DIỆU PHÁP GiỮA DÒNG ĐỜI MÙA XUÂN TRÊN ĐỈNH TÂM LINH

Thiền sư lên núi hú mây
Nghe trong lời gío tiếng cây chuyển mình
Cho dù đất đá củng sinh
Ngàn năm luân chuyển kiếp linh thuở nào
Tuyết băng lấp nẻo non cao
Trên cành khô điểm lao xao nụ đào
Nửa đời tỉnh giấc chiêm bao
Mở kinh Diệu Pháp nhập vào Chân Như

Đường lên Diệu Pháp am của sư W. Nguyễn lónh lánh mầu băng gía tinh nguyên.   Tôi kéo cao cổ áo im lặng nhìn qua cửa kính, xa xa một cổng nông trại bằng gổ sơ sài, đứng trơ vơ giữa cánh đồng không.  Nhú lên dưới lớp băng những gốc rạ mầu vàng như nhắc nhở sự hiện diện của cánh đồng lúa trỉu chín lúa mì của mùa thu mới không xa đây.  Con đường dài hun hút dẩn vào những làng mạc xa vắng im lìm.  Đường lên dốc bắt đầu khó hơn, Phương Thảo gài số neutral ( số trung), rẻ vào một lối mòn giữa hai hàng thông xanh ngát nặng trỉu những đám băng tuyết còn vương trên cành.  Mùa đông đang để lại cảnh trắng tinh khôi thơm hương đất trời giữa chốn am thất ít người qua lại nầy. Tôi ngạc nhiên khi  Phương Thảo cho biết có ít nhất vài thiền viện của những môn phái Phật giáo Đài Loan và Đại Hàn ở rãi rác trong vùng đồi núi nầy.

Phương Thảo chuẩn bị một số thực phẩm khô, vài gói trà xanh móc câu Thái Nguyên, một ít mứt gừng, vài đòn bánh tét chay để đem lên cho sư cúng tết.  Xe đi vào một khỏang đất nhỏ trước một căn nhà đá cổ xưa chênh vênh trên đồi, giữa khung cảnh tỉnh mịch đó ngơ ngác hai mẹ con chú nai lấp ló bên kia hồ nước đã đóng băng.   Chúng tôi nhìn thấy dáng nhà sư đang đứng bất động trước một cội đào rực đỏ những nụ non phản chiếu bầu trời xanh vắt bao la phía sau, thật bất ngờ hoa đào nở giữa tuyết đông, đẹp lạ lùng như chuyện thần tiên (giống đào tên Bạch Tu Chu sa(白须朱砂) chỉ nở vào tiết đông chí).

Chúng tôi cùng im lặng kính cẩn giây phút như mộng nầy, nhà sư chợt quay lại, chắc nhận ra sự hiện diện của người lạ, vị tu sỉ bước chậm rải qua lối nhỏ phủ dầy bông tuyết, mầu áo nâu đậm phảng phất nét thâm trầm của phương đông u mặc.  

Trước mặt tôi là một nhà sư trung niên to cao dáng vẻ ung dung tự tại thật trái ngược với dòng chẩy của một xả hội văn minh dồn dập ngoài kia.  Sư khuyên chúng tôi cứ đẩy cửa vào nhà trước kẻo trúng lạnh, xong sư trở lại hồ mang về hai sô sắt chứa đầy những tảng băng.   Nhà bếp rộng sạch sẻ có một lò sưởi bằng gang đen củ bóng, sư cho thêm củi vào lò, ánh lửa bập bùng cháy sáng tỏa hơi ấm lan khắp phòng.  Bắt ấm lên, sư chặt nhỏ những cục băng thẩy vào đó, gian bếp thơm nồng mùi hương gổ thông, nơi góc phòng một mèo con vươn người ra liếm lông, nằm yên lành bên cạnh chú chó Lab to sù, cả hai háo hức nhìn sư với tiếng gừ nho nhỏ.  Sư mở tủ lấy ra vài chiếc ly và đổ vào đó ít muổng ca cao khuấy cùng sửa bột, sư mời cả hai chúng tôi ngồi vào một chiếc bàn gổ được cắt ra từ một khúc cây vẩn còn thân xù xì.  Xong sư đem một ly sửa lại đổ vào hai chén nhỏ cho Tát và Đỏa (Chúng và Sanh) đó là pháp danh của hai chàng chó mèo.  Xong xuôi, sư quay ra hỏi thăm gia đình và việc làm của Phương Thảo, nhìn tôi sư ân cần cho biết trên lầu có ba phòng cho khách, nếu chúng tôi muốn nghỉ ngơi, chờ chiều đến sẻ có một nhóm vài người đệ tử cùng tới để chung vui ngày lể cuối năm và cùng sư đọc kinh Pháp Hoa.

