Ý nghĩa của vấn đề thực học

Con người nếu không học thì kém hiểu biết. Điều này ngay từ thời cổ đại người ta đã biết, bởi vì đó chính là ý nghĩa khách quan, tự nhiên. Các nhà hiền triết lớn phương Đông cũng như phương Tây đều xác nhận điều này.

Các lý thuyết về sự học của Khổng tử, Mạnh tử ở Trung quốc, hay của Socrate, Platon chẳng hạn ở Hy lạp, không mấy ai là không biết. Học khác với sự hiểu biết do kinh nghiệm. Học là sự đào tạo, giảng dạy, rèn luyện ở nhà trường, mang tính cách chính quy, có phương pháp, có sự kiểm tra và thừa nhận kết quả.

Tất nhiên từ thượng cổ đến hiện đại, qua thời gian, không gian, các phương pháp, nội dung và ý nghĩa của giáo dục cũng chuyển biến, thay đổi. Nói chung, giáo dục là yêu cầu xã hội của mỗi nơi, mỗi xứ. Đây không những là quyền lợi, lợi ích của người đi học, được học, mà cũng là lợi ích chung của mọi người nào đó có liên quan, hay kể cả của toàn xã hội nói chung. Sự học là trách nhiệm, quyền lợi, lợi ích không những của cá nhân, của mọi người, và của xã hội, nên tâm lý chung của mọi người đều tôn kính sự học, yêu mến sự học, khuyến khích sự học, giúp đỡ sự học, và sử dụng kết quả của sự học. Học, nói khác đi là sự rèn luyện kỹ năng. Kỹ năng là cơ sở hay mục đích cho mọi khả năng phát triển. Cái học do vậy vừa mang tính chất chuyên ngành, vừa mang ý nghĩa văn hóa và nhận thức. Đó là những khả năng, tri thức, năng lực chuyên môn, hay khả năng hiểu biết, nhận thức nói chung. Tất cả những điều này đều đến từ việc học, là kết quả của việc học, là nhu cầu, mục đích, giá trị, công dụng, và ý nghĩa của việc học. Nói như thế, cũng để thấy rằng sự học hoàn toàn khác với kinh nghiệm. Những người nào không được học ở trường ốc, đều vẫn thủ đắc được phần nào các năng lực liên quan từ kinh nghiệm. Nhưng kinh nghiệm chỉ là cái học được đào tạo gián tiếp, còn sự học chính là kinh nghiệm được đào tạo trực tiếp. Điều này có nghĩa sự học luôn luôn có hệ thống, có phương pháp, và có kết quả về rèn luyện, giáo dục, trong khi đó kinh nghiệm thì thiếu hệ thống, không chặt chẽ, không chuyên sâu, rời rạc, hoặc thiếu hay kém hiệu quả, không thể bằng sự học. Nói chung, sự học luôn luôn có chương trình, kế hoạch, mục đích cụ thể do người dạy mang đến và người học tiếp thu được, trong khi đó kinh nghiệm chỉ có thể bàng bạc, không cụ thể, mơ hồ, không xác định, hoặc thiếu chính xác, rõ rệt.

