Những kỳ tích ở chùa Cần Linh

Trong dịp Tết Canh Dần vừa qua, ni sư Diệu Nhẫn đã mua chịu hàng nghìn chai dầu, hàng chục tấn gạo của các doanh nghiệp rồi cùng Phật tử thức mấy đêm liền gói cả nghìn suất quà với đủ gạo, mì chính, dầu, đường để tặng cho người nghèo ăn Tết.
"Niêu cơm Thạch Sanh" cứu đói trăm người

Ni sư Diệu Nhẫn.

Đón chúng tôi bằng chất giọng xứ Nghệ chân tình, sư thầy Thích Nữ Diệu Nhẫn - trụ trì chùa Cần Linh, hay còn gọi là chùa Sư Nữ - cởi mở kể cho những người khách phương xa câu chuyện lạ kỳ về cuộc đời của bà trước khi gửi thân nơi cửa Phật. Với một nhan sắc mặn mà, cũng như nhiều cô gái thành Vinh khác, ni sư Diệu Nhẫn sớm có một người chồng tử tế và 3 đứa con ngoan. Làm thợ may ở Hợp tác xã Thống Nhất (khu phố 2, thị xã Vinh cũ), dù cuộc sống cũng không dư dả gì nhưng ngày nắng cũng như ngày mưa, ni sư Diệu Nhẫn đều nấu 2 nồi cơm, một to một nhỏ. Nồi nhỏ thì để gia đình ăn, còn nồi cơm to thổi đến 5 cân gạo thì bà và cậu con trai thứ 2 bê ra những khu vực tập trung đông hành khất như chợ Vinh, thềm HTX Tiền Phong, bến xe, cửa hàng gạo Cửa Nam... để mời họ một bữa cuối ngày. Những bát cơm nóng hổi thơm phức vừng lạc của 2 mẹ con ni sư Diệu Nhẫn là những món quà kỳ diệu mà ông trời ban cho những người hành khất luôn thường trực trong tình trạng đói khát.

Nhớ lại công việc từ tâm đó, ni sư Diệu Nhẫn vẫn không thể quên những đêm đông mưa gió: "Những ngày mưa to, mẹ con tôi vẫn không bỏ công việc đã trở thành thường nhật đó, vì chúng tôi biết rằng có cả trăm con người đói khát đang mong ngóng chúng tôi dưới cái ướt lạnh của đất trời. Tôi nhớ có một chiều cũng mưa to gió lớn như thế, mẹ con tôi đi ra chợ Vinh thì gặp một cụ già khoảng tuổi 80 đang ngồi run lập cập nơi thềm chợ. 2 mẹ con tôi tiến lại gần, xới cơm ra bát mời bà cụ ăn nhưng bà cụ lại không dám ăn và tỏ ra sợ hãi. Mời mãi bà cụ mới run run bảo cụ không có tiền. Tôi phải giải thích là chúng tôi không lấy tiền, lúc đó bà cụ mới ăn. Nhìn bà cụ vội vã nhai từng miếng cơm mà tôi trào nước mắt.

Có lần, trời cũng mưa to, đường ngập nước lênh láng, 2 mẹ con tôi đang lội bì bõm ở trước sân đền Hồng Sơn (đền Đức ông cũ) thì trông thấy một con rắn dài bơi ngoằn ngoèo trên mặt nước. 2 mẹ con tôi sợ quá hò nhau chạy thật nhanh đến rơi cả dép lúc nào không biết. Từ lúc đó, trên đường về, bất kể nhìn thấy thứ gì dài dài, ngoằn ngoèo giống rắn là 2 mẹ con lại hết hồn hết vía. Lần sau đi mưa là mẹ con tôi cứ phải dùng loại ủng cao cổ để phòng gặp rắn rết và tránh nước ngấm vào chân".

Với trái tim nhân ái luôn cháy bỏng trong lồng ngực, sau khi nuôi 3 người con ăn học nên người, người phụ nữ có tấm lòng thơm thảo này đã ăn chay trường liền 6 năm để thuyết phục gia đình cho bà quy y cửa Phật. Tính đến thời điểm xuất gia tại chùa Cần Linh, bà đã thổi hàng chục nghìn nồi cơm, cứu đói cho hàng nghìn lượt người nghèo đói.

Mua chịu hàng nghìn suất quà tặng người nghèo

Ni sư Diệu Nhẫn tặng quà cho các cháu Trường mầm non Hưng Yên, huyện Hưng Nguyên.

Nhớ lại những ngày đầu tiên khi mới về quy y tại chùa Cần Linh, ni sư Diệu Nhẫn tâm sự: "Khi chưa xuất gia, nhà ở ngay gần chùa nên tôi rất hay vào chùa thắp hương lễ Phật. Chùa còn có tên gọi là Sư Nữ vì chùa đều do các vị sư là nữ trông coi. Đến năm 1998, tôi tiếp quản chùa vào đúng thời điểm ngôi chùa đang xuống cấp nghiêm trọng. Vườn tược hoang hóa, kiến trúc đổ nát trông rất đau lòng. Ngân sách của nhà chùa khi đó chỉ còn lại vỏn vẹn 216.700 đồng".

