Mọi ngả đường đều dẫn về cõi Phật

Hòa Bình Phật Quang tự được khởi công trước sự chứng kiến của hàng ngàn tăng ni phật tử và du khách thập phương.

(HBĐT) - Ngày Tết, mọi người đến chùa trước là thắp nén hương lễ Phật cho tâm hồn thanh thản, sau là cầu lộc, cầu phúc để bước sang một năm mới mới mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, ăn nên làm ra, tai qua nạn khỏi, sung túc đầu năm. Đi chùa đầu năm hàm chứa một triết lý sống sâu sắc, gắn với việc xuất hành đầu xuân, hướng đến cái thiện, dung hoà giữa đạo và đời. Vì thế đi chùa lễ Phật đầu năm, ngoài ý nghĩa tín ngưỡng tôn giáo còn là nét văn hoá đẹp của dân tộc.

Trong thời phong kiến, nền văn minh và đạo đức Phật giáo đã thấm nhuần trong các tầng lớp từ vua quan đến thứ dân. Ở thời kỳ này, Phật giáo trở thành sức mạnh tinh thần và tư tưởng chủ đạo. Các triều đại Đinh – Lê – Lý - Trần có nhiều vị Thiền sư được phong làm Quốc sư, nhiều vị Vua lấy việc tu hành làm lý tưởng, làm phương châm cho việc “hộ quốc an dân”. Trong thời đại ngày nay, Phật giáo cũng góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức truyền thống của dân tộc. Tinh thần đoàn kết hoà hợp dân tộc đã được thể hiện trong những ngày đầu xây dựng cách mạng cũng như trong công cuộc kháng chiến chống thực dân, thống nhất đất nước. Tăng ni phật tử đã góp sức mình vào bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng đất nước. Ngày nay, văn hoá tín ngưỡng Phật giáo ngày càng được trân trọng và ảnh hưởng sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, ở mọi miền Tổ quốc, từ thành thị tới nông thôn, từ thành phố đến biên giới hải đảo đều có chùa chiền là cơ sở tín ngưỡng của Phật giáo và đạo Phật được coi là đạo của tổ tiên, đạo của ông bà:

“Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của tổ tông”

(Huyền Không).

Vì vậy, ngôi chùa đã trở thành môi trường văn hoá tâm linh của mọi tầng lớp nhân dân. Ngôi chùa không chỉ giành cho người đang sống mà còn cả cho vong linh của những người đã mất có nơi thờ cúng, quy hướng tâm hồn, nương nhờ cửa Phật; để ngày đêm được nghe những lời kinh câu kệ, nghe tiếng chuông mõ trầm hùng cho linh hồn được giải thoát tiêu dao miền cực lạc.

Tuy mỗi chùa một vẻ khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là khung cảnh thiên nhiên tĩnh lặng như muốn đưa con người vào cõi thiền để tu nhân tích đức, làm điều thiện, tránh cái ác. Bao đời nay, tiếng mõ cầu kinh, tiếng chuông chùa vang vọng đã để lại ấn tượng mạnh trong tâm khảm con người Việt Nam, vừa có ý nghĩa tâm linh, vừa có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Với lối kiến trúc riêng thể hiện sự dung hoà giữa cảnh sắc thiên nhiên và chốn tôn nghiêm tu hành nên vừa bước chân vào cửa chùa ta đã có cảm giác yên bình, thanh tịnh. Đi chùa, có thể không cần gặp ai, cũng chẳng màng thưa hỏi, chỉ cần mắt ngắm mấy cội tùng xanh, mũi ngửi mùa hương hoa lan thoang thoảng, ngồi tựa lưng bên vách chùa lặng lẽ ngắm bầu trời xanh hi vọng là bỗng thấy lòng nhẹ nhàng, khoan khoái. Gánh nợ đời đang quằn nặng đôi vai đã được quẳng mất. Chính cái cô liêu tịch mịch của nhà chùa đã giải toả, xoa dịu phần nào nỗi bực dọc, não phiền của Phật tử. Chùa thường chọn đặt ở những nơi có hồ, có vườn, có cây. Chùa không chỉ là nơi cho khách thập phương đến ngoạn cảnh mà còn là chỗ cho chim chóc đến làm tổ, muông thú đến trụ ngụ không bị ai săn bắt. Con người dầu ở thời đại nào cũng mong ước hoà bình yên vui, mong ước một xã hội mà cái thiện ngự trị bước đi sôi động, gấp gáp và nhà chùa trở thành điểm trú chân an lành trên hành trình đi đến hết cuộc đời.

