Ký sự du xuân: Non Thiêng Yên Tử - Kỳ 2

Cuối cùng thì chúng tôi cũng về đích....



chùa Đồng

Trên non Yên Tử chòm cao nhất,
Trời mới canh năm đã sáng tinh.
Vũ trụ mắt đưa ngoài biển cả,
Nói cười người ở giữa mây xanh.
Muôn hàng giáo ngọc tre gài cửa,  
Bao dải tua châu đá rủ mành.  
Dấu cũ Nhân Tông còn vẫn đấy,  
Trùng đồng thấy giữa áng quang minh.
(Theo ức Trai Thi tập)  

Núi non lúc sớm tinh mơ



Phần 4: Vượt chướng ngại vật và … về đích!

Rời Hoa Yên chúng tôi leo tiếp lên đến trạm cáp tiếp theo, trên đường đi cũng có được ghé qua ngôi chùa Mội Mái có nhiều tượng và hai tháp gạch. Ngôi chùa nhỏ, nằm áp vào vách đá với chỉ một bên mái nhà che chắn, bên còn lại là lưng núi vững chãi nên được gọi là chùa Một Mái. Bên trong chùa rất nhiều pho tượng bằng đá từ xưa để lại được sắp xếp hương khói một cách trang nghiêm thành kính. Và lại còn có dòng nước suối Một Mái mát lành tương truyền là chữa được nhiều bệnh tật và đem lại sinh khí cho người đi đường nữa chứ. Ai đến đây xin một chén nước suối này mà rửa tay rửa mặt sẽ có được sự sảng khoái và sức khoẻ để mà vượt qua quáng đường gian nan tiếp theo. Tôi cũng bắt chước xin một chén nước nhưng khởi hành sáng sớm vả lại chưa leo được bao nhiêu nên đụng vào nước là tôi lạnh run, có lẽ tôi không có nhân duyên với dòng suối ấy nhỉ!



Chùa Một Mái

Từ chùa Một mái trở đi đường lên đỉnh được chia làm 2 hướng, một hướng dành cho những người lên cáp treo như chúng tôi, và hướng còn lại dành cho những người khách bộ hành. Trên con đường dành cho khách bộ hành ấy, tôi được biết rằng còn có rất nhiều địa danh và cảnh sắc khác chờ đón như: am Bạch Vân, chùa Bảo Sái, chùa Vân Tiên, rồi thì rừng Trúc Lâm mờ ảo mây che, nơi được coi là ranh giới giữa cõi trần với cõi tiên.



Tháp trên trạm cáp treo thứ 2 (từ chùa Một Mái lên đến An Kỳ Sinh)

Bằng một thứ phương tiện hiện đại, chúng tôi nhanh chóng vượt qua thứ ranh giới tuyệt diệu ấy mà thậm chí còn không kịp nhận ra chúng nữa. Càng lên cao bằng cáp treo, tai tôi nhanh chóng bị ù đi, có lẽ do sự thay đổi về áp suất không khí và độ cao. Tôi lại tự nhủ rằng lần sau mình sẽ đi bộ để thưởng ngoạn trọn vẹn hơn cảnh sắc linh thiêng này!

Xuống khỏi cabin, đoàn chúng tôi tiếp tục hành trình leo núi, lần này là leo thực sự chứ không còn có thể trông chờ vào bất cứ thứ phương tiện hỗ trợ nào - trừ cây gậy trúc!



Cáp treo về trạm

Nơi cáp treo dừng lại cách chùa An Kỳ Sinh một đoạn dốc cao. Đây là nơi thờ vị đại phu đầu tiên đặt cái tên “An tử” cho ngọn núi có mọc nhiều thứ dược thảo cứu người này. Đỉnh An Kỳ Sinh là một vùng đất bằng phẳng, rộng, ở giữa có bức tượng An Kỳ Sinh. Pho tượng kỳ vĩ này là tác phẩm nghệ thuật của thiên nhiên, nhưng nó lại như có bàn tay người tạo nên, ở khoảng núi cao mây phủ, người hành hương có cảm giác như đang gặp được một vị Bồ Tát từ bi sẵn sàng cứu giúp người gặp nạn. Tương truyền, sau khi chọn ngọn núi có tượng An Kỳ Sinh làm nơi tu hành, vào một ngày trời quang mây tạnh, Trần Nhân tông nhìn về phía phủ Kinh môn, thấy một ngọn núi có ngũ sắc bao quanh. Đệ tử thưa rằng đó là núi Yên Phụ, thờ An Sinh Vương Trần Liễu. Trần Nhân Tông quỳ xuống bái vọng và nói: "Đức An Sinh là bậc tông tổ, còn ta là hạng cháu con. Ngài đặt tên núi ngài ngự là Yên Phụ, vậy núi này chỉ nên đặt là Yên Tử cho phải đạo". Vậy là ngọn núi được đổi tên thành “Yên Tử” từ ngày ấy.



Tượng An Kỳ Sinh

Đi tiếp đoạn đường chúng tôi bị ngăn lại bởi những tảng đá lớn, phẳng dốc bắt người đi phải ngoằn ngoèo phía dưới hay khiến người leo núi dễ dàng trượt chân. Tuy nhiên nếu chú tâm vào đường đi và tìm kiếm những phiến đã nhỏ) thì bạn sẽ dễ dàng lên được trên cao. Bởi vậy mới có những cụ già trên 70 tuổi mà tay vẫn lần tràng hạt, miệng niệm phật nam mô mà vượt qua hết mọi gian khó để đến được đỉnh núi và quay trở xuống mội cách bình an.



