Ngày mai, chùa Dơi (Sóc Trăng) khánh thành Chánh điện mới

Ngày 4/3, tỉnh Sóc Trăng sẽ long trọng tổ chức lễ khánh thành Chánh điện mới trước sự vui mừng, chứng kiến của hàng ngàn phật tử và du khách thập phương.

Sau sự cố hỏa hoạn vào giữa tháng 8/2007 gây tổn thất gần như 100% chánh điện và nội thất thờ phượng bên trong ngôi chùa Khmer độc đáo này, Nhà nước đã quan tâm đầu tư gần 4 tỷ đồng để phục dựng mới chánh điện và một số hạng mục khác.

Chùa Dơi (tọa lạc tại địa chỉ 73B Lê Hồng Phong, phường 3, TP Sóc Trăng) ngôi chùa theo Phật giáo Nam tông do người Khmer xây dựng vào năm 1569. Chùa có tên khai sinh theo ngôn ngữ Khmer là Sêrâytecbô Mahatúp, có nghĩa là do phúc đức tạo nên, người dân địa phương quen gọi là chùa Mã Tộc, hay chùa Dơi (do trong khuôn viên có rất nhiều dơi cư trú - PV).

alt

Nhà sư Kim Rêne - Trụ trì chùa Dơi trò chuyện với PV Báo CAND.

Đại đức Kim Rêne - trụ trì chùa cho biết, đây là ngôi chùa thờ duy nhất một chư vị Phật Thích Ca của cộng đồng dân tộc Khmer Nam Bộ tại tỉnh Sóc Trăng. Chùa có những bảo vật như tượng Phật và tượng tứ linh (long, li, quy, phượng) đều được nặn từ đất sét; có vườn chùa đàn dơi từ hàng trăm năm nay, đông đến hàng chục ngàn con.

Được sự hỗ trợ và động viên của chính quyền sở tại, chùa thường xuyên tổ chức lớp học chữ Khmer nhằm đa dạng hóa, đồng thời gìn giữ bản sắc dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Trò chuyện với PV Báo CAND, ông Diệp Pốth, 56 tuổi, ngụ khóm 9, phường 3, TP Sóc Trăng, một phật tử của chùa, không giấu được xúc động: "Lễ khánh thành chánh điện mới của ngôi chùa hàng trăm năm mới có một lần. Sau khi chùa bị cháy cách nay 3 năm, bà con phật tử chúng tôi nghĩ không biết bao giờ mới làm lại được. Thật nếu không được Nhà nước quan tâm, bỏ tiền ra đầu tư thì không thể nào có được chánh điện như ngày hôm nay. Tôi nghĩ chùa Dơi không phải dành riêng cho người Khmer mà là nơi tín ngưỡng cho cả người Kinh, người Hoa và nhiều dân tộc khác".

Về trách nhiệm bảo vệ Di tích, theo nhà sư Kim Rêne, đó là trách nhiệm của cả xã hội. Riêng với lực lượng Công an địa phương, nhà sư vui mừng đánh giá: "Anh em mình thời gian qua rất tốt. Sư coi anh em Công an như người trong nhà. Mình sống là nhờ Nhà nước nên có gì mình nói thẳng, nói liền để điều chỉnh, sửa chữa liền, không để có chuyện".

 

Thái Bình - Văn Đức