Một khúc sông Tiền

Một là nguyện Phật thần thông
Chứng minh đệ từ thành công lâu dài
Hai là nguyện lạy Như Lai
Cầu cho già trẻ gái trai làm lành...

Miệng thì đọc theo ba nhưng mắt Bé cứ thỉnh thoảng lại phải nhìn theo con thằn lằn trên cột nhà. Thằn lằn đang rình một con kiến cánh. Con kiến kia nếu không biết bay đi thì thế nào cũng bị thằn lằn đớp,  chú nghĩ trong bụng, thoáng thấy tội nghiệp con kiến nhưng cũng thấy thương con thằn lằn đang đói. Chú không thích nhìn thấy cảnh ấy một tí nào. Quay mặt đi chỗ khác, Bé cố gắng chú tâm đọc rõ ràng từng chữ theo ba.

Tối nào cũng vậy, hễ thấy ba vói tay lấy cái áo vải xe lữa nhuộm mực Tàu treo trên vách là chú chạy ào ra lu, múc gáo nước xối vội hai bàn chân, khum tay vốc ngụm nước úp lên mặt, quẹt quẹt vài cái lên má rồi chạy ù vào, vừa chạy vừa lấy tay áo lau mặt. Coi như sạch sẽ rồi, chú liền chắp tay đứng ngay ngắn đằng sau lưng ba. Ba thắp nhang và bắt đầu buổi tụng kinh tối. Những năm chiến tranh, câu cầu khấn cửa miệng người dân không phải là cầu tài cầu lộc, mà là “cầu cho tai qua nạn khỏi”. Do vậy, đêm nào ba cũng lễ lạy và đọc tụng 12 bài nguyện Quan Âm. Chú đọc theo ba không sai một chữ. Có những lúc mắt bận ngó nghiêng cái này cái kia, đôi khi chú lơ là, nhưng vẫn dõi theo và đọc đủ bài kinh như quán tính. Buổi sáng, bốn giờ ba đã thức tụng kinh. Chú nằm trong mùng, tai vẫn nghe và tiếng tụng kinh âm trầm ngấm vào giấc ngủ của chú, mỗi ngày mỗi ngày đều đều như vậy

Xóm Bà Tri nằm núp sau một cái cồn nhỏ quay mặt ra con sông Tiền rộng lớn. Người ta kêu bằng cồn Dưa Leo bởi trên đó trồng toàn dưa leo, mà hình như cái cồn này cũng có hình giống trái dưa leo nổi bập bềnh bên triền con sông cái lớn. Dọc con sông đầy ắp phù sa này có biết bao nhiêu là cồn, cù lao chìm, cù lao nổi... không sao kể xiết. Có cồn nổi giữa sông, có cồn nổi gần bờ, hình như con nước cũng như người nông dân Nam bộ đầy chất nghệ sĩ, phóng khoáng, vui đâu ghé đó, không tính toán so đo; bất cứ nơi nào, hễ mõi tay hay thích chí, rút cây sào cặm xuống thì nơi đó là bến. Cồn Dưa Leo nổi cách bờ chỉ khoảng hơn chục thước, vừa đủ tạo thêm một con sông nhỏ trước nhà. Nước thì cũng là nước của sông cái lớn, nhưng cách chảy và sóng của sông nhỏ thì hình như cũng hiền hòa và nhẹ nhàng hơn. Mỹ Xương là vùng đất khá tốt, thích hợp trồng cây ăn trái, nhưng chiến tranh giặc giã vào những năm này khá căng thẳng nên người dân không có điều kiện chăm sóc vườn tược hoa màu, đất đai làng xóm trở nên xơ xác, đa phần là người nghèo lam lũ, thất học. Con nít trong xóm lóc nhóc như bầu bí, đứa nào đứa nấy da tóc cháy nắng, ốm nhách ốm nhom. Trò chơi trẻ con bốn mùa chỉ quanh quẩn mấy trò bắn cu li bằng đạn đất, vỗ tu hú, táng u, rồi đánh trận giả bằng súng bẹ chuối, cây lùn. Các trò chơi đa số là của lũ nhóc con  trai, các bé gái ở quê chưa kịp biết chơi đùa đã phải làm công việc nhà giúp mẹ, có được chơi chăng nữa cũng chỉ vài trò, mà thường thấy nhất là trò chơi nhà chòi, thì quanh quẩn cũng là nấu nướng, tắm em, quét nhà rửa chén...! Tuổi thơ chưa kịp qua, các em đã phải làm người lớn thu nhỏ. Người lớn thì vừa mần ăn vừa lo chạy giặc, sống được qua ngày là may rồi, ít ai biết mơ ước điều gì cao xa. Ước nguyện ương lai hầu như được đo và tính bằng từng mùa vụ. Dân miệt vườn còn đỡ, dân miệt ruộng càng chơn chất thiệt thà hơn, hầu như cả đời họ chẳng cần nghĩ đến điều gì xa hơn mảnh đất đồng làng mà họ có, chẳng cần nhìn thấy điều gì cao hơn cái nóc nhà họ ở (nếu như cái nóc nhà ấy không bị dột). Ða số người dân quê là vậy. Nếu tâm hồn được ví là hoa, thì tâm hồn những người dân quê giản đơn, bình dị như là hoa lúa.

