Nói thêm về truyền thuyết "Vua hóa cọp"

Lý Thần Tông là vị vua thứ năm của triều Lý, lên ngôi lúc mới 12 tuổi (năm 1128), đến năm 20 tuổi, vua phát hiện bệnh lạ: Cả người mọc đầy lông, kêu la thoảng thốt, lâu lâu lại gào to như tiếng hổ gầm…

Có sách chép rõ: “Vua (Lý Thần Tông) bỗng nhiên mắc bệnh thành cọp, ngồi xổm chụp người, cuồng loạn đáng sợ”. Bấy giờ hoàng tộc và triều thần tìm mọi cách chữa chạy nhưng lương y cũng như đạo sỹ đương thời đều bó tay.

Bệnh vua ngày càng trầm trọng, la hét gầm rú dữ tợn hơn, buộc triều đình phải làm một cái cũi vàng để nhốt vua, rồi tiếp tục sai quan quân đi khắp nước tìm thầy chữa trị. Chợt đến Chân Định (tỉnh Nam Định),  nghe trẻ con trong vùng vừa chơi vừa hát mấy câu đồng dao:

“Nước có Lý Thần Tông
Trị quốc muôn việc thông
Muốn chữa bệnh thiên tử
Phải tìm Nguyễn Minh Không
"

Lập tức triều đình cho mời thiền sư Minh Không vào kinh đô cứu vua. Khi ấy Minh Không đã đắc đạo từ lâu và tương truyền có nhiều quyền năng đặc biệt, phi phàm. Ngài đến ra mắt triều đình trong bộ áo nâu sờn cũ. Thấy vậy hoàng tộc và một số chức sắc có vẻ khinh thường, lạnh nhạt.

a
Thiền sư Nguyễn Minh Không (người chữa bệnh hóa cọp cho vua Lý Thần Tông). Ảnh IE

Sư chẳng nói gì, lẳng lặng rút trong áo ra một cây đinh dài hơn 5 tấc đóng chặt vào cột gỗ của cung điện và nói ba lần: “Ai trong các vị ở đây nhổ được cây đinh này mới đúng là người đáng tôn quý”. Không ai nhổ được. Lúc ấy Minh Không mới lấy 2 ngón tay kẹp chặt cây đinh rút ra nhẹ nhàng. Ai nấy khiếp phục, đảnh lễ và xin chữa bệnh cho vua.

Minh Không bảo hãy đẩy chiếc cũi nhốt Lý Thần Tông đến, đem thêm một cái vạc đựng đầy nước, nấu sôi sùng sục. Sư thản nhiên nhúng tay vào nước sôi khuấy mạnh nhiều lần, vẩy lên mình vua. Nước rưới đến đâu lông lá nhà vua rụng dần đến đó. Sư lại lấy nước ấy tắm khắp người vua, từ đó vua lành bệnh tỉnh táo như xưa.

Có sách chép Minh Không ném vào vạc dầu đang sôi 100 cây kim nhọn, dùng tay lấy từng cây kim đâm khắp người vua “tự nhiên lông, móng, răng cọp đều rụng hết, thân vua hoàn phục lại như cũ”.

Chuyện vua Lý Thần Tông hóa cọp được sử sách ngày trước ghi chép và bàn đến khá nhiều. Đến thời nay, không ít tác phẩm cũng kể lại chuyện đó, như cuốn Thiền sư Việt Nam của hòa thượng Thích Thanh Từ dựa nhiều nguồn tư liệu, đã viết đại ý: khi người của triều đình đến thỉnh mời, mới gặp mặt lần đầu, Minh Không đã lên tiếng hỏi trước: “Các ngươi đến gặp ta để xin chữa bệnh cho người bị hóa cọp phải không?”.

Ai cũng hết sức ngạc nhiên hỏi sao ngài lại biết? Ngài đáp: “Không phải bây giờ ta mới biết, mà ta biết việc này từ 30 năm trước” – từ lúc Lý Thần Tông chưa ra đời.

Vậy lúc ấy (kiếp trước) vua Lý Thần Tông là ai? Chính là thiền sư Từ Đạo Hạnh. Đạo Hạnh đã cùng Minh Không là hai huynh đệ tu hành ngộ đạo. Một hôm, Từ Đạo Hạnh núp vào chỗ vắng giả làm tiếng cọp gầm để hù dọa Minh Không. Minh Không biết, lên tiếng trách Đạo Hạnh đã dùng tà hạnh và chú ngữ để làm cọp dọa người, ắt sẽ phải chịu hậu quả không hay.