Thế nhưng, dù sao, sự học hay kinh nghiệm cũng đều do bên ngoài mang tới. Có nghĩa không ai sinh ra mà tự nhiên biết hết mọi điều, nhưng đó là do kết quả của việc học và của kinh nghiệm sống trong cuộc đời về mọi mặt nói chung. Chỉ khác, sự học thì cụ thể, chính xác, có phương pháp rèn luyện, đào tạo một cách trực tiếp, nên kết quả luôn có thể phát huy một cách đầy đủ, chắc chắn, trong khi kinh nghiệm nói chung, hay phần nào đều không thể được như vậy. Đó cũng là lý do tại sao một người có kinh nghiệm một đời không thể bằng người được đào tạo ở học đường chỉ có một số năm. Nói khác đi, tính chất của học vấn, của giáo dục và đào tạo luôn luôn chính quy; trong khi đó, ý nghĩa hay giá trị của kinh nghiệm thì nói chung đều không thể được như vậy. Có nghĩa là không chính quy, không hiệu lực, không bài bản cho bằng việc học. Đây cũng chính là ý nghĩa của kỹ luật, của tính nghiêm túc và nghiêm khắc trong việc học, trong đào tạo, rèn luyện và giáo dục, mà chính kinh nghiệm sống thuần túy thực tế, cũng không bao giờ có thể có được. Tất nhiên cũng có người cho rằng trường đời là một ngôi trường lớn, một môi trường giáo dục bao trùm nhất mà ai cũng có thể trải qua, ai cũng có thể được rèn luyện và giáo dục được. Thế nhưng ngôi trường lớn đó, môi trường hiện thực, bao quát đó, thật ra chỉ dạy cho người ta những sự hiểu biết chung, các kiến thức thực hành, nhưng không bao giờ là các hiểu biết chính xác, sâu sắc, hay chuyên môn cao. Kinh nghiệm trường đời thì mở rộng, phát triển theo thời gian, theo hoàn cảnh sống. Tuy nhiên dầu tuổi đời có trải nghiệm bao nhiêu, sự học đó cũng chỉ là sự học tự phát, không chính quy, thiếu hệ thống, và không bao giờ hoàn toàn sâu xa hay đầy đủ được. Đi bước đang, học sàng khôn, đó là cái học của kinh nghiệm, của thường nghiệm, mà không phải là cái học của học vấn, của lý thuyết, của khoa học, của sư phạm, và nhất là cái học của chuyên ngành, của sự đào sâu, uyên bác, hay sự bác lãm, có ý nghĩa và giá trị tầm cao nói chung.

Nói như thế cũng để thấy rằng bể học là vô cùng, người ta có thể học tất cả mọi thứ, mọi điều khác nhau ở đời, ở bất cứ đâu, trong học đường và ngoài xã hội, mỗi thứ đều muôn màu, muôn vẻ, thiên hình vạn trạng, đều có các phương diện phong phú hay ích lợi, giá trị khác nhau, không thể nói ở đâu hơn đâu một cách hoàn toàn tuyệt đối, bởi vì mọi việc ở đời luôn luôn có cái thể và cái dụng của nó, việc học cũng vậy, có nghĩa không phải chỉ phụ thuộc vào nguồn gốc, vào bản thân kết quả, mà nhất là còn phụ thuộc vào mục đích và ý nghĩa phát huy tác dụng sau cùng của chúng. Nói khác đi, sự học nếu nói một cách hình tượng, cũng giống như biển sâu hay núi cao. Chiều kích của nó không biết đâu mà lường, sâu bao nhiêu cũng đặng, mà cao bao nhiêu cũng được, không lúc nào dừng, và cũng không thể có chỗ dừng, bởi vì nó luôn luôn mênh mông, không bờ không bến, hoặc thật sự cao lớn, vĩ đại vô cùng. Đó cũng là lý do tại sao càng học người ta càng thấy mình dốt, còn không học thì cũng chẳng khác gì ếch ngồi đáy giếng, vẫn cứ nghĩ trời chỉ bằng vung. Đó chính là sự nghịch lý, nhưng sự nghịch lý hoàn toàn tự nhiên, vì đó chính là chân lý khách quan, sự học cũng giống như sự đi xa, càng đi xa càng thấy con đường thật sự dài vạn dặm, trong khi luôn thấy mọi sự hết sức đơn giản, rõ ràng, chỉ khi nào giống chuyện gà tồ ăn quẩn cối xay. Chính bởi vậy, càng học cao người ta càng thấy mình thêm khiêm tốn, bởi vì sự hiểu biết không phải là niềm tự hào, mà chính là ý nghĩa của bổn phận, bổn phận đối với bản thân, bổn phận với người khác, bổn phận với cuộc đời, và bổn phận đối với xã hội nói chung. Học là nhằm để có kiến thức, có hiểu biết, có tri thức, để làm người, để mang lại các ý nghĩa và giá trị tinh thần, mà không phải sự học chỉ là công cụ thực tiễn, tầm thường, nhằm duy nhất để lợi lộc, để thủ lợi như thế nào đó, như nhiều người vẫn nghĩ. Học để làm người, không phải chỉ nhằm để làm giàu hay làm quan, đó là ý nghĩa thực chất nhất, cao quý nhất, và giá trị nhất của việc học. Bởi con người là khả năng vô hạn về chiều cao, đó là ý nghĩa của việc học về chiều sâu, chiều cao, còn học để làm người, với tính chất là con người đức hạnh, con người có ý nghĩa và giá trị tinh thần trong xã hội, đó cũng là ý nghĩa và giá trị chiều ngang của sự học. Tất cả những điều đó chính là ý nghĩa của thực học. Thực học có nghĩa là cái học thật, học vì bản thân của chính sự học mà không là gì khác. Đó chính là ý nghĩa và giá trị về nội dung mà hoàn toàn không phải là về hình thức. Tức học trước hết là vì nhu cầu ích lợi thật sự hay thực chất của chính mình, mà không phải chỉ nhằm phô trương hay trình diễn giả tạo ra bên ngoài, có khi chỉ là hình thức, giả tạo, mà không hề có ý nghĩa và giá trị chiều sâu, tức hoàn toàn không có thực chất, không có ý nghĩa cho mình và cả cho đời theo cách sâu xa và bao quát nhất.