Bé lớn lên trong một căn nhà nhỏ, vách lá cột tràm, quay mặt ra con sông được tạo nên bởi cái cồn Dưa Leo bề ngang chưa đầy cây số ấy. Ðầu sông người ta gọi là xép cù lao Quạ, cuối sông kêu bằng vàm Cả Sứt, những cái tên nghe thiệt là quen. Mỗi ngày, ba chú đi qua cồn làm rẫy, chú ở nhà quanh quẩn với mấy cục đạn cu li cứ vo mãi không tròn. Trong xóm chỉ có thằng Nghé  là có biệt tài vo đạn cu li khéo nhứt. Những viên đạn được làm bằng đất đào tuốt ngoài vườn, cạnh mấy cái mương chứa nước. Ðất gần sông là đất cồn bồi, phù sa pha cát nên làm đạn không có độ dẽo bền như đất sét. Thằng Nghé lại rất khỏe tay, nó vo vừa tròn vừa chặt, lúc phơi nắng lại siêng năng trở đều cẩn thận nên viên đạn rất tròn, bắn lăn chính xác và va chạm mạnh mấy cũng không bị bể. Bé là đứa được thằng Nghé vò giùm cho nhiều đạn nhứt vì chú rất hiền lành, chơi với bạn không ăn gian, lại hay nhường nhịn và bắn bi cũng... rất dở, bởi chú không hay bắn mạnh tay, do vậy, có vo giùm chú bao nhiêu đạn thì rồi cũng về lại túi  thằng Nghé hết thôi.

Buổi chiều, Bé thường chơi quanh quẩn gần nhà, để ba đi cồn về, kêu một tiếng là chú nhảy tót xuống xuồng bơi qua sông rước ba. Những ngày hái dưa leo, má cùng qua cồn phụ ba thu hoạch, những lúc ấy Bé cũng được theo. Ðứng trên cồn, nhìn ra con sông cái lớn rộng mênh mông, bên kia xa tít tắp là phố chợ Sa Ðéc, ba nói bên đó có đường trải nhựa, buổi trưa nắng gắt nếu không có dép mà đi là nóng phỏng chân luôn. Ðứng trên cồn, thỉnh thoảng nhìn thấy mấy chiếc tàu lớn chạy qua xa xa ngoài sông, Bé thích lắm. Tàu chạy qua lâu rồi mà sóng còn chưa vô tới bờ. Bé lượm mấy cục đất, chạy lấy đà, quay thẳng tay liệng hết ga ra sông. Chẳng bứt xa khỏi bờ được mấy, cục đất rơi không nghe tiếng chủm lớn như bên sông nhỏ trước nhà, bởi tiếng gió và tiếng sóng óc ách vổ bờ át mất. Vòng sóng của cục đất chìm xuống chưa kịp lan tỏa đã bị những con sóng khác xô trộn.

- Ê, Bé...Bé...

Cả đám con nít trong xóm cũng được ba má cho qua cồn tiếp bẻ dưa leo, việc chưa xong chúng đã bỏ chạy đi chơi. Thằng Dứt có chiếc tàu làm bằng miếng ván mỏng cắt hình tam giác dài, sau đuôi cặp hai chiếc đũa, quấn ngang là một sợi dây cao su. Một cái chong chóng cắt bằng thiếc, đục lỗ xỏ qua sợi dây cao su. Xoay thật nhiều vòng cái chong chóng và sợi dây rồi thả xuống nước, sợi dây cao su đàn hồi quay trở ngược lại, nhả cái chong chóng thành chân vịt đạp nước, đẩy miếng ván về phía trước. Trò này chơi ở trong mương trong rạch thì  tàu chạy rất ngon, có khi được ba bốn sãi tay mới ngừng. Ra sông lớn thì thua, sóng dập mấy cái là chiếc tàu quay như chú vịt con bị lươn rút! Cả đám thất vọng quay qua bày trò kết bè chuối. Bè được làm rất công phu, cũng có mui như những chiếc tàu Pháp hay chạy trên sông, có cả người lái nặn bằng đất, đầu đội cái nón khoét bằng chóp trái dưa leo phần có cái cuống cong cong; chân không giày dép nhưng tướng tá lại giống như thầy giáo trên trường. Trên bè có cả mấy con mèo chó, trâu bò... và lu đựng gạo nữa. Kết xong chiếc bè thả xuống, nước chảy mạnh làm bè trôi rất nhanh. Cả đám tiếc, sợ bè trôi mất, lại lấy sào vớt vô. Chiếc bè chuối cứ cặp theo cồn mà trôi líu quíu cách bờ không đầy hai thước. Thấy vậy Bé nói:

