Bát chánh đạo với giáo lý Tứ đế



alt
Nói đến giáo lý đức Phật, không thể không nói đến giáo lý Tứ Diệu Đế (Cattāri-āriyasaccāni). Vì giáo lý này được đức Phật  thuyết giáo đầu tiên tại vườn Nai (Isipatana), ở thành Ba La Nại cho năm anh em Kiều Trần Như. Và chính giáo lý này đã chuyển đổi toàn bộ tâm chí tu học của năm vị này, khiến họ đều giác ngộ được chánh pháp, trở thành những vị Tỷ-kheo đầu tiên trong những thành phần xuất gia theo Phật. Và chính năm vị này do giác ngộ được giáo lý Tứ Diệu Đế mà đã trở thành Tăng đoàn đầu tiên trong giáo hội Phật giáo.

Lại nữa, giáo lý ấy rất được các kinh điển Nam Phạn và Bắc Phạn Phật giáo đề cao và giải thích. Vì chúng là một trong những giáo lý tinh yếu và căn bản của đạo Phật. Nội dung của giáo lý ấy gồm có bốn phần.

1. Khổ Thánh đế (Dukkha Āriyasacca)

Phần giáo lý đề cập đến những thực trạng hiển nhiên của cuộc đời, đó là sự thực về khổ đau. Từ những hiện trạng khổ đau nầy xẩy ra những hiện trạng khổ đau khác và cứ như vậy, chúng liên tục xảy ra và có mặt trong cuộc sống.

Điều này, nói theo thuật ngữ Phật giáo, gọi là Khổ Khổ “Dukkha - Dukkha”. Nghĩa là kết quả khổ đau này lại làm tác nhân phát sinh ra những kết quả khổ đau khác. Và cứ như vậy từ sự khổ đau này lại chồng chất lên những sự khổ đau khác.

Chẳng hạn, sống mà không có nhận thức, không có hiểu biết, đời sống như vậy thì nhất định sẽ dẫn sinh từ khổ đau này đến khổ đau khác, khổ đau của già, khổ đau của bệnh, của chết, của thương yêu mà phải xa lìa v.v…Tất cả những khổ đau ấy là khổ đau của sinh tử luân hồi.

Lại nữa, một cảm giác hạnh phúc an lạc, sau khi đã qua hay đã hoại diệt thì ngay đó để lại một sự trống trải của tâm lý và sự xáo trộn tâm lý tạo nên những khổ đau của thân thể.

Điều này, nói theo thuật ngữ của Phật giáo là Hoại khổ “Viparināma-  Dukkha”. Nghĩa là sau khi cảm giác dễ chịu biến hoại, thì cảm giác khổ đau có mặt nơi thân thể, nơi cuộc sống.

Lại nữa, hễ tâm chấp thủ vào thân năm uẩn là bị khổ đau. Vì thực chất của thân năm uẩn là luôn luôn lưu chuyển, vô thường. Trong đó có hành uẩn luôn luôn lưu chuyển khắp trong ba cõi sinh tử luân hồi. Và hễ còn lưu chuyển trong luân hồi thì còn bị khổ đau.

Điều này, nói theo thuật ngữ Phật giáo là Hành khổ “Samkhāra - dukkha”. Nghĩa là khổ là do sự lưu chuyển vận hành trong tam giới.

Vì do sự chấp thủ năm uẩn nên bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết, bị lưu chuyển trong tam giới chịu vô lượng khổ đau trong cuộc sống. Khí hậu nóng, lạnh bất thường cũng có thể tạo nên những cảm giác khổ đau, những sự ăn uống bất thường cũng có thể tạo nên những cảm giác khổ đau; những lời nói không từ ái cũng có thể tạo nên những cảm giác khổ đau, muốn ăn không được ăn, muốn ngủ không được ngủ, muốn nói không được nói, muốn ngồi không được ngồi, muốn đi không được đi, muốn sống không được sống, muốn chết không được chết v.v… Tất cả những điều ấy là sự khổ đau phát sinh từ tâm chấp thủ năm uẩn.