Có nghĩa thực học hay học thật, chính là nhằm hiểu biết thật, nhằm tri thức thật, mà không hề chỉ là sự hiểu biết bề ngoài, giả tạo, không có thực chất, không có mục đích chân chính, chính đáng, tức không có hiệu quả, hay không có giá trị thật. Bởi sống nói chung là sống trong xã hội. Những gì mình biết thì chắc chắn người khác cũng biết. Mình học mà không giỏi hơn người khác, cũng có nghĩa là mình không giỏi. Không giỏi có nghĩa mình không thể hơn người, không hơn người có nghĩa mình không hiệu quả, giỏi giang hay giá trị hơn người, có nghĩa mình đã thua người, không hữu ích bằng người. Đó chính là lý do của việc học thật. Học thật chính là vì bản thân của sự học, mà bản thân của sự học cũng chính là bản thân của giá trị, của hiệu quả, đó là giá trị và hiệu quả cho mình, cho người khác, cho mọi người, và cho xã hội nói chung. Điều đó có nghĩa học thật chính là sự chân thực. Trong khi đó học giả, học hình thức, học để lấy danh, lấy tiếng, hay vì lợi danh, cũng chỉ là cái học bên ngoài, bề ngoài, cái học không thực, giả tạo, có khi giả dối, hay thậm chí là gian dối. Tất nhiên mọi cái gian dối đều không có giá trị, sự học cũng vậy. Đó là ý nghĩa và nhu cầu của việc học thật. Tức học là nhằm kết quả của sự hiểu biết, kết quả của sự áp dụng, ứng dụng, mà không phải chỉ dừng lại ở tri thức hay kiến thức suông, nửa chừng, nửa mùa, có nghĩa vẫn còn lơ lững, lững lơ, mà chưa có ý nghĩa đích thực, chắc chắn, hay sự phát huy được các kết quả đích thực nào. Điều này cũng có nghĩa học thật hay thực học, là nhằm đến đối tượng, bản thân sự học, nhằm đến ý nghĩa, mục đích, kết quả và ứng dụng việc học, mà không phải chỉ dừng lại ở hình thức, hay hành vi bên ngoài, hoặc nửa chừng của việc học. Đó cũng có nghĩa không học thì thôi, nhưng học nhất định phải tới nơi tới chốn, tức có thể ứng dụng và phát huy kết quả được, mặt nhận thức, ý thức, cũng như mặt thực hành và kết quả, đó mới chính là ý nghĩa và yêu cầu của việc học thật hay thực học.