Ở Hoà Bình, Phật giáo đã có thời kỳ phát triển mạnh và thịnh hành từ thế kỷ XIII – XIV tại Lương Sơn và Lạc Thuỷ. Phật giáo ở Hoà Bình đặc biệt phát triển mạnh ở những năm đầu cách mạng tháng tám tại thị xã Hoà Bình (nay là thành phố Hoà Bình) với số lượng chùa không nhiều, song cũng có những ngôi chùa nổi tiếng như chùa Phật Di Đà ở xóm Núi (xã Thịnh Lang), chù Ông Tượng ở đồi Ông Tượng…. Nhưng sau hai cuộc kháng chiến chống thực dân và những biến cố của lịch sử, các công trình tín ngưỡng văn hoá truyền thống tại Hoà Bình đã và hư hại nhiều. Từ đó, sinh hoạt tín ngưỡng của người Hoà Bình chủ yếu đi vào tiềm thức và trở thành tín ngưỡng văn hoá dân gian. Ngày nay, Hoà Bình vẫn còn bảo tồn và lưu giữ được hai ngôi chùa nổi tiếng, đặc trưng cho kiểu kiến trúc “chùa hang” (chùa được xây dựng trong hang) là Chùa Hang (thôn Á Đồng, xã Yên Trị, huyện Yên Thuỷ) và chùa Tiên (xã Phú Lão, huyện Lạc Thuỷ).

Chùa Hang nằm ngay cạnh trục 436, các thành phố Hoà Bình 80km. Chùa nằm trong một quả núi sừng sững có tên là Lăng Tiêu. Nằm trong lòng núi là động Văn Quang và hai ngôi chùa cổ kính. Cả hai ngôi chùa đều được làm hoàn toàn bằng gỗ, mái lợp ngói, trên những bức cốn là đường nét chạm trổ cầu kỳ mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Phía trước chùa có một bệ thờ bằng đá và xa nữa là một bàn cờ khắc trên đá tự nhiên. Bước lên thêm khoảng 20 bậc đá, ngôi chùa thứ hai cũng nằm ẩn mình cổ kính thâm u trong vòm hang đá. Vào sâu phía sau chùa là các hang động với nhũ đã muôn màu muôn vẻ, những vòm hang động thông thoáng, càng đi lên cao không khí càng mát lành. Lễ hội chùa Hang được tổ chức vào rằm tháng giêng trong không khí mùa xuân náo nức, du khách về thăm chùa Hang sẽ được sống trong không gian yên tĩnh, thanh bình, thăm cảnh quan núi non hùng vĩ. Cùng với chùa Hang, chùa Tiên là một điểm đến linh thiêng, thu hút số lượng du khách tăng dần qua các năm. Chùa Tiên nằm tương đối gần với chùa Hương, cả hai chùa có chùng một thời gian mở hội. Cũng giống như chùa Hang, đền thờ Mẫu, động Tam Toà, động Cô Chín và động ông Hoàng Bảy thuộc quần thể di tích chùa Tiên đều được xây dựng trong các hang động. Động Tiên nằm ở lưng chừng núi là “điểm nhấn” của quần thể di tích với vô số các nhũ đã đủ màu sắc, hình dạng mà đặc biệt hơn cả là qủa Phật thủ đá. Quần thể di tích thắng cảnh chùa Tiên - động Phú Lão có một khung cảnh thiên nhiên vô cùng kì vĩ và thơ mộng. Cảnh sơn thuỷ hữu tình khiến cho du khách thập phương đến với chùa Tiên mà như lạc vào thế giới người xưa. Nhằm bảo tồn và giữ gìn hai di tích lịch sử - văn hoá quốc gia này, chính quyền huyện Yên Thủy và Lạc Thuỷ đang có những biện pháp tích cực để giữ gìn, bảo vệ sự tôn nghiêm, nguyên vẹn của di tích cũng như chú trọng tổ chức các lễ hội theo truyền thống lịch sử. Tạo một điểm đến an lành, bình an và thanh tịnh cho bà con Phật tử khi về đến lễ chùa đầu năm.

Song song với việc giữ gìn, bảo tồn những ngôi chùa cổ, linh thiêng thì xây mới, trùng tu những địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng văn hoá cũng là việc ý nghĩa nên làm. Nếp sống văn hoá – tâm linh được trân trọng và phát triển thì không thể thiếu một nơi hướng dẫn sinh hoạt văn hoá tâm linh, hướng dẫn bà con phật tử trong việc tu học giáo lý với mục đích tốt đời đẹp đạo , phù hợp với truyền thống đạo đức và văn hoá của dân tộc.

Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Trung ương giáo hội và các cấp chính quyền tỉnh Hoà Bình, chùa Hoà Bình Phật Quang đã được khởi công xây dựng trên đỉnh đồi Ba Vành thuộc tổ 21 phường Tân Thịnh, thành phố Hoà Bình . Trên tổng diện tích trên 5ha, quần thể kiến trúc được xây dựng sẽ bao gồm các công trình chùa thờ Phật, đền thờ các vị anh hùng dân tộc, trụ sở làm việc của Ban trị sự Phật giáo thành phố Hoà Bình, là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của nhân dân thành phố Hoà Bình nói riêng và qui mô tương lai của cả tỉnh Hoà Bình và các tỉnh lân cận nói chung. Sau nửa năm khẩn trương tiến hành xây dựng bằng nguồn kinh phí là tấm lòng hảo tâm của Phật tử bốn phương, cho đến nay, Hoà Bình Phật Quang tự đã hoàn thành xong khu nhà điều hành, nhà làm việc của Ban đại diện, xây xong móng của chùa Thượng. Và đặc biệt là Đại hồng chung mới được đúc bằng hơn 5 tấn đồng với những đường nét hoa văn tinh xảo, độc đáo sẽ là một điểm nhấn độc đáo của Hoà Bình Phật Quang tự. Ngoài ra, pho tượng Đức Phật bằng gỗ liền khối lớn nhất miền Bắc với chiều cao 5m được Phật tử Hà Nội cung tiến đang được thờ phụng ở nhà lưu tượng do nhân dân và chính quyền địa phương chung tay hoàn thành trong 9 ngày cũng là một địa điểm đến rất đặc biệt của Hoà Bình Phật Quang tự dành cho du khách Phật tử trong đầu xuân Canh Dần.

