của thời đại 1945-1950. Hồi đó tôi có viết bài Trái Ý Thức Chín Rồi.

Tuổi trẻ tôialt
Trái mơ xanh
Vết răng của em
Gây thành thương tích nhỏ

Những chân răng rúng động
Và nhớ hoài
Nhớ hoài

Đây là tình yêu của tuổi thanh niên.

Nhưng tự thuở yêu em
Cánh cửa tôi mở rộng trước gió
Thực tại kêu gào cách mạng
Trái ý thức chín rồi
Cánh cửa
Không thể nào còn khép lại


Đó cũng là tâm trạng chung của những người thanh niên Việt Nam thời 1940. Một khi đã thấy được những đau thương, những khổ nhục của đất nước mình thì không thể nào an tâm để sống một cuộc đời hưởng thụ được nữa.

Lửa
Lửa cháy tràn thế kỷ
Loang lổ núi rừng hoang
Gió thét ngang tai
Bão tuyết bên trời quằn quại
Vết thương mùa đông
Vết thương mùa đông nằm nhớ lưỡi thép lạnh
Bồn chồn, trăn trở,
Nhức nhối
Thâu đêm

Những câu thơ rất ngắn, chỉ có hai chữ, ba chữ. Những hình ảnh vết thương và đêm không ngủ, hình ảnh người bị thương ôm lấy vết thương đó và nhớ lưỡi gươm đã tạo ra vết thương của mình.

Mình biết tình trạng của giáo hội và của đất nước thời kỳ ấy như vậy và ký ức đó không thể nào phai mờ được. Mình có một nỗi niềm thao thức, trăn trở và chính niềm trăn trở đó, sự thao thức đó đã đưa mình đi tới. Trong hàng vạn người thanh niên đi cách mạng, người nào cũng có niềm trăn trở đó nhưng họ đã đi tới đâu? Sau hai năm, sau ba năm, sau năm năm, sau mười năm ý chí của họ bị nhụt đi. Tại vì họ thiếu chất liệu nuôi dưỡng, họ không có đủ tình thương, không có đủ tình người, trong đó có sự tranh đua, có sự đè nén, có sự thủ tiêu. Vì vậy cho nên biết bao người thanh niên bị gục ngã trên con đường cách mạng.

Số thanh niên bị nhụt chí, chùn chân, bị thất vọng trên con đường phụng sự, con đường tranh đấu, rất đông. Có những người chết âm thầm, có những người chết oan ức, có những người không có cơ hội nói ra được sự thật trong lòng mình. Số người sống âm thầm, chết oan khốc như vậy ở trong các trào lưu cách mạng đông lắm. Nếu quí vị có cơ hội nói chuyện với những người đã ở 10 năm, 20 năm, 40 năm trong các tổ chức cách mạng và nghe họ kể chuyện của họ thì quí vị sẽ thấy được.

Những thao thức, trăn trở của mình có thể đưa mình đi tới. Nhưng nếu mình không được nuôi dưỡng, nuôi dưỡng bằng chất liệu rất cần thiết cho tâm linh thì mình cũng bị khô kiệt, tại vì sức người có giới hạn. Vì vậy cho nên chỉ trăn trở và thao thức không thôi thì chưa đủ. Trên bước đường cách mạng cũng như trên đường tu học mình phải được nuôi dưỡng, phải có một môi trường trong đó mình vừa phấn đấu, vừa được trị lành những thương tích.

Nếu không có môi trường thích hợp, nếu không được nuôi dưỡng thì không thể đi xa được và mình sẽ chết giữa đường, và chí hướng của người thanh niên không thể thành tựu được. Nghĩ như vậy thì chúng ta thấy cảm thông cho biết bao nhiêu triệu người thanh niên Việt Nam đã bị ngã gục. Trong nửa đầu thế kỷ 20 vừa qua,  người thanh niên có dư bầu nhiệt huyết, có dư năng lượng của sự chiến đấu nhưng họ lại không được nuôi dưỡng trong môi trường của họ, môi trường của tổ chức, môi trường của đảng, môi trường của xã hội, mà trong đó chỉ có sự giành giật, sự lấn áp, sự thủ tiêu, mà không có đủ sự nâng đỡ, nuôi dưỡng và thương yêu.