Ngay đó Đạo Hạnh giật mình hối hận, biết mình sẽ chịu phiền toái sau này, liền bảo Minh Không: “Đời sau của ta thế nào cũng sẽ bị quả báo vì chuyện giả cọp này, vậy xin phiền ông lúc ấy (30 năm sau) hãy đến giải bệnh cho ta với”. Minh Không nhận lời. Sau Từ Đạo Hạnh chết, thác sinh thần Lý Thần Tông hóa cọp như đã kể.

Câu chuyện trên lưu truyền cách đây gần ngàn năm, kể từ lúc vua hóa cọp vào năm 1936, song đến nay vẫn được giới nghiên cứu bàn luận với hai điều nổi cộm:

Thứ nhất, theo cách nói của người Việt thì ở hiền gặp lành. Mà Lý Thần Tông không phải là một vị hoàng đế tàn ác. Đại Việt sử ký toàn thư nhận xét vua Lý Thần Tông “tư chất thông minh, có lòng độ lượng của bậc đế vương nên từ việc sửa sang chính sự đến việc dùng người hiền tài, trước sau đều không có gì sai lệch".

Thời vua trị vì có rùa 6 mắt, chim quý, rồng vàng, hươu trắng, ngựa hoa đào xuất hiện, thiên hạ cho là các điềm lành. Binh sỹ hàng năm theo lệnh vua cứ 6 tháng ở quân ngũ, 6 tháng về nhà làm ruộng, nhằm giữ cho việc binh không ảnh hưởng đến việc nông gia cày cấy.

Một nhà vua nhân từ, biết chăm lo việc nước như vậy, lẽ ra đáng được an lạc, thọ mạng lâu dài, nhưng đằng này lại mắc bệnh nan y và qua đời sớm lúc 22 tuổi (vào năm 1138) sau 10 năm lên ngôi. Vì sao “ở hiền” mà “gặp giữ” như thế?

Các vị tưởng lão giải thích rằng đời này vua hiền thì phước đời sau vua hưởng. Còn đời này vua bị ác bệnh, chết sớm là do quả báo của đời trước gây ra.

Đời trước, khi còn là thiền sư Từ Đạo Hạnh, vua đã nói với Minh Không: “Xưa Đức Phật Thích ca đạo quả đã tròn mà còn bị quả báo kiếm vàng, huống là ta ở đời mạt pháp này công hạnh không lấy gì làm lớn, nên không thể tự giữ mình được, chắc chắn phải tái sinh và không tránh khỏi ác bệnh”.

Vậy quả báo kiếm vàng (kim thương chỉ báo) là gì? Theo các nhà nghiên cứu, kim thương chỉ báo là một thuật ngữ để biểu thị cho một truyện tiền thân của Phật Thích ca được kể trong các bộ kinh, rằng: thời Đức Phật còn hành Bồ tát đạo, ngài lên tàu đi cùng chuyến với hàng trăm người lái buôn, trong số đó có một tên bất lương nuôi ý định giết hết những người trên tàu để cướp của cải, vàng bạc.

Biết được điều ấy, Bồ tát đã ra tay trước, giết chết tên cướp. Dầu với mục đích cứu nhiều người trên tàu nên phải giết một người (tên cướp) song Bồ tát vẫn không thoát khỏi vòng báo ứng và bị kẻ cướp kia đầu thai đeo đuổi tìm cách trả thù.

Nhưng nhờ trong nhiều kiếp sau đó ngài vẫn tu hành miên mật và công hạnh tinh tấn nên kẻ kia không thể hãm hại được. Đến khi ngài thành Phật, kẻ cướp vẫn cứ mang kiếm đứng bên cạnh. Đó gọi là quả báo kiếm vàng.

Dẫu Đạo Hạnh chỉ dùng phép thuật để “giả làm cọp” dọa người cũng phải chịu hóa thành “cọp thật” để trả cái nợ tiền thân tự mình gây nên ấy. Đó là ý nghĩa giáo dục về luật nhân quả và vòng luân hồi. Luật này tác động thông suốt ba thời (quá khứ, hiện tại lẫn tương lai) trong trùng trùng kiếp kiếp.

Điều thứ hai, khi xem xét dưới lăng kính lịch sử, thì ba nhân vật trong truyện vua hóa cọp gồm: thiền sư Nguyễn Minh Không, thiền sư Từ Đạo Hạnh và vua Lý Thần Tông đều là những nhân vật có thật. Nhiều sách cho biết:

Minh Không tên thật là Nguyễn Chí Thành sinh ngày 14/8 năm Bính Thìn (1076) tại làng Loại Trì, huyện Chân Định, tỉnh Nam Định. Sư đã sang Thiên Trúc (Ấn Độ) học đạo và khi du phương đến sông Hoàng Hà (Trung Quốc), đã thả nón xuống nước, đứng trên ấy lướt sang bờ bên kia trong chớp mắt.