Dốc đá cheo leo

Càng lên đến trên cao tôi càng cảm nhận được gió một cách rõ ràng, gió quất mạnh vào người đi đường, kéo họ xuống như một sự thử thách cái tâm hướng phật, rồi gió lại nâng bước chân người lên đến đỉnh một cách nhẹ nhàng. Tiếng gió réo va đập vào những phiến đá phát ra âm thanh trầm bổng du dương như đang trình diễn một bản nhạc thiên nhiên không dứt. Gió dữ dội là thế, nhưng lại hiền hoà là thế. Khi leo lên một dốc cao, nhịp tim đập thật mạnh, tôi há miệng ra hít một lồng ngực đầy gió, đứng một vài phút tĩnh tâm lại, từng cơn gió mát vờn qua tóc, qua mặt khiến tôi thấy mình khoẻ hơn, tràn trề sức lực hơn, và cứ thế, càng leo càng hăng.



Gió thổi nghiêng cây cối





Rồi toqí một đoạn dốc núi, các phiến đá lớn tạo ra cửa chắn hai bên, nơi đấy được gọi là "Cổng Trời "để đi vào thiên đình của tiên Giới. Cổng còn mang những vết tích từ xa xưa, hình thành nên một ngọn núi có rất nhiều vỏ sò, vỏ ốc, du khách như thấy mình đứng trên ngọn núi vừa nhô lên khỏi mặt biển. Đang loay hoay không tìm được chỗ níu để lách qua cách cổng chật hẹp, một du khách hoàn toàn xa lạ đưa tay ra đỡ lấy tôi và kéo lên. Tôi líu ríu nói lời cảm ơn rồi vội bước tiếp, khi lên đến một đoạn quay lại nhìn thì vị khách ấy vẫn đứng lại chờ kéo rất nhiều người phía sau lên, thật là một hành động nhỏ mà không nhỏ đem lại cảm giác ấm lòng giữa một trời đầy gió và sương.

Qua Cổng Trời lên đỉnh núi không xa nhưng khó đi và độ cao khoảng 1.068m cửa núi được đặt ở gần một tảng đá phẳng lớn. Đứng ở độ cao 1068 m trên đỉnh núi có thể nhìn bao quát cả vùng Đông Bắc rộng lớn với những đảo nhỏ thấp thoáng trong Vịnh Hạ Long như một bức tranh, xa hơn là sông Bạch Đằng. Đứng ở đỉnh núi sẽ thấy những đám mây trắng bồnh bềnh như suối vờn quanh, hơi nước ngưng lại trên da, tóc thành những giọt sương trong mát lạnh. Không khí trong lành làm cho du khách cảm thấy tiêu tan mọi mệt nhọc, nhẹ nhàn, và thanh thãn, khó diễn tả được thành lời, sau quãng đường đầy gian nan, hành bộ tìm đến nơi này.



Lên tới đỉnh núi

Toạ lạc trên đó có một ngôi chùa có chùa cổ kính, được khởi dựng vào thời nhà Hậu Lê với tên gọi Thiên Trúc tự. Ngôi chùa nổi tiếng này được xây dựng lần đầu tiên dưới thời chúa Trịnh, với tượng, chuông và đồ thờ bằng đồng. Toàn bộ công trình biến mất vào thế kỷ 13, xây lại năm 1930 và trùng tu năm 1993. Ngày 30/1/2007, Chùa Đồng mới được khánh thành, khang trang hơn hẳn các phiên bản trước đó, đúc từ gần 70 tấn đồng nguyên chất, có diện tích 20m2 (cao 3,11 m, dài 4,96 m, rộng 3,96 m). Chùa mang đậm đặc trưng kiến trúc chùa chiền Việt Nam vùng Bắc Bộ, nhìn từ trên cao có hình đóa sen vàng nở. Từ đầu năm 2007, chùa Đồng mới đã được đưa lên đỉnh Yên Tử thờ cúng cho đến nay.



Chùa Đồng tấp nập hương khói

Bên cạnh chùa Đồng là chiếc chuông Đồng cổ xưa, từ bé tôi đã được nghe bà và mẹ tôi kể rằng hễ trời hạn hán thì chỉ cần có người thành tâm trèo lên đỉnh núi, gõ ba tiếng chuông bằng chiếc chuông đồng ấy thì tức khắc Ngọc Hoàng sẽ sai thiên lôi tạo mưa cho hạ giới. Giờ đây khi đứng cạnh chiếc chuông truyền thuyết (đã bị cấm gõ từ lâu) lòng tôi bỗng thấy bồi hồi làm sao!



Chuông đồng trên đỉnh núi

Sau khi vào ngôi chùa Đồng cầu khẩn cho gia đình, cho bạn bè, người thân và một nguyện ước nho nhỏ cho riêng mình nữa, tôi đã sẵn sàng cho hành trình xuống núi, đem những lời cầu phúc về cho gia đình, người thân của mình. Tạm biệt chùa Đồng và chiếc chuông lớn, tạm biệt đỉnh núi quanh năm mây phủ mờ ảo, tạm biệt những phút giây ngỡ ngàng và xao động bởi gió núi. Tôi nay trở về chốn thành thị phồn hoa đô hội để tiếp tục hành trình sống của cuộc đời mình, để tạm gói những phút giây, những xúc cảm này lại cho đến một ngày tôi quay lại nơi đây - non thiêng Yên Tử!



Từ trên đỉnh núi nhìn xuống


Rainbroad.
(Xuân Canh Dần)