Chuyện ngoài đời như vậy mà chuyện trong đạo cũng như vậy. Một tổ chức giáo hội cũng có thể có sự hư hỏng, cũng có sự tham nhũng, hủ hóa. Những người lãnh đạo trong giáo hội có thể hoạt động trên cơ sở cái ngã của danh và lợi. Ngoài đời thì xôi thịt còn trong đạo thì có thể “xôi chuối”. Danh lợi trong chùa tuy “chay” hơn nhưng nó vẫn là danh lợi như thường.



altNgười trẻ khi thấy những người lớn bị vướng vào vòng danh lợi thì mất niềm tin, họ không đi tới được và họ cũng “chết” như những người đi làm cách mạng. Biết bao nhiêu người tu cũng đã chết theo cái kiểu đó. Cởi áo tu đi ra đời là gì nếu không phải là cái “chết” của người tu? Bao nhiêu người đã chết trong môi trường của sự tu học? Mình có dư ý chí, có dư sự thao thức, mình có dư sự trăn trở nhưng mình không có được sự nuôi dưỡng, mình không có được sự vỗ về, không có đủ tình thương. Là người xuất gia, tôi đã đi ngang qua những kinh nghiệm đau thương đó, không những ở ngoài đời mà còn trong đạo nữa. Tôi xin đọc một bài thơ có thể nói lên thông điệp đó:

Trán tôi đã từng nhăn
Và ưu tư cuộc đời đã về ghi dấu chân nặng nề
Trên khoảng trời mai ấy
Nhưng trẻ thơ tâm hồn tôi hôm nay trở lại
Hoa lá về trên nụ cười buông thả
Vô tình xóa mờ những nếp nhăn đi


Mình đã đi tu rồi nhưng trên trán cũng có hằn lên những vết nhăn. Nếp nhăn đó vừa do hoàn cảnh xã hội bên ngoài tạo ra và cũng vừa do hoàn cảnh của giáo hội đem lại. Vầng trán của người thanh niên là một bình minh nhưng trên đó cuộc đời đã ghi những dấu nhăn. Rồi không biết vì lý do nào đó mà hôm nay những nếp nhăn trên trán đã biến đi. Nhưng trẻ thơ tâm hồn tôi hôm nay trở lại, có nghĩa là tâm hồn tôi hôm nay trở lại như tuổi thơ. Mình có thể mỉm cười được và vì cười được nên những nếp nhăn trên trán biến đi.

Như mưa chiều nay xóa đi
những dấu chân trên bãi vắng - qua một chu kỳ.
Tôi đi giữa rừng chông gai
như đi giữa vườn kỳ hoa dị thảo


Đó là một phép lạ, đi trong rừng chông gai mà mình thấy như mình đang đi giữa một vườn kỳ hoa dị thảo.

Đầu cất cao, nụ cười ngày xưa còn đó
Những vần thơ đã nở trong tiếng gào súng đạn
Nước mắt ngày xưa khóc nắng quái chiều hôm
trên chiến trường vàng vọt
Bỗng đã trở thành mưa.
Tiếng mưa rơi êm êm trên mái lá
Quê hương tuổi thơ thầm gọi tôi về
Mưa xóa đi bao tâm tư sầu muộn


Có những người có quê hương tuổi thơ rất đẹp và khi ấy phải về cầu cứu với cái quê hương đó.

Tôi vẫn còn - nụ cười chiều nay bình lặng
Trái ngọt chín trên cây rừng cay đắng
Ôm xác em thơ, tôi băng qua ruộng lúa quê hương đêm nay


Biết bao nhiêu người đã phải ôm xác người em của mình, người anh của mình mà băng qua ruộng lúa.

Đất mẹ sẽ gìn giữ em
Để trên bãi cỏ xanh non, alt
sáng mai này em sẽ luân hồi thành những bông hoa mới
Những bông hoa cười trầm lặng trong bình minh đồng nội.
Giờ phút này em có còn khóc đâu
- qua một đêm dài thăm thẳm sâu
Sáng nay tôi quỳ trên bãi cỏ xanh
khi trông thấy những bông hoa mang nụ cười huyền diệu
Thông điệp của hy sinh của hiểu biết quả đã tới nơi rồi.


Tôi đã thấy những người bạn tu, những người thanh niên 25 tuổi, 20 tuổi, 18 tuổi, 17 tuổi, 16  tuổi bị bắn chết.

