NIỀM TIN CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ VIỆT NAM

altTrong các loài sinh vật hiện hữu trên trái đất, loài người là thông minh hơn cả vì biết suy nghĩ, biết sáng tạo, biết thăng hoa trí tuệ và đạo đức. Vì vậy, Đức Phật dạy rằng loài người là tối linh trong muôn vật. Trong quá trình tiến hóa của con người, bước đầu đối trước hiện tượng thiên nhiên khắc nghiệt và cuộc sống còn rất nhiều khó khăn không thể vượt qua nổi khiến cho con người đã nảy ra ý tưởng rằng có một vị thần linh nhiều quyền năng chi phối và quyết định mạng sống của con người. Và mỗi dân tộc tùy theo phong tục văn hóa, tùy theo trình độ suy nghĩ mà họ tôn thờ những vị thần khác nhau; đó là thời kỳ đa thần giáo của nhân loại.

Từ ý niệm về sự hiện hữu của nhiều vị thần, người ta mới nảy sinh ý nghĩ rằng phải có một vị thần tối cao để lãnh đạo toàn bộ các thần linh, cũng giống như một bộ tộc phải có một người đứng đầu cai quản vậy. Từ đây, quan niệm về sự hiện diện của Thượng đế hay đấng Sáng thế bắt đầu thành hình, gọi là thời kỳ nhứt thần giáo. Như vậy, từ chủ trương đa thần giáo, loài người đã chuyển sang quan nhiệm nhứt thần giáo.

Và Đức Phật xuất hiện trên thế gian này, đứng trước hai luồng tư tưởng là đa thần giáo và nhứt thần giáo chi phối hoàn toàn cuộc sống của con người, Ngài đã khẳng định một quan niệm siêu tuyệt phá tan mọi ý nghĩ sai lầm từng là sợi dây xiềng xích mọi người. Đức Phật dạy rằng con người làm chủ tất cả mọi việc, con người làm chủ bản thân mình, con người làm chủ cuộc sống của mình, con người làm chủ xã hội mình đang sống, nếu họ biết phát huy năng lực siêu nhiên của chính mình.

Đức Phật đưa ra một tư tưởng đổi mới hoàn toàn tốt đẹp như vậy và chính Ngài cũng thể hiện tinh thần này trong cuộc sống của Ngài. Từ đó mới có đạo Phật được gọi là đạo trí tuệ chỉ dạy cho hàng đệ tử Phật thực hiện một cuộc sống không lệ thuộc thần linh, không sợ hãi Thượng đế và vận chuyển mọi thế lực vô hình, hữu hình; nhưng đệ tử Phật chưa đắc đạo vẫn nhận được sự hỗ trợ của tất cả thần linh mà kinh điển gọi là Thiên long bát bộ chúng. Nói một cách nào đó, hành giả theo đạo Phật vẫn tôn trọng các thần linh, đồng thời họ vẫn điều động được các thần linh trong việc xây dựng cuộc sống của bản thân và xây dựng xã hội một cách tốt đẹp.

Thật vậy, Phật giáo Việt Nam từ khi du nhập cho đến ngày nay, đã thể hiện sự kết hợp sâu sắc giáo pháp Phật với tín ngưỡng của dân tộc là thờ cúng tổ tiên và các thần linh , tập họp lại thành một thế giới vô hình của Phật giáo gọi là Tịnh độ. Nghĩa là sự sắp xếp lại một cách trật tự thế giới vô hình và thế giới vật chất; nhờ vậy, ổn định được tâm lý con người và xã hội, mới tạo nên đời sống an lạc thật sự cho người dân Việt, thì đó chính là mô hình Tịnh độ nhân gian. Thực tế cho thấy chỉ vì mọi người không biết chuyển đổi tâm lý theo phương hướng tốt lành và không biết sắp xếp cuộc sống cho hợp tình hợp lý theo Phật dạy, mới tạo thành nghiệp và phiền não. Còn hành giả thể hiện pháp Phật trong cuộc sống chính là người biết sắp xếp trật tự xã hội và trật tự thiên nhiên, mà hai hình thái trật tự này phát xuất từ trật tự tâm lý của hành giả, đã tạo thành cảnh giới Cực Lạc hay Niết bàn của đạo Phật ngay trong đời sống hiện tại này. Nói cách khác, Niết bàn là sự ổn định trật tự thiên nhiên, trật tự xã hội và trật tự trong tâm con người. Và sự ổn định tâm mới là chính yếu. Vì vậy, Phật giáo mới có câu tuyên ngôn bất hủ : Tâm bình, thế giới bình.

Có thể nói rằng niềm tin của người Phật tử Việt Nam từ nghìn xưa cho đến ngày nay luôn luôn hướng về ba đối tượng chính là đất nước, tổ tiên ông bà và Trời Phật. Vì thế, trong tâm khảm người Phật tử Việt Nam đều ghi đậm lòng kính trọng và thực tế là sự thờ phụng đất nước, tổ tiên ông bà và Trời Phật.

Thiết tưởng mặc dù sống trong thời văn minh hiện đại, nhưng người Phật tử Việt Nam từ bao đời đã có sự gắn bó mật thiết với đất nước, ông bà tổ tiên và Trời Phật. Với mối tương quan sâu nặng như vậy, mỗi người trong chúng ta đều dễ dàng cảm nhận được những nỗi khổ niềm đau của ông bà tổ tiên mình ở thế giới vô hình truyền đến, hoặc chúng ta có thể tiếp nhận những tình cảm u uất của các chiến sĩ trận vong, của đồng bào tử nạn vì thiên tai, vì chiến tranh. .. Những vong hồn này tin tưởng chúng ta có năng lực tâm linh kết nối được với Trời Phật, cho nên họ kêu cứu chúng ta giúp họ siêu thoát khỏi cảnh giới u tối. Trong mối tương giao thâm tình như vậy với đất nước, ông bà tổ tiên và Trời Phật, chúng ta tụng kinh, Thiền định để cầu nguyện cho vong linh, nghĩa là chúng ta tiếp nhận tâm khổ đau của vong linh và giới thiệu cho họ tâm từ bi, tâm giải thoát, tâm thanh tịnh của Phật ở các Tịnh độ qua các bài kinh Phật, qua sự quán tưởng pháp Phật. Nương theo tâm thanh tịnh, giải thoát của chúng ta trong thời kinh, hoặc trong Thiền định, tâm của vong linh xả bỏ được tất cả nỗi khổ đau phiền muộn và sẽ được tái sinh vào cảnh giới tốt đẹp theo ý muốn./.

 

Hoà thượng Thích Trí Quảng