- Thôi, mình đừng tiếc nữa, cứ đẩy cho nó trôi tuốt ra ngoài xa kia đi. Cho nó đi qua bên chợ Sa Ðéc luôn đi.

Cả đám chưa đứa nào biết chợ Sa Ðéc, nghĩ đến việc chiếc bè của mình trôi được qua tới chợ Sa Ðéc thì khoái quá, bèn hè nhau lượm đất thi đua liệng xua chiếc bè ra xa. Chiếc bè chuối trôi xa dần xa dần cho đến khi chỉ còn là một chấm nhỏ xíu nhấp nhô trên sóng. Bé đứng nhìn theo mút mắt. Với trí óc của một cậu bé mười tuổi, chú không biết trong mình đã manh nha có sẵn ý thức mong muốn sự giải thoát, chú chỉ thấy thinh thích khi nhìn chiếc bè trôi tự do giữa muôn ngàn con sóng lúc to lúc nhỏ... Những con sóng không bao giờ ngớt dao động, lao chao...

Trường làng

Cái cặp bằng đệm, trong đó là một quyển Quốc văn giáo khoa thư lớp ba, hai cuốn tập, cây viết mực ngòi lá tre, cây thước gỗ vuông nhỏ dài ba tấc. Một bình mực tím, miệng bình có phễu, phòng khi bị lật, mực khỏi đổ hết ra ngoài. Ðó là tất cả “lều chõng” của Bé để đi đến trường. Cuốn sách cũ kỹ, quăn góc là của nhà trường cho mượn, hết năm học phải trả lại cho lớp sau học tiếp, còn hai cuốn tập thì rất thẳng thớm, sạch sẽ, luôn còn đủ 100 trang (tập ngày xưa in không tính luôn cả bìa như ngày nay) không bị xé mất trang nào để biến thành chim én, tàu bay... như tập của đa số các cậu bé tiểu học. Bé luôn được cô khen vì rất ngoan và học giỏi. Bảng danh dự treo ở góc lớp bao giờ cũng có tên chú. Chú làm lớp phó nhưng lại được phân công hô khẩu hiệu cho cả lớp trước khi vào học và khi ra về. Còn nhớ mấy bữa đầu tiên vô lớp, thằng Tô là lớp trưởng, nó to con, người ô dề  kệch cợm, cô giáo vừa bước vô, nó đứng dậy hét to:

- Học sinh  - đứng!

Cả lớp gào theo:

- Nghiêm!

Cô giáo người nhỏ nhắn, trắng bóc, có vẽ ốm yếu. Cô bước lên bục, ngồi xuống ghế sau bàn giáo viên, vẻ mặt hơi cau có, phải đến một phút sau cô mới ra hiệu cho lớp ngồi xuống. Thằng Tô lại hô tiếp, giọng của nó vẫn không giảm khí thế hừng hực:

- Học sinh – ngồi!

Cả lớp nhìn vẻ mặt cô giáo, hơi xìu giọng:

- Xuống!

Cô giáo nhìn quanh một lượt, cất giọng hỏi:

- Ai là lớp phó?

Cả lớp nhao nhao:

- Dạ, thằng Bé, cô.

Cô giáo nghiêm mặt:

- Không nói thằng. Kêu bằng trò Bé, nhớ chưa? Lớp này năm ngoái ai dạy mà ăn nói kỳ khôi vậy? Trò Bé đâu?

Bé đứng lên khoanh tay lễ phép:

- Dạ thưa cô, con.

Cô nhìn chú bé ốm ngẳng, gương mặt sáng sủa, hiền lành, vẻ hơi hài lòng, nhưng cô bật hỏi:

- Con làm lớp phó sao không ngồi đầu bàn nhứt, lại ngồi bàn nhì?

- Dạ thưa cô, trò Út bị xếp ngồi sau lưng con, trò ấy lùn,  không thấy bảng nên con nhường...

