SÂN TRƯỚC MỘT DÁNG MAI

http://4.bp.blogspot.com/_lcUuhsQmuv4/R56nShttowI/AAAAAAAAADQ/iunT-dRqWeM/s320/hoa+mai.jpgGia đình tôi dọn về nhà mới vào lúc gần Tết, cách đây ba năm, ba mùa Xuân vui tươi ở chốn phù hoa đô hội. Hồi đó, khi mới đặt chân vào ngôi nhà mới, gia đình tôi ai cũng reo mừng khi thấy bên cửa ngõ ra vào có sẵn một cây mai cao chừng hai thước, nhánh cành nụ lá xum xuê. Tôi được cha tôi giao việc lặt lá cho cây mai, để kịp đâm nụ nẩy chồi nở hoa đón cái Tết đầu tiên ở nhà mới. Đến ngày lặt lá, tôi chưa kịp làm gì thì cây mai đã tự rụng lá cả rồi. Cả nhà tôi ai cũng tưởng tôi lặt. Cha tôi khen, hỏi:
– Mới chiều tối hôm qua, ba còn thấy cây mai đầy lá. Vậy ra con đã một mình lặng lẽ lặt lá cho nó vào hồi khuya, phải không?
Tôi định phủ nhận, nhưng không hiểu sao tôi lại mỉm cười gật đầu. Được khen, được thưởng công, dại gì mà từ chối kia chứ?! Tết năm đó, cây mai trổ hoa vàng rực cửa ngõ, ai cũng trầm trồ trước vẻ đẹp sang trọng của cây hoàng mai chốn sơn lâm xa vắng. Riêng tôi, tôi cứ băn khoăn trước câu hỏi chưa được giải đáp: “Ai chính là người lặt lá cho cây hoàng mai?”. Xuân qua, Tết tàn. Thời gian trôi đi mang theo nỗi băn khoăn khắc khoải trong tôi vào lãng quên… Mùa Xuân thứ hai đến. Một sáng thức dậy sớm, tôi kinh ngạc đứng chôn chân trố mắt nhìn cây mai trước ngõ khi thấy lá của nó đã tự rụng hết xuống quanh gốc. Tôi ngơ ngẫn đứng nhìn cây mai trơ trụi những nhánh chi mảnh khảnh. Chỉ qua một đêm mà cây mai đã trút bỏ được xiêm áo cũ để chuẩn bị khoác lên mình chiếc áo vàng rực mới mẻ! Ai đã lặt lá cho nó, nếu không phải là tôi? Tôi im lặng. Cả nhà lại tưởng tôi đã lặt lá mai, lại khen, không ai trong nhà tôi tự nhận mình làm công việc đó, vì đó là việc của tôi phải làm. Tôi bắt đầu khổ sở vì dấu hỏi to tướng cứ lởn vởn chập chờn trong đầu, trước mắt. Không lẽ cây mai này thuộc một giống mai rừng có đặc điểm… tự rụng lá? Tôi ngây thơ đi tìm tòi trong sách thư viện, hỏi thăm những bậc cao niên chuyên gia về cây cảnh, nhưng tuyệt đối không được một thông tin nào xác nhận có một loại mai rừng tự rụng lá. Mấy bác ở câu lạc bộ chim cây cá cảnh cười khề khà gọi tôi là thằng nhỏ “mát dây”. Tôi quả thật muốn “mát”vì chuyện lá mai rụng. Tôi ghi vào sổ nhật ký để nhớ ngày tự rụng lá của cây hoàng mai bí hiểm. Ghi để mùa xuân năm sau, tôi sẽ theo dõi. Tôi quyết phải khám phá bí mật… Mùa xuân lại về, về đến cổng nhà tôi, bên ngõ ra vào cây mai đang đứng đó chờ tôi lặt lá. Tôi xem lại sổ, đã đến ngày cây mai tự rụng lá. Tôi bồn chồn nôn nóng suốt từ sáng tới chiều, mong cho mau đến tối để âm thầm theo dõi cây mai. Tối đến, mọi người đều đã yên giấc cùng với phố xá tĩnh mịch. Tôi ngồi lặng lẽ giữa sân, nhìn chăm chăm về phía cây mai với nỗi phập phồng chờ đợi. Đã hơi 10 giờ đêm rồi, cây mai vẫn đứng đó lặng câm, không hề động đậy. Tôi chán nản định bỏ cuộc, nhưng rồi sự ấm ức khó chịu đã bắt tôi phải kiên nhẫn. Tôi tự nghĩ: “Ai dám bảo cây cỏ vô tình vô tri? Phải chăng cây mai kia cũng biết xấu hổ thẹn thùng khi đang cởi bỏ xiêm áo mà có tôi ngồi sờ sờ ra đó ngắm nghía?”