Sống chậm

Bạn hiền thân!
Tối hôm nay tôi có được một buổi tối làm biếng, tôi liền lau chùi lại bàn trà, nấu nước để chế một bình trà nóng. Đây là một niềm vui nho nhỏ mà thỉnh thoảng tôi vẫn rất thích, vì thế mà nó cũng trở thành một thói quen cho tôi. Thắp một ngọn nến nhỏ và ngồi yên để thưởng thức một bình trà nóng đem lại cho tôi rất nhiều bình an. Tôi không phải là một kẻ say trà hay thích uống trà như bao người khác. Chỉ khi nào có được một chút không gian và thời gian vừa đủ để cho tôi thảnh thơi thì tôi mới uống trà. Bởi vì những lúc như thế tôi thưởng thức được từng ngụm trà một cách trọn vẹn. Cũng vì vậy mà những ngày được làm biếng là những khoảng thời gian hạnh phúc cho tôi, tôi có cơ hội để trở về chơi với chính mình. Bạn có biết ngày làm biếng là gì không? Đó không phải là “nhàn cư sinh bất thiện” đâu nhé! Thời gian làm biếng cũng được hiểu như là thời gian nghỉ ngơi công việc ở sở làm, ngày nghỉ học vào chủ nhật hay thứ bảy của các bạn học sinh, sinh viên. Trong những ngày đó mình có dịp để làm những việc mà mình yêu thích. Đối với chúng tôi, những người tu sĩ sống trong tu viện thì những ngày làm biếng là những khoảng thời gian để thực tập đem lại tự do, thảnh thơi cho mình nhiều hơn. Không có chương trình sinh hoạt chung mà mỗi người sẽ có chương trình tùy theo sở thích của mình.

alt

 

Bạn là một người làm việc ở công sở, hay đang là sinh viên, học sinh và mỗi ngày bạn đều có chương trình để làm việc hay học tập. Nhưng nhiều khi mình bị chương trình đó kéo đi và mình không cảm thấy có tự do, không có thời gian để thở. Nếu chương trình đó càng nhiều thì mình có thể trở thành một người bận rộn cho việc học hay công việc. Không chỉ có các bạn đang bận rộn mà có rất nhiều các giáo viên, bác sĩ, kỹ sư … cũng đang bận rộn. Càng có nhiều chức vụ, quyền hành thì có thể càng nhiều bận rộn. Cũng có những người bạn tu đang bận rộn, bận rộn với thời khóa tu học hay những công tác khác. Người này bận rộn vì người kia cũng đang như vậy. Vì vậy mà càng ngày chúng ta không còn thấy những người có được những chất liệu nhẹ nhàng, thanh thoát. Xã hội của chúng ta có rất nhiều người đang mắc cái bệnh đó. Người lớn bận rộn đã đành mà trẻ em lên năm, lên sáu cũng đang bị bận rộn. Chỉ mới vào lớp một, lớp hai thôi mà chương trình học ở trường cũng như ở nhà của các em quá nhiều. Lý do là vì cha mẹ các em muốn các em sẽ là một học sinh giỏi, có nhiều tài năng. Vì thế mà các em không có nhiều thời gian để chơi với cái tuổi thơ hồn nhiên của các em.

Bạn có biết bận rộn là gì không? Bận rộn là không có mặt cho mình, không có mặt cho người mình thương và không có khả năng để thưởng thức sự sống. Mình bận rộn với công việc, làm thêm nhiều thời gian để kiếm tiền nhưng cuối cùng nâng bát cơm lên và ăn chưa đầy năm phút. Thật là uổng. Mình chỉ biết lo cho sự sống mà không có khả năng để thưởng thức sự sống. Trong mỗi giây phút sự sống cho mình rất nhiều điều quý giá nhưng mình không có khả năng thưởng thức.