Nên, đức Phật đã nói rất rõ và rất chân xác những khổ đau ấy.

Sự thật khổ đau ấy, không thể không có bất cứ ở đâu trong tam giới này, nên sự thật ấy được mệnh danh là Khổ đế, tức là sự thật về khổ.

2. Tập Thánh Đế (Samudaya Āriyasacca)

Phần giáo lý nói rõ tập khởi hay nguyên nhân phát sinh sự khổ đau. Nếu không có nguyên nhân làm phát sinh ra sự khổ đau, thì sự khổ đau không bao giờ có mặt. Nhưng sự thật, khổ đau đã có mặt thì nhất định phải có nguyên nhân làm phát sinh ra nó.

Những nguyên nhân phát sinh khổ đau chính là khát ái (taṇhā), chấp thủ (upādāna) và tư hữu (cetanā bhava).Vì do có khát ái (taṇhā) mới săn đuổi tìm cầu những đối tượng mà khát ái đang mong muốn. Nếu săn đuổi không được cũng tạo nên khổ đau, vì thất vọng phiền muộn. Trái lại, nếu săn đuổi được, cũng tạo nên khổ đau, vì lo sợ mất nó, nên sanh tâm chấp thủ. Vì do sự chấp thủ, nên đã tìm đủ mọi cách để duy trì, khiến cho nó tồn tại hiện hữu.

Nếu chấp thủ những gì do khát ái săn đuổi được và mọi hoạt động để hiện hữu lệ thuộc vào sự chấp thủ và những khát ái ấy, thì nhất định phải phát sinh khổ đau. Vì khát ái là tác nhân của khổ đau. Lại nữa, nguyên nhân phát sinh khổ đau là do nhận thức sai lầm rằng, thân năm uẩn này là tự ngã (atmāna), rồi từ đó khởi sinh vọng tưởng về tự ngã là thực hữu và khởi tâm chấp thủ đối với nó. Mỗi khi tâm có chấp thủ tự ngã thì tính ích kỷ, tính tham lam, tính sân hận, tính si mê, tính ngã mạn và mọi tà kiến cũng bắt đầu phát sinh. Tất cả chúng phát sinh để tạo nên đời sống khổ đau cho con người và chúng sanh.

Như vậy, nguyên nhân khổ đau không phải do thế lực bên ngoài tác động, mà do những thế lực bên trong, đó là tâm chấp thủ vào năm uẩn là tự ngã.

Nói gọn lại, chính hành uẩn lệ thuộc vào vô minh mà tạo ra những khổ đau cho con người và chúng sanh.

Hay nói một cách chính xác và nghiêm túc, hành lệ thuộc vào vô minh và hữu, chấp thủ lệ thuộc vào khát ái thì nhất định phát sinh khổ đau.

Do đó, vô minh (ādviya), hành (samkhārā), ái (tāṇha), thủ (upādāna), hữu (bhava) là những tác nhân tích cực tạo nên khổ đau. Và chiều sâu của vô minh là vô minh trụ địa (āvidyavāsanabhūmi) tức là cứ địa để vô minh huân tập và biểu hiện. Đó là sự thật về Tập Thánh đế, dù Phật có ra đời hay không ra đời thì điều ấy vẫn hiển nhiên là như vậy.

3. Diệt Thánh Đế (Nirodha Āriyasacca)

Phần giáo lý nói về sự an lạc và hạnh phúc, sau khi mọi tác nhân khổ đau đều đã bị tiêu diệt.

Sự hạnh phúc và an lạc này chỉ có được, khi chúng ta thành tựu được tâm giải thoát và tâm giải thoát chính là Niết-bàn (Nirvāna).

Niết-bàn là một trạng thái tâm linh vắng bặt mọi khát ái, mọi chấp thủ, mọi vận hành của tư ý (cetāna) và mọi tập khí vô minh.

