Đi lễ đền chùa đầu năm: Nhiều lộn xộn và xô bồ

Tiền lẻ rải trong lòng giếng cổ trước sân chùa Dâu
NDĐT – Có lẽ chưa bao giờ mà đầu năm mới, mọi ngả đường đều dẫn đến đền chùa như bây giờ... Cứ ngỡ đó là những nơi yên tĩnh, thanh tịnh nhất, những ngày này bỗng trở nên đông đúc, xô bồ, nhộn nhạo… hơn cả cuộc sống ngoài đời thực.

Những địa chỉ như Phủ  Tây Hồ, chùa Hà, chùa Hương (Hà Nội) Yên Tử (Quảng Ninh), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) chùa Bái Đính (Ninh Bình), phủ Giầy, đền Trần (Nam Định), đền ông Hoàng Mười (Hà Tĩnh)… đều nghẹt cứng ô tô xe máy. Người dẫm lên người, lễ chồng lên lễ, vàng mã cháy đêm cháy ngày và tiền lẻ thì rải tràn khắp nơi.

Đặc biệt là tiền lẻ. Ở chùa Dâu, nơi được coi là tĩnh lặng nhất để tìm về cõi Phật, tiền lẻ rải trong lòng một cái giếng cổ rất đẹp giữa sân chùa.

Ở chùa Hương, tại bến nghỉ của cáp treo ở lưng chừng núi, chỉ mấy giây dừng cáp treo, nhưng người đi lễ đã kịp thả xuống đó những đồng tiền lẻ. Tiền rơi dưới chân cáp treo, bay lả tả xuống núi như lá rụng. Kỳ lạ và ngạc nhiên hơn nữa, khi rất nhiều người đi lễ hì hụi cuộn tròn, gấp nhỏ những đồng tiền mệnh giá 200, 500, 1000, 2000 và thậm chí là 5000đồng, nhét vào mọi khe đá trong hang động, nhiều vô kể, bịt kín hết mọi “lỗ thở” của những khối nhũ thạch tuyệt đẹp. Lấy đèn pin soi kỹ, bỗng nghĩ sau này những nhà khảo cổ học thay thám hiểm cũng chắc không thể hiểu nổi đó là những vật thể gì…

Đầu năm, không hiếm hoi gì hình ảnh nhốn nháo xô bồ, chặt chém, mất cắp… ở chốn chùa chiền. Những ngày này có thể nói đi bất cứ ngôi đền, chùa lớn nhỏ nào ở khắp miền bắc đều sẽ tận thấy cảnh tràn lan lễ lạt, đốt vàng mã và tiền lẻ thì rải đầy từ bệ thờ xuống nền đất, cắm vào đầu, nhét vào tay tượng Phật…

Người ta nói rằng, lễ hội là tấm gương soi văn hóa của một xã hội, mọi biểu hiện của nó, dù chỉ rất nhỏ, đều phản ánh trình độ văn hóa của xã hội đó. Để tìm hiểu về nguồn gốc cũng như những biến tướng của văn hóa qua tấm gương soi này, chúng tôi tìm tới GS-TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia và Phó Chủ tịch Hội đồng Folklore châu Á.


GS-TS Ngô Đức Thịnh: Tôi cho rằng đã có sự thái quá trong một số hành vi tín ngưỡng.

- Thưa giáo sư, bây giờ có hiện tượng, đầu năm mới, người dân  không những đua nhau đi lễ đền chùa, hình như quan niệm rằng càng đi nhiều để càng có được một năm nhiều tài lộc, mà còn có những hiện tượng ngày càng phổ biến như mang tiền lẻ đến rải khắp bất cứ chỗ nào ở đền chùa, gây nên cảnh tượng không mấy đẹp mắt. Từ góc độ tín ngưỡng tôn giáo, việc này có nguồn gốc ý nghĩa như thế nào không?

-Đi lễ chùa đầu năm là một nét đẹp văn hóa của người Việt, nhưng hiện nay hình như nét đẹp đó đang bị biến tướng. Đó là việc đổ xô đi chùa quá nhiều, đồ lễ ngày càng tục hóa và đặc biệt, hiện tướng đốt vàng mã, cúng tiền thật đang diễn ra quá xô bồ. Tôi cho rằng đã có sự thái quá.

Cúng tiền thật, trong tâm thức của người Việt  khởi nguồn nó mang ý nghĩa như là một chút công đức, là “giọt dầu”, nén hương dâng cúng, cũng là niềm hy vọng cầu mong may mắn. Đây là một việc làm nên được thể hiện trang trọng và có văn hoá. Bởi nó không những mang ý nghĩa tâm linh, là sự trân trọng của người hành lễ ở nơi trời đất linh thiêng, mà còn là nét đẹp văn hóa xuất phát từ truyền thống dân tộc.


Tiền lẻ rải ở bến nghỉ cáp treo chùa Hương.

Cha ông ta ngày xưa làm cái gì cũng thể hiện cái văn hóa sâu xa trong đó: đốt pháo cũng văn hóa, cúng vàng mã cũng văn hóa, giọt dầu công đức nơi đền chùa cũng là văn hoá. Nhưng chúng ta thì tiếp nối truyền thống đó theo một cách phản văn hóa nhất: đốt pháo thì gây tai nạn, cúng vàng mã thì đốt tràn lan khủng khiếp, cúng tiền lẻ thì rải bừa bãi khắp nơi…

Người ta đi lễ chùa xăm xăm cầm một nắm tiền lẻ và có thể “rải” bất cứ nơi nào: nhét vào tay, găm trên đầu, lên vai tượng Phật, để lên cả gốc cây, bất cứ nơi nào mà họ có rằng có chút “linh thiêng”.

