Đoạn trừ vô minh - thể nhập tánh viên giác

Thế giới thực tại đang chuyển mình theo biến động hư thực, thăng trầm của xã hội, cho nên khó có thể xoay chuyển được tâm thức của con người. Chính vì thế, tánh chơn-vọng là hai phạm trù rộng lớn đối nghịch nhau, chúng luôn len lỏi trong tiềm thức con người để tìm cho mình một vị trí thích hợp. Thế nên, ngài Thật Hiền đại sư nói: “Bầu trời không phải lớn, tâm con người mới là lớn, kim cương không phải cứng, chỉ có nguyện lực mới là cứng." Cũng vậy, đối với tánh giác của chúng sanh vốn là bổn căn của Chơn như luôn tiềm ẩn sâu kín mà kẻ phàm phu khó nhận biết được. Duy những bậc Thượng trí siêu phàm vì hạnh nguyện lợi tha vô ngã mới đủ khả năng thể nhập được tánh Viên giác diệu tâm. Mãi đắm chìm trong giấc mộng phù du được bao phủ bởi tài, sắc, danh vọng, khiến cho kẻ ngu muội quên hẳn lối về chánh giác, mờ mịt trong chốn vô minh. Phải chăng, bao khát vọng tìm về nguồn chơn đã bị cuốn hút trong bùn lầy danh lợi, khó có thể đạt đến cảnh giới an lạc tự tâm. Vì thế, muốn thể nhập tánh viên giác thì hành giả phải đoạn trừ cội gốc vô minh. Đặc biệt, đối với chư Bồ-tát tuy đã đạt đến cảnh giới thanh tịnh, nhưng cũng phải nhập chánh định vào được trú xứ chơn như mới thể nhập tánh viên giác. Điều đó nói lên được dù bất cứ ngôi vị nào từ phàm phu đến các bậc Thánh tăng, nếu dùng tâm phân biệt, vọng tưởng điên đảo thì khó mà hiểu được toàn bộ diệu dụng giáo lý uyên thâm của đức Thế tôn. Thế nên, đức Phật dạy: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, nhưng vì tánh chúng sanh bị vô minh che lấp nên không hiển bày được trí tuệ tối thượng của bậc siêu phàm”.

Như thế, nói đến tánh viên giác tức là đề cập đến tư tưởng chính trong kinh Viên giác. Đây là bộ kinh nói tột lý cứu cánh mà không qua bất cứ phương tiện nào, để chỉ rõ cho chúng ta thấy nguồn cội của luân hồi là do chấp "cái ta", nâng niu sinh mạng và tham đắm dục lạc. "Viên Giác" hay nói rõ hơn là "Đại Phương quảng Viên Giác Tu-đa-la liễu nghĩa" là tên tóm lược của năm tên kinh được Đức Phật trả lời cho ngài Hiền Thiện Thủ Bồ-tát lúc ngài thưa hỏi về đề kinh để diễn tả tánh tròn đầy rộng lớn, trùm khắp pháp giới, vượt ngoài không gian và thời gian, là nguồn gốc sanh ra muôn pháp với diệu dụng không thể nghĩ bàn. Đó là dạy chúng ta nhận định đúng tánh Viên giác của mình và an trú trong ấy.

Kinh nầy được dịch từ chữ Phạn ra chữ Hán rồi đến chữ Việt, nhưng phổ biến nhất là bản dịch của ngài Phật-đà-ca-la, gồm 12 chương và 12 lần hỏi đáp, lấy theo tên các vị Đại sĩ do các vị Bồ-tát ấy đứng ra thưa hỏi, với mục đích làm sáng tỏ nguồn tâm và được đức Phật thuyết pháp ngay trong bản thể thanh tịnh, vắng lặng.