Do khát ái, chấp thủ và tư ý cũng như tập khí vô minh tuyệt đối vắng mặt trong sự sinh hoạt của tâm linh, nên Niết-bàn là trạng thái an lạc tuyệt đối của tâm linh có mặt.

Hay nói một cách tế nhị, Niết-bàn là một trạng thái tâm linh an lạc tuyệt đối. Vì ở đó không còn gợi lên một ý niệm về hữu ngã. Và vì ở đó, tâm linh không còn có “hành” lệ thuộc vào vô minh.

Nói một cách khác, Niết-bàn là không có vô minh và có vô minh thì không có Niết-bàn, Niết-bàn là không có ý niệm về ngã và có ý niệm về ngã thì không có Niết-bàn.

Trong giới hạn về khái niệm và ngôn ngữ, chúng ta có thể tạm hiểu Niết-bàn như là trạng thái tâm linh vắng bặt Tập đế và Khổ đế, chứ chúng ta không thể hiểu thêm được nữa. Vì Niết-bàn là một trạng thái tâm linh an lạc tuyệt đối  do các bậc Thánh Trí tự chứng, chứ không phải là một cảnh giới suy chứng.

Vậy, chúng ta hãy chấm dứt sự suy luận ở đây. Và chúng ta hãy đi vào cảnh giới Niết-bàn bằng con đường của Đạo Thánh đế.

4. Đạo Thánh đế (Magga Āriyasacca)

Trong bài pháp Tứ Diệu Đế, đức Phật đã đề cập đến những nỗi khổ đau hiển nhiên của con người, của chúng sanh, đó là Khổ đế. Đức Phật lại nói rõ những nguyên nhân phát sinh khổ đau, đó là Tập đế. Đức Phật lại tiếp tục giới thiệu  một cảnh giới an lạc tối thượng, nơi đó vắng mặt toàn bộ mọi hiện trạng khổ đau và mọi nguyên nhân phát sinh khổ đau, đó là Diệt đế. Và cuối cùng đức Phật giới thiệu con đường thoát ly mọi khổ đau để đi đến Niết-bàn, đó là Đạo đế.

Có thể phát biểu rằng, trong Tứ Diệu Đế thì Đạo đế là giáo lý đóng vai trò tích cực, vì nó giải quyết toàn bộ mọi vấn đề mà đức Phật đã trình bày.

Chẳng hạn, thấy mọi sự khổ đau mà không có con đường để giải quyết những khổ đau ấy, thì cái thấy ấy sẽ đưa đến thất vọng và sầu khổ thêm mà thôi.

Do đó, Đạo đế là con đường tích cực để giải quyết mọi sự khổ đau.

Lại nữa, thấy rõ mọi nguyên nhân phát sinh khổ đau, nhưng không có con đường hay những phương pháp khống chế và tiêu diệt những khổ đau ấy, thì sự nhìn thấy những nguyên nhân phát sinh ấy, chưa phải là cái thấy tích cực. Vì thấy nguyên nhân khổ đau, mà không có phương pháp để tiêu diệt được chúng, thì chúng vẫn phát sinh khổ đau và do đó khổ đau vẫn tiếp tục có mặt.

Như vậy, sự có mặt của Đạo đế trong Tứ Diệu Đế là để tiêu diệt Tập đế.

Lại nữa, thấy rõ Niết-bàn là sự an lạc tối thượng, nơi đó vắng mặt toàn bộ mọi sự khổ đau, nhưng không có đường để đi đến, không có phương pháp để thực hành, thì sự an lạc của Niết-bàn chỉ là một sự ước mơ, không bao giờ trở thành hiện thực.

Do tính chất tích cực của Đạo đế như vậy, nên sự có mặt của nó là để giải quyết toàn bộ vấn đề của Khổ đế, Tập đế, Diệt đế mà đức Phật đã trình bày.