. Nghĩ vậy, tôi đi vào nhà, đóng cửa và làm ra vẻ như đang đi ngủ. Tôi nín thở đứng sau cửa, nhìn qua khe ra sân trước, tập trung nhãn lực vào cây mai. Im ắng. Tôi nghe rõ tiếng tim mình đập thom thóp. Nghe cả tiếng muỗi bay vo ve. Muỗi bâu vào cắn tay chân tôi, tôi cắn răng chịu đựng, không dám đập đuổi vì sợ khinh động. Chờ khoảng nửa giờ, khi lũ muỗi chắc đã no nê, tôi ngứa ngáy và mờ cay cả hai mắt, định đầu hàng phứt, đi ngủ một giấc cho khỏe thân nhàn trí. Bất chợt, tôi giật mình lạnh gáy khi kịp nhìn thấy một bóng người xuất hiện thấp thoáng ngoài cửa ngõ. Tôi nín thở, mở trừng hai mắt lên, trừng hết cỡ trừng, nhìn ra không chớp mắt. Một bóng người nhỏ nhắn vừa leo qua tường nhảy vào nhà tôi, nhảy xuống sân, bước lại đứng bên cây mai. Người lạ có mái tóc dài. Con gái. Ma hay người? Ma ư? Tôi không dám nói là mình không tin vào chuyện ma quỷ, cũng không dám nói là tin, vì xưa nay tôi chỉ được nghe và đọc chuyện ma, chứ chưa bao giừo thấy ma. Tôi lại rất tin vào Phật. Không phải tôi tin vào những tượng Phật, mà tin vào giáo pháp nhiệm mầu của bậc Chánh đẳng Chánh giác. Học pháp Phật để áp dụng vào cuộc sống là những điều mà tôi đã và đang làm. Những kinh chú của Mật tông tôi cũng đã thuộc nhiều, thuộc để phòng thân, sẽ mang ra dùng khi lâm vào những tình huống, hoàn cảnh nguy nan bối rối. Vậy mà tôi vẫn không sao bình tĩnh được khi thấy tận mắt một bóng ma đang lẻn vào sân nhà mình. Tôi không nhớ gì đến chú Chuẩn đề, chú Dược Sư, hay chú niệm cầu đức Bồ tát Quan Thế Âm. Tôi kinh hãi đến trợn tròng, há hốc mồm. Người con gái đang đứng bên cây mai, miệng nói lẩm bẩm, lâm râm những lời gì không rõ. Rồi, người ấy bước lại sát bên cây mai, bắt đầu… lặt lá. Tôi nhìn chăm chăm vào hai chân người con gái lạ, nhìn để xem thử có hổng đất hay không. Tôi thường nghe nói ma quỷ đi chân không chạm đất. Nhưng, trước mặt tôi là con người. Tôi hít một hơi thật sâu để lấy được bình tĩnh, niệm lâm râm “Án ma ni bát mê hồng” mấy lần, rồi mở nhẹ cửa, bước nhanh ra, băng qua sân, tiến về phía cây mai. Nghe động, người con gái giật mình quay phắt lại. Qua ánh sáng từ ngọn đèn đường hắt xuống sân nhà, tôi nhận ra trước mặt mình là một người con gái trạc khoảng mười lăm, mười sáu tuổi có dung nhan xấu xí. Tôi hơi chột dạ, đứng khựng lại. Hai đứa tôi nhìn nhau thật lâu, không thốt một lời. Sau cùng, tôi phá tan bầu không khí im ắng đến rợn người, hỏi:
– Bạn làm gì ở đây vậy? Bạn là ai?
