Náo nức trẩy hội chùa Đá Trắng

11 tháng Giêng hàng năm, nhân dân khắp các nơi lại nô nức về dự hội Chùa Từ Quang (nhân dân thường gọi là chùa Đá Trắng), một di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia của Phú Yên.

Nhiều câu chuyện xung quanh ngôi chùa này đã trở thành những điển tích không chỉ về mặt tôn giáo mà còn mang đậm bản sắc văn hóa của một vùng đất.

Nằm trên sườn núi Đá Trắng thuộc xã An Dân, huyện Tuy An (Phú Yên), Chùa Từ Quang được xây dưng vào năm 1797 dưới triều Vua Quang Toản nhà Tây Sơn.

 

Khung cảnh Chùa Đá Trắng

Cảnh trí chùa rất đặc sắc, xung quanh là núi cao và rừng rậm âm u, phía dưới là dòng sông lớn, trước mặt dưới chân lên chùa là con đường thiên lý Bắc – Nam chạy ngang, đã tạo cho chùa Đá Trắng trở thành căn cứ của nhiều cuộc khởi nghĩa của quân dân Phú Yên và là điểm tụ hội của văn thân yêu nước thời chống Pháp.

Những năm 1885 – 1887, vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương kêu gọi sĩ phu yêu nước cùng mưu việc lớn. Tại Phú Yên, phong trào này do Lê Thành Phương lãnh đạo với sự tham gia của hàng trăm sĩ phu và các nhà sư của chùa. Chùa Đá Trắng cũng là pháo đài cho đạo quân của Phó tướng Bùi Giảng ngăn chặn quân Pháp đổ bộ từ cửa biển Tiên Châu vào Phú Yên.

Sau khởi nghĩa Lê Thành Phương, vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chùa Đá Trắng là căn cứ chỉ huy của cuộc khởi nghĩa Võ Trứ và Trần Cao Vân. Nơi đây còn được biết đến với một sản vật một thời dùng tiến vua đó là xoài Đá Trắng nổi tiếng thơm ngon.

 

Mộ tháp Chùa Đá Trắng

Chùa Đá Trắng được vua ban Sắc Tứ vào năm 1889, đến năm 1929 chùa bị hỏa hoạn cháy rụi và được đông đảo bà con phật tử khắp các tỉnh miền Trung quyên góp xây dựng lại. Đến năm 1988, chùa Đá Trắng trùng tu lần nữa. Hiện trong chùa còn giữ bảo vật là khuôn Đại Hồng nặng 330 cân, do Hòa thượng Pháp Ngũ đúc tại kinh đô Phú Xuân năm 1915 và nhiều tượng phật cổ hàng trăm năm tuổi.

Nhiều người dân quan niệm, đến chùa Đá Trắng trong dịp đầu năm sẽ được may mắn cho cả năm. Do vậy, cứ đến ngày lễ hội là đông đảo nhân dân lại về đây.

Bà Võ Thị Hương ở xã Hòa Tân Đông, huyện Đông Hòa (Phú Yên) cho biết: “Chúng tôi từ sáng sớm đã lo đồ lễ đi chùa Đá Trắng để cầu mong năm mới bình an, mạnh khỏe, con cháu học hành đỗ đạt”.

Tại lễ hội, huyện Tuy An còn tổ chức các cuộc thi đấu bóng chuyền, kéo co, đẩy gậy và biểu diễn văn nghệ./.

Lê Biết (VOVNEWS)