Ngọa Vân - chùa trong mây

Ngoạ Vân chỉ là ngôi chùa đơn sơ dựng lại trên nền phế tích.
(Xuân 2010) - Một ngôi chùa cổ có lịch sử huy hoàng nhất; đường lên gian nan nhất; không gian sống trong lành nhưng cũng “sởn gai gà” nhất. Đó là Ngọa Vân – ngôi chùa nhỏ nằm gần chóp núi Vảy Rồng thuộc xã An Sinh, Đông Triều, Quảng Ninh – trên độ cao gần 1.000m – khởi đầu của dãy Bảo Đài chạy suốt cánh cung Yên Tử.

Đây chính là nơi Đức vua Trần Nhân Tông (1258 - 1308) từng sống tu hành và viên tịch.

Mỗi giờ 1km...

Chiếc Mazda thập kỷ 1980 của Bảo tàng Quảng Ninh xộc xệch như biếm họa đổ chúng tôi xuống một lối mòn nhỏ phía trên hồ Trại Lốc vào đúng ngọ. Cuộc hành trình lên Ngọa Vân bắt đầu tính từ đây. Chúng tôi đi qua những trang trại thưa vắng để vào chân núi. Thoạt đầu, cả nhóm còn chịu khó cởi giày và đếm những quãng suối cắt ngang phải lội qua. Rồi giày cũng không buồn cởi nữa. Dương – người đưa đường bảo: “Các anh đi dịp này còn may vì là mùa khô, suối cạn nhiều. Mùa mưa có cáng cũng không lên nổi.” Ngọa Vân chưa có đường. Chúng tôi phải theo lòng suối để ngược lên. Đá tảng lớn bé trùng trùng, ẩm và trơn nhẫy.

3h chiều, chặng vượt suối kết thúc ở Đô Kiệu - nơi có một lối mòn dẫn ngược lên dốc núi. Theo lệ, Dương đưa mọi người ghé vào “Phủ” làm “thủ tục đăng sơn”. “Phủ” là một nền miếu hư nát, thấp tè, nằm khuất dưới một tán cây rừng. Không tượng, không bài vị, chỉ một bát hương trơ trụi và một thẻ nhang bóc dở đặt bên cạnh đã bở rã.

Đường núi tưởng đỡ hơn hóa ra càng nặng nề. Giờ là lúc những đôi chân phồng rộp bị hành hạ bởi những đôi giày sũng nước. Lối mòn ngợp cây rừng và hẹp đến mức chỉ đủ cho từng người lách qua. 4h chiều, chúng tôi lên tới Thông Đàn, quãng triền núi cỏ tranh mọc lút đầu nhưng vẫn được xem là chỗ phong quang nhất với những vòm cổ tùng bốn trăm năm vòi vọi. Vào thời Lê, Thông Đàn là một vườn tháp được ghép hoàn toàn bằng đá khối.

Giờ đây, tất cả đã chìm trong cỏ. Số cổ tùng còn sót lại cũng chỉ khoảng bảy, tám cây. Dương kể: Cách đây chưa lâu có một nông dân vùng Trại Lốc theo anh con rể hạ một cây tùng từ Thông Đàn về đóng đồ. Sau đó, ông bố vợ tự dưng phát điên. Anh con rể chết bất đắc kỳ tử. Đám lâm tặc quanh vùng không dám động đến những gốc cổ tùng hẳn cũng vì kinh sợ.

Gần tới Ngọa Vân là chặng đẹp nhất. Trúc bạt ngàn ken thành một đường vòm dài thăm thẳm, ngẩng lên không thấy ánh ngày đâu. Nhọ mặt người, chúng tôi mới được cởi giày, thả mình phờ phạc trước hiên chùa. Vậy là mỗi giờ leo không nổi một cây số.

Rắn ngủ sân chùa

Ngọa Vân chỉ là một ngôi chùa đơn sơ dựng lại trên nền phế tích. Trông coi chùa là sư Tiến - một nhà sư gầy gò, râu quai nón lởm chởm. Sư Tiến từng là bộ đội đồn trú miết tận đảo Trần, mé ngoài Cô Tô. Năm 1998 giải ngũ. Năm sau xuất gia tu tại chùa Quỳnh Lâm rồi lên khôi phục Ngọa Vân, ở lại luôn đến bây giờ. Sư Tiến bảo: “Ngày tôi lên, nền cũ chỉ còn mấy bức tường trơ trụi. Am Ngọa Vân và vài tháp đá còn lại lút trong cây dại um tùm, rắn rết xua không thấu.

Trước, tôi có hai đồng môn, một già, một trẻ. Nhưng người già mất rồi. Còn người trẻ đã phá giới. Tôi sống một mình, rồi cũng quen. Bình thường, vài mươi ngày xuống núi một lần, mùa mưa thì lâu hơn. Rau cỏ, cây thuốc, tôi phải trồng lấy hết”. Tôi hỏi: “Hằng năm, khách thăm chùa có đông không?”. “Độ vài trăm. Chủ yếu phật tử và các vị nhà nghiên cứu. Khách hành hương ít lắm. Ngọa Vân có tiếng đấy. Nhưng đường đi lại quá gian nan”.