Cô giáo bảo:

- Con đứng dậy hô khẩu hiệu cho lớp, cô nghe thử.

Bé đứng lên, nhìn xuống lớp một cái rồi lấy giọng, hô chững chạc: “Học sinh - đứng!” Giọng chú rõ ràng và nghe “êm” hơn giọng thằng Tô. Cô giáo gật đầu:

- Từ nay em thay lớp trưởng hô khẩu hiệu, em xách cặp lên bàn nhứt ngồi đúng chỗ.

Cả làng có duy nhất một trường tiểu học nhưng cũng chỉ được hơn chục lớp với một dãy phòng học lợp ngói. Trường có cổng và hai cánh cửa hầu như không được mở đóng bao giờ. Bốn bức tường bao quanh khu vực trường cũng như có như không, bởi đã bị xô ngã, lổ chổ những vết đạn bắn, lâu ngày không được tu bổ sửa sang. Mấy chú học lớp nhứt  có thể đi vào trường bằng cổng chính hoặc cắc cớ thì nhảy qua mấy đoạn tường ngã đổ mà vào. Ðầu dãy là phòng hiệu trưởng kiêm luôn phòng giáo viên. Cái trống được treo ở đó. Cái trống tróc sơn loang lổ cũ kỹ nhưng âm thanh của nó thì luôn luôn mới tùy theo tâm trạng của người đánh và người nghe.  Trường có bác bảo vệ già, quanh năm không bảo vệ được gì mà cũng chẳng có việc gì để bảo vệ ngoài việc bác tự “bảo vệ” lấy bác trước đám học trò ranh mãnh, lí lắc. Nhiệm vụ của bác là đánh trống, nhưng thường được mấy anh lớp nhứt tinh nghịch, xung phong tự nguyện giúp bác, do vậy tiếng trống rất phong phú, khi thì tùng tùng hăng hái như tất cả năng lượng của người đánh dồn vào mặt trống, khi thì thùm thụp ngắt quãng như người cầm dùi đang bị thọt lét!  Chỉ có lúc bác đánh thì tiếng trống mới nghe đều đều quen thuộc. Sân trường trồng mấy cây bả đậu lâu năm, tán rộng rất mát, có vài cái tổ chim cứ bị chọi rớt xuống hoài. Cây bả đậu thân có gai nhọn nên không leo được, học trò cứ chọi tổ chim, gạch đất rớt xuống nóc trường, nằm rải rác lổn nhổn đầy trên mái ngói. Cứ mỗi lần nghe tiếng xủng xoảng trên mái, thầy hiệu trưởng bước ra, cả bọn ùa chạy trốn, cũng có khi thoát, cũng có khi không, nếu trong đám có “gian tế” mách lại với thầy. Thầy bắt quì cột cờ phơi nắng suốt giờ ra chơi. Phơi nắng nhằm nhò gì nên chẳng đứa nào sợ, sợ nhứt là bị khẻ năm đầu ngón tay thôi, khẻ năm đầu ngón tay đau dai dẵng, hậu quả kéo dài có khi đến ngày hôm sau, không móc đất nắn đạn cu li hay làm tu hú được. Có lần chọi rớt được một tổ chim se sẻ, cả bọn xúm lại giành. Tội nghiệp mấy chú sẻ non chưa đủ lông cánh, xơ xác ngất ngư vì bị chuyền hết tay này qua tay khác, ngắc ngoải sắp chết. Bé xin mãi cuối cùng cũng được chia cho một con. Trống vào lớp, chú đành bỏ con sẻ non vào hộc bàn. Tan học, con sẻ non chết ngắt. Chú cầm con sẻ trên tay vừa đi vừa khóc. Thằng Tô đi ngang thấy vậy, chụp phắt con sẻ, quăng cái  nhủm xuống sông, mắng:

- Khóc khỉ gì? Ðồ mít ướt! Mơi tao kiếm con khác cho.

Thằng Tô coi thô bạo vậy chớ cũng được lắm, nó rất thương Bé. Hôm sau, nó đem vô lớp cái hộp lon, gí vào tai chú:

- Tao đố mày cái gì?

Tiếng ò...i...u...u... phát ra ri rỉ từ bên trong, Bé biết ngay:

- Con ong bầu!

Thằng Tô cười:

- Ừa, cho mày đó. Con ong bự tổ chảng luôn, để xa xa lỗ tai, kẻo nó đờn điếc con ráy!

