Tìm về quan niệm “Khổ đế” qua thơ Xuân Diệu

Đầu những năm 30 của thế kỷ XX, nền văn hóa Việt Nam diễn ra cuộc đổi mới thơ ca mạnh mẽ - phong trào thơ mới. Với cá tính sáng tác độc đáo, những tác  phẩm đặc sắc, cuộc cách tân thơ ca này đã để lại trong lòng công chúng những tên tuổi bất diệt trong đó nổi bật nhất với cái tên Xuân Diệu [1].

Được mệnh danh là “ông Hoàng thơ tình” của Việt Nam, qua thơ ca Xuân Diệu đã đưa người đọc cảm thụ từng cung bậc tình cảm khác nhau. Lúc thì dào dạt tuôn chảy đến tan cả đất, trời, lúc thì hờ hững đến lặng câm và lúc lại đầy suy tư triết học. Những mảng đối lập đầy màu sắc ấy đã làm tên tuổi của một Xuân Diệu hừng hừng khí thế của tuổi trẻ dám sống, yêu hết mình và cũng làm nên một Xuân diệu đầy khắc khoải, sư tuy khi bước sang một lãnh địa khác – lãnh địa tôn giáo.

XD (1).jpg

Khổ bởi….”dại khờ”

Nhận định về thế giới nhân sinh với một chuỗi liên hoàn các Khổ khổ - Hành khổ - Hoại khổ, nhiều người cho rằng đạo Phật là đạo yếm thế nhưng không vì thế mà đạo Phật cần được minh oan hay biện bạch. Rất nhiều các học giả, hành giả, các nhà khoa hoc, các nhà thơ, văn ...đã bằng mọi phương tiện của mình đến để trải nghiệm những gì mà Đức Phật đã từng tuyên thuyết “Này các Tỳ Kheo xưa cũng như nay Như lai chỉ nói có hai điều đó là sự đau khổ và cách diệt khổ”[2]... Cứ nghĩ rằng khoa học phát triển con người ta có thể đặt chân lên mặt trăng thì chắc hẳn đời sống của chúng sinh sẽ luôn hạnh phúc, luôn vui như Tết, thế nhưng càng ngày con người ta lại càng phải “gồng gánh” thêm nhiều nỗi khổ. Ngoài những nỗi khổ mà bất cứ ai dù sang, hèn, chậm lụt hay thông minh đĩnh ngộ đều phải nhận lãnh như khổ về sinh, già, bệnh, chết; khổ vì phải xa người mình thương yêu và gặp gỡ người mình ghét bỏ. Khổ vì lòng mong cầu không được toại ý, khổ về sự thiêu đốt của các giác quan trên thân ngũ uẩn...những sự khổ này thường trực trong mỗi chúng ta trong suốt cuộc đời đó là những nỗi khổ về chánh báo. Còn những nỗi khổ về Y báo chỉ cho cõi nước mình đang ở như mất mùa, bão lũ, hạn hán, động đất, núi lửa, ôn dịch bệnh tật...

Với Xuân Diệu quan niệm về khổ đế của ông đã được chính ông “lập trình” bằng chất liệu của những năm tháng tan mình trong cuộc buồn đau trên cõi thế. Ông nhìn nhận sự khổ của chúng sinh ở đời bằng chính con mắt của người trong cuộc bể dâu, của người đã bước qua ranh giới giữa mê và ngộ. Ở thơ Xuân Diệu, mọi khổ đau đến với chúng sinh là do sự thấy biết sai lệch, sự si mê vắng bóng của trí tuệ mà ông đã không ngần ngại gọi là “Dại khờ”. Điều này nhà Phật gọi là Tà kiến - sự thấy biết sai lệch đối lập với chánh kiến là sự thấy biết đúng đắn:

Người ta khổ vì thương không phải cách,
Yêu sai duyên và mến chẳng nhằm người ...
Có kho vàng song tặng chẳng tùy nơi
Người ta khổ vì xin không phải chỗ.”