Đối với một cái gì thì cũng đều cần có sự tinh tấn, cần mẫn hay chăm chỉ và bạn cũng đã nghe rất nhiều những câu nói như vậy. “Có công mài sắt có ngày nên kim” hay “thành công không bao giờ đến với những kẻ lười biếng”... Nhưng tôi thiết nghĩ là nếu siêng năng tinh tấn đến nỗi không có thời gian để có mặt cho người mình thương thì đó chưa phải là siêng năng đúng mức.

Tối nay, sau khi thưởng thức hai ly trà xong thì có hai sư em tôi vào chơi, một sư em người Thái và một sư em người Pháp. Thấy không khí tĩnh lặng quá thành thử hai sư em cũng ngồi đó và  thưởng thức trà rất hết lòng. Thường thì mỗi khi uống trà tôi chỉ thích thắp nến thôi. Ngọn nến chỉ đủ sáng để pha trà và nhìn rõ mặt những người xung quanh. Ánh sáng càng nhỏ thì mình càng dễ trở về có mặt cho mình, cho trà, cho những người bạn của mình hơn. Ánh sáng càng rộng thì con mắt của mình dễ bị phân tán bởi những thứ xung quanh. Chúng tôi ngồi uống trà và có mặt cho nhau. Chỉ nói với nhau vài câu nhưng câu nào cũng chứa đựng được nội dung bên trong. Trong một không khí bình an như vậy thì tôi thấy mình không dại gì mà nói những câu không có nội dung.

Trên mỗi một con đường thì đều có những đoạn đường nguy hiểm mà người lái xe phải biết. “Bận rộn” là một trong những đoạn đường nguy hiểm nhất trong cuộc sống, những lúc ấy mình không biết mình đang làm gì, nói gì nữa. Nếu bạn là một người biết lái xe ô tô hay xe máy thì chắc hẳn bạn biết cái biển báo hình “con rô”, ở giữa màu vàng và xung quanh thì màu trắng. Biển báo đó có ý nghĩa nhắc bạn là “hãy cẩn thận”, cũng giống như khi đi qua ngã tư mà có dấu hiệu đèn vàng vậy. Nếu bạn là một người lái xe giỏi, hay không giỏi thì điều đầu tiên mà bạn có thể làm là giảm tốc độ và đi chậm lại khi gặp phải những đoạn đường đó, bởi vì bạn không biết chuyện gì có thể xảy ra. Gặp biển báo đó mà bạn còn chạy nhanh thì bạn chưa phải là một người lái xe giỏi. Cũng giống như vậy, bạn là một người đang bận rộn, vì bận rộn cho nên bạn có thể đang tạo ra khó khăn, khổ đau cho chính mình và cho những người xung quanh qua lời nói và hành động của chính bạn. Đem khổ đau, khó khăn đến cho người khác đó là điều mà bạn không muốn. Bạn muốn dừng lại!? Điều cần thiết trước nhất là tập sống chậm lại. Bạn có thể sắp xếp công việc hằng ngày như thế nào để mình có thời gian được dừng lại và thở, có thời gian để đi từng bước chân thảnh thơi, có thời gian để thưởng thức một bát cơm, uống một ly nước mát hay ngồi có mặt cho người mình thương. Chỉ khi nào bạn biết giảm tốc độ sống chậm lại thì bạn có cơ hội để thưởng thức và trân quý sự sống. Điều này cũng có nghĩa là bạn sẽ biết mình nên làm gì và không nên làm gì để đem hạnh phúc đến cho những người xung quanh.

