Đừng đánh mất các truyền thống tốt đẹp ngày Tết

Tết Nguyên Đán hay còn gọi là Tết Cả thường được coi là Tết chẳng riêng ai khắp mọi nhà. Người Việt từ xa xưa đến nay đều coi Tết là ngày hội lớn nhất và thiêng liêng nhất trong một năm.

Tết ở Việt Nam có biết bao truyền thống tốt đẹp mà chúng ta cần gìn giữ cho muôn đời con cháu.

Đó là sự đoàn kết trong gia đình, họ tộc, làng mạc. Với các gia đình ở nông thôn thì ngày Tết thật rôm rả. Người khắp tứ xứ về với gia đình và có dịp đi thăm hỏi họ hàng, láng giềng và bà con lối xóm. Người ở thành phố thì phần lớn cũng dành thời gian trước Tết về tảo mộ ở quê nhà. Vừa là sửa sang mộ phần cho người quá cố, vừa là có dịp thăm hỏi, chúc tết họ hàng, bà con, làng mạc. Người Việt ở nước ngoài cũng về nước đông nhất vào dịp này trong năm.

Việc quét vôi, sửa sang, dọn dẹp nhà cửa trước Tết, thu gọn lại đồ đạc, quần áo, sách vở trong nhà là một phong tục tốt. Ngày nay cần mở rộng ra việc làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm, nhất là khơi thông cống rãnh, phun thuốc diệt bọ gậy để chống muỗi gây sốt rét, sốt xuất huyết là chuyện rất nên làm tại mọi khu dân cư.

Tục cúng giỗ là nghi thức tâm linh để tưởng nhớ đến cha ông, cô bác và tổ tiên, cũng là dịp tỏ lòng thành kính với ông Trời mà ngày Tết Ông Táo (23 tháng Chạp) đã nhờ Vua bếp cưỡi cá chép lên “báo cáo” về tình hình năm cũ và cầu mong cho những ngày tốt lành cho năm mới. Người ta thường mua hai mũ Ông, một mũ Bà và cá chép để cúng sau đó thả cá xuống ao hồ. Riêng chuyện vứt bao nilông đựng cá trên bờ ao hồ là chuyện phải khắc phục ngay để bảo vệ cảnh quan và vệ sinh môi trường.

Lễ Trừ tịch còn được gọi là Lễ Giao thừa, là giờ phút cuối cùng của năm cũ sắp bắt qua năm mới. Ý nghĩa của lễ này là đem bỏ đi hết những điều xấu của năm cũ để đón những điều tốt đẹp của năm mới.

Bàn thờ giao thừa của làng xóm hoặc đình làng cũng như tại các gia đình được thiết lập giữa trời. Mâm cỗ cúng ngày Tết thường được chuẩn bị công phu để các bà nội trợ trổ tài và cũng là niềm vui chung của nữ giới. Trước đây hầu như nhà nào cũng tự gói bánh chưng và coi đó là một niềm vui cho cả người lớn lẫn con trẻ khi được thức cùng cả nhà canh nồi bánh.

Bây giờ thời gian ít ỏi và để hợp lý hoá người ta thường mua bánh của các cửa hàng. Ngay các thứ giò chả, bóng, gà, cá, xôi gấc, chân giò, măng... người ta cũng mua sẵn ngoài thị trường rồi nấu nướng hay làm nóng lại tại nhà. Điều này không phải là mất đi truyền thống mà là sự thích nghi với sự phân công trong điều kiện mới của xã hội.

Phong tục hái lộc đêm Giao thừa cũng đã được cải tiến để tránh chuyện hái cành lá bừa bãi. Người ta bán các cành khế ngọt hay các cây mía đỏ để bán cho mọi người mua trước khi về xông nhà.

Tục đốt vàng mã cần xem xét lại. Người xưa chỉ đốt tượng trưng những tờ vàng mã với ý nghĩa tưởng nhớ người đã khuất. Vậy mà ngay từ thời ấy nhà khoa học lão thành Nguyễn Công Tiễu cũng đã có bài viết trên báo Khoa học phê phán mạnh mẽ về sự lãng phí phi lý đó. Bây giờ người ta đua nhau đốt cả complê, cravát, ôtô, xe máy, biệt thự lớn bé... thì thật càng phi lý, Việc lấy đồng đôla in thêm chữ Ngân hàng địa phủ và in ra hàng loạt để đốt cũng là điều không thể chấp nhận được.

Việc lì xì ngày Tết cũng cần được chấn chỉnh lại. Người xưa chỉ có người lớn tặng phong bao cho con trẻ bằng những tờ tiền lẻ, với ý nghĩa để tiền bạc sinh sôi, đời sống ngày càng sung túc. Ngày nay tục lì xì đã bị biến tướng vì người lớn thường thưởng những món tiền lớn và trẻ em bóc ra thấy ít thì không bằng lòng ra mặt, rồi chỉ lấy tiền còn vứt phong bao ngay tại chỗ (!). Có người còn đèo con đi khắp mọi nhà, coi như là một đợt... tăng thu nhập (!).

Đấy là chưa kể đến một tệ nạn rất còn phổ biến (tuy đã bị nghiêm cấm trên hình thức) đó là chuyện hối lộ quan chức bằng những số tiền lớn (thường là ngoại tệ) và những loại rượu ngoại, bánh mứt ngoại rất đắt tiền. Người nhận và cả người tặng đều đã mắc tội nhận và đưa hối lộ.

Việc đến thăm và tặng hoa hay tác phẩm của mình cho các thầy cô giáo cũ và mới thì lại là một truyền thốt tốt đẹp cần duy trì (Mồng một nhà cha, mồng hai nhà mẹ, mồng ba nhà thầy). Nếu thầy cô giáo cũ ở xa thì nên có thư chúc Tết với những lời thành thực tri ân để ghi nhớ công ơn người đã đào tạo mình nên người.

Các chợ Tết và các chợ hoa là những nét đẹp truyền thống rất đáng duy trì. Ngày nay cây đào, cây mai cho thuê bày trong mấy ngày Tết, thay việc phải mua khá đắt tiền rồi sau Tết lại chỉ làm khổ cho các công nhân quét rác. Tuỳ theo từng  khuôn khổ mỗi nhà mà chỉ nên mua một cành đào  hay một cành mai, một cây quất và một bó hoa là đẹp lắm rồi.

Các việc kiêng khem ngày Tết có những điều tốt cần gìn giữ và cũng có những điều phi lý nên loại trừ. Những điều kiêng kỵ không có cơ sở khoa học là phong tục kiêng kỵ người khác đến xin lửa nhà mình, kiêng cho nước đầu năm vì sợ mất lộc. kiêng quét nhà vì nếu không thì năm đó gia cảnh sẽ nghèo túng, khánh kiệt. Khi hốt rác trong nhà đổ đi thì cho rằng thần Tài sẽ đi mất (!), kiêng ăn thịt chó, cá mè, thịt vịt...vì sợ bị xúi quẩy. Ngày mồng 5 tháng giêng là ngày nguyệt kỵ, người Việt thường tin rằng ngày này không thích hợp cho xuất hành...

Một chuyện mới xuất hiện những năm gần đây là nhiều gia đình, nhất là các gia đình trẻ, muốn đi du lịch nước ngoài trong những ngày nghỉ Tết. Điều này rất dễ hiểu vì ngày nay là thời hội nhập thế giới, biết bao điều hấp dẫn bên ngoài biên giới.

Nguyễn Lân Dũng
Theo laodong