Nêu lên nguyên nhân của những nỗi khổ chính là do thái độ, quan niệm, cách ứng xử của mỗi cá nhân thuộc phạm trù văn hóa; Xuân Diệu đã ngầm bảo cho mọi người rằng cách thể hiện tình cảm, cách mà nhân loại yêu nhau thiếu hẳn bóng dáng của trí tuệ, của sự hiểu biết. Từ sự thiếu hiểu biết này mà con người ta phải đón nhận những bi kịch, những bi kịch mà con người ta đều phải mang hai vai vừa là đạo diễn vừa là diễn viên. Nhằm mang đến cho chúng sinh một đời sống hạnh phúc, an lạc trong kinh Thiện Sinh [3], Đức Phật đã chỉ rõ cho chúng sinh cách giao tiếp ứng xử với các mối quan hệ thuộc phạm trù cha mẹ đối với con cái, vợ với chồng, anh em với nhau, thầy với trò ...và ngược lại. Rõ ràng, sự có mặt của hiểu biết, cảm thông, và tôn trọng đã làm tạo nên một giá trị đạo đức nền tảng, mất đi các giá trị đạo đức nền tảng, cách ứng xử văn hóa chúng sinh sẽ rơi vào đau khổ, rơi vào cảnh tăm tối si mê.

XD (2).jpg

Nhà thơ Xuân Diệu

Biết bao bà mẹ, ông bố cứ nghĩ rằng thương con là phải chu cấp cho con đầy đủ vật chất, thương con là phải cho con có được địa vị, danh vọng lẫy lừng, họ kỳ vọng vào con cái như kỳ vọng vào một đấng thần linh mà không hề biết tới cảm xúc, suy nghĩ của con cái. Và những đứa con, khi không muốn bị coi là “vật hiến tế” đã âm thầm hoặc công khai phản kháng lại sự áp đặt của cha, mẹ sẵn sàng đi bụi, dạt vòm. Đấy là cái cách mà chúng sinh đã thương nhau, còn yêu nhau ? Biết bao anh chàng, cô nàng tự nguyện đến với nhau theo quy ước “nhà mặt phố bố làm to” chỉ vì họ nghĩ đơn giản rằng vật chất sẽ bù đắp cho họ những thiếu hụt. Những bất đồng về quan điểm, văn hóa, sở thích sẽ được lấp đầy nếu như họ có tiền, có quyền, có danh thơm tiếng tốt... Nhưng tạo hóa thật trớ trêu, dù đã có những đứa con - sợi dây ràng buộc hữu hiệu, song họ vẫn cứ chia tay nhau, vẫn cứ giẫm đạp lên nhau không hề tiếc nuối. Và kết quả thì chính những đứa con của họ bị tổn thương, bị tổn thương vì chúng biết chúng được sinh ra từ lòng ích kỷ, từ dục vọng của người lớn, từ những âm mưu toan tính của loài người.

Và như thế cuộc hành trình đi đến nỗi khổ của loài người cứ mãi dài ra không hạn lượng:

“...Có kho vàng nhưng tặng chẳng tùy nơi
Người ta khổ vì xin không phải chỗ...”

Khi viết những vần thơ này, chắc hẳn Xuân Diệu đã phần nào liên tưởng đến bi kịch mang tính thời đại của cả một giai kỳ lịch sử An Dương Vương – Thục Phán (257 -179 B.C) mà Tố Hữu đã than thở cùng năm tháng:

“...Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu
Trái tim nhầm chỗ để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu [4]...”

Rõ ràng chúng ta thấy tình cảm của con người bất kỳ là tình cảm nào anh, em, bằng hữu, cha mẹ con cái ...cho đến tình đồng bào, tình yêu quê hương đất nước nếu đặt để vào mục đích riêng tư, vị kỷ thì nhất định thứ tình cảm đó không thể lâu bền, không thể là nền tảng để duy trì các mối quan hệ xã hội. Mỵ Châu vì tình riêng của mình mà vô tình đã đem cả cơ nghiệp mà vua cha đã dày công xây dựng để “tặng” cho Trọng Thủy, chắc hẳn khi “tặng” nó cho Trọng Thủy, Mỵ Châu chỉ vô tư nghĩ rằng nàng đã làm được một việc tốt, nàng sẽ hạnh phúc vì điều đó; nhưng nàng đâu ngờ rằng chỉ có một Trọng Thủy là vừa lòng toại ý còn trăm họ phải rơi vào cảnh lầm than.

