Bước tới ngưỡng cửa của sự nghiệp

Mối quan tâm

Trời về khuya. Trăng trung tuần tháng hai đã gác trên đỉnh rặng tùng. Mọi vật dường như trở về cái yên tĩnh vốn có. Ánh trăng đang chảy thành dòng, và thấm đẫm vào mọi vật. Rồi hương bưởi sau vườn quyện vào ánh trăng tràn qua cửa sổ, đọng lại thoang thoảng trong căn phòng xinh xắn. Tôi đốt một thẻ trầm viên, cẩn trọng đặt vào chiếc lò trầm nhỏ xíu bằng đất nung trên bàn làm việc. Rồi tôi ngồi vào bàn, trân trọng mở và đọc thư của em đã gởi cho tôi. Tôi đọc thư em trân trọng như đọc thư của những người thương, mặc dù tôi chưa một lần gặp em. Tôi biết em đang bỡ ngỡ, bối rối khi đứng trước ngưỡng cửa của sự lựa chọn. Thậm chí chao đảo, mất phương hướng, tuyệt vọng khi chỉ lần đầu vấp ngã. Tôi đồng cảm và hiểu được tình trạng em lúc này. Bởi tôi cũng đã từng chới với như em. Nếu như có câu hỏi được đặt ra về mối quan tâm lớn nhất của em lúc này, câu trả lời sẽ là gì? “Lý tưởng, sự nghiệp và tình yêu”. Hoặc đại loại như vậy. Đây có phải là câu trả lời? Dường như vấn đề này không chỉ là mối quan tâm của riêng em mà đã trở thành vấn đề chung của các bạn trẻ cùng trang lứa với em. Tôi không có ý đơn chiều chia sẻ vấn đề, hoặc giả chia sẻ nó như một mớ lý thuyết. Tôi muốn, chúng ta –em, tôi và các bạn trẻ -ngồi xuống cùng nhau như những người bạn. Trao đổi thẳng thắn với nhau cả những ước vọng lẫn khó khăn. Những gì tôi trao đổi với em có thể chỉ đúng với tôi, chưa hẳn phù hợp với em. Em có quyền tham khảo bất cứ một “phương án” thiết kế về hướng đi cho cuộc đời của người khác, nhưng em phải là người tự thiết kế “phương án” riêng cho chính mình.

Điểm tựa cho sự chọn lựa

Nhu cầu

Tôi đốt thêm thẻ trầm , và khơi lại tim của cây đèn sáp đã cháy hơn phân nữa. Hương trầm làm đầu óc thư thái hơn, và căn phòng ấm hơn. Tôi mời em ngồi yên giây lát, rồi sau đó, chúng ta tiếp tục câu chuyện. Trước mắt, có nhiều vấn để mà quan tâm, nhưng vẫn còn nhiều cơ hội cho chúng ta chia sẻ với nhau. Em muốn bắt đầu từ đâu? Lựa chọn hướng đi cho tương lai, cụ thể là vấn đề hướng nghiệp? Có lẽ vậy, bởi kết thúc tuổi học trò và đứng trước ngưỡng cửa trông ra chân trời mới thì vấn đề đầu tiên mà em quan tâm là sự nghiệp.

Em và tôi đều biết, bất kể là ai đi nữa đều có ước vọng và nhu cầu thực hiện ước vọng đó. Từ cái nhu cầu gần và cạn nhất là muốn có được cơm no áo ấm, có một việc làm có thể đảm bảo cuộc sống cho gia đình. Rồi được yêu thương, được cảm thông khi cô đơn, khổ đau. Và còn nhiều nhu cầu khác nữa. Rõ ràng, bao gồm cả nhu cầu về sinh lý lẫn tâm lý. Tuy nhiên có những nhu cầu nuôi dưỡng và nhu cầu không nuôi dưỡng. Không nuôi dưỡng ở đây không có nghĩa là trái chống với một nền luân lý, đạo đức nào đó. Không nuôi dưỡng ở đây có nghĩa là ít hoặc hạn chế tính cách xây dựng lành mạnh. Mới nhìn, ta cứ ngỡ có sự tương đồng giữa các nhu cầu của các đối tượng, nhưng nếu xét kỹ ta sẽ thấy có tính đặc trưng riêng. Vì sao vậy? Bởi cấu trúc sinh lý có thể giống nhau, nhưng sự tác động của những yếu tố ngoại tại tác động lên đối tượng tại như văn hóa, kinh tế, chính trị, cộng đồng, xã hội có thể khác nhau cho nên sẽ hình thành cho đối tượng những nhận thức về cuộc sống khác nhau. Ta đã thấy được những giá trị tác động của yếu tố ngoại tại(môi trường sống lên đối tượng), nhưng yếu tố nội tại nơi mỗi đối tượng cũng hết sức quan trọng. Đó là những ước muốn thiết tha hướng sự sống theo theo tiếng gọi của những nhu cầu sâu thẳm hướng thượng của chính bản thân mà không phải chỉ là những nhu cầu hạn hẹp. Nếu nền tảng cho sự lựa chọn hướng đi cho cuộc sống chỉ là những nhu cầu hạn hẹp thì mình đang phủ phàng chính mình. Cuộc sống theo đó mà trở nên nghèo nàn và “lạc hậu”. Ý nghĩa cuộc sống đối với bản thân dần bị đánh mất.

