TP HCM: Lễ chùa trong vòng vây cái bang

"Đầu xuân đi lễ chùa là nét đẹp trong truyền thống của dân tộc, là thú vui tao nhã, thanh lịch của người dân, phật tử trên khắp các vùng miền cả nước. Điều đáng buồn là nét văn hóa ấy đang bị đám người biếng nhác đội lốt cơ hàn xâm hại bằng những màn đeo bám, kỳ kèo, hăm dọa, quở rủa… rùng rợn".

Sau 3 ngày Tết âm lịch cổ truyền, nhiều bạn đọc gọi điện đến đường dây nóng Cơ quan đại diện Báo CAND tại TP HCM phản ánh thực trạng, đám đệ tử “cái bang” tràn lan khắp các đình đền chùa miếu với những chiêu ăn mày bặm trợn.

"Đeo bám dai như đỉa đói"

Hẹn gặp chúng tôi tại chùa Vĩnh Nghiêm nằm trên đường Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận), chị Mai Thị Hồng, ở số nhà 132/241/61E Lạc Long Quân, quận Tân Bình đảo mắt về phía nhóm 4 đệ tử “cái bang” ăn mặc rách rưới, đội nón lá che kín mặt, kẻ bị mù, người cụt chân hễ gặp khách là bâu bám chìa chiếc rổ nhựa cũ mèm xin xỏ, giọng cám cảnh: "Người ta đi lễ chùa là để tâm hồn, lòng dạ được bình yên, thanh thản. Đằng này tôi và nhiều người khác phải rước đủ thứ bực dọc vào người. Tất cả cũng vì đám “cái bang” trời ơi kia mà ra. Đi đâu cũng bị chúng làm phiền. Nếu là người thật sự cơ nhỡ, bệnh tật cần giúp đỡ thì mình chẳng tức. Đằng này toàn quân bịp bợm không hà. Nom tả tơi vậy chứ chúng lành lặn, khỏe mạnh hết đó".

Đứng trên chánh điện phóng tầm mắt xuống khoảnh sân bên dưới, giữa khói nhang nghi ngút, mới thấy hình ảnh đám đệ tử “cái bang” lăng xăng "tác nghiệp" thật chướng mắt. Chúng liên tục quần đảo, mắt láo liên nghía trước ngó sau tìm "Mạnh Thường Quân".

alt

Một số hình ảnh tác nghiệp của cái bang "trời ơi" tại TP HCM.

Lúc này gần 8h tối, khách lễ chùa khấn vái cầu sức khỏe, tài lộc, đường công danh đông nghẹt nhưng tất cả không vì thế mà thoát được ánh mắt cú vọ của đám người chuyên sống bằng sự thương hại và lòng trắc ẩn của những người tốt bụng. Hễ thấy khách vừa xuất hiện từ ngoài cổng là chúng giả vờ lê lết cầu xin.

Vừa bước xuống xe taxi, lúc đang chỉnh sửa quần áo để vái Phật tại Bảo tháp hoa cương được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là "Tháp đá lớn nhất Việt Nam", 2 người phụ nữ ăn vận sang trọng lập tức bị một “cái bang” dáng người hom hem tiến gần chìa rổ. Chừng như biết mánh của gã nên một trong hai chị nọ từ chối thẳng thừng.

Chẳng thèm bận tâm, gã hành khất nọ vẫn lặng lẽ đeo bám tín nữ như hình với bóng. Khách vào chánh điện lễ Phật cắm nhang rồi ra ngoài đại sảnh mua chim phóng sanh gã đều kiên trì nối gót. Chịu hổng siết, chị nọ phải thả cho gã ít tiền lẻ để mua lấy sự bình yên.

Sau khi cho biết mình tên Nga, tín nữ thở dài bằng giọng ngao ngán: "Mấy năm trước dân xin ăn không chỉ ít về quân số mà còn "tác nghiệp" rất dễ thương, cứ ngồi một chỗ chìa nón. Ai cho thì nhận chứ không có kiểu đeo bám dai như đỉa đói vầy!".

Ăn xin kiểu cô hồn

Theo chia sẻ của chị Nga, chúng tôi đảo qua chùa Việt Nam Quốc Tự nằm trên đường 3/2. Nơi đây được chị Nga và nhiều độc giả gọi điện phản ánh: "Cái bang quậy sát số. Không chỉ chơi chiêu đeo bám thường trực, lắm hành khất còn tung độc chiêu xin tiền ông đi qua, bà đi lại bằng màn quở rủa họ sẽ gặp điều xúi quẩy. Với độc chiêu này, đám cô hồn làm ăn rất khấm khá. Vị khách nào bị chúng chấm thì khó thoát được".

alt

9h tối ngày 20/2 (tức tối mồng 6 âm lịch), hòa cùng dòng người đi chùa lễ Phật đầu năm, chúng tôi có mặt tại "điểm nóng" để xem “cái bang” diễn kịch. Giữa đám đông xô bồ và đội quân bán nhang đèn, sách bói toán-tử vi lộn xộn, hình ảnh đám người ăn xin ngồi dàn hàng với dáng vẻ rũ rượi đập vào mắt khách lễ chùa hơi khá ấn tượng nên kẻ qua người lại liên tục thả tiền vào rổ nhựa, nón lá của đám người này.