Tôi cũng nghe thấy những phản ánh về hiện tượng này ở chùa Bái Đính và một số nơi khác, và hoàn toàn  phản đối với cái cách người ta làm như thế ở nơi tâm linh thờ tự. Đó là hiện tượng rất đáng lo ngại về nhiều phương diện.

- Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, đó là tín ngưỡng của nhân dân, và người dân có quyền thể hiện tín ngưỡng của mình?

- Không hẳn thế. Việc cúng giọt dầu công đức cũng như đốt vàng mã có một ‘chỗ dựa” từ niềm tin của người Việt rằng có những vị thần linh tồn tại, thông quan với thế giới hiện tại và người trần có thể liên hệ với thần linh để cầu mong trợ giúp. Và cũng với quan niệm trần sao âm vậy, nên người ta có thể dâng cúng bất cứ thứ gì có ở nơi trần thế.  Nhưng đó là một hành vi tín ngưỡng vô cùng văn hóa của cha ông xưa, không phải cái cách như chúng ta đang làm bây giờ.

Tôi cho rằng bây giờ chúng ta đang tiếp nối hành vi tín ngưỡng đó bằng một cách rẻ rúng tùy tiện nhất, phản văn hóa và có hại tới môi trường. Chưa kể, tiền thật còn thể hiện giá trị tinh thần và mang biểu tượng của một quốc gia. Tiền lẻ, dù chỉ có mệnh giá 200, nhưng cũng là đồng tiền của một quốc gia, nếu qua việc rải bừa bãi khắp nơi như vậy, có thể thấy ý thức công dân về đất nước, về quốc gia đang xuống cấp trầm trọng. Kể cả việc làm những đồng tiền giả y như thật, chỉ thay hình Cụ Hồ bằng hình các vị vua khác rồi đốt đi... theo tôi cũng là không được phép.


Nhét tiền lẻ vào các khe đá trong động Hương Tích.

Hay chăng, qua việc đó để thấy rằng đồng tiền đang bị mất giá trầm trọng, và người ta có thể vô tư rải nó như giấy vụn? Trên cả hai phương diện đều phải nên được xem xét.

- Vâng, vậy trên cơ sở đó, cơ quan quản lý văn hóa có thể đưa ra những quy chế, quy định nào đó để nhằm hạn chế, ngăn chặn hiện tượng  phản văn hóa này không, thưa giáo sư?

- Thực tế thì ở một số nước khác, cũng có hiện tượng người dân và du khách thả tiền xu vào một chỗ nào đó được coi là linh thiêng để cầu mong sự may mắn. Nhưng đó là tiền xu, và thường thì cả nước chỉ có một điểm nào đó có ý nghĩa như vậy, đó là một hành vi thể hiện sự văn minh. Còn ở mình thì rải tiền giấy rất ảnh hưởng đến môi trường, mà lại thực hiện theo một kiểu bừa bãi tùy tiện.

Nhưng, như tôi đã nói, hiện tượng này có nguồn gốc sâu xa từ quan niệm tín ngưỡng, và đó cũng là cái tự do của người dân, nên không thể cấm đoán. Chúng ta chỉ có thể nhìn vào đó như một tấm gương soi chiếu những giá trị văn hóa xã hội, và như thế có phải là đã báo động rồi chăng? Rõ ràng người dân đang cần được hướng dẫn, cần được cảnh báo, và những hiện tượng này chỉ có thể trông chờ được ở ý thức của người dân thôi.

Về phía đền chùa, tôi nghĩ rằng họ nên cắt cử người thường xuyên hướng dẫn người dân dâng lễ, đặt lễ như thế nào cho đúng quy cách, thể hiện sự trang trọng và đúng, không để xô bồ biến tướng như hiện nay. Ban quản lý các di tích, danh thắng, đền, chùa cũng nên cắt cử người thu gom tiền lẻ thường xuyên để không có hiện tượng vứt bừa bãi khắp nơi, cắm cả vào tay tượng Thánh, tượng Phật, trông rất phản cảm.

- Vâng, xin cám ơn giáo sư.

Một vị sư trụ trì một ngôi chùa ở Hà Nội: Thường thì nhà chùa luôn hướng dẫn khách thập phương cách dâng lễ, gồm những vật phẩm gì, và yêu cầu để lại những vật phẩm không đúng quy cách. Nhà chùa cũng nhắc nhờ yêu cầu khách thập phương không nhét tiền vào tượng Phật, không để tràn lan bừa bãi. Hòm công đức thì thường là của bên cơ quan văn hóa và chính quyền địa phương quản lý, nên chút tiền lẻ khách thập phương cúng dâng ở các ban thờ là “nguồn thu nhập” chính để nhà chùa rau dưa hằng ngày, nhà chùa chúng tôi thường có người đi thu lại những số tiền đó thường xuyên. Tuy nhiên, có lẽ ở các nhà chùa khác vì khách thập phương đến cúng tiến đông đúc quá họ làm không xuể. Nhà chùa hoàn toàn phản đối việc đặt tiền lẻ lên tay tượng Phật.
Hồng Minh thực hiện