Nhận diện những nhu cầu

Tại sao cần phải nhận diện? Đã rõ ràng quá rồi? Em sẽ hỏi tôi vậy có phải không? Nhưng tôi xin lỗi em, phần lớn những nhu cầu được cho là quá rõ ràng ấy đang trói buộc chúng ta lẫn quẩn mãi trong vòng tù ngục. Nó cản lối không cho chúng ta vươn tới những ước vọng cao đẹp khiến cho đời sống của chúng ta thăng hoa. Tôi cảm thấy hơi buồn, vì phần lớn chúng ta đã không cho phép bản thân sống một cách trọn vẹn cuộc đời mình. Tuy bề nổi dường như đã đạt được rất nhiều thành công nhưng thực chất vẫn cảm thấy thiếu thốn. Chúng ta thử trắc nghiệm lại một đời người: được sinh ra – lớn lên –học hành –trưởng thành –sự nghiệp –lập gia đình – sinh con – lo cho gia đình -… Xin em đừng hiểu lầm là tôi đang kỳ thị đời sống hôn nhân. Tôi muốn nói đến nghệ thuật sống để làm chủ cuộc đời mình. Bởi vì thoạt nhìn thì mỗi người trong chúng ta có những sắc màu khác nhau, nhưng nếu xét kỹ thì chúng ta đang cùng bị vận hành trong một quỹ đạo đã được lập trình sẵn. Em thấy tôi nói có quá không?

Tôi kể  em nghe về câu chuyện sức khỏe của chính tôi. Tôi đã từng rơi vào tình trạng khủng hoảng sức khỏe trầm trọng. Lúc này, tôi chưa chấp nhận được bệnh tật của mình. Vì nó chuyển biến nhanh quá, tôi không thể ngờ tới. Tôi gắng gượng đẩy mọi thứ để trốn chạy. Nhưng tình trạng càng tồi tệ hơn. Rất may mắn, được sự nâng đỡ của nhiều người, tôi dừng lại và thực tập để nhận diện những nhu cầu thực sự của tình trạng sức khỏe của chính mình lúc này là gì? Điều này đồng nghĩa là bắt đầu tôi đã có giải pháp cho tình trạng sức khỏe của mình. Rất mầu nhiệm là khi được chấp nhận thì mọi thứ trở nên rõ ràng và dễ dàng hơn. Tôi quyết định điều trị bệnh tật của mình bằng phương pháp thực dưỡng. Bởi vì tôi nhận thấy, nó đơn giản nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng và kiên trì mà điều này rất thích hợp cho sinh hoạt của người xuất gia. Hơn nữa, phương pháp này lại tạo nhiều cơ hội cho cơ thể tôi có nhiều không gian để nghỉ ngơi. Mà chỉ có sự nghỉ mới có thể đem lại sự trị liệu.