Tôi hỏi: “Ở đây vẫn như rừng nguyên sinh. Có ngại thú dữ không?”. Sư Tiến lắc đầu: “Tôi chưa gặp bao giờ. Nhưng rắn thì sẵn. Đêm chúng thường về nằm ngổn ngang ngoài sân. Gian tôi nằm trước đây cũng có một con sọc dưa đến ở từ lúc bằng ngón tay tới khi dài gần hai sải. Tôi cho cơm nguội cũng ăn. Một hôm nó rủ đâu một con nữa về. Vậy là tôi đuổi. Ngay mé vườn bên phải cạnh khu tháp dưới kia vẫn đang có một con hổ mang chúa chừng bảy, tám cân sống ở đó. Một bận nó bị cánh thợ sơn tràng bắt trộm bán sang tận Kinh Môn, tôi phải đuổi theo chuộc lại mất gần triệu bạc”.

Cổ tùng ở Thông Đàn.

Dấu xưa sương khói...

Tinh mơ, chim chóc đã hót ran. Sóc cổ đỏ vào tận sân chùa nhảy nhót. Ngọa Vân có vẻ giống mảnh vườn sơn cước hơn là một chốn tu hành. Ở đây, cái gì cũng nhỏ. Chùa nhỏ; bệ đá, đài sen nhỏ; am tháp và cả con voi đá duy nhất còn lại cũng đều bé nhỏ. Trần Trọng Hà - cán bộ Bảo tàng Quảng Ninh, trưởng nhóm - dẫn tôi men theo con dốc nhỏ sau chùa để lên am Ngọa Vân. Nhìn mặt ngoài, am tựa như chiếc bể chứa nước mưa hình vòm cuốn thường thấy ở làng quê Bắc Bộ.

Bên trong là bệ thờ được làm bằng một phiến đá nguyên khối dài hơn hai mét, trên đó đặt pho tượng một nhà tu hành nằm nghiêng, tay chống thái dương trong tư thế nhiếp định. Đây chính là Điều ngự Trần Nhân Tông – vị tổ thứ nhất của thiền phái Trúc Lâm. Sử cũ chép: Tháng 7.1299, Trần Nhân Tông truyền lại ngôi báu, lên núi Yên Tử xuất gia. Nhà vua chọn Ngọa Vân làm nơi ẩn cư.

Ông Nguyễn Văn Lương - Phó Chủ tịch huyện Đông Triều, một người khá am tường về lịch sử Thiền Việt, bảo với tôi rằng: “Cái phiến đá còn giữ được trong am Ngọa Vân chính là nơi Đức Phật hoàng đã nhập diệt và được tiến hành nghi lễ trà tỳ (hỏa thiêu) ngay trên đó. Xá lợi của ông sau được chia làm ba phần: Một đặt tại tháp Phật hoàng – Ngọa Vân; một chuyển về Thăng Long; một đưa về Yên Tử. Ấy là vào mùa thu năm 1308”.

Hơn 700 năm trước, Ngọa Vân, Hồ Thiên, Quỳnh Lâm là cả một quần thể kiến trúc chùa chiền huy hoàng gắn liền với thái ấp nhà Trần trù mật trải dài dưới chân núi, uy danh sánh ngang Yên Tử. Thời đó, nếu Thăng Long là kinh đô chính trị, thì Yên Tử - Ngọa Vân được xem là kinh đô tư tưởng của nhà Trần. Bởi vì đạo Phật đã trở thành quốc đạo và đây cũng lại là nơi tu hành của vị hoàng đế anh minh, người từng đưa dân tộc ba lần dẹp tan binh lửa để bước tới một thời kỳ hưng thịnh nhất. Tên gọi Đông Triều, tức “Triều đình phía đông” - chỉ vùng đất cửa ngõ phía tây Quảng Ninh có lẽ cũng ra đời vào giai đoạn lịch sử này?

Ông Lương cho biết: Năm 2008, một dự án lớn nhằm khôi phục và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa của hai hệ thống chùa Ngọa Vân – Hồ Thiên bắt đầu được huyện Đông Triều và tỉnh Quảng Ninh xúc tiến. Tuy nhiên từ những cứ liệu khoa học khảo cổ chân xác đến sự hiện hữu của những con đường và các công trình kiến trúc vẫn đang là khoảng cách đầy thách thức.

Chúng tôi bịn rịn từ giã sư Tiến. Phút xuống tới chân núi nhìn lên, không còn nhận ra ngôi chùa nằm ở quãng nào giữa mịt mờ sương khói. Ngọa Vân lại như là một giấc mơ.

Ngô Mai Phong
Theo laodong