"Đừng có thấy vậy mà tưởng chúng hiền nghen" - chị Hoàn, một phật tử và cũng là độc giả thường xuyên của Báo CAND nhà ở trên đường Cao Thắng, bỏ nhỏ: "Có hơn phân nửa trong số hơn chục cái bang đang ngồi lê lết kia khi cần thiết sẽ lột xác thành phường du thủ du thực đấy. Cách đây 2 ngày, tôi đưa nhỏ em là Việt kiều Mỹ vào đây dâng hương. Khi nhỏ em móc ví định thả tiền vào nón đám người này, tôi cản lại, bảo chúng đội lốt nghèo khổ, không phải là đối tượng xứng đáng nhận sự giúp đỡ.

Chừng như tức tối vì mỡ sắp dính miệng mèo thì vuột mất nên một người đàn ông chống nạng cứ lẽo đẽo theo sau chị em tôi, tay liên tục chìa chiếc nón cũ thúc thúc vào lưng con nhỏ rất khó chịu. Bực quá tôi quát: "Không có đâu mà xin" thì gã tuôn tràng ngôn quở rủa lạnh xương sống, kiểu như "đi chùa mà thất đức thì không những không được trời Phật phù hộ độ trì mà còn gặp vận mạng xui hạn..".

Sợ dây dưa với gã hành khất lưu manh nọ nên chị Hoàn thả cho hắn tờ 10.000 đồng. Vừa lúc ấy thì đám cái bang đồng loạt ùa tới vây quanh. "Trong thế chẳng đặng đừng chị em tôi đành phải miễn cưỡng cúng cô hồn".

Vừa nói chị Hoàn vừa chỉ tay vào gã hành khất gầy tong ngồi giữa 4 người gồm phụ nữ, người già, ta thán: "Đây là gã sẵn sàng nói lời độc địa để khách sợ lụy phiền mà nhả tiền. Tức anh ách ngón đòn thâm độc đó của gã, mấy hôm nay tôi đeo bám và phát hiện tên này chuyên dòm ngó những người ăn vận sang trọng. Khi làm tiền họ xong gã sẽ phát hiệu lệnh cho đồng nghiệp cùng tiến công".

Còn khổ dài dài

Tại chùa Kim Liên trên đường Nguyễn Hữu Hào(quận 4), hình ảnh đám “cái bang” dàn binh bố trận với các màn xin xỏ kiểu đeo bám, rền rỉ… cũng khiến nhiều người tối tăm mặt mày. "Trong mùa lễ chùa, khách không dừng bước tại một chốn thờ tự nào đó mà sẽ đi khắp nơi dâng hương thánh thần, Phật mẫu. Nhiều khách có lẽ nhờ được cảnh báo từ trước nên chủ động thủ sẵn tiền lẻ, trước khi vào chùa lễ Phật là phân phát cho “cái bang” để tránh bị chúng làm phiền. Còn tôi thì mặc. Tôi thương thì cho chứ đừng hòng đứa nào trổ bài với tôi" - bà Vân Thị Cúc, nhà trên đường Trần Xuân Soạn (phường Tân Hưng, quận 7), cho biết.

Nhưng không phải ai cũng mạnh mẽ như bà Cúc. Tâm lý người đi lễ chùa sợ gặp phải chuyện xúi quẩy vì ngại cái xui ấy sẽ đeo bám mình cả năm nên đành miễn cưỡng cống nạp cho phường cái bang ma mãnh, dù biết chúng không đáng để sẻ chia. "Chính những người ngại va chạm và cả những người có thói quen, quan niệm bố thí để tích phước đã là ngọn nguồn nuôi dưỡng, làm phát sinh tệ nạn ăn xin đã và đang là vấn nạn xã hội nóng bỏng tại TP HCM nhiều năm qua".

Như chị Hồng, chị Nga, chị Hoàn và nhiều người khác, bà Cúc bày tỏ: "Nếu các ngành các cấp không xử lý mạnh tay và nếu những người đi lễ chùa không biết nói không với nạn ăn xin thì tình trạng hành khất cát cứ các chùa chiền sẽ còn tiếp diễn. Điều này đồng nghĩa với thực trạng người đi lễ Phật viếng chùa sẽ còn khổ dài dài bởi đội quân tệ nạn này".


Thành Dũng

Theo CAND