Em đã thấy  được sự cần thiết phải nhận diện những nhu cầu của bản thân rồi chứ gì? Tôi không có ý lên án và phủ nhận “những nhu cầu được cho là hạn hẹp”, bởi vì trong chừng mực nào đó nó cũng hữu dụng. Ở đây tôi muốn chia sẻ về sự xuất hiện của những nhu cầu giả tạo, có nghĩa là không nhất thiết cần cho đời sống. Nó nảy sinh từ ảnh hưởng của những trào lưu diễn ra xung quanh chúng ta, hoặc xuất hiện để thay thế một sự thiếu thốn nào đó trong tự thân mà chúng ta chưa có cách chuyển hóa, hoặc thậm chí chẳng biết lý do vì sao. Nếu không muốn nói, những nhu cầu này đang tàn hại sự sống và ngăn cản đà phát triển lành mạnh cho thân thể và tâm hồn của chúng ta. Ta thử lấy ví dụ về chuyện xem phim. Có người thì thích thể loại phim tình cảm xã hội sướt mướt. Có người thích xem thể loại phim hành động, có những pha gây cấn. Có những người lại thích phiêu lưu trong thế giới của những phim mang tính chất chính trị thương trường hay điều tra tội phạm. Hoặc có người  xem chỉ để xem. Tôi không muốn nói đến chuyện nên hay không nên xem phim này hay phim kia. Tôi chỉ nói đến sự ý thức chọn lựa và nghệ thuật thưởng thức phim. Không phải ngẫu nhiên mà ta thích xem phim loại này hay loại kia đâu. Nguyên do có thể đến từ những thiếu thốn giả tạo nảy sinh từ sự tác động của môi trường sống mà chúng ta được lớn lên hoặc từ ông bà tổ tiên ta truyền lại đã khiến chúng ta tìm kiếm để thõa mãn những thiếu thốn ấy. Ví như một người thiếu thốn về tình thương thì lại thích xem những phim “đậm đà” về tình cảm bi lụy để vui buồn cùng với những cảnh diễn trong phim ảnh. Nếu tiếp tục thiếu sáng suốt bằng cách đáp ứng những nhu cầu tức thời mà không thấy được nguyên căn nào đã dẫn đến điều ấy thì chúng ta đang tự đưa chính mình vào ngỏ cụt. Cứ thử xem một vài phim kinh dị đi, em sẽ cảm thấy nỗi sợ hãi, kinh hoàng trong em xuất hiện mạnh mẽ dù trước kia có rất ít. Hoặc thử xem một vài phim tình cảm đứt ruốt, em sẽ cảm thấy uể oải, mất hết sức sống, mất hết sự sung mãn. Nói như vậy không có nghĩa là tôi khuyên em hãy từ bỏ sở thích của mình. Em vẫn có thể tiếp tục sở thích của mình một cách tỉnh thức –chánh niệm. Chúng ta cần hiểu ở đây có hai ý: biết chọn lọc trong tỉnh thức và biết xoay chuyển trong tỉnh thức. Nếu có nền tảng chánh niệm, em sẽ biết những gì nuôi dưỡng những hạt giống tốt trong mình, những gì tưới tẩm những hạt giống xấu trong mình. Chúng ta sẽ không để cho những nhu cầu đó sai sử một cách mù quáng không phân biệt được. Nếu có nền tảng chánh niệm vững chắc, dù có rơi vào tình trạng xấu ta vẫn có thể xoay chuyển sang chiều hướng tích cực. Ví như khi đọc một cuốn tiểu thuyết có nội dung ít lành mạnh, điều này có thể không tốt đối với những người yếu ớt nhưng chưa hẳn là có ảnh hưởng xấu đến có nền tảng chánh niệm vững chắc.

Như vậy, em đã hiểu ý tôi rồi chứ. Em có quyền sống vui, sống sung sướng. Nhưng cách duy nhất để thực sự sống vui, sống sung sướng là phải biết được những nhu cầu đích thực và những nhu cầu không đích thực. Và em cũng có quyền sống thoải mái, tự do. Nhưng em cần hiểu, tự do, thoải mái không thể không đi đôi với tinh thần trách nhiệm. Tự do thoải mái mà thiếu trách nhiệm là tự hoại.