Phương Thảo rủ tôi ra chánh điện thắp hương và giúp sư chuẩn bị cho buổi chiều nay.  Chánh điện đơn giản với tượng Phật Thích Ca và một tôn tựơng đức Quan Âm bằng đá trắng muốt, trên  bàn thờ đã được chưng  một lọ hoa cắm những cành dã mai (Forthysia) đang nở bung những nụ thuôn thuôn mầu vàng.  Sư cho biết hai tuần trước, nhóm bạn trẻ đã qua bên kia đồi chặt những cành dã mai đem về đốt gốc và cắm trong chiếc độc bình nầy.

Tôi theo sư ra phía sau nhà bửa thêm củi cho buổi chiều, nhìn sư vui vẻ ôm những bó củi to nhuốm lửa cho một nồi súp rau đậu thật lớn, tôi không thể tửơng sư đã từng là một luật sư trẻ rất hào hoa và tiền đồ vô cùng sáng lạng trước kia.

Theo lời Phương Thảo kể:

- Do một nhân duyên lớn thầy đã phát đại nguyện rời bỏ mọi thăng tiến, bắt đầu do một lần đi du lịch qua Hy Mã Lạp Sơn.  Chứng kiến cuộc sống cơ hàn nhưng thản nhiên chịu đựng với niềm tin vào Phật Pháp của những người dân Tạng sống ở vùng biên giới hẻo lánh đã gieo trong lòng thầy một niềm xúc động vô biên.  Rồi một ngày kia  thầy gặp một em bé Tạng tật nguyền cặm cụi dùng chân để khắc những dòng kinh trên hòn đá cụi nhẳn bóng, việc làm vô cùng khó khăn, con dao khắc cứ trật xuống nhiều lần để lại những vết cắt rướm máu nhưng cậu vẫn kiên nhẫn làm việc.  Tò mò theo dỏi, biết cậu ta làm những hòn đá nầy bán cho khách hành hương. Thầy nhặt lấy một hòn và trả cho cậu ta một món tiền khá  lớn, nhưng cậu đã trả lại và chỉ nhận một món tiền nhỏ vừa đủ cho món đồ.  Ngày hôm sau thầy gặp cậu đang chia sẻ bửa cơm nghèo nàn với một ông gìa mù và một con mèo đói.  Người thông dịch cho thầy biết, cậu thường mang phần cơm nhỏ để nuôi một cụ gìa vô gia cư, chẳng dư thừa gì trong thân phận lạc lòai, nhưng cậu nhỏ đó đã làm việc thiện bằng cả một tấm lòng chân thành vô tư. Nhìn ánh mắt sung sướng của cậu khi chia sớt bửa cơm ít ỏi đó, thầy thấy trong lòng mình nôn nao một nổi niềm kính mến.

Sau khi trở về Mỹ, cuộc sống của thầy bắt đầu thay đổi, người bạn thân hợp tác thành lập công ty đau tim chết tại phòng làm việc, trong nỗi buồn mất người bạn, cộng thêm tin dử khác, người mẹ của thầy bị suy biến mạch máu nảo và liệt nữa người.  Thầy tạm giao việc cho người khác và bay về để chăm sóc người mẹ đã suốt đời một thân một mình nuôi lớn thầy.  Trong những ngày tại bệnh viện với mẹ, thầy chứng kiến cảnh già đau bệnh tật và nổi niềm neo đơn của kiếp người xẩy ra chung quanh, rồi trong tâm thầy luôn ẩn hiện ánh mắt và nụ cười của cậu bé người Tạng.   Tại đây thầy gặp  sư phụ, người đến hàng tuần để giúp đở những người Việt không thân nhân và những người bệnh đầy khó khăn khác.   Sư phụ chỉ thầy phương pháp xoa nắn và trì kinh Phổ Môn cho mẹ.

Từ một cậu bé lớn lên tại Mỹ, vốn liếng tiếng Việt rất nghèo nàn không qua vài câu nói thông thường.  Thầy bổng cãm nhận một năng lượng rất an lạc rất mầu nhiệm qua lời kinh dẫn đọc của vị sư phụ.  Bổng một tối kia mẹ thầy tỉnh dậy, nữa người của bà có thể di động được trong sự sửng sốt của các bác sỉ và y tá tại bệnh viện, bà dần dần hồi phục, bà cho thầy biết dù trong cơn mê, bà vẩn nghe được tiếng trì kinh văng vẳng và rồi bà thấy những giọt mưa như rơi xuống từ những cành lá liểu xanh mướt thấm vào trong người bà thật mát mẻ thật thanh lương, trong niềm hạnh phúc đó bà thấy nữa phần liệt bên kia có thể di chuyển được.