Đứng bên Đại Hồng Chung ở đỉnh đồi Ba Vành và hướng cái nhìn ra bốn phương, Thượng toạ Thích Đức Nguyên - Trụ trì Hoà Bình Phật Quang tự cho biết: “Sự quan tâm của chính quyền địa phương từ việc cấp đất cho đến tạo điều kiện giúp đỡ giải quyết các thủ tục xây dựng nhanh chóng giúp cho ngôi chùa được tiến hành xây dựng thuận lợi là điều vô cùng đáng quí, rất phù hợp với tâm tư nguyện vọng của Phật tử. Hoà Bình Phật Quang tự sẽ được xây dựng với kiến trúc mang đậm bản sắc văn hoá mỹ thuật truyền thống, tâm linh linh thiêng, quy mô hoành tráng và sẽ là danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp của tỉnh Hoà Bình góp phần bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống tâm linh dân tộc”.

Hoà Bình Phật Quang tự được xây dựng trên một khu đồi đứng độc lập với các dãy núi khác, có địa thế phong thuỷ đặc biệt. Có dòng sông Đà hùng vĩ chảy cuồn cuộn ở phía trước, muôn dặm núi xanh sừng sững chặn ở phía sau. Đồi có độ dốc vừa phải, trước là khu trung tâm thành phố đất rộng và bằng phẳng, có thế “rồng cuộn, hổ ngồi”, “cao mà không xa” hài hoà với truyền thống khoan dung khiêm nhường của đạo Phật. Được xây dựng ở đây, ngôi chùa vừa là điểm “trấn” quan trọng cho sự thịnh vượng và an lành, vừa là quần thể kiến trúc, tạo cảnh quan thiêng liêng đẹp đẽ cho thành phố Hoà Bình, đời sống đạo đức văn hoá tâm linh được phát triển. Khu đồi có giao thông thuận tiện đáp ứng nhu cầu học tập giáo lý và sinh hoạt văn hoá tâm linh cho mọi tầng lớp nhân dân.

Đầu xuân Canh Dần, mặc dù chùa chưa được hoàn thiện nhưng đã có rất nhiều Phật tử, du khách thập phương ngược theo con dốc ba vòng xoáy tròn lên chùa thắp nén hương lễ Phật với tấm lòng thành kính. Tại khu vực đặt đá khởi công xây dựng chùa có tượng Phật Bà Quan Âm đã được hô thần nhập tượng, chúng tôi gặp gia đình cô Nguyễn Thị Vân (phường Tân Thịnh, thành phố Hoà Bình). Cô cho biết: “Đầu xuân năm mới, cả gia đình tôi đi chùa, thắp nén hương cho ông bà tổ tiên được gửi gắm hương linh nơi cửa Phật. Rồi cầu mong cho tâm hồn được sáng trong, không còn vương vấn với bụi trần, bước sang năm mới cầu an lạc thành đạt. Tôi cho cả con cháu đi cùng để sau này các cháu giữ lấy cái nếp đi lễ chùa đầu năm”.

Đứng trên sân chùa Thượng của Hoà Bình Phật Quang tự có thể thu trọn trong tầm mắt thành phố Hoà Bình sôi động, rực rỡ trong sắc xuân. Cầu Hoà Bình mềm mại như một nhịp đàn nối câu hát đôi bờ tả hữu. Bên cạnh Hoà Bình Phật Quang tự, thủy điện Hoà Bình đang ngày ngày hăng say những vòng quay của tổ máy, thắp sáng mùa xuân. Ngước cái nhìn lên cao, ánh mắt trìu mến của Bác như đang ngắm nhìn thành phố Hoà Bình từng ngày “thay da đổi thịt”, phát triển cùng đất nước.

Hít một hơi thật sâu cái không khí trong lành thoảng mùi hương trầm cổ kính, Phật tử du khách thập phương chậm rãi bước xuống từng bậc đá rời chùa với tâm hồn thanh thản, bình an. Chuyện thành đạt hay không là ý nguyện của tương lai, song việc đi chùa đầu năm mới đã giúp cho con người trút bỏ những phiền muộn trong lòng và ước vọng một cuộc sống tốt đẹp để phấn đấu, cố gắng vươn lên trong năm mới.

Dương Liễu