Hướng nghiệp

Nghe nói, tôi thích quỳnh. Khoảng nữa năm trước, một người bạn đã biếu tôi chậu quỳnh hương. Sở dĩ tôi yêu quỳnh bởi nó mang vẻ đẹp đài cát và quyến rũ nhưng lại len lén nở vào giữa đêm. Điều này dường như tăng thêm phần hứng thú khi thưởng thức. Phải kỳ công chăm sóc cả vài tháng, nhưng hoa quỳnh lại đến và đi trong một khoảng ngắn ngủi. Dường như ở đây thông điệp vô thường được thể hiện khá rõ. Tôi hy vọng đêm nay chúng ta sẽ được thưởng những giây phút ngắm quỳnh hương nở thật tuyệt vời. Trong lúc đợi thưởng thức quỳnh, ta tiếp tục câu chuyện. Chúng ta đã nói với nhau về những nhu cầu. Và em biết không, sự hướng nghiệp cũng là một nhu cầu. Loại nhu cầu này chi phối phần lớn mối quan tâm và cuộc đời của chúng ta. Có người chọn nghề nghiệp vì lo cơm áo gạo tiền. Có người chọn nghề vì đeo đuổi một niềm say mê cá nhân nào đó. Có người vì muốn thăng tiến trong địa vị danh vọng mà chọn nghề. Có người đơn giản chỉ vì hoàn cảnh đưa đẩy hoặc làm đẹp lòng người thân mà chọn nghề. Cho dù vì lý do nào đi nữa, nhưng xem nghề nghiệp đơn thuần túy chỉ là phương tiện kiếm sống mà không mang thêm ý nghĩa gì khác thì thật là uổng. Nếu xác định được, nghề nghiệp là công cụ giúp chúng ta thực hiện mộng ước hướng cuộc sống đến chân trời chân thiện mỹ có thể mới là cái đích. Do vậy, tôi muốn nói với em về tinh thần trách nhiệm trong việc hướng nghiệp. Bởi vấn đề hướng nghiệp không chỉ mang tính cá nhân mà nằm trong mối tương quan với hoàn cảnh môi trường. Chúng ta không thể ngó lơ hoặc khư khư giữ lấy quan điểm “ai chết mặc bây” được phải không? Đó là một sự thật. Và nếu chúng ta đi ngược lại sự thật này thì liệu cuộc sống ta có được an ổn. Như bất kỳ vấn đề nào, để có được cái thấy và cái nhìn đúng đắn về việc hướng nghiệp đều bắt đầu bằng sự học hỏi và tích lũy kinh nghiệm. Nhưng sự học hỏi phải lấy mục tiêu hướng đến sự thương yêu đích thực và hạnh phúc đích thực của cá nhân và cộng đồng.  Có thể ban đầu những sự hiểu biết của chúng ta chỉ những gì lượm lặt mang tính chất lý thuyết, nhưng nếu đem ứng dụng vào thực tế trên nền tảng của sự thực tập chánh niệm thì nó biến thành vốn kinh nghiệm sống của chính bản thân mình. Đạo Bụt gọi nó là chánh kiến –cái thấy đúng. Nếu chỉ dừng lại ở chuyện học hỏi thôi thì nó mãi mãi chỉ là cái hiểu trên bề mặt ý thức, không thể nào là máu thịt của chúng ta được. Và chúng ta sẽ thiếu nền tảng vững chắc hỗ trợ để rồi tiếp tục bị những tham muốn vụn vặt lôi kéo, cản ngăn việc thực hiện cái ước nguyện cao đẹp vốn có sẵn trong mỗi người. Đơn cử như việc sản xuất hoa màu. Chúng ta biết quá rõ, nếu sử dụng quá nhiều chất độc trong sản xuất là có hại cho sức khỏe của người tiêu dùng. Nhưng tại sao chúng ta vẫn cứ tiếp tục làm vậy? Có thể lòng từ bi chúng ta chưa đủ lớn để có thể thắng lại được những lợi lộc trước mắt. Mình cũng có thể viện rất nhiều lý do như điều kiện sống để bào chữa cho hành động của mình. Cho dù bất cứ lý do nào đi nữa vẫn chỉ thể hiện một điều duy nhất là sự yếu ớt của chính chúng ta mà thôi. Mình không đủ kiên định để có thể theo đuổi những gì mình biết rất rõ là nuôi dưỡng và phát triển lành mạnh. Sự thực thực tập quán chiếu trên nền tảng của chánh niệm sẽ có thể giúp lòng từ bi trong ta lớn lên. Chỉ có lòng từ bi mới có thể giúp sự kiên định trong ta thêm mạnh.  Tất cả sự chọn lựa đều xuất phát một cách từ nhiên từ ý thức về một tình trạng cần được bảo vệ và chuyển hóa, hoàn toàn vắng mặt sự gượng ép và xung đột trong nội tâm. Chúng ta phải nhớ kỹ điều này. Trong bát chánh đạo, Bụt có đề cập đến chi phần chánh mạng –nghề nghiệp chân chánh. Nghề nghiệp chân chánh là nghề nghiệp giúp phát triển sự hiểu biết và lòng từ trong mỗi chúng ta. Muốn làm được điều này chắc chắn phải học hỏi và lấy sự tập chánh niệm làm nền tảng cho việc ứng dụng những điều ấy vào thực tế cuộc sống.

Những thử thách bước đầu

Có  chăng một sự hoàn hảo?

Đa phần chúng ta ai cũng thích có được một công việc vừa ý( nhẹ nhàng, thu nhập cao, phù hợp với chuyên môn, phù hợp với sở thích), hoặc cũng có thể nói là một công việc hoàn hảo. Thực ra, nói cho đúng là chỉ có những công việc hoàn  hảo trong khung tiêu chuẩn của chính mình và khung thời gian nào đó thôi. Bởi tự thân của công việc mà hoàn hảo thì chẳng ai mướn em làm việc cả? Tuy nhiên chúng ta vẫn giữ cái tật “đứng núi này trong núi nọ”. Ta vẫn thích thú với công việc của người khác hơn, vẫn thấy công việc của người khác khá hơn. Nhân viên bán hàng thì thấy thích công việc của người quản lý hơn. Người quản lý lại thích chức vụ giám đốc hơn. Tóm lại, chẳng bao giờ cảm thấy thỏa mãn, thích thú với công việc hiện tại cả. Tiếp sau đó là cảm giác bất mãn với công việc và phóng tâm theo những suy nghĩ mông lung về công việc trong mộng. “ Giá mà tôi có một công việc nhẹ nhàng hơn thì hạnh phúc lắm”. “ Giá mà tôi có được công việc không phải lặp đi lặp lại nhàm chán như thế này thì tôi sẽ hạnh phúc hơn”. Hoặc đại loại như vậy. Như vậy theo em, chúng ta nên đổi lấy một công việc mới? Liệu công việc mới sẽ được “sống còn” bao lâu nếu chúng ta cứ tiếp tục như vậy? Vấn đề từ chỗ nào?

