Ngôn ngữ và một ít khái niệm về niệm danh hiệu Phật

http://files.myopera.com/*Nhi_Evy*/albums/415176/Hinh-Phat-A-Di-Da-3_jpg.jpgNgôn ngữ, nói một cách tương đối là cách hay công cụ thông tin chung giữa con người bằng thanh âm, đã được định tính bởi sự sử dụng những biểu tượng nghe mang tính chuyên biệt, có nghĩa rằng, ngôn ngữ mang hai hình thái động và tĩnh chỉ: âm thanh và biểu tượng hay ký hiệu. Nói cách khác nó có cả tính chất thấy và nghe.

Trong văn hệ Bát-nhã, hai yếu tố được đề cập trước tiên của năm uẩn, là nhãn và nhĩ, tức là mắt và tai và, hai tổ chức phức hợp này có thể thay đổi cho nhau để truyền thông cho tri thức về đối tượng. Song le, còn một điểm kỳ lạ nữa, chính ngôn ngữ lại là một hình ảnh có sẵn với những điều kiện phản ứng nhanh trong cấu trúc và tái cấu trúc của tư duy và, thế giới ngoại tại chỉ là hình ảnh thu nhỏ nằm bên dưới của cái có sẵn này với những đường viền sặc sỡ của năm giác quan làm nhiệm vụ nâng đở nó, mà trên hết là nhãn và nhĩ. Có lẽ trong cách đó mà Tân Ước cho rằng: “khởi thuỷ đã là Ngôi Lời và Ngôi Lời đã ở cùng Thượng đế. Ngôi lời đã tồn tại cùng Thượng đế trong khởi thuỷ - En arkhē ēn ho logos kai ho logos ēn pros ton Theon.“ (kinh Tân Ước, the Greek New Testament by John H. Dobson) chăng?

Tuy nhiên, với Phật giáo, ngôn ngữ là thế giới tương đối, là phương tiện, là sắc thân của chư bồ tát, bởi vì trong “ngôn ngữ”, tổ hợp “thị giác“ chiếm phần quan trọng hơn hết và như vậy thì, “Quan thế âm“, theo cái cách về tiềm năng ngôn ngữ, là một vị bồ tát “thấy“ âm thanh hơn là nghe ngôn ngữ (và chúng sinh được đức Phật khuyên dạy là nên cung kính quán-niệm Ngài, nghĩa là thấy âm thanh của Ngài từ trong bản thể thanh tịnh của mình, tức là những hình ảnh ngôn ngữ bị lem luốc được tẩy sạch do việc danh xưng của vị bồ tát này hay bất cứ vị bồ tát nào khác – trong trường hợp như vậy, thì ngôn ngữ thuộc về giai vị đầu tiên ở quá trình sơ phát tâm tu học), thay vì nghe tiếng “khổ đau“ của chúng sinh, thì vị bồ tát này thấy và giải khổ chúng sinh bằng danh hiệu của mình, tuy nhiên thấy và nghe không phải là hai thực thể biệt lập trong đại nguyện của Ngài; nói chung, vị bồ tát ấy có hai phẩm tính trong “một“ nhất thể - thấy tức là nghe, và nghe tức là thấy – và danh xưng của Ngài từ đó gọi là Quán tự tại (trường hợp này, thấy và nghe thuộc về bản thể, còn ngôn ngữ là đối tượng hay phương tiện biểu thị năng lực từ bi) -  và đây là lãnh vực đặc thù của cái gọi là ngôn ngữ. Trong Phật giáo, ở một chừng mực nào đó, ngôn ngữ đã hiện thân thành Tư tưởng bổn nguyện. Thêm nữa, trong Phật giáo, ngôn ngữ cũng tồn tại cùng với bất cứ vị hành giả nào vào thời kỳ tu bồ tát hạnh, cụ thể như đức A Di Đà trong thời kỳ này đã phát lời đại nguyện cứu độ chúng sinh…Thế thì, ngôn ngữ mà nguồn gốc của nó là Duyên sinh, cũng như khi ta xưng tán bất cứ danh diệu Phật hay chư bồ tát nào, thì có nghĩa là, ta khởi duyên cùng tư tưởng bổn nguyện, y như cái cách bổn nguyện khởi duyên cùng ta vậy. Khi chúng ta tu hành pháp môn niệm Phật, chúng ta phải nhớ rằng, Niết-bàn của chư Phật hay Tịnh độ của Phật A-di-đà hay bất cứ vị Phật nào, đều không giống như Thiên đàng của Thiên chúa. Ngôn ngữ hay danh hiệu bổn nguyện là một cỗ xe gắn cùng các thành viên của tín, hạnh, nguyện trong tự lực; nếu như không có các thành viên này, thì dù bổn nguyện danh hiệu là cái trục tha lực đi nữa, thì nó cũng không thể đưa ta đến Cực lạc hay thế giới thanh tịnh của chư Phật được; thậm chí nếu thiếu một trong ba yếu tố này, thì ngay cả lý Duy thức cũng không tồn tại, nói chi đến tha lực Phật – cõi Địa đàng, chỉ ngang tới hạn của những nền văn minh thượng giới mà thôi, chớ nó không đưa ta siêu việt phước báo nhân thiên, nghĩa là những giới hạn của thế giới sắc, được xem như là chất liệu tạo ra thế giới và nghiệp lực. Sự sai biệt như vậy, chỉ có thể thấu hiểu trong cảnh giới A lan nhã  mà thôi.