Khi đi tu tức là mình phải gia nhập vào một đoàn thể và mình đặt hết niềm tin vào đoàn thể đó, nhưng cũng có thể trong đoàn thể đó có người phản bội mình, phản bội lý tưởng của chính họ. Mình đi làm cách mạng, mình phải đặt niềm tin nơi đảng; mình đi tu mình phải có niềm tin nơi giáo hội, nhưng đảng có thể phản mình, phản bội lý tưởng của người trẻ; giáo hội có thể phản bội lại niềm tin của người xuất gia trẻ. Tôi sẽ đọc bài “Xin Cúi Đầu Đưa Về”:

Đây hai bàn tay tôi
Xin trả về cho em
Thành khẩn nguyện cầu xin đừng nghiến nát
Tôi đã trở về, như một kẻ đầu hàng ngoan ngoãn
Dù muôn khổ đau, lòng không oán thán,
Bởi vì dưới ngôi sao em tôi đã sinh ra,
Bởi vì vì em tôi mới sinh ra
Để vạn kiếp làm người trai khờ dại


Người ta phụ mình nhưng mình vẫn cứ thương. Mình thương Tăng bảo, mình đặt hết niềm tin vào Tăng bảo và Tăng bảo đã không đủ “bảo”, Tăng bảo có những phần tử vì danh, vì lợi đã phản bội mình, phản bội lý tưởng của mình. Mình gọi tổ chức của mình là người yêu của mình, mình gọi là em.

Đây hai bàn tay tôi
Xin trả về cho em


Đầu hàng thôi, vì mình đã bỏ đi rồi nhưng bỏ đi không đành; phải trở về xây dựng tăng thân, dù tăng thân hư hỏng, dột nát thì vẫn phải trở về để xây dựng lại, không có sự lựa chọn thứ hai.

Đây hai bàn tay tôi
Xin trả về cho em
Thành khẩn nguyện cầu xin đừng nghiến nát



Hai bàn tay đã từng bị nghiến nát và mình đã băng bó cho lành rồi để bây giờ đem dâng lại. Mình chỉ có hai bàn tay thôi, hai bàn tay của một người trẻ, hai bàn tay để mà thương yêu, để mà xây dựng, để đóng góp nhưng bàn tay cứ bị nghiến nát hoài, nên có khi giận, có khi buồn muốn bỏ đi, rồi vì thương nên vẫn cứ trở về.

Đây hai bàn tay tôi
Xin trả về cho em
Thành khẩn nguyện cầu xin đừng nghiến nát
Tôi đã trở về, như một kẻ đầu hàng ngoan ngoãn
Dù muôn khổ đau, lòng không oán thán,
Bởi vì dưới ngôi sao em tôi đã sinh ra,
Bởi vì vì em tôi mới sinh ra
Để vạn kiếp làm người trai khờ dại


Yêu rồi bị phụ tình, phụ tình mà vẫn cứ yêu như thường mới lạ?

Đây hai bàn tay tôi
Là trái tim
Là khối óc
Là cuộc đời
Là tất cả những gì còn sót lại
Những bàn tay không mang quyền phép lạ
Nhưng đã hơn một lần nhỏ máu trên cung bậc thương yêu.


Trên phím chiếc dương cầm đó, trên chiếc Ghi-ta đó, những ngón tay này đã đàn những bản nhạc của thương yêu, của phụng sự nhưng những ngón tay mình đã nhỏ máu. Thương hết sức, thương bằng tất cả trái tim của mình chứ không phải chỉ là thương sơ sơ.

Trong Truyện Kiều cũng có câu: “Bốn dây nhỏ máu, năm đầu ngón tay.”

Đây hai bàn tay tôi
Xin trả về cho em
Kẻ thương yêu, mẹ dạy, không bao giờ tính toán
Cỏ mộ úa vàng, cũng như hoa hồng đương lứa
Thương yêu muôn đời vẫn hạt sương trong

Người ta dù có phụ bạc thì mình vẫn cứ thương như thường.

Đây hai bàn tay tôi
Xin cúi đầu đưa về
Em nhìn xem: những vết thương ngày xưa vẫn chưa lành dấu máu
Mười ngón đơn sơ hồn em xin đậu
Như những giọt sương ngời đầu ngọn cỏ rung rinh


Đây là những câu đẹp nhất của bài thơ. Những ngón tay của mình dâng hiến cho lý tưởng,nhấn trên cung đàn của thương yêu, của phụng sự, và dầu mình có nhỏ máu trên năm đầu ngón tay thì mình vẫn phải tiếp tục như thường.