Chấp nhận và tự khám phá những cơ hội

Em đã biết rồi đó, khó có thể tìm được công việc vừa ý như mộng tưởng. Nhưng vấn  đề có niềm vui, niềm say mê trong công việc lại là một chuyện khác. Chúng ta phải khẳng định với nhau, sự lựa chọn là quan trọng nhưng việc thực hiện những lựa chọn mới điều đáng quan tâm hơn.

Tôi cũng đã từng có mộng tưởng trở thành một chuyên viên công nghệ thông tin. Tôi biết điều kiện gia cảnh không cho phép, hơn nữa bố mẹ cũng không thích ngành học này. Nhưng tôi vẫn lén thi bởi tôi hy vọng một ngày nào đó cơ hội sẽ đến. Ngày nhận được giấy báo điểm, tôi dở khóc dở cười. Bởi vì điểm thi cả hai ngành đều đạt rất cao( công nghệ thông tin và sư phạm). Em sẽ hỏi tại sao? Tôi đã tự trói mình thêm một vòng dây nữa vào trong cái mà tôi cho là mộng tưởng ấy. Khăn áo vào nhập học sư phạm mà “trái tim” thì hướng về công nghệ thông tin. Suốt một năm trời học trong sự nữa vời, sư phạm chẳng ra sư phạm mà thông tin cũng chẳng được. Thời gian và năng lượng đã đổ sông đổ biển có thể nào lấy lại? Tôi biết lúc này mình cần làm quyết định dứt khoát. Thông tin hay sư phạm? Nhìn lại thì các điều kiện hỗ trợ lại nghiêng về phía sư phạm. Hãy thử “yêu” sư phạm một lần xem. Đây không phải là điều dễ dàng gì. Nhưng tôi biết, cái sở thích không phải chỉ là sự trao truyền và tiếp nhận từ tổ tiên, yếu tố quan trọng để làm lớn lên cái sở thích ấy là sự tác động khách quan –môi trường sống. Vậy tại sao chúng ta không bắt đầu xây dựng lại? Nói như vậy không có nghĩa là tôi từ bỏ ước mơ của mình. Tôi chỉ làm những việc cần làm trong lúc này là đầu tư và phát triển những cái có thể. Sự đầu tư này sẽ có thể là nền tảng thực hiện những ước mơ chưa được thực hiện. Có thể lắm phải không? Tôi bắt đầu cắm thêm những chiếc rễ vào nghành sư phạm. Và thật là thú vị, tình yêu của tôi với sư phạm cũng bắt đầu từ đó mà tiến triển. Đó thật sự là một bài học rất thú vị.

Em biết không, con đường dẫn đến thành công của  tất cả những người thành đạt không bằng phẳng chút nào. Họ phải trải nghiệm qua nhiều công việc, qua nhiều chặn đường thử thách. Nhưng bí quyết giúp họ thành công đó là sự kiên trì, sự tập trung hết lòng với công việc hiện tại. Trong đạo Bụt có nói đến nguồn năng lượng vô cùng quý giá có ở tất cả mỗi chúng ta là chánh niệm. Chính yếu tố này giúp họ khám phá được những cơ hội mới trong công việc hiện tại và hướng họ đến với sự thành công. Chánh niệm, chúng ta đã có nhắc đến ở phần trước. Ở đây, chúng ta sẽ nói về sự vận dụng chánh niệm dưới góc độ công việc. Chánh niệm là nguồn năng lượng giúp chúng ta nhận biết được một cách sáng suốt rõ ràng tất cả những gì hiện diện trong chúng ta và xung quanh chúng ta. Và khi nói đến chánh niệm thì tất nhiên phải có đối tượng của chánh niệm( chánh niệm về cái gì?). Trong kinh, Bụt có dạy, đối tượng nền tảng của chánh niệm chính là hơi thở. Thực tập nhận diện hơi thở trong ý thức chánh niệm. Đây là bước đầu tiên của người thực tập. Cho dù sau này, sự thực tập được phát triển và đối tượng chánh niệm được mở rộng, nhưng hơi thở vẫn đi theo làm nền tảng trong mọi trường hợp giúp cho năng lượng chánh niệm nhận diện các đối tượng khác. Ví dụ, khi thực tập đơn thuần nhận diện hơi thở thì đối tượng nhận biết chỉ là hơi thở. Nhưng khi làm việc thì đối tượng của chúng ta không đơn thuần chỉ là hơi thở nữa mà còn có công việc(nhưng thao tác trong công việc, những tâm hành được khởi lên trong chính chúng ta trong khi làm việc,…). Tuy thế đối tượng làm điểm tựa cho năng lượng chánh niệm quán sát các đối tượng khác vẫn là hơi thở, chúng ta không được quên hơi thở. Với năng lượng chánh niệm bảo đảm rằng bất cứ gì ta làm sẽ được làm với tất cả khả năng của mình. Nó tạo nên một năng lực to lớn và sáng suốt, giúp ta thực hiện mỗi công việc một cách nhanh chóng dễ dàng, và chúng ta ứng xử một cách vui vẻ hăng hái với mọi tình huống mà công việc mang lại. Khi làm việc có chánh niệm thì những tác động của chúng ta rất nhịp nhàng trôi chảy, tư tưởng sáng sủa có tổ chức. Và lúc ấy, vì con người chúng ta ăn nhịp mật thiết với từng giai đoạn của công việc, hậu quả của công việc nên chúng ta có thể dự đoán trước được kết quả. Chúng ta trở nên tỉnh thức trước cái động lực bên dưới các hành động và biết tóm bắt ngay những khuynh hướng có khuynh hướng lãng quên hay lầm lỗi nào xảy ra.