Trên đây là phần giới thiệu sơ lược về xuất xứ và nội dung của kinh Viên Giác. Đặc biệt, chương I là tư tưởng chính của bản kinh do ngài Văn-Thù-Sư-Lợi Bồ-tát thưa hỏi về công hạnh tu hành ban đầu của chư Phật và tu như thế nào để đạt đến quả vị Phật? Đây là hai câu hỏi hết sức quan trọng về sự tu hành của chúng ta, bởi vì nếu chúng ta không biết Phật tu như thế nào để thành Phật thì chúng ta học theo cái gì, nương theo ai và pháp môn nào để tu. Lại nữa, tu hành như đi ngược dòng, tất nhiên gặp phải những chông gai chướng ngại, nên cần phải biết phương pháp để đoạn trừ và tăng trưởng tuệ giác, lấy đó làm nền tảng vững chắc trên lộ trình giác ngộ và giải thoát. Từ đó đức Thế Tôn dạy:

PHÁP ĐẠI ĐÀ-LA-NI

Văn-Thù-Sư-Lợi là dịch âm từ Phạn ngữ Mãnsjuri, Trung Hoa dịch: Diệu kiết tường. Nói đến Văn-Thù là nói đến căn bản trí, đó là diệu hữu của trí huệ. Bởi Kinh nầy nêu căn bản trí làm tiêu chuẩn, nên chương nầy là cốt lõi toàn bộ bản kinh. Khi tìm hiểu về công hạnh tu chứng, Bồ-Tát Văn-Thù được đức Phật dạy rằng: "Vô Thượng Pháp Vương có môn Đại-Đà-La-Ni tên là Viên giác, lưu xuất tất cả các pháp thanh tịnh, Chân Như, Bồ-đề, Niết-bàn... tất cả chư Phật đều y nơi tướng giác thanh tịnh, viên chiếu phải đoạn trừ vô minh mới thành Phật đạo".

Vậy đối với bệnh khổ mê lầm của chúng sanh, đức Phật dùng nhiều phương tiện pháp môn để dắt dẫn đến Chân như Bồ-đề chỉ bằng một con đường lớn "Đà la-ni". Mà con đường lớn nầy, pháp môn nầy, thâu nhiếp tất cả các pháp tên và Viên Giác, là trí biết tròn đầy sáng suốt, là căn bản trí. Đi trên con đường "tổng trì", tu pháp môn viên giác nầy sẽ đạt được mục đích là phá trừ mô minh.Vì tánh Viên giác là tổng trì, là bản khởi nhân địa của tất cả chư Phật. Vậy chư Phật, chư Tổ đều y theo pháp môn Đại đà-la-ni, nên gọi là viên giác hay y cứ bởi tánh giác thanh tịnh sẵn có của mình khởi tu mà thành Phật.

Thiết nghĩ, tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay bị các thứ điên đảo vô minh làm mờ tánh giác, giống như người lầm đường lạc lối, nhìn vạn hữu vũ trụ qua lăng kính màu, từ đó dẫn đến chấp ngã chấp pháp, nhận lầm tướng tứ đại làm thân mình, nhận lầm các duyên theo bóng dáng sáu trần làm tâm mình, nhận thức các pháp không đúng như thật. Chẳng khác gì người bị nhậm mắt thấy hoa đốm lăng xăng đầy cả hư không. Sở dĩ có sự nhầm lẫn đó là do Vô minh. Nếu biết tu theo Viên giác, diệt trừ Vô minh rồi thì làm sao còn nhầm lẫn và hoa đốm cũng tự biến mất. Cho nên lối tu mà Phật dạy là quay trở lại chính mình, cũng từ nơi thân nầy, tâm nầy mà chúng ta nhận biết sự thật của vạn hữu vũ trụ. Từ đó, vô minh bị phá vỡ, tánh chân thật đầy khắp. Đó chính là Viên Giác.