Đây hai bàn tay tôi
alt
Một kiếp luân hồi chưa xóa nhòa thương tích

Nụ cười còn đây, tôi không bao giờ oán trách
Còn đây tâm hồn thơ dại ngày xưa
Đây hai bàn tay xưa
Băng bó vẫn chưa lành
Tôi mang về trả lại
Thành khẩn nguyện cầu xin đừng nghiến nát
Nguyện cầu mười phương trăng sao chứng minh.


Những bài thơ này không phải là để khóc gió thương mây, những bài thơ này là xương thịt của sự sống hàng ngày. Nếu quí vị có thì giờ xin tìm đọc truyện ngắn của tôi: "Câu Chuyện  Người Con Trai Khờ Dại.” Dù bị phụ tình hoài mà vẫn cứ trở về như thường. Bí quyết của tôi là chỗ biết rằng mình phải nuôi dưỡng chính mình, đừng để cho nguồn năng lượng của mình bị khô cạn. Tôi đã viết những câu rất đơn sơ:

Quê hương tôi là đây
Chỉ có dòng sông, hàng cau, bụi tre, vườn chuối.
Mặt trái đất dù mang đầy cát bụi
Nhưng trăng sao vẫn đẹp những đêm Rằm


Tuy trên mặt đất nơi mình đang đứng có nhiều cát bụi nhưng mỗi khi ngước mặt lên thì mình vẫn tiếp xúc được với trăng sao trên bầu trời. Vừa có một thế giới của trần lụy, của nhỏ mọn, ganh đua nhưng cũng vừa có một thế giới của tâm linh lung linh đầy mầu sắc. Nếu mình không bỏ cuộc, nếu mình  không thua cuộc chính là nhờ mình tiếp xúc được với thế giới đó. Có một câu ngạn ngữ nói: “Đừng tự khinh mình, phải biết rằng mình rất quý giá vì mình được làm bằng trăng sao”. Ở trong ta có trăng sao, có những tinh hà.

Trong tôi có một ngọn hùng phong
Đỉnh vươn cao trời mây khói
Trong tôi có một tinh hà chuyển động âm thầm
Muôn triệu tinh cầu sáng chói

Bốn câu thơ tôi vừa đọc là từ một bài thơ khác, bài Uyên Nguyên. Trong con người của mình có hai phần, một phần đất bụi và một phần trăng sao. Nhưng đừng mặc cảm mình là đất bụi, cũng đừng có tự hào quá vì mình có chất liệu của trăng sao.

Quê hương tôi là đây
Chỉ có dòng sông, chỉ có hàng cau, bụi tre, vườn chuối.
Mặt trái đất dù mang đầy cát bụi
Nhưng trăng sao vẫn đẹp những đêm Rằm



Mỗi khi tiếp xúc với những cái trần tục, với những cái hèn mọn, nhỏ nhoi thì mình đừng quên rằng trăng sao vẫn còn đó, chỉ cần ngửng đầu lên thì sẽ thấy rằng năng lượng, niềm tin của mình không hề mất đi. Đây là chuyện rất quan trọng đối với người tu. Cho nên có một bài thơ trong đó tôi đã tự nhắc lại cho mình cái câu ấy,  giống như là ngẫu nhiên mà không phải ngẫu nhiên. Đó là bài Tươi Son Bền Sắt. Hãy giữ cho mình được tươi như một thỏi son, bền vững như một thanh sắt. Khi tiếp xúc với những khổ đau, tuyệt vọng, mình có thể đánh mất thăng bằng, vì vậy phải tìm cách thiết lập lại sự thăng bằng để vượt qua giai đoạn của cơn bão tố đó.

Trăng sao vẫn đẹp trăng Rằm
Bãi dương vẫn mướt, sóng tùng vẫn xao


Có những bãi tùng rất lớn, khi gió thổi thì các cành tùng giao động như là sóng biển.