Tập trung là hướng đến sự  rộng mở

Chúng ta bắt  đầu nói chi tiết về sự thực tập để phát triển chánh niệm. Trước tiên cần nói đến yếu tố tập trung trong sự thực tập này. Nhiều người vẫn hay lẫn lộn rằng, muốn tập trung phải thi thố ý chí, ép tâm mình vào một quỹ đạo nào đó, nhưng rốt cuộc thực sự ta đang chiến đấu với chính mình. Và chính điều này khiến ta dễ trở nên gắt gỏng, nóng nảy, rồi sinh ra lo lắng. Làm vậy thực sự ta đang ngăn cản mình tập trung. Sự tập trung cần được hiểu trong nghĩa của chánh niệm là phương tiện để mở rộng lòng ra với công việc, với kinh nghiệm và với cuộc sống chứ không phải là sự thu hẹp bó buộc tâm thức của mình lại. Bởi vậy tiến trình tập trung trong công việc phải được hiểu đúng nghĩa là sự khích lệ mà cương quyết để hướng chúng đi vào quỹ đạo mà không phải sự chiến đấu. Hãy thử một lần chào đón chúng đi, và xem chúng như những thách thức. Tôi biết em cũng thích những thách thức có phải không?

Bây giờ  chúng ta thử vận dụng những điều trên vào công việc. Hãy khởi sự công việc một cách thư giãn, không nên quá gấp gáp, làm từ từ mỗi lúc một việc. Trước khi làm việc nên ngồi yên, buông thư trong vài phút, và thực tập bài nhận diện hơi thở. Thở vào, biết đang thở vào; thở ra, biết đang thở ra. Chỉ sau vài hơi thở, bạn sẽ cảm thấy những lăng xăng trước đó được lắng xuống, trạng thái bình an trong tâm sẽ được phục hồi. Tuy đơn giản vậy đó nhưng rất hiệu nghiệm. Bạn hãy thử xem. Nên nhớ, trong bài tập này, đơn thuần chỉ là sự nhận diện hơi thở tự nhiên của chính mình mà không được can thiệp uốn nắn hơi thở. Giờ thì chúng ta có thể bắt đầu công việc với một trạng thái tươi mát sáng suốt. Bắt đầu xem xét những gì cần được ưu tiên hoàn thành trong ngày. Rồi chú tâm duy nhất vào một việc. Nên lập kế hoạch và thời gian nhất định phải hoàn thành việc ấy. Rồi làm cho xong việc, theo từng bước một, ở lại với nó cho đến khi hoàn tất. Khi có những tư tưởng không ăn nhập gì đến công việc hiện đang làm thì nên nhớ trở về nắm lấy hơi thở. Khi hoàn tất xong công việc nên kiểm điểm lại: có hoàn tất những gì cần làm theo dự định không, phẩm chất tập trung dành cho công việc như thế nào? Nếu làm việc theo cách này, em sẽ phát hiện được những điều thú vị ngay cả với những việc được cho là tầm thường nhất.

Sự tiến triển trong thực tập chánh niệm đi đối với việc tăng trưởng niềm tin vào khả năng của chính mình có thể hoàn tất những công việc. Và chúng ta sẵn sàng chấp nhận những thử thách và dấn thân. Ta không còn tìm cách giải trí hay lẫn tránh công việc. Bởi vì tìm cách giải trí hoặc lẫn tránh công việc chỉ thể hiện một điều là thiếu tự tin vào chính mình. Khi chánh niệm đủ vững, lúc này những tư tưởng của chúng ta được tổ chức, năng lượng ta đều đặn, không lên xuống thất thường, ta biết rất rõ mình cần làm gì trong bất kỳ công việc nào. Và thành quả này không gói gọn trong công việc, nó thực sự trở thành một một phần đời sống của mỗi người. Nó ảnh hưởng đến tất cả những hoạt động trong đời sống của chính chúng ta từ chuyện đi đứng ăn uống ngủ nghỉ chuyện tiêu thụ và cả chuyện tiếp xử. Chúng ta sẽ thấy được sự ảnh hưởng tích cực của chính mình đến đời sống của những người xung quanh. Điều này lại củng cố thêm niềm tin trong ta đi theo hướng làm lợi, làm hạnh phúc cho cộng đồng mà không còn mang tính cá nhân nữa.