PHẬT DẠY VÔ MINH KHÔNG CÓ THỰC THỂ

Từ lý luận trên cho chúng ta thấy rõ vô minh cũng là một hiện tượng, một pháp, một tướng mà đã có pháp có tướng rồi thì nó không có thật, do duyên sanh thì cũng do duyên diệt. Như hiện tượng hoa đốm trong hư không, nên đức Phật dạy: Vô minh không có thật thể, như người trong mộng thì thấy là có, mà tỉnh mộng thì biết là không. Nếu lầm chấp vô minh là một thực thể, là có thật thì chẳng khác gì mê lại càng mê. Nếu vô minh có thực thể cố định thì không thể phá bỏ, dẹp trừ nó được. Thế nên, đức Phật ví việc nầy như người ngủ mê, mộng thấy cảnh không thực, nhưng khi thức giấc thì không còn nữa. Cũng vậy, khi mê lầm điên đảo thì thấy cảnh vật cho là thường hằng rồi lầm chấp, tạo ra đủ thứ nghiệp Chướng, nên mê và giác là hai hiện tượng trên cùng một bình diện, chúng cách nhau không xa. Thế nên, hoa đốm trong hư không, không thể nói quyết định là có chỗ diệt, chính vì không thật diệt nên không thật sanh và ngược lại. Từ đó suy ra vô minh cũng không phải là một thực thể. Không có thật, ở đây có nghĩa là không có "Thể" chứ không phải là không có gì cả, vì bản tánh của nó không có thật. Bởi đoạn trước Phật nói có vô minh là dựa trên quan niệm của hiện tượng giới mà nói, nhưng xét về phương diện bản thể thì không. Đây chính là không tướng, không tánh, cái không của chơn không diệu hữu. Giống như nước, đứng trên mặt tục đế mà nhận xét thì có giao động, yên tịnh, trong, đục... nhưng xét về mặt chơn đế thì không sạch, không nhơ, không trong, không đục...

PHẬT DẠY THỰC HÀNH THEO VIÊN GIÁC

Lại nữa, để đáp lời thắc mắc "Cách tu đưa đến viên mãn thành chánh đẳng giác" đức Phật dạy : "Này thiện nam tử! người tu nhân địa Viên giác Như lai, biết hoa đốm trong hư không là không thật có liền dứt luân hồi và không có tâm chịu sanh tử, chẳng làm cho nó thành không mà bổn tánh nó vốn không". Ở đây, Phật chỉ rõ bằng cách tu nhân địa Viên Giác. Theo phương pháp nầy, hành giả phải biết các pháp là như huyễn như hoa đốm trong hư không, như người nhậm mắt thấy có hai mặt trăng. Từ sự quán sát ấy chúng ta không còn lầm chấp về vũ trụ vạn hữu nên cũng rõ biết thân nầy vốn không, tâm kia cũng giả. Đây là một sự thật khó nhìn nhận đối với chúng ta khi mà cái thân hiện hữu thông qua các hoạt động ăn, ngủ, nói, đi, đứng, nằm, ngồi mà bảo là không. Tuy nhiên, đã bảo là xét về mặt tục đế là thế, nhưng về mặt chơn đế, bằng trí tuệ chiếu soi cho kỹ lưỡng là giả, vì do sự vay mượn mà có, do tứ đại mà hợp thành, sở dĩ nó được tồn tại là do tứ đại ngoài bổ sung cho tứ đại trong, tiểu vũ trụ dung hòa với đại vũ trụ theo một đạo luật nhất định: "Thành, trụ, hoại, không". Từ nhận xét đó ta thấy thân nầy không phải là của ta, tài sản kia không phải là của ta, đã nhận chân được như vậy chúng ta sẽ không còn lầm chấp, do không lầm chấp nên không tạo nghiệp, cho nên đâu còn lăn lộn mãi trong vòng sanh tử luân hồi.