Song, về mặt ngữ nguyên, chúng ta bị lệ thuộc quá nhiều vào các căn tố trong kinh Thánh, cụ thể là Tân Ước bằng tiếng Hy Lạp và từ nền văn minh quá lớn này, hầu hết mọi tư duy của ta đều nằm trong quỹ đạo của trục ngôn ngữ ấy. Nếu như ai đã đọc Thánh kinh bằng tiếng Do Thái và Hy-La, thì người ta phải công nhận rằng, nền tảng văn minh của nó là một “phần thân” không thể thiếu của cây đại thọ văn hoá loài người – cho dù ta có “kỳ thị” tôn giáo theo bất cứ hình thái cực đoan tôn giáo nào, ta có thể tìm thấy sự kính trọng của đức DALAI LAMA ⅩⅥ, đối với nền tôn giáo này như thế nào trong rất nhiều tác phẩm của ông– và trong Phật giáo, người ta thừa nhận nền “văn minh” này, như là nền văn minh cao vời của một vị trời hay các tầng lớp ưu tú trong chư Thiên.

Ngôn ngữ là cái phức tạp nhất và nói chung, nó hiệu quả nhất  đối với thị giác hơn là thính giác. Trong một vài trường hợp, ở mặt ẩn dụ, từ ngữ ngôn ngữ đã được mở rộng nhằm bao hàm các kỷ thuật như vậy; do đó, thông tin được hệ thống hoá bằng các ký hiệu hữu hình hay động tác mà chúng có thể được gọi là “ngôn ngữ ký hiệu” hay “ngôn ngữ hành vi” và hai trạng thái này đều tương tác trong sự vận hành “tạo nghiệp” của chúng sinh vật loại. Những lý giải theo phép ẩn dụ như thế đôi khi đuợc nhân rộng lên nhắm đến các phương pháp phi lý tính để cho biết là thú vật hay thực vật có ngôn từ; nghĩa rằng khi hành vi tương tác với ký hiệu và ký hiệu tương tác với hành vi, thì chu cảnh phát sinh sẽ mang theo trật tự ngôn ngữ trong hệ thống sinh thái của cá thể và của cả cộng đồng của cá thể ấy, bao hàm các hình thái di truyền và dị sinh; trạng huống này Phật giáo gọi là Cộng và Biệt nghiệp; hoặc Y báo và Chánh báo của một chúng sinh cho đến một vị Phật bao gồm cả hai phạm trù: tự và tha duyên. Thí như, ta có ước nguyện vãng sinh cõi A-di-đà, không chỉ đơn thuần là niệm danh hiệu Ngài (như một ít trường phái quá chú trọng vào tha lực, như Chân ngôn tông của Nhật Bản), mà ta còn phải, trong kiếp này thực hiện chư hạnh bồ tát, và tin tưởng sâu vào năng lực vượt thoát y báo nhân thiên của mình. Có như vậy ta mới hoàn toàn tương ưng với bổn nguyện của Ngài – vãng sinh tịnh độ - và có như vậy, mới hiển lộ được: các pháp duy tâm tạo trong sở hành thuần tịnh của nó và, có như vậy ta mới mang theo được những ác nghiệp không thể giải quyết được bằng chính tự lực của mình về cõi Phật thù thắng ấy. Đây là diệu lý tương dung tương nhiếp của kinh Hoa nghiêm trong tự tính Di đà của mình. Lúc bây giờ nền tảng sinh thái giác ngộ (enlightement ecology), sẽ hiển hiện như là một cảnh giới thật hữu ngoại tại và ngôn ngữ là một cái gì đó mà bên dưới nó sẽ là: niệm Phật, niệm Pháp và niệm Tăng và, chỉ trong một niệm là ta có thể cúng dường chư Phật khắp mười phương như kinh TIỂU BẢN đã dạy.