- Dóc tổ! – cả nhóm cười xì. Thằng Tô rượt đá đít từng đứa, mỗi đứa một cái. Bé đem cái lon để xuống cuối lớp, chú sợ trong giờ học mà nó nổi máu nghệ sĩ, đờn um sùm thì cô giáo nghe, phạt chết. Sau giờ học, chú đem con ong về nhà, khoe với má. Má nói: Coi chừng nó chun ra được, đánh chết. Ong bầu mà chích là thúi thịt luôn. Má biểu đem thả đi, nhưng Bé tiếc, chưa chịu thả. Chú vô bếp, bới một tô cơm ra võng ngồi ăn, vừa ăn vừa lắc lắc nghe con ong ò í. Chợt chú nghĩ: nhốt trong đây hoài, con ong đói bụng, biết ăn gì? Nó đói chết sao? Vét vội tô cơm, chú chạy qua nhà thằng Tô, hỏi:

- Lấy gì cho con ong ăn?

Thằng Tô đang ngồi vò cả đống đạn cu li, ngước lên nói:

- Ăn khỉ gì! Nó sống dai lắm, cả tuần chưa chết!

- Nhốt nó tới chết thì thôi hả?

- Hông lẽ mần mắm?  Chết thì bỏ. Thằng này, khờ thấy mẹ!

Bé xách hộp lon về, đi thẳng ra sau giàn mướp, mở nắp, thả con ong. Hí hửng chạy vô khoe với má:

- Má. Con thả nó rồi.

Má đang loay hoay trong bếp hỏi:

- Thả cái gì?

- Thì con ong hồi nảy, má biểu con thả.

- Ừa, giỏi, má thương, mai mốt đừng có chơi mấy thứ đó, ớn lắm nghen.

Bé dạ thiệt ngoan, chú nhìn ra giàn mướp, chẳng thấy con ong đâu, chỉ có mấy cái đọt  mướp với dây leo lắn ngoắn huơ huơ trong gió buổi trưa mát rượi thổi từ phía sông cái lớn qua cồn, thoang thoảng mùi rạ rơm phủ úm gốc dưa leo. Bé  lấy quyển sách trong cặp ra, phủi chân trèo lên bộ vạt tre, nằm học bài. Hình như có tiếng con ong cứ i  u bên tai, đưa chú vào giấc ngủ.

Chùa quê

Ngôi chùa nhỏ nằm khiêm tốn trong khoảng đất rộng đầy cây trái. Buổi tối, mùi nhang tỏa ra từ chánh điện hòa với mùi thơm trái chín đâu đó trong vườn. Buổi sáng, tiếng chuông mõ công phu bình dị hòa cùng tiếng gà gáy sáng. Chùa Hải Huệ chỉ như một ngôi nhà lớn trong xóm, không mấy cách biệt, do vậy bà con trong ấp Mỹ Hưng Hòa hằng ngày lui tới với chùa rất tự nhiên, thân thiện. Ni sư trụ trì rất hiền lành, chất phác, nhu thuận. Không như ở thành thị, cứ thấy chùa to Phật lớn, quang cảnh đẹp là mọi người kéo nhau tới lễ bái, ít ai quan tâm tới chư tăng ở chùa ấy ra sao. Ở quê, mọi sinh hoạt trong chùa cả xóm đều biết. Chùa nào thầy trụ trì đức độ hiền lành là mọi người theo. Chùa ở quê rất nghèo, không có tiền nhưng đồ ăn thức uống thì dư giả. Mùa nào thức đó: mùa xoài thì chánh điện tràn ngập xoài, mùa nhãn thì vừa đến cổng chùa đã như bước vào vườn nhãn. Nhiều nhất quanh năm là chuối. Những ngày rảnh, Bé thường cùng mẹ lên chùa phụ quí cô ép chuối phơi khô. Chuối khô chất đầy trên mấy cái gióng tre treo trong nhà bếp, lâu lâu có lái buôn, chùa phải gởi đi bán bớt để lấy tiền mua nhang, mua dầu lửa thắp đèn. Người nào lên chùa cũng chỉ dâng cúng cây trái nhà mình. Cô trụ trì cứ nhìn những thứ trên tay họ mà hỏi thăm về vườn tược, thu hoạch, đời sống của họ. Chỉ đơn giản thế thôi nhưng tình nghĩa vô cùng ấm áp. Nhà có việc gì họ cũng kể cô nghe, từ việc mẹ chồng nàng dâu cho đến việc xích mích hàng xóm. Cô sống ở chùa từ nhỏ nên cũng chẳng hiểu biết việc đời nhiều, nhưng cứ phải sắm vai nhà tư vấn tâm lý giáo dục để khuyên nhủ mọi người. Những lời khuyên cứ khuyên đi rồi khuyên lại, quanh quẩn bao nhiêu đó nhưng cũng tạm an lòng đôi chút. Lạ vậy, cũng những lời nói ấy, nhưng nếu người này nói thì ta cho là sáo ngữ, hoặc “biết rồi khổ lắm nói mãi...!” nhưng nếu người khác nói thì ta lại thấy chí lý. Cái đức, cái duyên là vậy.

