Chùa Hương vào hội

Hôm nay, 19-2 (mùng 6 Tết) chùa Hương mới khai hội nhưng mấy ngày qua hàng vạn lượt khách thập phương đã đổ về chùa Hương. Ước tính gần 10 vạn khách đến tham quan trước lễ hội.

 

Suối Yến vào Chùa Hương trước ngày khai hội - Ảnh: Hồng Vĩnh

“Kế hoạch chuẩn bị cho lễ hội chùa Hương năm nay đã được hoàn thành cách đây một tháng. Bắt đầu từ 5 giờ sáng mùng 2 tết, chúng tôi đã ra quân theo kế hoạch”, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó BTC lễ hội chùa Hương cho hay.

Nhiều nét mới lạ

Lễ hội chùa Hương năm nay có nhiều đổi mới về cơ sở hạ tầng lẫn phong cách phục vụ. Đường Quan Âm Kiều (cầu cạn), con đường chính dẫn lên cửa động Hương Tích được mở rộng thành hai làn riêng biệt được kỳ vọng giải quyết ách tắc giao thông thường diễn ra những năm trước.

Năm nay BTC quy định đường Đền Trình chỉ dành riêng cho người đi bộ, tạo cảnh quan và không khí tôn  nghiêm. Cầu Hội được mở rộng gấp đôi theo chiều rộng của dòng suối.

Tuy nhiên, hệ thống cáp treo tăng thêm 10 ca bin (tổng số 46 ca bin) dẫn đến tình trạng khách đổ lên cửa động ồ ạt khiến hai đầu đường chùa Hương khó tránh khỏi tình trạng ách tắc cục bộ.

Điểm mới nhất ở lễ hội năm nay, theo ông Thanh, là việc nâng cao chất lượng dịch vụ hàng quán và dịch vụ đò thuyền. Các quầy hàng được quy hoạch lại và trang bị tủ lạnh để bảo quản thức ăn, nhằm tránh tình trạng thức ăn bị ôi thiu.

 

Du khách đi thuyền trên suối Yến vào chùa Hương - Ảnh: H.V

Đặc biệt, BTC đưa vào vận hành gần 200 thuyền chất lượng cao gắn ghế ngồi (loại 6 và 12 chỗ), giá 35 nghìn đồng/ hai lượt vào ra/ người (cao hơn đò bình thường 10 nghìn đồng), có bến lên xuống riêng biệt…

Ba cổng trạm vào khu di tích Hương Sơn là Đục Khê, Hội Xá, Tiên Mai đều có người túc trực 24/24.

Trao đổi với Tiền Phong bên lề cuộc họp bàn phương án tổ chức lễ hội chùa Hương năm nay, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, kiêm Trưởng Ban tổ chức cho biết: “Các trạm công an Hương Tích, Giải Oan, Thiên Trù, bến đò Thiên Trù, ngoài việc bảo vệ an ninh trật tự còn thực hiện chức năng quản lý mặt bằng, tạo sự thông thoáng cho du khách đi lại và đảm bảo cảnh quan.

Đồng thời có trách nhiệm xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, chống hiện tượng trộm cắp, móc túi, cờ bạc v.v.”.

Các nhà nghỉ kín phòng

Trong vai khách du lịch đặt phòng trọ tại các nhà nghỉ, chúng tôi đều nhận được câu trả lời: hết phòng. Các nhà nghỉ như Công Đoàn, Dương Trang, Sơn Thủy, Hồng Hà... đều được khách đặt kín phòng đến ngày mùng 10.

 

Chưa khai hội, khách đã đổ về nườm nượp - Ảnh: H.V

Anh Nguyễn Minh Đức, trưởng phòng kinh doanh nhà nghỉ Công Đoàn cho hay, đơn vị này có 30 phòng nhưng hôm nay đã kín lịch. Khách du lịch ở tận TP Hồ Chí Minh, Bến Tre cũng gọi điện đặt phòng từ trước Tết.

Giá phòng ở đây cũng khá bình dân. Phòng tốt nhất 350 nghìn đồng/ngày, thấp nhất là 250 - 300 nghìn đồng/ngày. Trong hai ngày thứ 6 và thứ 7 giảm giá 50 nghìn đồng mỗi phòng.

Tham  khảo tại các nhà hàng, quán ăn ở khu di tích Hương Sơn, giá một suất cơm bình dân ở đây rẻ nhất là 60.000 đồng/người, cơm chay 50.000 đồng/người.

Nếu thêm các món: lợn mán, bò, bê, dê giá khoảng 100.000 đồng/ người. Với món lẩu cá chép, cá trắm cỏ có trọng lượng 1kg trở lên thì giá thấp nhất là 180.000 đồng/nồi.

Chị Nguyễn Thị Nhung, khách du lịch ở Hải Phòng thường xuyên tới đây cho biết: “Nhìn chung, lễ hội năm nay vui hơn, quang cảnh thoáng đãng, đẹp hơn. Phong cách phục vụ chuyên nghiệp, trật tự giao thông, bến đò cũng đảm bảo hơn năm ngoái nhiều”.

 

Vé tham quan thắng cảnh cộng chi phí bảo hiểm: 30.000 đồng/người/lượt; Vé xuồng, đò: tuyến Hương Tích: 25.000 đồng/người (vào + ra); tuyến Long Vân - Tuyết Sơn: 15.000 đồng người (vào + ra);

Vé đò chất lượng cao: tuyến Hương Tích: 35.000 đồng/người; tuyến Long Vân và tuyến Tuyết Sơn: 25.000 đồng/người.

Vé gửi xe máy: 2.000 đồng/ban ngày – 3.000 đồng/qua đêm.

Vé gửi xe ô tô: xe từ 9 ghế trở xuống: 15.000 đồng/ban ngày – 20.000 đồng/qua đêm; xe từ 10 ghế trở lên: 30.000 đồng/ban ngày – 40.000 đồng/qua đêm.

Phí vệ sinh: 1.500 đồng/ người/ lượt.

Lưu Trinh - Văn Việt Võ

Theo tienphong