Sau khi mẹ bình phục và bà nguyện theo sư phụ hàng ngày trì kinh Pháp Hoa cùng đi giúp đỡ những người bệnh khác.  Thầy bay trở về và tiếp tục làm việc, nhưng khi mùa hè tới, thầy trở lại Hy Mã Lạp Sơn và bắt đầu tìm về thánh tích Phật giáo.  Có một lần đi dọc theo chân núi Hy Mã, thầy và người thông dịch Tạng nghỉ chân để cùng nhâm nhi ly trà sửa nồng đậm, thì thầy thiếp đi, trong giấc mơ, thầy bổng nhận ra từ tiền kiếp nào thầy đã là một người Âu khỏe mạnh râu tóc đỏ hoe sống giữa một nhóm người du mục Tạng và đang thám hiểm vùng núi bao la nầy.  Giấc mơ thật sống động, thầy như sống lại những cảm giác xưa, và trong tiền kiếp đó có một lời hứa và thầy biết nhân duyên trở lại của kiếp bây giờ:

Nhẹ nhàng cát bụi hóa sinh
Tiền thân đã gọi kiếp phù du xưa
(Thơ HaiKu Nhật)

Phương Thảo ngừng lại vén tóc lên cột cho chặt, và cô tiếp tục quấy nồi  bánh đúc cho buổi cơm chiều, cô nói:

- Chúng ta có duyên gặp thầy hôm nay, thầy không bao giờ trụ ở đâu nhất định cả, bước chân tu hành và học đạo của thầy tùy theo nhân duyên hoằng hóa.

Buổi chiều về chầm chậm trên vùng núi cao, cả không gian yên tĩnh sáng bóng trong không khí lạnh buốt nhưng nhẹ nhàng đến sảng khoái, ngoài cửa bắt đầu lao xao tiếng nói cười.  Một số khoảng hơn mươi ngừơi lục tục kéo vào.   Chúng tôi vui vẻ chào nhau, vài người bạn ngoại quốc mang vào những chậu hoa Narcissus  (Thủy Tiên)  để chúc tết thầy.   Thầy dậy họ mang hoa ra bàn thờ Phật ngoài chính điện.

Chúng tôi và thầy quay quần ăn cơm dưới ánh sáng của cặp đèn lớn đốt bằng khí đá, sau khi đã xong bửa cơm thanh đạm, mọi người chuẩn bị trà nóng và nhẹ nhàng ra phòng chính xếp cho mình một tấm chăn dầy trên nền nhà gổ nâu sẩm mầu thời gian.

Thầy đắp y vàng và dâng hương lên bàn thờ Phật, đợi cho mọi người đã ngồi xếp bằng trên nệm của mình, thầy khai kinh bằng Phạn ngữ và giảng về mười hai hạnh nguyện của đức Quán Thế Âm cùng với ý nghĩa của kinh Phổ Môn.

Đêm càng về khuya khí lạnh thấm vào phòng, một màn sương khói lảng đảng vây lấy giữa cỏi người mờ ảo đó có tiếng nổ tí tách của những thanh củi còn ẩm thơm mùi tùng bách.  Henry, một người đệ tử Mỹ thành kính gỏ những hồi chuông ngân dài, tiếng vang như tỏa lan ra xung quanh vùng đồi núi nguyên sơ ngoài kia. Phương Thảo và  một đệ tử lặng lẻ đi ra bếp bưng vào hai khay lớn những bát trà thơm bốc khói.  Thầy nâng bát trà lên bằng hai tay, nói lời chúc lành trong giây phút thiêng liêng của gìơ giao thừa.  Bằng giọng nhẹ nhàng thanh thóat thầy tụng bài kinh Trái Tim Tuệ Giác, chúng tôi đắm mình trong thinh lặng cảm nhận một niềm hạnh phúc vô biên mà trong tận cùng đáy hồn bổng dưng dưng nổi lòng thương cãm đến những chúng sanh còn đang chìm nổi trong ách nạn khổ đau.

Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Linh Cảm Quan Thế Âm Bồ Tát

 

Nhã Lan Thư
(Cuối năm Kỷ Sửu)