Bạn biết không? Sống trong tu viện, một ngày tôi cũng có hai mươi bốn tiếng đồng hồ như bạn vậy, nhưng hai mươi bốn tiếng đồng hồ đó đối với tôi thật quý giá. Tôi được dạy mỗi khi thức dậy vào sáng sớm thì đọc thầm bài kệ “thức dậy”:

Thức dậy miệng mỉm cười
Hăm bốn giờ tinh khôi
Xin nguyện sống trọn vẹn
Mắt thương nhìn cuộc đời

Đây là một bài kệ rất hay mà bạn có thể sử dụng, dù bạn là một người thuộc các tôn giáo khác hay không phải là phật tử. Hai mươi bốn tiếng đồng hồ là một món quà của cuộc sống hiến tặng cho bạn mỗi ngày, bạn có khả năng mĩm cười hạnh phúc để đón nhận không? Bạn có thưởng thức sự sống mầu nhiệm đang có mặt trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ đó không? Điều đó tùy thuộc vào sự ưa thích của bạn. Mắt thương là con mắt biết trân quý sự sống. Bài kệ này là một sự nhắc nhở cho bạn. Bạn nên “thức dậy” để sống cho hạnh phúc.

Bạn có biết vì sao tôi và các anh em tôi sống trong tu viện mà có nhiều thời gian làm biếng không? Trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ đó, anh em tôi cũng làm việc, nấu cơm, quét dọn, cũng có lớp học, tổ chức khóa tu cho các bạn thiền sinh, thời gian còn lại chúng tôi không dùng nó để xem tivi, chơi điện tử, đi đến các quán cà phê hay vũ trường… Thời gian còn lại đó chúng tôi dùng để trở về chăm sóc thân tâm, lắng nghe, có mặt cho chính mình và cho các anh em nhiều hơn. Và vì có nhiều thời gian rãnh nên chúng tôi cũng làm những công việc trên thong thả hơn. Nếu không có sự thông minh trong việc sử dụng những tiện nghi vật chất đó thì bạn sẽ không có nhiều thời gian để mà sống cho có tự do. Bạn có thể sẽ bị vướng mắc vào nhiều thứ.

Bạn có biết là ở Tây phương hiện giờ nghệ thuật sống chậm, sống có hạnh phúc trong giây phút hiện tại đang được mọi giới yêu thích và mến mộ không? Vì mãi mê đi theo đà phát triển và chạy theo cuộc sống mà ở Tây phương người ta đã không có thời gian để có mặt cho nhau và thưởng thức sự sống. Phần lớn đã trở thành những người bận rộn, mà những người bận rộn thì khó mà có hạnh phúc. Nhiều người trong số đó, đặc biệt là người trẻ họ không biết ý nghĩa của cuộc sống là gì. Vì vậy mà họ không có được một hướng đi sáng đẹp trong cuộc đời. Họ “bị sống” hơn là “được sống”. Và bây giờ nhờ sự có mặt của văn hóa Đông phương, đặc biệt là thiền tập trong Phật giáo nên người Tây phương đang có sự trở về. Một trong những giáo lý căn bản của đạo Bụt có khả năng thu hút sự thực tập của người Tây phương đó là “Hiện Pháp Lạc Trú”, (sống an trú, hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại). Mỗi ngày bạn có thể tập sống chậm lại một chút để có cơ hội thưởng thức sự sống trọn vẹn hơn. “Sống chậm” ở đây không có nghĩa là chậm rề rề như một người không bình thường mà chậm nơi sự có mặt trong giây phút hiện tại để thưởng thức và trân quý sự sống. Nếu bạn thấy tốc độ sinh hoạt cuộc sống của bạn nhanh quá, bạn không có đủ thời gian để thưởng thức một bát cơm trong hạnh phúc, không có đủ thời gian để thấy hạnh phúc khi được bước một bước chân trên mặt đất thì bạn giảm tốc độ đó xuống một chút, khi nào thấy vừa đủ thoải mái thì rất hay.

Sống trong một xã hội đang phát triển, mọi người đang bị cuốn theo vòng xoáy của cuộc sống, bạn hãy biết rằng bạn có thể cũng sẽ là như vậy. Bạn nên tận dụng những thời gian rảnh của mình mà thực tập làm biếng. Đừng có lỡ hẹn với sự sống. Đó là điều đầu tiên mà bạn có thể làm được để bạn không bị trở thành “một người bận rộn”.

 

Xóm Thượng, An Cư Mùa Đông - 2009

Thầy Minh Hy