Tuy nhiên  để có được năng lực tập trung không phải là  đơn giản. Bởi vì tâm ta hay chạy theo những khuynh hướng bốc đồng của nó, và chúng ta dễ bị lôi kéo rời xa công việc đang làm, có nghĩa là năng lượng của chúng ta bị tản mác thay vì tập trung vào công việc. Điều này càng dễ dàng xảy ra khi chúng ta làm những việc mà chúng ta không yêu thích. Và chúng ta biết rồi đó, khi chúng ta buông tay trước sự lôi kéo của tâm rời xa công việc thì sự thiếu tập trung này sẽ được phản ảnh quan thành quả đạt được. Càng ít tập trung thì ta càng mắc nhiều lỗi lầm và ta càng mất nhiều thời gian để làm và khắc phục mọi thứ. Dần dà chúng ta đâm ra bất mãn, khó mà duy trì động lực làm việc. Nhìn lại thì thời gian thì trôi nhanh quá mà công việc chẳng đến đâu. Do vậy cũng như bất kỳ sự thực tập nào chúng ta cần bước từng bước thật vững không nên nhảy vọt. Hấp tấp và vội vả sẽ dễ dàng dẫn đến những hậu quả không tốt. Và điều quan trọng hơn nữa, chúng ta phải có niềm tin vào chính mình là có thể làm được.

Có  phải tài năng là tất cả?

Có người đã nói rằng, thành công được quyết định bởi 99% bởi sự nỗ lực. Em nghĩ gì về điều này? Có người tán đồng nhưng cũng có người không thống nhất. Người không tán đồng bởi nghĩ rằng tài năng phải là một cái gì đặc biệt được thiên phú. Nhưng nếu ta hiểu tài năng là một cái gì đó đơn giản hơn thì ta sẽ có cái nhìn khác về vấn đề trên. Không phải chỉ hát hay mới có tài. Không phải có khả năng điêu khắc giỏi mới có tài. Biết giúp người vượt qua những khổ đau là có tài. Biết chia sẻ tài vật với người khác là có tài. Biết tổ chức một công việc là có tài. Nhìn lại thì tài năng trong mỗi chúng ta đâu phải là hiếm hoi. Nếu biết chấp nhận những gì đang có và phát triển thì nó sẽ trở thành tài năng của bạn. Vậy thì con số 99% đâu phải là không có căn cứ phải không? Vậy thì em đừng lo ngại là mình không có tài gì nhé.

Mối quan hệ với cộng sự

Sự thành công trong công việc không đơn thuần chỉ được đánh giá bởi kết quả đạt được trong công việc mà nằm trong mối tương quan mật thiết với nhiều yếu tố khác. Ví dụ như mối quan hệ với đồng nghiệp. Một người bạn đã viết thư đến chia sẻ với tôi về sự khó khăn trong mối quan hệ của anh ta với các đồng nghiệp. Anh ta nói rằng, thời gian đầu mối liên hệ của anh ta với đồng nghiệp rất tốt. Anh ta có thể bỏ qua được được tất cả những thiếu sót của đồng nghiệp một cách dễ dàng cho dù có những vấn đề không phải là nhỏ. Nhưng càng về sau sự tha thứ trong anh không còn đủ mạnh trong để có thể bỏ qua mọi chuyện sai sót của đồng nghiệp. Sau mỗi lần có mâu thuẫn xảy ra, anh cảm thấy rất dằng vặt vì những hành xử quá đáng của mình. Nhưng mọi chuyện cứ lặp đi lặp lại như vậy. Anh ta dường như bế tắc. Chuyện này không phải chỉ xảy ra trong mối quan hệ đồng nghiệp mà dường như hầu hết các mối quan hệ với tất cả những người xung quanh. Tâm lý học phật giáo có nói đến khối nội kết trong tâm như là nguyên nhân dẫn đến những tình trạng xảy ra trong câu chuyện kể trên. Chúng ta cứ liên tưởng đến việc chứa nước lọc trong nơi một chiếc bình thủy tinh. Qua một ngày, mới nhìn ở đáy bình ta cứ ngỡ không có cặn lắng xuống. Nhưng thật ra không phải vậy, do ta không quan sát kỹ và lượng cặn lắng xuống đáy bình quá ít nên ta không nhận ra. Nhưng nếu để nhiều ngày thì ta sẽ nhận thấy rất rõ lượng cặn ấy. Như vậy thì lượng cặn này ở đâu ra, có phải nó được tích tụ mỗi ngày một ít? Nếu mỗi ngày ta tiến hành kỳ cọ đáy bình thì chắc chắn sẽ chẳng có chất cặn nào tồn tại. Đối với sự hình thành khối nội kết trong tâm – có khả năng sai sử chúng ta suy nghĩ, nói và làm những điều không nuôi dưỡng-  cũng vậy. Mỗi khi có những bất như ý xảy ra cho dù là rất nhỏ nhưng trong trong tâm đã xuất hiện sự xung đột. Nếu chúng ta không đủ sáng suốt để nhận thấy hoặc có nhận thấy mà không xử lý khéo léo thì nó không mất đi mà kết lại thành khối và sẽ lớn dần trong chiều sâu tâm thức của chính mình. Có thể đối với trường hợp của anh bạn trong câu chuyện kể trên cũng vậy. Khi có những bất như ý xảy ra dù rất nhỏ trong mối quan hệ với đồng nghiệp, có thể anh đã xử lý nó bằng cách đè nén hoặc tìm một lý do nào đó để khỏa lấp nó mà không phải thực tập nhận diện, chấp nhận để mà chuyển hóa. Nếu câu chuyện cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, đến một lúc nào đó khối nội kết trong tâm đủ mạnh vượt quá giới hạn, nó sẽ bùng phát thành những xung đột bên ngoài một cách dễ dàng. Ông bà ta thường nói: “Tức nước vỡ bờ” là vậy.