Sở dĩ, trong giáo lý Tứ Diệu Đế, Đạo đế đóng vai trò tích cực và quan trọng như vậy, là vì trong Đạo đế có 37 phẩm trợ đạo và thực hành 37 phẩm trợ đạo này, thì sẽ thoát ly khổ đau, thành tựu Niết-bàn.

Trong 37 phẩm trợ đạo gồm có ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần, bát thánh đạo phần, tứ như ý túc, tứ chánh cần, tứ niệm xứ.

Trong 37 phẩm trợ đạo này, thì Bát Chánh đạo vừa là đạo vừa là trợ đạo, các phần còn lại là trợ đạo chứ không phải là đạo. Chẳng hạn, Tứ niệm xứ sẽ hỗ trợ cho chánh niệm, Tứ chánh cần sẽ hỗ trợ cho chánh tinh tấn và chánh định. Hoặc trong Tứ như ý túc, thì dục như ý túc sẽ hỗ trợ cho chánh định, vì do ước muốn như ý mà phải đi vào thiền định, và sau khi đi vào thiền định, thành tựu được định lực và do thành tựu được định lực mà có được thần thông tự tại như ý muốn, tinh tấn như ý túc lại hỗ trợ cho chánh tinh tấn và chánh định; nhất tâm như ý túc lại hỗ trợ cho chánh định và quán như ý túc lại hỗ trợ cho chánh tư duy và chánh kiến v.v…

Như vậy, nếu thực nghiệm một cách chi ly, thì thấy rằng một phần của tứ như ý túc, tứ chánh cần, tứ niệm xứ, ngũ căn, ngũ lực v.v… đều có thể hỗ trợ cho bất cứ một yếu tố nào trong tám yếu tố của Thánh đạo.

Khi một hành giả thực hành một yếu tố nào đó trong tám yếu tố của Thánh đạo, thì không những tứ chánh cần, tứ như ý túc, tứ niệm xứ, ngũ căn, ngũ lực v.v… hỗ trợ đã đành mà bảy yếu tố khác của Thánh đạo, cũng đóng vai trò hỗ trợ tích cực cho hành giả thực hành yếu tố ấy.

Chẳng hạn, khi hành giả thực hành chánh kiến, thì chánh kiến là Đạo và bảy yếu tố còn lại đóng vai trò Trợ đạo. Hoặc khi hành giả thực hành chánh tư duy thì chánh tư duy là Đạo và bảy yếu tố còn lại đóng vai trò Trợ đạo. Hoặc khi hành giả thực hành chánh nghiệp, thì chánh nghiệp là Đạo và bảy yếu tố còn lại đóng vai trò Trợ đạo. Và khi hành giả thực hành chánh định, thì chánh định là Đạo mà bảy yếu tố còn lại là Trợ đạo.

Như vậy, hễ thực hành bất cứ yếu tố nào trong tám yếu tố của Thánh đạo, thì đều có mặt của bảy yếu tố khác, tám yếu tố của Thánh đạo, chúng không thể tách biệt lẫn nhau trong sự thực hành để đi đến đời sống giải thoát và giác ngộ.

Do đó, hễ thực tập và thành tựu một yếu tố nào của tám yếu tố Thánh đạo, thì cũng có thể thành tựu luôn cả bảy yếu tố Thánh đạo. Vì sự thật, một yếu tố của Thánh đạo không thể tách rời khỏi bảy yếu tố Thánh đạo và bảy yếu tố Thánh đạo luôn luôn có mặt trong một yếu tố Thánh đạo.

Và bất cứ ai muốn sống đời sống giải thoát và giác ngộ thì không thể không thực hành Bát Chánh đạo. Vì Bát Chánh đạo là tác nhân, tác duyên để cho bất cứ ai thực hành đời sống giải thoát và giác ngộ.

