Ứng dụng Phật pháp trong học đường

Phật tử Định Ngọc, một cô giáo phụ trách môn Giáo dục công dân, cô mông muốn được truyền giáo Phật pháp vào cho các bạn học sinh.
alt
Phật pháp trong học đường

Là Phật tử, con may mắn được làm nghề giáo, phụ trách môn Giáo dục công dân.

Theo dư luận chung, người ta gọi môn con dạy là môn “trắng tay”, bởi so với các môn tự nhiên, con không có thu nhập thêm về kinh tế.

Nhưng bù lại, con không phải tất bật theo đồng tiền, một ngày đứng lớp hai, ba ca. Ai đó nói giàu nghèo đều có số. Khi năng lực, phước báo mình kém cỏi, mình chịu khổ, chịu nghèo, không gì phải bận tâm.

Con nghĩ người ta phấn đấu để đẩy lùi cái nghèo về vật chất, nhưng mấy ai biết hướng đến việc đầu tư giàu thêm về giá trị tinh thần? Từ đó, dù đời còn lắm thăng trầm, con vẫn kiên trì đứng lớp. Song nhân duyên nào con được đến với Phật pháp, nay lại có cơ duyên ứng dụng giáo pháp Như Lai vào ngưỡng cửa học đường?

Con sinh ra và lớn lên trong một gia đình mẹ cha đầy đủ, kinh tế khá ổn định, anh em thuận hòa, có điều kiện học tập, vui chơi. Dù vậy, chứng kiến sự chịu đựng vất vả, cơ cực của những người mẹ đương thời, nhất là mẹ con, con chợt thấy đời dường như là bể khổ. 

Hằng ngày, sau khi hoàn tất việc nhà, tối đến mẹ lại dắt các con đi chùa. Tháng năm tuần hoàn như thế, chủng tử và nhân duyên Phật pháp ngày càng lớn mạnh trong con. 

Năm 15 tuổi, bởi không muốn đi vào vết xe cũ của mẹ, con xin mẹ xuất gia. Lúc ấy, một số thầy biết được, họ đều lắc đầu bảo con chưa đủ nhân duyên, còn nợ trần phải trả. 

Quả vậy, như một lời tiên tri định mệnh, năm con lên 18, vừa bước chân vào đại học, con bị ngay một “coup de foudre” (tiếng sét ái tình) nơi một người bạn trai khoa Toán. 

Thế là cuộc đời cứ trôi lăn “theo vị ngọt cảm thọ, rồi cái tưởng lớn dần…”, màn vô mình cứ dầy đặc bao quanh. Có lẽ, vì thiếu kinh nghiệm sống và nghệ thuật ứng xử trong hạnh phúc lứa đôi, con không giữ bền lâu mái ấm gia đình. 

Cuối cùng, hạnh phúc vỡ tan, con đành phải ở vậy nuôi con những tháng ngày sau đó. 

Thời bao cấp, khó khăn nhất là kinh tế, tiêu chuẩn cán bộ công nhân viên nhà nước chỉ một nuôi một, song con phải cáng đáng cả hai, ba. Vốn quen với cái khổ chốn quê, nên dẫu phải bươn chải để mưu sinh trong giai đoạn này, với con không có gì nan giải. 

Nỗi khổ về vật chất có thể vượt qua, nhưng niềm đau về tinh thần khó mong chiến thắng. 

Bao tiếng thị phi, bao lời khen chê lẫn lộn cứ thế gặm nhấm tâm thức con từng ngày, có lẽ bởi mặc cảm, bởi ân hận mình đã đi lầm đường, lạc lối! Cũng có khi quá quẫn trí, đêm đêm con cứ cầu nguyện Phật trời khiến cho con khỏi thấy ngày mai… nhưng ngày mai vẫn đến! Rồi ngày lại ngày qua, khi rảnh rỗi, con thường đưa các con mình vào chùa, có thể để học bài thi, có thể để tìm chút bình yên, tĩnh lặng... 

Thấm thoát mà 20 năm “bóng câu qua cửa sổ”, thời gian như nước chảy qua cầu. Các con của con giờ đã lớn khôn, nhưng mẹ con lại ngày thêm già yếu. Rồi theo chu trình hợp tan sinh diệt, một ngày hoàng hôn đau buồn nọ, bà đã về thế giới vĩnh hằng. Tổ chức ma chay, quý thầy đã tận tình hướng dẫn tụng niệm, khuyên con cháu cố gắng tạo phước lành hồi hướng cho mẹ. 

Do vậy, thêm một lần, duyên lành Phật pháp lại trỗi dậy trong con.
Vừa rồi, trong dịp hè rảnh rỗi, có duyên tham dự các khóa tu thiền do Đại đức Giác Hoàng hướng dẫn, con đã học hỏi và trang bị cho mình vốn kiến thức hiểu biết căn bản về Phật pháp, xem đó như một hành trang quan yếu để ứng dụng vào đời. 

Mỗi ngày, khi đứng lớp, trong bài giảng của mình, con đều lồng vào đó chút ít giáo lý Phật pháp. Những mẩu chuyện đạo giản dị nhưng chứa đựng nhiều giá trị nhân văn sâu xa, những lời dạy minh triết của cổ nhân bao hàm những đạo lý sống thiết thực đã nâng ý niệm đạo đức tự thân các em thành chất liệu tình người trong đời sống thực tại. Và như một phép mầu hiển hiện, từ dạo ấy, buổi học nào cũng tạo được ấn tượng và những suy niệm sâu sắc cho các em. Các em thật sự có những chuyển hóa thân tâm rõ rệt. 

Mỗi ngày, khi đối duyên xúc cảnh, chứng kiến nhiều trường hợp, nhiều trạng huống dẫu hạnh phúc hay đau khổ xung quanh, con đều dùng lăng kính Phật pháp soi chiếu, hầu tìm ra nơi đó một đạo lý thiết thực để có thể ứng dụng vào buổi đứng lớp tiếp theo. 

Con tin ở lứa tuổi thanh thiếu niên, tâm hồn các em bao giờ cũng thành thật và trong sáng. 

Do vậy, được học những lời Phật dạy, thẩm thấu tâm hạnh đạo đức và những nghĩa cử cao đẹp của hiền nhân, phải chăng là việc làm cần thiết và đáng nên mà những người có trách nhiệm như chúng ta phải quan tâm chăm sóc? Đôi khi chúng ta nghĩ chúng hư, xét ra cũng chưa hẳn thế. Có thể một phần là lỗi ở chúng, nhưng suy cho cùng, chỉ do chúng ta chưa chỉ dẫn, thiếu sự dạy dỗ chúng về đạo đức mà thôi!

Trước khi kết thúc bài viết này, con mong hàng Phật tử tại gia, dẫu ở chỗ nào trên cương vị nghề nghiệp của mình, thông qua giáo lý Phật pháp đã được tiếp thu học hỏi, chúng ta hãy cố gắng ứng dụng tự thân, trước có thể mang lại lợi lạc cho mình, sau là cho đồng nghiệp và những người xung quanh khác!

Phật tử Định Ngọc