Người con gái ngập ngừng, rồi hỏi với giọng yếu ớt:
– Anh có thật sự nhận tôi làm bạn hay không?
– Ừ, bạn thì bạn. Có thêm bạn thì tốt chứ sao đâu!
– Cảm ơn anh. Anh đừng có đuổi em nghen!
– Tại sao phải đuổi?
– Vì em đã tự tiện vào đây, lặt lá cho cây mai, mà không hỏi ý kiến của chủ nhà!
– Lặt lá mai là nhiệm vụ của tôi, cha tôi đã giao cho tôi. Nếu bạn lặt giùm, tức là đã giúp đỡ tôi, tôi phải cảm ơn và mời bạn vào nhà chơi, chứ sao lại đuổi đi được!
– Anh tốt quá, cảm ơn anh rất nhiều.
– Nhưng bạn chưa nói tên cho tôi biết. Tôi là Hưng.
– Em là Hoàng Mai, bằng tuổi với cây mai vàng này, thua nó năm tháng!
– Ủa? Vậy ra... 
– Đây là nhà cũ của gia đình em. Cha em mất đi, anh Hai bê tha rượu chè cờ bạc đến đổ nợ, buộc mẹ em phải bán nhà để chia gia tài…
– À, thì ra là vậy. Nhưng… tại sao Mai lại đến đây lặt lá mai?
– Chuyện dài lắm anh ơi. Em không thể quên những kỷ niệm ở ngôi nhà này. Bây giờ, gia đình em đã xa nó, sống ở một vùng quê yên tĩnh cách đây trên 30 cây số, hàng năm cứ đến ngày này, em phải đón chuyến xe đầu tiên trong ngày, về tá túc ở nhà một người bạn của anh Hai em, chờ đến giờ này, em lại lặt lá cho mai, xong việc, em về ngủ, mai sáng lại đón chuyến xe sớm nhất về nhà…
– Tại sao Mai lặn lội cực khổ như vậy? 
Giọng Hoàng Mai trầm buồn, kể:
– Cây mai này do cha em trồng, trồng khi em đang còn nằm trong bụng mẹ, sau này khi em chào đời, cha em đã đặt tên cho em trùng với tên cây mai. Nó thuộc mai rừng, ở chốn rừng thiêng nước độc, học trò của cha em đã tặng cho ông trong thời gian ông dạy học ở một trường miền núi. Cha em xuất thân từ một gia đình bần cùng ở thôn quê, bà con trong dòng họ đều dốt chữ, nên ông càng quyết tâm ăn học… Em rất thương quý cha, nhớ cha rất nhiều, nhất là mỗi độ xuân về, nhìn cây mai là nghĩ  tới cha…
Tôi lặng người vì xúc động. Giọng nghẹn ngào của Hoàng Mai giữa đêm khuya chầm chậm như một khúc nhạc u buồn.
– Em nhớ cha nên hàng năm phải về đây lặt lá cây mai. Nó đã thuộc về quyền sở hữu của nhà anh, nên em phải lén lút như vậy. Những năm cha em còn sống, ông thường gọi em ra phụ một tay lặt lá mai, khi Tết đến, hai cha con cùng đứng ngắm cây mai với lòng vui sướng tưởng không gì bằng…
Hoàng Mai khóc thút thít. Tôi cũng nghẹn ngào trước tâm sự của cô gái xấu xí nhưng bên trong có một tâm hồn cao đẹp, một trái tim trong sáng đến tuyệt vời. Hai đứa tôi cùng lặt lá cho cây mai giữa đêm hôm khuya khoắt. Tôi hỏi:
– Mai còn đi học chứ?
– Học chứ, anh, em đang học lớp 10 ở trường ngoại thành. Cha em trong những ngày cuối đời nằm liệt giường vì chứng ho lao tai ác, đã căn dặn em không biết bao nhiêu lần: “Đừng bao giờ làm một người dốt. Và phải luôn luôn giúp đỡ cho người khác đừng bao giờ dốt!”.  Em ghi nhớ lời cha răn dạy, đó cũng đúng là lời trăn trối quý báu, nên em quyết tâm học đến nơi đến chốn, sau này em sẽ theo học ngành sư phạm, mai sau nối nghiệp cha lãnh nhận thiên chức “trồng người”. Nếu khó khăn quá, em sẽ chọn con đường… xuất gia, vào chùa vừa được đi tu vừa được học, sau này thế nào cũng có dịp phụng sự chúng sanh bằng kiến thức và tình thương của mình, đó cũng là một ý nguyện của ba má em. Nhất quyết em sẽ không đầu hàng, em sẽ đi theo đến cùng dù cuộc sống gian truân vất vả!
