HÀNH TRANG NGŨ MINH CỦA TĂNG TRẺ THỜI HIỆN ĐẠI

Tất cả chúng ta đều công nhận giá trị lý tưởng của người xuất gia có vị trí và tầm quan trọng thiết thực trong lòng công chúng. Ở bất cứ nơi đâu, khi nào trên dãy đất hình chữ S nói riêng và một số rất nhiều những quốc gia theo Phật giáo nói chung – khi thấy sự xuất hiện của hình bóng “Đầu tròn áo vuông” thì liền ở họ nhận được những tín hiệu an lành hạnh phúc. Hẳn chúng ta không thể không nhớ lời chư Tổ: “Tăng đáo Phật lai” ? Người xuất gia có trách vụ và bổn phận thay Phật tuyên dương Chánh pháp. Đồng thời còn được người đời xưng danh “Thiên nhân chi đạo sư. Tứ sanh chi từ phụ” (Thầy của trời người. Cha lành trong bốn loài). Với những sự tôn kính và lòng khát ngưỡng thánh thiện hướng đến một biểu tượng giải thoát trí tuệ của người thế gian như thế – thử hỏi người tu sĩ chân chánh nào đến nỗi vô tâm để cho ngày qua tháng lại lụi tàn dần theo “túi áo giá cơm . . .?”

Thời đại mà tất cả mọi thứ phát triển vùn vụt như vũ bão hiện nay, đòi hỏi ở người tu sĩ trẻ một thái độ trách nhiệm hơn: Phải tinh tấn, dũng mãnh, kiên định lập trường lý tưởng, kiên cố bồ đề tâm . . . thì may ra mới thực hiện được hoài bão “Khế Phật khai lai”, “Tục Phật tuệ đăng”, và “Báo Phật ân đức”. Ngoài việc “Nghiên tầm áo nghĩa” để “Thấu lẻ huyền vi” mà “Nhuần ân giải thoát”, thì người “tu sĩ thời đại” cần phải trang bị cho mình một “lăng kính thời đại”, một “hành trang thời đại” trên tinh thần “khế thời” và “khế cơ” của chư Phật. Không thể có sự phát triển tối ưu khi chỉ có hoàn thiện chuyên môn, mà khiếm khuyết những điều kiện cần và đủ cơ bản khác. Vì vậy, vấn đề quán triệt tinh thần Ngũ Minh trong thời buổi hiện nay là bức thiết. Vậy Ngũ Minh là gì ? Có giá trị thiết thực như thế nào trong hiện tại ?

“Ngũ Minh là năm môn học xưa của Ấn Độ, nhờ đó mà trí tuệ của con người phát triển. Đây là môn học mà người nội đạo (trong đạo Phật) và ngoại đạo đều cần phải học. Ngũ minh còn gọi là Ngũ Minh Xứ.” (1)

1. Thanh Minh (Sabdavidya)

Với sự phát triển của khoa học công nghệ thông tin ngày nay đã xóa đi khái niệm “đường xa vạn dặm” giữa các quốc gia châu lục trên thế giới. Điều đó cũng có nghĩa việc trang bị thêm một vài ngôn ngữ không phải là thừa. Ngày nay các trường Phật học – đặc biệt là Học viện Phật giáo – đã đưa một số môn ngoại ngữ như Anh, Hoa, Hán, Pàli . . . vào chương trình học là điều cần thiết. Ngoài việc dịch Kinh, Sách, Báo . . . ngoại ngữ còn sử dụng cần thiết vào việc Hội thảo các vấn đề về tôn giáo thế giới, giới thiệu du lịch tín ngưỡng . . .

2. Công Xảo Minh (Silpakarmasthanavidya)

Trên tinh thần Công xảo minh, ngày nay đòi hỏi những tu sĩ trẻ phải hiểu biết và sử dụng được những chuyên môn sau: Vi tính, Thư pháp, Hội họa, Lái xe, Sửa điện . . . có thể hiểu, Công xảo minh là chiếc cầu nối thân mật giữa tu sĩ với thế gian. Đồng thời cũng được xem như là một trong những “chiến lược” của mục đích hoằng pháp lợi sanh.

3. Y Phương Minh (Cikisavidya)

Với người tu sĩ, thì việc “Cứu nhân độ thế” là mục đích chính đáng. Ngoài việc chăm sóc “phần hồn” còn phải để tâm tới “phần xác”, vì khi “phần xác” được tráng kiện khỏe mạnh, thỏa mãn được những điều kiện tối thiểu thì “phần hồn” mới đủ sáng suốt và lòng tin để quy ngưỡng Tam Bảo. Vì vậy, việc tu sĩ trẻ học Dược, Y khoa, Châm cứu . . . để làm từ thiện phục vụ tha nhân cần đáng được động viên khích lệ.

4. Nhân Minh (Hetuvidya)

Nhân minh là khái niệm “phôi thai” của trí tuệ. Khái niệm này nói lên sự sáng suốt mẫn tiệp trong quyết định, Phật giáo gọi là “trạch pháp” (Thất giác chi). Trong mỗi ý niệm, hành động, việc làm . . . đều phải thông qua sự can thiệp và kiểm soát của tâm thức. Trên tinh thần Nhân minh, tu sĩ có thể trang bị thêm những nghành học, như Triết học, Tâm Lý học, Phân Tâm học, . . . để hỗ trợ, giúp hoàn thiện chuyên môn và có phương pháp luận sáng tạo hơn trong việc nghiên cứu giảng dạy . . .

5. Nội Minh (Adhyamatidya)

Đây là điều tối quan trọng đối với người tu sĩ trẻ. Vì mạng mạch Phật pháp, sự tồn vong hưng thịnh của giáo hội đều nằm ở khái niệm này. Dù cho tu sĩ đó có giỏi đến đâu các khía cạnh: Thanh minh, Công xảo minh, Y phương minh . . . nhưng nội điển: Kinh, Luật, Luận không thông suốt liễu tri thì xem ra chẳng có lợi ích gì cho đạo pháp, mà chẳng qua là các pháp thế gian mà thôi. Cho nên, tu sĩ trẻ học gì thì học nhưng nội điển phải được đặt lên “Phật sách” hàng đầu. Không thể lơ đễnh với kinh, luật và luận mà chạy theo các pháp hữu vi tạm bợ.

Tinh thần Ngũ minh đối với người xuất gia chỉ đóng vai trò quan trọng, chứ không mang tính quyết định “vĩ nghiệp” giải thoát. Ngũ minh chỉ dừng lại ở tính phương tiện chứ không đạt được mục đích cứu cánh. Nhưng, với tu sĩ muốn đạt được mục đích cứu cánh thì phải thông qua phương tiện. Mà đây chính là những phương tiện chánh pháp xác định khoảng cách tiệm cận giữa tu sĩ với thế gian. Đồng thời, hướng họ trở về quy ngưỡng Tam Bảo.

Chú thích

(1)Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học., Từ Điển Phật Học Hán Việt, nxb Khoa học Xã hội, 1998, tr. 796.

Thích Phước Hạnh