Hoc thực hay thực học, do vậy không có nghĩa chỉ có học cao, học sâu mới là thực học. Thật ra, học cao, học sâu, đó chỉ là quy mô, tầm mức của sự học mà không phải chính bản thân của sự học. Sự học cũng giống như dò sông hay leo núi, mức độ nào cũng quý, cũng phát huy được tác dụng, miễn đó là kết quả mang tính thực chất, mà không phải chỉ là giả tạo, chưa đạt, hay chỉ bên ngoài. Người xưa có nói, nhất nghệ tinh, nhất thân vinh, đó chính là ý nghĩa của việc học thật. Nói chung mọi hiểu biết, mọi tri thức, mọi kiến thức đều quý và có ích lợi, miễn là nó có thực chất, có giá trị ứng dụng và có kết quả chắc chắn, đó chính là ý nghĩa của việc thực học hay học thật. Nói cách khác, việc học luôn luôn mang ý nghĩa lý thuyết và thực hành, có khi cả tài năng và kinh nghiệm. Cả lý thuyết và thực hành đều quý, cái này bổ sung cho cái kia, lãnh vực này cần thiết cho lãnh vực kia, không thể bảo cái nào mới hoàn toàn có ích mà xem nhẹ hay coi thường lãnh vực khác. Lãnh vực thực hành là lãnh vực của đời sống cụ thể, thực tế. Đó là ý nghĩa của mọi ngành thực nghiệm, của mọi nghề nghiệp, kể cả của lao động thuần túy đơn giản là lao động trực tiếp hay lao động chân tay. Bởi vì ngay cả lao động chân tay có khi cũng cần phải học. Vì có học mới có thể biết được mọi quy tắc hay kỹ thuật, tức kỹ năng cần thiết của việc làm, của mọi yêu cầu lao động, có khi chỉ là đơn giản nhất, có liên quan. Nói như thế cũng có nghĩa lao động cao cấp, lao động gián tiếp, lao động phức tạp, là lao động đòi hỏi mọi hiểu biết kỹ thuật liên quan. Lao động kỹ thuật, đó chính là yêu cầu của các ngành học về kỹ thuật. Ngành học về kỹ thuật tất nhiên cũng đòi các hiểu biết nhất định chuyên ngành nào đó về khoa học công nghệ hay khoa học kỹ thuật nói chung, đó là các ngành học về khoa học cơ bản, khoa học kỹ thuật, mà đối tượng của nó là thế giới vật chất, thế giới tự nhiên, thế giới kỹ thuật và thế giới toán học.

Nhưng bên cạnh đó, bên cạnh những ngành khoa học kỹ thuật hay chuyên môn, cũng lại phân ra ý nghĩa về tự nhiên và ý nghĩa về con người và xã hội. Có nghĩa sự học nói chung cũng phân thành tính chất, bản thân, mục đích, và đối tượng của sự học. Hay nói khác đi, lãnh vực của việc học có thể là lãnh vực của kỹ thuật, của tri thức, và của văn hóa. Cả hai ngành khoa học tự nhiên cũng như khoa học xã hội và nhân văn, kể cả triết học và toán học, cũng đều không đi ra ngoài mọi tính chất hay yêu cầu này. Có nghĩa trong cái chung vẫn luôn có cái riêng, trong kiến thức tổng quát có khi lồng vào đó cả kiến thức chuyên ngành cũng như ngược lại. Sự hiểu biết chung và sự hiểu biết riêng, tất yếu đều luôn luôn cần thiết, yêu cầu lẫn nhau, đòi hỏi và hữu ích cho nhau. Điều đó có nghĩa lý thuyết và thực tiển không thể nói chỉ điều nào mới quan trọng, mà đó chỉ là sự phân công trong tri thức, trong hiểu biết, trong nhận thức, trong khoa học nói chung. Trong lý thuyết luôn luôn có ý nghĩa thực tiển về phương diện nào đó cũng như ngược lại. Mọi sự kỳ thị hay tách biệt giữa lý thuyết và thực tiển đều hoàn toàn nông cạn, phiến diện, hạn hẹp hay thiếu sót. Đó chính là ý nghĩa chung của sự học, của bể học, của sự bác lãm, cũng như của mọi cái học thực hành, thực tiển nói chung. Có nghĩa sự học không bao giờ có lằn ranh, có điểm dừng, có lát cắt, hay có giới hạn. Trái lại, sự học luôn luôn liên thông và hữu ích lẫn nhau. Tri thức bác học không có nghĩa là hiểu biết tất cả, nhưng chỉ có nghĩa hiểu biết nhiều điều hơn cả. Bác học hay bác lãm không có nghĩa là chuyên sâu mọi cái, nhưng không có nghĩa là không chuyên sâu. Tức chuyên sâu cái tổng quát nhất, nhưng không phải tổng quát cái chuyên sâu. Ý nghĩa của văn hóa, của triết học, đó chính là tính cách như vậy. Nó không hoàn toàn đối lập với kỹ thuật, hay khoa học thực nghiệm, nhưng nó vượt lên, bao quát, thâm nhập, nhưng không thể đi sâu hay dừng lại ở mọi hiểu biết chuyên sâu về thực nghiệm. Đó cũng chính là khía canh phân biệt cao nhất của cái học lý thuyết và cái học thực hành. Cả lý thuyết và thực hành đều là thực học trong bản thân nó mà không hề mâu thuẫn hay loại biệt lẫn nhau. Trong lý thuyết có lợi ích của sự thực hành cũng như ngược lại, đó chính là ý nghĩa của tri thức, của nhận thức, hay của việc thực học nói chung.