Chùa quê những năm chiến tranh này không tổ chức lễ bái rình rang, nhưng người quê đi chùa chăm chỉ. Họ cầu an cầu siêu rất thiết tha. Trước tượng Quan Âm lúc nào cũng khói hương thành khẩn. Người quê tin vào Phật, Trời, Thần, Thánh một cách hồn nhiên, họ đâu cần biết Phật nói điều gì, trời như thế nào, thần thánh ra sao, chỉ nghĩ đơn giản rằng “đội ngũ cõi trên” ấy là điểm tựa cuối cùng của họ. Qui y Phật, qui y Tăng là chính, còn đối với giáo pháp cao sâu họ chưa đủ điều kiện tiếp nhận. Tuy vậy, với Phật, với Tăng họ đem hết lòng tin kính, có lẽ nhờ phước báu ấy mà đa số  những bậc cao tăng thường được sinh ra ở các vùng quê. Và chùa quê là cái nôi giản đơn, mộc mạc đã nuôi lớn biết bao ý chí thanh cao thuần khiết.

Mẹ của Bé thường lên chùa làm công quả, dù không biết chữ, nhưng giờ tụng kinh, bà rất  thành khẩn lên chánh điện quì, đợi tiếng chuông là cúi đầu lạy Phật. Chùa không có tổ chức thuyết pháp, lên chùa chỉ nghe tiếng tụng kinh, mà kinh thì đa số bằng tiếng Phạn, tiếng Hán khó hiểu, vậy mà theo tiếng mõ tiếng chuông, tâm hồn những người dân quê cũng men ven đường Chánh Pháp.

Ngày rằm, mùng một, cả nhà Bé đều đi chùa, phụ cô Sáu nấu nướng, dọn dẹp. Ni sư trụ trì rất mến Bé vì không như những đứa trẻ khác, bao giờ lên chùa chú cũng rất trang nghiêm, không leo trèo, phá phách, nghịch ngợm hay cười đùa lớn tiếng. Trái lại, chú rất siêng năng,  thành kính lễ Phật, tụng kinh chăm chỉ. Nhìn dáng chú đứng chắp tay thành kính trước tượng Phật, cô thầm đoán trong đầu: thế nào cậu bé này cũng xuất gia. Cái duyên với Phật lộ rõ: mỗi lần đến chùa là chú cứ loanh quanh dọn dẹp lau chùi, phủi bụi xung quanh bệ Phật. Chú làm rất say sưa tỉ mỉ. Một chút bụi dính trong kẻ móng chân của tượng, chú cũng chồm người nhón chân lên lau thật kỹ. Có lần, cô bắt gặp chú đứng nhìn ngắm rất say sưa tượng đức Di Ðà, cô hỏi:

- Con nhìn gì kỹ vậy?

Chú cười bẽn lẽn:

- Sao con thấy thương ông Phật quá. Con muốn nữa mình cũng thành ông Phật giống ổng.

Cô bật cười:

- Vậy con xin má cho đi tu đi. Tu rồi sẽ thành ông Phật như vậy.

Chú phụng phịu:

-  Bữa hổm con có hỏi rồi, nhưng má hổng cho. Má nói con còn nhỏ, chùa hổng có chứa.

- Chứa chớ – Chợt thấy mình lỡ lời, cô dịu giọng – ờ, con cũng còn nhỏ, thôi đợi lớn lên chút nữa hen.

Cô xoa đầu chú, trong ánh mắt không giấu được một nét vui, kỳ vọng và tin tưởng.

Xuất gia

Bé có một người cô ruột, lớn hơn chú chừng mười tuổi. Cô là con gái được cưng nhất trong gia đình, nhưng quyết chí đi tu và xuất gia năm mười sáu tuổi. Có lần cô về thăm nhà, Bé níu áo cô kéo ra góc vườn hỏi nhỏ:

- Cô ơi, sao cô đi tu?

Cô cười hiền lành, nhỏ nhẹ kể cho Bé nghe:

- Hồi cô còn nhỏ, nhà bà nội hay được quí thầy cô ghé thăm. Mấy thầy cô điềm đạm, nhân từ, dễ thương lắm! Cô nhìn thấy người tu sao mà thanh thoát quá. Tự dưng cô thấy ham đi tu, được mặc áo giống như quí cô...