Sư cũng là người đúc tượng Phật A Di đà tại chùa Quỳnh Lâm (Hải Dương), đúc đỉnh đồng tại tháp Báo Thiên (Thăng Long), đúc đại hồng chung ở Phả Lại và đúc vạc ở Minh Đảnh. Số đồng đúc còn dư, sư đem về chùa làng của mình đúc một đại hồng chung nặng 3.300 cân.

Điều ấy khiến người sau tôn thiền sư Minh Không là một trong các vị tổ nghề đúc đồng Việt Nam. Khi chữa lành bệnh cho Lý Thần Tông, vua đã “tạ ơn sư Minh Không một ngàn cân vàng và một ngàn khoảnh ruộng để hương hỏa cho chùa, ruộng này không có lấy thuế. Đến năm Đại Định thứ hai (1141) sư quy tịch. Hiện nay tại Hà Nội, trước đền thờ Lý Quốc Sư vẫn còn tượng sư và có bia ký. Dân chợ Tiên Du muôn đời hương khói phụng thờ”.

Từ Đạo Hạnh là con của quan đô án Từ Vinh. Cha ngài (Từ Vinh) bị pháp sư Đại Điên dùng phép thuật đánh chết, ném xác xuống sông Tô Lịch. Xác trôi đến trước nhà kẻ thù thì dựng đứng như người sống, tay chỉ thẳng vào nhà, pháp sư Đại Điên phải đứng trên bờ đọc thần chú và xướng câu kệ: Người tu hành giận ai – Không quá một đêm ngày. Xác của Từ Vinh mới ngã xuống, trôi ra biển.

Từ Đạo Hạnh muốn báo thù cho cha nên đã vượt núi non hiểm trở tìm thấy học đạo, về sau đến chỗ cha mình bị vứt xác, ném một chiếc gậy xuống dòng nước đang chảy xiết. Chiếc gậy ấy không bị nước cuốn trôi, mà lại lội ngược lên nguồn, trông như con rồng đang hớp mây cao.

Đạo Hạnh biết mình pháp thuật đã thành, liền đến gặp Đại Điên, đánh một gậy, Đại Điên phát bệnh chết. Trả thù xong, theo cách nói của nhà thiền “Oan nghiệt xưa như tuyết tan – việc đời nay nguội như tro lạnh” nên sau đó Đạo Hạnh buông bỏ tất cả, lánh mặt vào chốn tòng tâm, tĩnh tu.

Về câu chuyện ly kỳ vua hóa cọp trên, học giả Lê Mạnh Thát đúc kết: “Vua Lý Thần Tông mắc bệnh là một sự thật. Và yêu cầu chữa bệnh là một sự thật khác. Do thế, khi Minh Không đã thành công chữa lành bệnh cho vua Lý Thần Tông, thì chẳng có gì là “thần quái làm mê hoặc đời”. Vì điều ấy chỉ chứng tỏ tài nghệ y dược của vị thiền sư này rất xuất sắc.

Thực tế, dân tộc ta tồn tại và phát triển mạnh mẽ cho đến ngày nay là phải nhờ phần lớn vào những con người làm công tác khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực y dược như Minh Không.

Tuy nhiên, quá trình tiểu thuyết hóa bằng cách hư cấu mà ta đã nói tới ở trên, tạo cho những con người như Đạo Hạnh, Minh Không mang dáng dấp thần bí khó hiểu. Từ đó, nó gây ra những ngộ nhận về giá trị đích thực của những việc làm do Đạo Hạnh và Minh Không thực hiện”…

Vậy hãy nên thấy rõ cái lõi lịch sử của câu chuyện, để ghi nhận “một dấu ấn” trong nền y dược dân tộc ngày xưa cần được tìm hiểu thêm.

Còn nay, lúc năm Dần đang đến, với ý nghĩa nhắc nhở về luật nhân quả, về báo ứng phải trả cho một lời nói, một hành vi buông lung, hoặc một thi thố quyền năng không đúng chỗ, thì chuyện vua Lý Thần Tông hóa cọp mang đến cho đời lời cảnh báo đầy đạo vị đầu năm.

Giao Hưởng
(Theo Thanh Niên Tết 2010)