Ngày mai 23/2: Khai hội Yên Tử

Ngày 23/2 (tức mùng 10 tháng Giêng Canh Dần), tại thị xã  Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh sẽ chính thức khai mạc Lễ hội Yên Tử  với nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc bên lề.

Đi Lễ hội Yên Tử năm nay sẽ có nhiều công trình đã đầu tư tôn tạo được đưa vào hoạt động để nâng cao chất lượng phục vụ du khách.

Cụ thể, đường giao thông từ ngã ba Dốc Đỏ đến ga cáp treo số 1; đường lên các chùa được xây lan can và nâng cấp để đảm bảo cho an toàn, thuận tiện cho du khách; Hệ thống đường điện chiếu sáng từ Thiền viện Trúc Lâm đến An Kỳ Sinh đã hoàn thiện và đoạn từ An Kỳ Sinh lên chùa Đồng đang được tiếp tục thi công; Hệ thống cáp treo năm nay cũng được đầu tư, nâng cấp với công suất từ 850 khách/giờ lên 2.500 khách/giờ...

Bên cạnh đó, công tác phòng chống cháy nổ, y tế, cứu hộ cứu nạn; đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường... cũng đã được tăng cường.

Núi Yên Tử (1.068 m) là ngọn núi cao trong dãy núi Đông Triều vùng đông bắc Việt Nam. Núi thuộc xã Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Vốn là là một thắng cảnh thiên nhiên, ngọn Yên Tử còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử với mệnh danh "đất tổ Phật giáo Việt Nam".

Trên đỉnh núi thường có mây bao phủ nên ngày trước có tên gọi là Bạch Vân sơn.Tổng chiều dài đường bộ để lên đỉnh Yên Tử (chùa Đồng) là khoảng 6000m với 6 giờ đi bộ liên tục qua hàng ngàn bậc đá, đường rừng núi...

Hành trình lên Yên Tử ngày nay sẽ không vất vả như xưa nữa vì hệ thống cáp treo 1 lên gần Hoa Yên đã hoàn thành năm 2002 và hệ thống cáp treo 2 lên cổng trời (khu vực đỉnh Yên Tử) đã được đưa vào sử dụng từ mùa lễ hội 2008.

Yên Tử trở thành trung tâm của Phật giáo từ khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng khoác áo cà sa tu hành và thành lập một dòng Phật giáo đặc trưng của Việt Nam, đó là dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử và trở thành vị tổ thứ nhất với pháp danh Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông .

Ông đã cho xây dựng hàng trăm công trình lớn nhỏ trên núi Yên Tử để làm nơi tu hành và truyền kinh, giảng đạo.

Ngày 17 tháng 5 năm 2008, Yên Tử và Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đã cùng với chùa Bái Đính ở Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) là những địa danh của Việt Nam được chọn là những thắng tích Phật giáo cho các đại biểu tham dự Đại lễ Phật đản thế giới lần đầu tiên tại Việt Nam đến thăm quan, chiêm ngưỡng.

Một số điểm tham quan như Tháp Tổ, chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, tượng đá Yên Kỳ Sinh, am Ngọa Vân, bàn cờ tiên, các khu du lịch sinh thái Thác Vàng, Thác Bạc.

Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử xây trên nền dấu tích của chùa Lân mà đức Điếu Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông từng thuyết giảng chúng sinh. Đây là công trình thiền viện lớn nhất Việt Nam.

Lễ hội Yên Tử được tổ chức hàng năm bắt đầu từ ngày 10 tháng giêng và kéo dài hết tháng 3 (âm lịch).

Bá Hải

Theo GD&TĐ