Vậy nói cho cùng, thực học là cái học về nội dung mà không phải cái học về hình thức. Đó là sự học vì nhu cầu hiểu biết, kiến thức, tri thức, yêu cầu giá trị khoa học và chân lý khoa học, chân lý khách quan nói chung, mà không phải cái học bề ngoài, chỉ nhằm đến các hình thức hay các lợi ích thuần túy bề ngoài như bằng cấp, danh vọng, học vị, hay phô trương vì tâm lý cá nhân. Con người hơn mọi loài vật khác là do sự hiểu biết. Chính sự hiểu biết mọi mặt đã mang con người đến khoa học, kỹ thuật, đến sự phát triển mọi mặt của nền văn minh, văn hóa, và ý nghĩa của đời sống tinh thần nói chung. Khởi điểm đó chính là việc học, và mục đích đó cũng chính là việc học, hay nói chính xác và đầy đủ hơn, đó chính là việc thực học. Học chính là mở rộng khả năng, giá trị, hiệu quả của ý thức, của tinh thần, của sự nhận thức về nhiều mặt. Sự học giống như việc rèn luyện, nuôi dưỡng, phát triển đời sống ý thức, khả năng trí tuệ, và năng lực tinh thần. Đó chính là tìm kiếm chất phân bón hay yếu tố dinh dưỡng để nhằm kích thích sự tăng trưởng và cung cấp các yêu cầu nuôi lớn nó. Hoạt động của việc học vừa là hoạt động của công năng, vừa là hoạt động của phát triển, vừa là hoạt động của tăng trưởng. Đó cũng là hình thức vận động của thân xác, của cơ bắp, nhưng đây là thân xác, cơ bắp vô hình, tức khả năng phát triển về tinh thần, về nhận thức, về đời sống trí tuệ nói chung của cá nhân cũng như của toàn thể xã hội và nhân loại. Không có việc học cũng không thể có kỹ thuật và khoa học về mọi mặt. Không có việc học cũng không thể có văn hóa và hiểu biết, trí tuệ cũng như nhận thức. Đó là ý nghĩa của việc thực học. Đó không những là quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của bản thân, mà còn đối với đất nước, với xã hội, với dân tộc và với nhân loại. Đó chính là cơ sở để phân biệt về mọi đẳng cấp tinh thần nơi con người cũng như nơi xã hội con người*. Chính việc học còn tác động trực tiếp đến việc phát huy phẩm chất, ý nghĩa đạo đức bản thân, đạo đức xã hội, nhất là cho chính năng lực kể cả yếu tố tài năng của mỗi cá nhân con người, không hề phân biệt.

Điều này hoàn toàn đúng. Chính việc học mang lại sự hiểu biết, kiến thức, khả năng phán đoán, nhận thức, có nghĩa cũng là sự phân biệt phải trái, đúng sai ở nhiều khía cạnh, tầm mức khác nhau, đó là nền tảng của phát huy nhân cách, của phẩm chất, của đạo đức, của ý nghĩa và giá trị tinh thần của mỗi cá nhân và tập thể cộng đồng, xã hội nói chung. Bởi chất lượng của cộng đồng, của xã hội là do chính chất lượng của từng cá nhân hợp lại. Đây không phải chỉ là bài toán học mà còn là bài toán nhân, tức không phải chỉ là hiệu ứng tĩnh, mà còn là hiệu ứng động, có nghĩa là hiệu ứng cộng hưởng mà mọi người đều biết. Do vậy mà chỉ có thực học mới yêu quý thực học thật sự, chỉ có tài năng mới yêu quý tài năng thật sự. Đó chính là cái tốt nuôi dưỡng, phát huy thêm cái tốt, cái tích cực nuôi dưỡng và phát huy thêm cái tích cực. Đó cũng là vật nhỏ có thể đặt trong cái lớn hơn mà không bao giờ là ngược lại, về tất cả mọi phương diện, phẩm chất đạo đức, cũng như tài năng, học vấn, trình độ nhận thức và khả năng của sự hiểu biết. Những cái học mà chưa đạt có thể trở nên học phiệt, tức chỉ biết có mình mà không biết đến người, chỉ muốn mình giỏi hay nghĩ mình giỏi mà không muốn hay không nghĩ mọi người đều có thể giỏi bằng hay giỏi hơn cả mình. Đó chính là tâm lý thiển cận, ích kỷ, hẹp hòi, nhỏ nhặt và thấp kém, mà mọi người thực học đều nên tránh. Học không phải chỉ để cho mình mà con để cho người và cho xã hội, cho cuộc đời nói chung. Mình giỏi cũng muôn mọi người khác cùng được giỏi như mình, đó là ý nghĩa và lợi ích của việc học, của tinh thần và mục đích của giáo dục nói chung. Bởi vậy, một nền giáo dục tốt là nền giáo dục dân trí mà nhất thiết không phải vì vô tình hay cố ý mà đi đến chỗ ngu dân. Bởi việc học không thể chủ quan, tài năng không thể chủ quan. Nếu việc học không có chỗ dừng thì tài năng cũng không có chỗ dừng. Mọi ý nghĩa giáo dục chỉ nhằm nô lệ người xưa, nhằm dừng lại ở mức người xưa mà không nhằm tự chủ, tự tín và tự do phát triển đi lên, vô hình chung vẫn chỉ là nền giáo dục thủ cựu, bảo thủ, nô lệ, hay thậm chí ngu dân.