Bằng sự thông tuệ của mình, chỉ hơn 10 năm trụ trì, ni sư Diệu Nhẫn đã xây dựng được 10 công trình nhằm mục đích trùng tu, bảo dưỡng địa danh được công nhận Di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia này. Cùng với quả chuông cổ có tuổi thọ hơn 300 năm, trước cổng tam quan của ngôi chùa, ni sư Diệu Nhẫn đã cho đúc một pho tượng Phật bà nghìn tay, nghìn mắt bằng đồng đỏ nguyên chất, nặng 8 tấn, đặt trên tòa sen có chiều cao 3m, rộng 2,5m.

Không chỉ chú trọng việc trùng tu và mở rộng các kiến trúc tam quan, chính điện, tả vu, hữu vu..., ni sư Diệu Nhẫn vẫn không quên công việc từ thiện mà bà đã làm từ khi còn ở đời. Năm nào cũng vậy, ni sư Diệu Nhẫn luôn dành một khoảng thời gian nhất định để đi từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Bình để quyên góp tiền ủng hộ người nghèo và những nơi gặp thiên tai, lũ lụt. Kể cả những vùng rừng núi xa xôi như Kỳ Sơn, cách TP Vinh đến 300 cây số vẫn in dấu chân của ni sư. Cùng với tấm lòng của chư tăng, phật tử, mỗi năm nhà chùa dành khoảng 500 triệu đồng để làm từ thiện. Trong đó, trên 30 triệu đồng được ni sư Diệu Nhẫn dành riêng cho các bệnh nhân bị bệnh về mắt. Nhờ có nguồn tiền từ thiện này mà rất nhiều người đã tìm được lại ánh sáng như em Trần Thị Mai (huyện Đô Lương), em Nguyễn Văn Thanh (TP Vinh), bé Lê Thị Quý (huyện Nam Đàn).... Trong các sự cố thương tâm như sập núi đá tại công trình Thủy điện Bản Vẽ, chìm đò ở Chôm Lôm, sập mỏ đá Hoàng Mai, tai nạn giao thông thảm khốc ở rú Guộc Tham Chương, lũ lụt ở Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương..., chùa Cần Linh luôn đi đầu trong công tác cứu trợ, cứu nạn.

Ngoài ra, chùa Cần Linh còn là nơi cưu mang giúp đỡ nhiều em nhỏ lang thang và những sinh viên nghèo hiếu học. Đến thời điểm này, đã có 7 em sinh viên trường ĐH Vinh và Cao đẳng Sư phạm Nghệ An có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được ni sư Diệu Nhẫn nhận nuôi trong suốt quá trình ăn học. Hiện tại, nhà chùa vẫn đang nuôi 3 cháu nhỏ mồ côi ăn học và sinh sống tại chùa.

Cứ mỗi khi năm hết Tết đến, ni sư Diệu Nhẫn lại hối hả đi... mua chịu hàng nghìn suất quà để gửi tặng các hộ nghèo trên toàn tỉnh Nghệ An. Trong dịp Tết Canh Dần vừa qua, nhà chùa đã chuẩn bị 1.000 suất quà với tổng giá trị lên đến 150 triệu đồng để tặng cho người nghèo. Vẫn như mọi năm, ni sư Diệu Nhẫn đã mua chịu hàng nghìn chai dầu, hàng chục tấn gạo của các doanh nghiệp rồi cùng Phật tử thức mấy đêm liền gói cả nghìn suất quà với đủ gạo, mì chính, dầu, đường để tặng cho người nghèo ăn Tết. Khi được hỏi sau Tết nhà chùa lấy tiền đâu để trả khoản nợ "kếch xù" trên thì ni sư lấy cho chúng tôi xem một chiếc thùng sắt được khóa cẩn thận, phía trên có dòng chữ "Lộc chúc Tết thầy". Ni sư Diệu Nhẫn cười nói: "Nhà chùa vẫn còn nghèo nên toàn bộ số tiền làm từ thiện phải trông cả vào cái thùng này. Đầu năm mới mọi người đến chúc Tết nhà chùa, ai có lòng thì xin cứ bỏ vào đâu để sau Rằm tháng Giêng nhà chùa đi trả nợ. Còn nếu không đủ thì chúng tôi xin thêm vào số tiền du khách thập phương xin đóng góp ủng hộ công đức, xin giải hạn trong năm”.

Tiễn chúng tôi ra cổng, ni sư Diệu Nhẫn vẫn không ngừng nói về ước mơ sẽ xin được đất để xây dựng một khu từ thiện gồm trường học, nhà khám bệnh và điều trị miễn phí, nhà nuôi mồ côi và các cụ già neo đơn không nơi nương tựa ngay cạnh chùa Cần Linh. Nhìn vào đôi mắt chứa chan nhân từ của bà, tôi biết với vị sư nữ này, tất cả danh lợi đều là ảo, chỉ có sự thiện tâm mới là có thật trên thế gian này.

Tháng 4/2009, trong Đại hội Đại biểu MTTQ tỉnh Nghệ An lần thứ XII, lần thứ 3 liên tiếp, ni sư Thích Nữ Diệu Nhẫn được tín nhiệm bầu vào Ủy viên BCH và được Đại hội nhất trí chọn là đại biểu của tỉnh Nghệ An ra Hà Nội dự Đại hội Đại biểu MTTQ Việt Nam. Với cống hiến thầm lặng của mình, bà cũng là 1 trong 7 cá nhân trên toàn quốc vinh dự được nhận giải thưởng "Nhân ái Việt Nam" lần thứ 2 năm 2008.

Nguyễn Thắng