– Mai có thể sẽ trở thành nhà văn, hay thi sĩ không chừng, đừng có đi tu mà … uổng. Vì khi Mai nói chuyện, nghe rất văn chương, có câu cú, có vần điệu chẳng thua gì thi sĩ!
Hoàng Mai tươi cười. Một nụ cười sáng rực trong đêm Xuân. Có lẽ Mai cười vì tôi đã nói một câu ngớ ngẩn “đi tu mà uổng”. Mà thiệt, tôi ngớ ngẩn quá, không hiểu con ma nào nhập mà khiến tôi buộc miệng nói ra cái câu vô duyên ngu muội đó, khi chính mình rất tôn kính những người đi theo con đường tu học chánh đạo. Mà đi tu cùng có thể trở thành nhà văn, nhà thơ được vậy, chứ có ai cấm cản? Hai đứa tôi chia tay nhau khi cây mai vàng trước ngõ không còn một chiếc lá trên thân…
…  Mùa xuân lại về. Tôi nôn nóng đến tối để gặp lại Hoàng Mai sau một năm trời không hề nhận một tin tức gì về cô bạn gái. Tôi ray rứt, tự trách mình đã vô tình không hỏi nơi ở của Hoàng Mai, để khi cần sẽ liên hệ. Đã đến ngày lặt lá cho cây mai rồi, tôi bỗng dưng nhớ Hoàng Mai kỳ lạ. Tối đến, tôi kê một chiếc bàn con trước thềm hiên, đặt hai chiếc ghế mây song song với nhau, trên bàn là bánh mức và hạt dưa, trà thơm và bánh mì thịt để ăn khuya. Tôi mở toang cửa để Hoàng Mai đi vào, khỏi phải leo trèo tường như mọi năm. Tất cả đang chờ Hoàng Mai đến. Tôi chờ, cây mai vàng đang chờ.
Nhưng Hoàng Mai đã không đến. 
Thôi thì, cứ tin vào nhân duyên. Mọi sự trên đời đều do nhân quả cơ duyên, mà giáo lý của Phật đã nói có đến “thập nhị nhân duyên” lận kìa! Khi duyên lành hội đủ, ắt có ngày mình cũng gặp lại cô gái mang tên loài hoa mai vàng của rừng xa… tôi tự nhủ lòng mình như vậy cho đỡ tủi buồn. Một chút hi vọng sáng lên vẫn hay hơn là tối thui tối mò vô vọng và thất vọng.
Đến mười hai giờ khuya, tôi buồn bã lê bước nặng nề đến bên cây mai. Tôi thở dài một hơi đánh sượt vào khuya vắng lặng. Và, một mình tôi bắt đầu lặt lá cho cây mai. Chỉ một mình tôi. Sương đẫm trên những chiếc lá nhỏ nhắn. Sương lạnh ngắt. Lòng tôi cũng lạnh buồn, lạnh đến tê buốt, buồn đến bần thần rã rượi. Có những giọt sương khuya từ đâu rơi xuống mặt tôi lại nóng hổi. Tôi đưa tay rờ rẫm, và biết rằng đó là những giọt nước mắt của chính mình. Tôi đã khóc. Kệ, khóc đuọc cứ việc khóc. Trong “thập nhị nhân duyên” có vô minh, có thọ, có xúc, có thỷu, có hữu, có ái, có gì gì nữa không nhớ hết nổi, bấy giờ tôi chỉ biết là tôi đang bị vô minh che lấp, đang thọ cái sự “ái biệt ly khổ” thì phải khóc chứ biết làm sao?
Tôi khóc thật lặng lẽ. Và cây mai vàng cũng lặng lẽ như tự bao giờ…

 

Tâm Không Vĩnh Hữu