Nếu ở trong Bát Chánh đạo, chúng ta lấy chánh kiến làm tác nhân tu tập, thì bảy yếu tố còn lại là tác duyên hỗ trợ. Và nếu chúng ta lấy chánh định làm tác nhân tu tập, thì bảy yếu tố còn lại là tác duyên hỗ trợ. Cứ như vậy, hễ chúng ta lấy một yếu tố trong tám yếu tố của Thánh đạo để làm tác nhân tu tập, thì bảy yếu tố còn lại là những tác duyên hỗ trợ.

Do đó, bất cứ yếu tố nào trong tám yếu tố của Thánh đạo cũng có thể là tác nhân và cũng có thể là tác duyên đối với sự tu tập để đi đến Niết-bàn.

Vậy, vai trò của Đạo đế trong Tứ Diệu Đế là hệ trọng như vậy, nhưng Bát Chánh đạo là tinh túy hay cốt lõi của Đạo đế. Vì chính Bát Chánh đạo là con đường hành động tích cực để thoát ly khổ đau, đi đến Niết-bàn an lạc, điều này đã được đức Phật nói như sau: “Con đường yên ổn, an toàn đưa đến hoan hỷ, chỉ cho con đường Thánh đạo tám yếu tố, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy… Chư Tỷ-kheo! Như vậy, ta mở con đường yên ổn, an toàn đưa đến hoan hỷ.”1

Lại nữa, Bát Chánh đạo là con đường thoát ly khổ đau, đi đến Niết-bàn, không phải là con đường mới phát hiện bởi đức Phật Thích Ca, mà nó đã được phát hiện và đã được đi qua bởi chư Phật quá khứ. Như lời đức Phật Thích Ca đã nói ở trong Tương Ưng Bộ kinh: “Ta đã thấy một con đường cũ, một đạo lộ cũ, do các vị Chánh đẳng Chánh giác thuở xưa đã đi qua. Và này các Tỷ-kheo! Thế nào là con đờng cũ, là đạo lộ cũ do các vị Chánh đẳng Chánh giác thuở xưa đã đi qua? Đây chính là con đường Thánh đạo có tám yếu tố, tức là chánh kiến, chánh tư duy,… con đường ấy, này các Tỷ-kheo, là con đường cũ, là đạo lộ cũ do các vị Chánh đẳng Chánh giác thuở xưa đã đi qua. Ta đã đi theo con đường ấy, Ta thấy rõ già chết, Ta thấy rõ già chết tập khởi, Ta thấy rõ già chết đoạn diệt, Ta thấy rõ con đường đưa đến già chết đoạn diệt…”2

Như vậy, chư Phật quá khứ cũng như đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong hiện tại, do đi trên con đường “Bát Chánh” mà thấy rõ già chết, tức là thấy rõ Khổ đế, thấy rõ già chết tập khởi, tức là thấy rõ Tập đế và thấy rõ con đường đưa đến già chết đoạn diệt, tức là thấy rõ Đạo đế.

Để kết luận cho phần này, chúng ta thấy rằng, ở trong giáo lý Tứ Diệu Đế, thì Đạo đế đóng vai trò rất quan trọng và tích cực để giải quyết toàn bộ mọi vấn đề khổ đau của sinh tử. Nhưng trong đó, Bát Chánh đạo lại là hạt nhân chính của Đạo đế.

Do đó, Bát Chánh đạo tự nó đã có vị trí then chốt và nhất định ở trong giáo lý Tứ Diệu Đế. Và bất cứ ai muốn thoát ly khổ đau, thì phải đi trên con đường này. Và đứng từ nơi con đường này, kẻ ấy sẽ nhìn thấy toàn bộ thực tại đúng như tự thân của chính nó, mà không bị bất cứ một cái gì đánh lừa. ²

 

Thích Thái Hòa

-------

Chú thích

1 Kinh Song Tưởng, Trung bộ 1, tr.118, ĐHVH 1972

2 Tương Ưng bộ, tập II, tr. 125, PHVH 1982