Bé ngắt lời:

- Còn cạo đầu, bộ cô hổng thấy mắc cỡ sao?

Cô cười ngất:

- Có gì đâu mắc cỡ, đội cái khăn lên cũng đẹp vậy. Ừa, mà sao cô hổng thấy cạo đầu là xấu đâu nghen, ai nói xấu chớ cô đâu có thấy xấu! Mấy người bạn cũ của cô cứ  nghĩ chắc là cô thất tình hay chán đời, bất bình gì đó nên mới đi tu...

Rồi dường như có điều gì bức xúc, cô nói luôn một thôi một hồi: Người đời như con cá lìm kìm trong mương trong rạch, nước chảy liu riu, sóng xô nhỏ xíu, làm sao biết được con sông cái lớn rộng cỡ nào, sóng dậy ra sao? Cứ tưởng tất thảy nước trên đời chỉ có bi nhiêu, sóng chỉ lô nhô chừng ấy, lấy dạ tiểu nhân đo lòng quân tử, làm như chùa là nơi để trốn chớ không biết đó là chốn quay về.... - Cô chợt bật cười - ý quên, cô hơi bực mình nên nói tùm lum, nói vậy làm sao con hiểu nổi!  Thôi, mai mốt nếu đủ phước duyên, con đi tu thì tới lúc đó con sẽ hiểu liền.

Bé không hiểu thiệt, chú chỉ quan tâm đến điều khác, nên hỏi tiếp:

- Cô đi tu, nội hổng có la cô hả?

Cô lắc đầu cười rất thảnh thơi:

- Nội chịu cho cô đi tu lắm. Nội nói có chồng có con khổ lắm, đi tu là nhẹ nhàng.

Bé xịu mặt:

- Vậy mà ba với má con hổng cho con đi tu.

- Con có xin chưa?

- Dạ có. Thầy Thiện Thọ về xin con hai lần rồi mà ba má hổng cho. Ba nói mới có con là con trai đầu lòng, là anh hai lớn nhất trong nhà. Má thì nói con còn nhỏ, đi xa nhà tội nghiệp. Mấy anh An, Hiền, Phước, Ðức... thầy cũng dắt đi hồi bằng con bây giờ chớ nhiêu. Mỗi lần thầy dắt mấy ảnh về thăm nhà, con càng nôn muốn đi theo. Cô biết hông,  con có hỏi nhỏ mấy ảnh: “đi tu ở trển có vui không?” Mấy ảnh nói là vui lắm. Thầy dạy chữ nho vẽ ngộ lắm, dễ ẹc hà, không phải như tiếng Pháp mà mấy anh lớp nhứt trường con học đâu.

Cô im lặng, sau đó không biết có nói gì với ba má không, nhưng đến lần thứ ba, khi thầy Thiện Thọ về, thầy lại qua nhà xin ba thì ba đồng ý.

Thầy Thiện Thọ là trụ trì  chùa Phước Lâm ở Tân Uyên – Biên Hòa. Thầy có bà con xa với ba. Thỉnh thoảng thầy về thăm người anh ruột ở nhà kế bên. Trong xóm, thầy đã dẫn đi tu hết sáu đứa cũng cỡ bằng tuổi Bé.

Vậy là đi. Bữa đó hình như má khóc nhiều lắm. Ðêm, má ôm Bé ngủ, dặn dò đủ thứ, chú ậm ừ cho qua chớ nào có nhớ gì, lòng mãi nghĩ nôn nóng về chuyến đi. Ba cũng vậy, hình như suốt đêm ông không ngủ, đi tới đi lui đốt nhang trên bàn Phật hoài. Thầy không cho tiễn, má đứng ở cửa khóc, còn ba đưa theo được có đoạn đường, tới chùa Hải Huệ là thầy biểu ba về. Lên tới xe rồi, ngồi lúc lâu bên thầy tự nhiên Bé bỗng thấy nhớ nhớ... Tự dưng muốn khóc gì đâu! Hình như thầy thấy được tâm trạng chú nên kéo chú ngồi lại gần hơn rồi dỗ:

- Con đừng sợ. Ði tu với thầy, thầy thương lắm. Mai mốt nhớ nhà thì thầy đưa về thăm, có gì đâu!

Chú ngoan ngoãn ngồi nép vô thầy. Xe chạy, cảnh vật mới mẻ hai bên đường thu hút chú, chú mãi lo nhìn ngắm và tạm quên...