PHẬT VÀ BỒ TÁT ĐỀU TU THEO VIÊN GIÁC

Đó là xét về thân, còn đối với tâm cũng vậy, nếu biết tâm là duyên cảnh của 6 trần, tất cả mọi suy nghĩ chỉ là sự huân tập bởi "cái tôi" từ lúc lọt lòng mẹ. Không chấp ý nghĩa của ta là đúng, người khác là sai, thì điên đảo mê lầm từ đâu mà xuất hiện, căn bệnh trầm kha và nỗi đau khổ cũng biến mất. Nên, người tu Phật dù tại gia hay xuất gia, phải có cách nhìn đúng đắn, tức là phải tu tập chánh kiến để phá bỏ vô minh, bởi nó là chi phần quan trọng nhất gây nên bao xáo trộn đảo điên. Trong 12 nhân duyên, nếu vô minh diệt thì các chi phần khác cũng diệt và sanh lão tử sầu bi khổ ưu não cũng không còn. Diệt trừ vô minh ở đây chính là trí biết rõ bản tánh vạn pháp là không, vô minh là không và tất nhiên cái biết, cái tri giác cũng không, chính vì thế Phật dạy: Có không đều gọi là tánh viên giác thanh tịnh. Đây gọi là nhân địa tu chứng của Như Lai, Bồ-tát cũng nhân đây mà thành quả vị Phật và chúng sanh cũng y nơi đây mà tu hành đúng chánh pháp không bị rơi vào tà kiến". Vậy vô minh này là huyễn, tri giác nọ cũng là huyễn, không còn kẹt trong cái huyễn ấy tức là tùy thuận tánh giác. Đây là nguồn gốc của sự tu hành, chư Phật, chư Bồ-tát cũng y theo pháp nầy mà tu hành đạt được quả vị giải thoát. Quý Ngài đã thể nhập được tự tánh thanh tịnh của mình nên không bị rơi vào nhị nguyên, bởi vì tánh giác là bất động, hư không dụ cho tánh giác, hoa đốm dụ cho vô minh, khi hoa đốm hết thì tri giác tự nhiên hiển bày.

Vậy vấn đề chính mà Phật dạy trong kinh này là để trả lời cho Ngài Văn-Thù, Phật chỉ ra chân tướng của vô minh, cách nhận thức được vô minh và làm thế nào để đoạn trừ vô minh, đạt đến tánh viên giác, mà tánh Viên Giác là chân lý tuyệt đối của vạn hữu, hành giả muốn hiểu tận tường thì phải tỉnh giác, luôn sống trong vô niệm tưởng.

Vậy tu là sống lại với tánh giác, từ vô thỉ vô chung đã có, hay nói khác đi là sống với căn bản trí tròn đầy. Nhưng muốn được như vậy, trước hết phải nhận biết rõ vô minh. Và tiếp theo là lấy trí tuệ soi rọi vào thân, tâm để thấy rõ chúng là giả có. Buông được sự lầm chấp về hai phạm trù ấy thì sẽ sống được với tánh giác. Bởi kinh Viên giác thuộc kinh liễu nghĩa, pháp tu có phần dễ thực hiện và những lời dạy của đức Phật dễ hiểu nên phù hợp với mọi căn cơ của chúng sanh. Nó siêu việt thời gian và không gian, trải qua mọi trào lưu tiến hóa của nhân loại, bản kinh vẫn rất khế lý khế cơ. Toàn bộ những lời dạy của đức Phật qua những thắc mắc của chư vị Bồ-tát đã tạo thành tiếng Bát-nhã trầm hùng, thúc giục hành giả tinh tấn diệt trừ vô minh để thanh lọc thân tâm. Học được bản kinh nầy, nhất là với phẩm mang tên ngài Bồ-tát Văn-thù, hành giả thêm lòng tin mãnh liệt vào bước đường tu tập của mình, để tiếp bước con đường tu chứng của chư Phật, chư đại Bồ-tát với mục tiêu đoạn trừ vô minh, thể nhập tánh viên giác diệu tâm.

 

Tuệ Giác