Đầu năm Canh Dần, Ước nguyện về Phật giáo Việt Nam

Mùa Xuân bao giờ cũng mở đầu bằng hương sắc và những lời nguyện ước tốt đẹp nhất. Khi tâm thức toàn dân tộc đều hướng đến những điều nguyện ước tốt đẹp thì niềm tin về một đời sống hướng thiện không bị lọt thỏm trước những bi quan, vô thường của thời thế.

Mỗi người đều đã trải nghiệm cuộc sống trong một năm với biết bao nhiêu niềm vui, nỗi buồn, trăn trở, suy tư và kỳ vọng. Để rồi, một năm mới đến, tất cả chúng ta lại chuẩn bị nhiều hơn cho hành trình phía trước của mình. Hành trình đó đầy những cơ hội và thách thức, nhưng dù con đường phía trước tuy ngắn, nếu không bước đi thì chúng ta cũng không bao giờ tới đích được. Đó là lý do ước nguyện luôn đi cùng ý tưởng và hành động. Ý tưởng và hành động sẽ khơi nguồn và hoàn thiện cho quá trình sáng tạo. Sáng tạo ra những giá trị có ích cho bản thân và cộng đồng cũng không ngoài việc minh chứng cho tư tưởng tự lợi, lợi tha của đạo Phật.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói chúng ta có tổ tiên huyết thống và tổ tiên tâm linh. Trải qua, 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đầy thăng trầm ấy, chúng ta vẫn đang sống bằng dòng máu và tâm thức của những người đã gây dựng nên xã tắc và đường hướng tâm linh tốt đẹp cho toàn dân tộc. Và lịch sử đã minh chứng, thời đạo Phật làm quốc đạo cũng chính là thời đại thuần từ nhất trong lịch sử dân tộc.

Năm 1010, sau khi lên ngôi, vua Lý Thái Tổ đã đại xá thiên hạ, miễn thuế khóa trong ba năm, những người già yếu, mồ côi, góa chồng thì được xóa thuế nợ. Nhà Lý bắt đầu thời đại độc lập tự chủ bằng tinh thần từ bi, hòa hợp, nhân ái, khoan dung đối với nhân dân. Vì thế, luật pháp, tư tưởng yên dân thời buổi đầu của dân tộc đã gắn liền với đạo Phật.

Tư tưởng của đạo Phật đã làm sáng ngời chữ Tâm của dân tộc. Trong triều Đinh, Tiền Lê trước đó, luật pháp có phần dã man khi trừng trị người có tội bằng cách bỏ vào vạc dầu sôi hay cho hổ ăn thịt. Sử còn chép, Lê Long Đĩnh tự tay dóc mía trên đầu nhà sư và giả bộ trượt dao gây chảy máu để lấy làm thích thú. Để thuần thiện hoá cộng đồng, nhà Lý không chỉ tiếp thu triệt để tinh thần của đạo Phật mà còn cho soạn ra luật lệ để củng cố vương quyền và hướng dẫn hành vi của dân chúng. Năm 1042, vua Lý Thái Tông cho ban hành bộ Hình thư - bộ luật thành văn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.

Đại Việt Sử kí Toàn thư viết: “Trước kia, trong nước việc kiện tụng phiền nhiễu, quan giữ việc hình câu nệ luật văn, cốt làm khắc nghiệt, thậm chí bị oan uổng. Vua lấy làm thương xót sai trung thư sửa định luật lệnh châm trước cho thích dụng với thời bây giờ, chia ra môn loại, biên ra nhiều khoản làm sách hình luật của một triều đại”.

Tư tưởng “chính-giáo hợp nhất” trong thời Lý - Trần đã để lại dấu ấn đặc biệt quan trọng của Phật giáo trong thời đại khẳng định độc lập, tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc văn hiến. Sang đến thời Lê, Nho giáo thịnh hành, Phật giáo đã chuyển sang tư tưởng “hộ giáo khai quyền”, vừa phải bảo vệ đạo pháp trước mọi sự hiếp bức, vừa tác động để làm thay đổi nhận thức tôn giáo của chính thể cầm quyền. Từ đó, hình thành trong xã hội xu hướng “cư Nho, mộ Thích”.

Điều đó khẳng định thêm thế đứng của văn hoá Phật giáo trong lòng dân tộc. Với chiều dài lịch sử thì đó là thế đứng hơn 2.000 năm, với Thăng Long - Hà Nội thì đó là thế đứng 1.000 năm.

Giữ vững được thế đứng đó mới có thể nói chuyện hộ quốc an dân. Giữ vững được thế đứng đó thì mới có thể phát huy nội lực để dấn thân nhập thế. Giữ vững được thế đứng đó thì có thể giữ vững được mình trước mọi thách thức khắc nghiệt của cuộc sống.

Giáo sư Cao Huy Thuần từng nói: “Một dân tộc không còn biết mơ mộng nữa là một dân tộc không có tương lai”. “Mơ mộng” quan trọng lắm, vì nó là khởi nguồn của rất nhiều tin yêu và sáng tạo. Một nghìn năm trước, thiền sư Vạn Hạnh đã cố vấn cho vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long khi nhìn ra Thăng Long có thế rồng cuộn hổ ngồi. Đó chính là mảnh đất linh khí hội tụ, có thể xây dựng sự nghiệp cho muôn đời sau.

Nếu không có ước nguyện thì con người không bao giờ có thể biến cái không thể thành cái có thể. Nếu không có thế đứng 1.000 năm của Phật giáo Việt Nam thì đối với dân tôc này, chúng ta chỉ là người đứng ngoài quan sát. Vì thế, mong sao, trước vận hội mới, người Phật tử luôn làm chủ được mình trước danh lợi, bởi làm chủ được mình là điều kiện cơ bản để làm chủ mọi vận hội.

 

Thích Thanh Thắng