Chùa Phước Lâm là một  ngôi chùa nhỏ do Hội Phật học Nam Việt xây cất. Chùa nằm trong xóm Uyên Hưng, thuộc chiến khu Ð, Biên Hòa. Ngôi chùa nhỏ nằm trong một khu dân cư thưa thớt. Quanh chùa trồng nhiều bưởi, chuối. Ðất rộng nhưng thiếu người chăm sóc trồng trọt nên quang cảnh khá hoang sơ. Lần đầu tiên bước chân vào một ngôi chùa mà mình rồi sẽ được ở lại đây luôn, Bé vô cùng bỡ ngỡ. Thầy dẫn chú vô chánh điện lạy Phật, lạy Tổ rồi gọi hết mấy chú trong chùa ra giới thiệu:

- Ðây là các huynh đệ của con. Từ nay thầy đặt cho con pháp húy là Nhật Bé, pháp hiệu Chơn Thanh...

Hầu hết là mấy anh em đã quen nhau. Sư huynh Chơn An, Chơn Hiền, mấy chú đồng trang lứa: Chơn Hòa, Chơn Hợp, Chơn Phước, Chơn Ðức và hai chú nhỏ hơn Chơn Ðạt, Chơn Tâm đều là bà con họ hàng hoặc người trong xóm nên Bé cũng bớt lo lắng lạ lẫm. Sư huynh Chơn An dẫn Bé đi tắm rửa và các chú xúm lại chia quần áo cho Bé mặc tạm thời trước khi may áo mới. Lần đầu tiên khoác lên mình cái áo đà của nhà chùa, Bé cứ thấy ngồ ngộ làm sao. Cảm giác nô nức gần giống như lúc mặc áo mới ngày tết, nhưng hình như nó còn thiêng liêng, quan trọng và đặc biệt hơn nhiều.

Buổi tối, lên chánh điện tụng kinh. Vẫn những bài kinh chú đã thuộc, đã tụng cùng ba ở nhà hoặc những ngày rằm, mùng một lên chùa Hải Huệ tụng cùng quí cô, nhưng sao buổi tụng kinh hôm nay Bé thấy long trọng quá. Chắc vì chú tự cảm thấy mình đã được đứng vào hàng ngũ người tu thiệt rồi.

Ðêm ấy, đêm đầu tiên xa nhà, nằm giữa các huynh đệ trên bộ ván, nghe tiếng dế kêu, tiếng lào xào của gió bên ngoài... Bé nhớ nhà vô kể. Hình như tiếng gió ở đây cũng khác với gió ở nhà, mọi âm thanh đều khác. Bé bắt đầu thấy nhớ ba, nhớ má, nhớ em... Không biết giờ này ở nhà má có thức nhớ Bé không? Ba tụng kinh một mình chắc là buồn lắm? Bé thấy nước mắt chảy ra nóng hỗi. Chú nằm quay mặt vô vách, thút thít khóc. Lát sau, lỗ mũi nghẹt cứng một bên, chú trở mình quay ra thì thấy thầy đang đi rón rén về phía cái đèn dầu trên bàn, vặn to lên rồi bước lại ghé sát mặt vào mùng của chú. Chắc thầy xem coi chú đã ngủ chưa. Chú nằm im nhắm hi hí mắt, cố thở đều đặn. Thầy đứng nhìn hồi lâu rồi đi ra, không quên vặn nhỏ ngọn đèn như cũ. Chú cũng thiếp ngủ đi lúc nào không biết.

Thầy chọn ngày tổ chức lễ xuất gia cho các chú. Hôm ấy có mấy thầy lớn và một số Phật tử của chùa. Gia đình các chú đều ở xa, thời buổi chiến tranh đi lại khó khăn nên không ba má đứa nào đến tham dự được. Chùa được bày trí nghiêm trang. Thầy dẫn các chú đến quì trước bàn Tổ, nguyệân hương, lễ lạy rồi ra chánh điện tụng kinh, làm lễ xuất gia. Trước bàn Tổ thầy hỏi từng chú:

- Vì sao con xuất gia?

Dù đã suy nghĩ để trả lời từ trước, nhưng chú nào cũng lúng túng bạch thầy với giọng run run vì không khí trang nghiêm, long trọng. Sau vài lời huấn thị, thầy bắt đầu cạo tóc cho từng đứa:

Hủy hình thủ chí tiết
Cắt ái từ sở thân
Xuất gia hoằng thánh đạo
Thệ độ nhất thiết thân

Và tất cả các huynh đệ đều tụng đọc:

Thế trừ tu phát
Ðương nguyện chúng sanh
Viễn ly phiền não

 

 Trích BÓNG ÁO NÂU

Thu Nguyệt - Ðỗ Thiền Ðăng - Thiện Bảo