Trở lại, tuy hầu hết những nhà nghiên cứu ngôn ngữ đều giới hạn thuật ngữ này vào những ký hiệu âm thanh đã được hệ thống hoá (trong cách phân biệt từ những âm tiết vô nghĩa) và được sử dụng cho sự hợp tác và tương tác xã hội, tức là những tương và hợp tác tục đế (trong cách tách biệt từ những mã và các ngôn ngữ cá nhân). Qua các nền văn minh được cải thiện, ngôn ngữ thường xuyên được nối kết với những phương pháp của người nói từ ngữ đang biểu hiện hay đang giữ gìn, thường là qua thị giác. Rõ ràng là một ngôn ngữ viết có những tương ưng với lời nói thuộc về thính giác, và như trong trường hợp của các tử ngữ, có thể chỉ thể hiện bằng những ghi chép của lời nói thuộc về thính giác, tuy nhiên chức năng thông thường của một ngôn ngữ phụ thuộc vào những người nói của nó.

Trong cảnh giới thế tục, ngôn ngữ sẽ được quy định như thế, còn với các linh ngữ, thì những quy định như vậy sẽ không có tác dụng, đôi khi thuật ngữ “thần khải” sẽ có thể đáp ứng đôi phần cho các lãnh vực tâm linh siêu nghiệm này, thí như trong các đại nguyện của đức A-di-đà, Ngài có một đại nguyện là mình sẽ đi vào trong tâm tưởng của chúng sinh nào niệm được một vài danh hiệu Ngài trong giờ phút lâm chung và dứt khoát chúng sinh đó sẽ được vĩnh ly sinh tử, đạt đến cứu cánh Niết bàn khi hoá sanh từ danh hiệu ấy vào cõi tịnh độ. Niệm được danh hiệu vào giờ phút lâm chung, trên thực tế thì không phải dễ dàng gì, trừ phi ta có sự trau dồi liên tục trong một trạng thái thuần tín tuyệt đối và những gì được gọi là trạng thái cận tử nghiệp mới mong được tiêu trừ; bổn nguyện là bổn nguyện cho và vì chúng sinh với xu thế dẫn tới Niết-bàn và danh hiệu là danh hiệu của sự hiện thân - Sắc tức là không trong diệu cảnh chứng nghiệm ngôn gữ Di-đà. Như vậy, thì sự tương ưng giữa ngôn ngữ, bổn nguyện và sau rốt là các thực hành uyên mặc sẽ làm thành một khối thuần nhất có công năng đưa đến giải thoát – trong một thánh hiệu hàm dung mọi danh ngôn, trong một danh ngôn ánh hiện vô lượng ngữ và trong một thọ lượng, hấp dẫn vô lượng thọ mệnh. Mọi sự kiện ấy hầu như nằm bên ngoài những phân tích lôgích và các kiến trúc ngôn ngữ được khoa khảo cổ học phát hiện vào cuối thập kỷ 20.

 

Pháp Hiền