Lòng quê dù có khát khaoalt
Hoa mai vẫn cứ đồi cao gọi mời
Tháng tư lá lục hoa cười
Cho trăng thêm tuổi, cho đồi thêm xuân
Vườn xanh cây mướp trổ bông
Trẻ thơ đùa giỡn trước sân nắng đào
Chợ Văn bán sách lầu cao
Muối dưa đắp đổi hôm nào cũng vui


Đây là năm 1975, là thời điểm mà tất cả các cơ sở của giáo hội, tất cả những hoạt động văn hóa và xã hội của mình làm đã bị ngưng hết; Điều này đã gây ra rất nhiều khổ đau cho cả đất nước và cho những người đồng hành trên con đường tu học. Vì vậy, trong lúc đó nếu muốn sống sót phải biết nhìn lên, nhìn lên để tiếp xúc với trăng sao. Những câu thơ này không phải để ca tụng trăng sao, ca tụng bãi dương, sóng tùng, ca tụng hoa mai, ca tụng tháng tư, trường ca Avril mà là để nhắc cho mình rằng ngoài bình diện của khổ đau, của tuyệt vọng thì còn có bình diện của sự nhiệm mầu của tâm linh. Những hình ảnh đó không làm cho mình tuyệt vọng, những hình ảnh đó nuôi dưỡng mình. Bài này tôi viết ở Phương Vân Am.

Chợ Văn bán sách lầu cao

Muối dưa đắp đổi hôm nào cũng vui

Hồi đó thầy trò xuất bản sách và bán sách. Rất nhiều sách trong đó có sách học ngoại ngữ đã được gửi về tựng cho đồng bào đang ở trong các trại tỵ nạn ở Đông Nam Á.

Xót quê lòng cũng ngậm ngùi
Tin quê dồn dập tới lui chẳng ngừng
Chùa xưa vắng tiếng chuông ngân
Trẻ kia cha mẹ gởi thân tù đày
Văn nhân nghệ sĩ bó tay
Con thơ nheo nhóc chẳng ai ngó ngàng
Sóng xô nghiêng vịnh Thái Lan
Bao nhiêu tuổi ngọc chìm làn nước sâu

Cái bi kịch của thuyền nhân, cái bi kịch của các chùa bị đóng cửa và các thầy bị đi học tập cải tạo... mình chỉ nói lên được có tám câu. Nếu không có mười hai câu trước thì tám câu này sẽ làm cho mình ngã quỵ.

Trong tình trạng đó mình chưa tìm ra cách nào để có thể nâng đỡ cho những người đang kẹt vào trong tình huống khổ đau, tại vì bao nhiêu công tác của mình ở nhà đều bị ngưng lại. Không những người tu sĩ mà là người cư sĩ cũng vậy, không những nhà chính trị, những nhà văn hóa mà những nhà nghệ sĩ đều bị đi tù.

Tấm thương, lòng vẫn nguyện cầu
Nỗi đau dường ấy, làm sao đỡ đần?

Nỗi đau khổ quá lớn, trong khi đó thì mình không được phép làm gì để yểm trợ, giúp đỡ. Có một cái gì giống như là niềm tuyệt vọng và đó là giai đoạn khó khăn mà mình phải đi ngang qua. Khi ấy phải cầu cứu tới trăng sao, cầu cứu tới hoa mai, cầu cứu tới trẻ thơ.

Trước sau xin chớ ngại ngần
Những bàn tay ấy tình thâm vẫn tròn
Giữ cho bền sắt tươi son
Giữ cho tâm lặng giữa cơn ba đào

Giữ cho cho bền, cho tươi, hai cái đó là sắt là son. Son thì luôn luôn là đỏ thắm và sắt thì luôn luôn bền vững, đó là bản chất của người tu, đó là bản chất của nhà cách mạng. Siddhatta có những đêm ngồi trong rừng, sức khỏe hao mòn gần như tuyệt vọng, ban đêm ngồi thiền dưới gốc cây, nghe một cành cây khô gãy, tưởng tượng là có con trăn đang trườn tới. Có tiếng lá khô xào xạc, tưởng tượng là có một con cọp đang từ từ tiến lại. Siddhatta xa hoàng cung đã bốn năm, năm năm mà vẫn chưa làm nên một công trạng gì, giờ này thì vẫn đang ngồi một mình trong rừng, còn những người bạn đồng tu đã bỏ chàng đi hết, những lúc đó thật là khó khăn, nếu không có son, không có sắt thì không thể nào tiếp tục được.

Còn đây nắng gọi đồi cao
Còn đây những gốc anh đào trước sân
Còn đây trăng đẹp đêm Rằm
Còn đây dương mướt sóng tùng năm xưa


Bài thơ là một chứng tích của một cuộc tranh đấu nội tâm để mình có thể đứng vững trên con đường của mình.

 

alt

Sư Ông Làng Mai bình thơ