Làm cách nào để mà tránh được tình trạng này? Tiếng việt mình có từ “chịu đựng” rất hay. Chịu là chấp nhận và đựng là có thể dung chứa được. Chịu đựng không phải là đè nén. Cách duy nhất Bụt dạy chúng ta là nhận diện và quán chiếu để chuyển hóa chúng. Tinh thần này rất hợp với nghĩa từ “chịu đựng”. Nhận diện như thế nào? Nói cho đúng hơn là nhận diện đơn thuần, phần trước tôi có chia sẻ với em rồi. Mỗi khi có bực bội xuất hiện trong tâm thì bước đầu tiên là quay về nắm lấy hơi thở hay nói cách khác là nhận diện hơi thở. Thở vào, tôi ý thức sáng tỏ là mình đang thở vào; thở ra, tôi ý thức sáng tỏ là mình đang thở ra. Tiếp theo là nhận diện sự bực bội trong tâm. Thở vào, tôi biết sự bực bội đang có trong tôi; thở ra, tôi nhẹ nhàng ôm lấy sự bực bội ấy. Nên nhớ đây là một sự thực tập thật sự dựa trên nền tảng của hơi thở chánh niệm để nhận biết, để thực sự có mặt với sự bực bội đang hiện diện trong tâm chúng ta. Khi ấy ý thức chánh niệm chiếu dụng một cách sáng tỏ lên đối tượng là sự bực bội. Nếu có chánh niệm đủ vững thì bực bội không thể nào tự tung tực tác được nữa. Khi chúng không tự tung tự tác được thì gốc rễ của chúng dưới chiều sâu tâm thức không được cung cấp dưỡng chất để lớn lên thêm. Đây là bước đầu tiên của sự thực tập. Bước thứ hai là quán chiếu có nghĩa là thâm nhập vấn đề để biết rõ gốc rễ và từ đó nhổ gốc rễ. Để thực hiện bước này trong bối cảnh tâm phải được yên tịnh và nền tảng chánh niệm phải vững vàng. Nếu không có nền tảng chánh niệm vững chắc, khi đi sâu vào vấn đề chúng ta sẽ bị lôi cuốn mà không có lối ra, có thể tình trạng sẽ tồi tệ hơn. Do vậy, chúng ta phải biết lượng sức. Với bài tập thứ nhất thôi, nếu thực tập đàng hoàng cũng sẽ mang lại một kết quả rất khả quan.

Rõ ràng, nguyên nhân dẫn đến những khó khăn cho cuộc đời chúng ta, đặc biệt là trong công việc không phải chỉ là nguyên nhân ngoại tại –đến từ những người cộng sự hay những nguyên khác mang tính ngoại tại mà nguyên nhân chính đến từ trong mỗi chúng ta. Nếu chúng ta không biết điều chỉnh trong chính chúng ta thì dù chúng ta có thay đổi những yếu tố mang tính ngoại tại( thay đổi công việc) thì tình trạng cũ chắc chắn sẽ lại tái diễn. Và chúng ta mãi bị cuốn vào trong vòng lẫn quẩn không lối thoát.

Em thương mến! Ngưỡng cửa của sự nghiệp là một bước ngoặt quan trọng của cuộc đời mỗi người. Nhưng tôi tin rằng, em có đủ tự tin vào tài năng của chính mình để có thể lựa chọn và hoàn thành ước nguyện ấy một cách tốt đẹp. Cho dù có có khó khăn có vấp ngã nhưng em sẽ vẫn kiên định với hướng đi làm đẹp cho bản thân và làm đẹp cho cuộc đời.

 

Thanh Phong