Người Sài Gòn tấp nập lễ chùa đầu năm

Sáng mùng 1 Tết, trong tiết xuân quang đãng, yên bình lạ thường, hàng nghìn người dân Sài Gòn nô nức đổ vể các ngôi chùa lớn như chùa Vĩnh Nghiêm, Việt Nam Quốc Tự, Đền Ngọc Hoàng, chùa Xá Lợi... để cầu may đầu xuân.

Đi chùa hái lộc, xin xăm và cầu an đầu năm cho cả gia đình được khỏe mạnh, tài lộc đầy nhà, an khang thịnh vượng, tình duyên đẹp đôi... từ lâu đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống trong đời sống tâm linh của người Việt.

Để rước lộc sớm về nhà và tránh phải chen lấn, nóng nực nhiều người đi lễ chùa ngay sau thời khắc giao thừa. Tuy nhiên, từ sáng sớm cho đến tận trưa ngày mùng 1 Tết, lượng người đổ về các ngôi chùa lớn ở TP HCM vẫn đông tấp nập.

Dù phải chen chúc trong làn khói hương nghi ngút cay xè mắt, các cụ già, em nhỏ, nam thanh, nữ tú vẫn háo hức đến từng ban thờ để được thành kính thắp nén hương và nói lên lời cầu khấn của mình trong ngày đầu năm mới.

alt

Người dân Sài Gòn nô nức đổ về chùa Vĩnh Nghiêm cầu may trong ngày đầu năm.

Cầm trên tay những nén hương, cành vàng lá ngọc, cây phát tài... đoàn người càng lúc càng đông chen lấn đứng chật cả sân chùa Vĩnh Nghiêm. Tiết xuân năm nay thời tiết Sài Gòn khá đẹp, mát và thoáng đãng. Tuy vậy, chỉ sau một lúc chen chân trong chùa, ai nấy đều đổ mồ hôi, cay xè mắt bởi khói hương ghi ngút bốc lên từ các ban thờ Phật và hương cầm trên tay mỗi người.

alt

Mua nhang và cây vàng lá bạc đi lễ chùa Việt Nam Quốc Tự ở quận 10.

Chùa Vĩnh Nghiêm vẫn được xem là ngôi chùa nổi tiếng và linh thiêng bậc nhất ở TP HCM nên cũng là nơi thu hút nhiều người dân đến cầu cúng nhất trong dịp đầu năm mới. Hầu hết mọi người đi lễ chùa đều với một mong muốn cầu cho một năm mới mạnh khỏe, làm ăn sung túc.

Từ đêm giao thừa đến sáng mùng 1 Tết, chùa này lúc nào cũng đông nườm nượp người đến thắp nhang cầu an, xin tài lộc cho năm mới. Các dịch vụ bán nhang, cây vàng lá bạc... trải dài từ cổng vào để phục vụ khách viếng chùa.

Đặc biệt, Tết Canh Dần năm nay trùng với lễ Tình Nhân 14/2 nên khá nhiều cặp trai gái rủ nhau đi lễ chùa. Ngoài mục đích cầu an, các cặp đôi không quên xin Đức Phật phù hộ cho tình duyên trong năm mới càng thêm thắm thiết.

Nhiều em nhỏ cũng được cha mẹ cho đi lễ chùa để chạm tay vào tượng các vị La Hán, cầu mong có được trí thông minh, đĩnh ngộ như Ngài. Còn các cụ già thì mong muốn một năm mới sức khỏe dồi dào, gia đình yên ấm, con cháu làm ăn phát tài...

alt

Mùng 1 Tết Canh Dần trùng với ngày lễ Tình Nhân nên nhiều cặp trai gái rủ nhau đi lễ chùa với mong muốn tình cảm ngày càng thêm bền chặt, thắm thiết.

Nhiều người không chỉ đi cầu may một chùa mà còn đi nhiều chùa trong ngày mùng 1 Tết. Ngoài việc cầu khấn, họ còn tranh thủ xin xăm đầu năm để xem vận mệnh của bản thân và gia đình trong năm Canh Dần.

Lợi dụng tâm lý đó, ở hầu hết các ngôi chùa đều có dịch vụ coi chỉ tay, bói bài làm ăn khá phát đạt. Sau khi đi lễ chùa, một nhóm khá đông người xúm lại một góc chùa Việt Nam Quốc Tự chờ đến lượt xem bói. Giá mỗi lần xem chỉ tay là 50.000 đồng/người. Người tự xưng là thầy bói dùng kính lúp soi chỉ tay của khách khá lâu rồi mới phán loanh quanh vài câu khó kiểm chứng. Tuy vậy, vẫn có khá đông người kiên nhẫn ngồi đợi để xem vận mệnh của mình trong năm con Hổ.

alt

Xếp hàng đợi thỉnh chuông cầu may ở chùa Vĩnh Nghiêm.

Không chỉ dịch vụ xem bói đoán vận, các dịch vụ ăn theo quen thuộc trong ngày đầu năm như ăn xin, "châm hương giùm", giữ xe giá cắt cổ... cũng được dịp "hốt bạc". Tiền gửi xe tăng lên gấp 3 lần ngày thường với giá 10.000 đồng/chiếc xe máy, còn những người "châm hương giùm" thì đòi tiền lì xì với giá khoảng từ 5.000 đến 10.000 đồng/lần.

Tuy bị chặt chém nhưng hầu hết mọi người đều vui vẻ móc túi trả tiền, bởi với họ, đi lễ chùa đầu năm với mục đích xin tài, xin lộc thì hào phóng một chút cũng không sao. Chị Yến, một khách viếng chùa phải trả tiền "châm hương giùm" và tiềng gửi xe khá đắt nhưng vẫn cười tươi vui vẻ: "Đầu năm hào phóng chút cho cả năm làm ăn may mắn". Nói xong, chị lại tất tả đến từng ban thờ thắp hương, khấn vái.

 

Hương Giang