Bởi vậy, ý nghĩa của giáo dục không phải chỉ là của học đường mà của toàn xã hội. Ý nghĩa của việc học cũng như vậy. Không phải chỉ có việc học trong học đường mà còn là học trong chính đời sống xã hội. Chính xã hội, lịch sử, cuộc đời, và cả vũ trụ tự nhiên là cuốn sách lớn nhất, vĩ đại nhất cho mọi thời, mọi nơi, mà bất kỳ ai vào bất kỳ lúc nào, trong điều kiện và hoàn cảnh ra sao cũng đều hoàn toàn tự do và thoải mái giở ra để học được. Bởi cái học không phải chỉ phát huy khả năng mà còn phát huy cả tài năng. Do đó kể cả thiên tài cũng phải cần sự học. Đó là chưa nói nếu là thiên tài còn phải học nhiều hơn cả những người không có tài năng hay không phải là thiên tài. Điều này cũng giống như những cây cao lớn phải cần mọi chất dinh dưỡng gấp bội lần so với những loại cây con. Cây cao bóng cả không phải chỉ để cho mình mà còn để cho người và cho đời. Đó là ý nghĩa tự nhiên, cần thiết, và cao cả nhất của việc học. Đó cũng là ý nghĩa việc học trước hết là học với mình, học với người khác, học với mọi người, học với đời, có nghĩa là học với thầy và sự tự học nói chung. Tất nhiên sự tự học cũng giống như đi biển một mình. Trong khi đó học ở nhà trường chính là sự đi biển cùng với nhiều người. Chỉ những thủy thủ già giặn nhất mới có thể đi biển một mình mà không hề sợ hãi và không hề hoang mang. Cho nên luôn luôn cần phải học với thầy trước rồi mới có thể tự học sau. Không thầy đố mày làm nên là như vậy. Đây không phải chỉ là những trường hợp thông thường mà còn kể cả những trường hợp biệt học hay trường hợp giáo truyền, trực truyền, tức là cái học biệt truyền mà người xưa, nhất là trong các tôn giáo hay đạo học thâm sâu vẫn thường áp dụng. Đó chính là ý nghĩa của việc giáo ngoại biệt truyền, tôn sư trọng đạo, là cái học cao quý của người xưa mà ai ai cũng biết.

Ngày nay, trái lại là cái học phổ biến, phổ quát hơn, là cái học công truyền của khoa học và kỹ thuật tất cả mọi ngành. Đó là cái học quốc tế hóa hay toàn cầu hóa mà ngoại ngữ và mạng thông tin điện toán toàn cầu là công cụ hiệu quả và thành công nhất mà chính loài người đã khám phá ra. Giờ đây, nghĩa vụ và quyền lợi của việc học không còn là nghĩa vụ và quyền lợi của cá nhân, hay của đất nước, dân tộc, mà còn là nghĩa vụ của quốc tế và của cả nhân loại.

Tình người ngày nay không biên giới, cái học và tri thức cũng như việc học cũng không còn biên giới.

Cả nhân loại đều đã dần dần từ giã mọi ý nghĩa hạn hẹp của quá khứ lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới với khả năng thực học phổ quát nhất, rộng lớn nhất, ý nghĩa nhất và triển vọng nhất của tất cả loài người.

 

Thái Huy Phong