Nỗi lòng từ những cuộc bể dâu

Theo nhà Phật mọi hiện tượng tự nhiên, thiên nhiên trong vũ trụ đều đi theo con đường của Nhân – Qủa. Để có được mặt trời phải trả giá bằng hoàng hôn. Đó là chân lý bất di bất dịch. Hòa bình là niềm mơ ước của bao người tuy nhiên để có được nền hòa bình đó thì chúng ta đã phải trả một giá bằng máu, xương, nước mắt, và sinh mạng của biết bao người. Thơ ngoài chức năng thẩm mỹ, nó còn mang trên mình nó một chức năng khác là giáo dục, định hướng, điều này lý giải vì sao có người chỉ nghe một câu kệ, một ý thơ là giác ngộ. Không biết Xuân Diệu đã giác ngộ được những ý chỉ gì từ Phật giáo nhưng nếu như được chứng kiến cảnh cứ mỗi dịp thi cử, mỗi dịp xuân về, hội hè đình đám, hay rằm tháng bảy... thì lũ lượt từng đoàn người “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”[5] đến cầu tài, cầu lộc, cầu thăng quan tiến chức, cầu lương duyên tốt đẹp...dựa trên những yếu tố không phải tự thân thì chắc hẳn Xuân Diệu sẽ mỉm cười hài lòng khi những vần thơ mà mình viết ra năm xưa đã chẩn trị đúng “bệnh” của chúng sinh thời hiện đại. Và như thế dù muốn hay không muốn Xuân Diệu cũng đã phần nào lãnh ngộ được đại ý của Phật Pháp khi biết rằng cái mà Đức Phật hay bất cứ một vị thần linh nào cho chúng sinh không phải là những cái mà chúng sinh cầu cạnh, van xin. Vì cơ chế xin – cho phải gồm hai đối tượng người đi xin và kẻ cho; xin không được gây oán hờn, cho không đúng gây trách cứ và như vậy những nỗi khổ về cơ chế “xin không phải chỗ” của chúng sinh cứ mãi chất chồng:

Đường êm quá ai đi mà nhớ, ngó
Đến khi hay gai nhọn đã vào xương
Vì thả lòng không kiềm chế giây cương
Người ta khổ vì lui không được nữa

Biết bao bậc công hầu khanh tướng, biết bao nữ tú, nam thanh chỉ vì một phút nông nổi nghĩ suy, chỉ vì một giây không định hướng đã tự bế mạc cuộc đời mình. Ai mà không biết tác hại của Nàng tiên nâu, ai mà không thuộc lòng khẩu hiệu “ma túy đừng thử dù chỉ một lần”, ai mà không biết những cám dỗ chết người của lợi, danh, tài, sắc..., thế nhưng mãnh lực của nó quá lớn, sự hấp dẫn của nó quá ngọt ngào, vi tế và thế là người ta vẫn cứ lao theo nó như lao xuống vực sâu. Chỉ khi chợt giật mình tỉnh mộng, biết được những hư danh phù phiếm chỉ là bọt biển, sóng xô thì lúc đó đã quá muộn màng không thể trở lui được nữa. Và như thế, cuộc hành trình chỉ đơn độc còn lại con người phải loay hoay, vác mang những nỗi khổ; khổ về sự hối hận muộn màng, sự ăn năn tiếc nuối đến khôn nguôi.

XD (3).jpg

Ảnh minh họa

Thơ của Xuân Diệu là thế đấy luôn nói hộ nỗi lòng của chúng sinh trong cuộc bể dâu. Vì tài năng của mình mà bao người được vinh danh, nhưng cũng vì tài năng của mình mà bao người bị lôi vào những âm mưu đen tối mà chính bản thân họ không hề đoán định. Người đời chỉ biết nguyền rủa họ, lên án họ xong lại chẳng thể biết được rằng bản thân họ cũng rất khổ “khổ vì lui không được nữa”. Xuân Diệu bằng mỹ cảm của người say thơ nhưng lại bằng cảm nhận của con tim trần thế đã khắc họa một cách tài tình những góc khuất nhất của tâm lý con người. Ranh giới giữa cái thiện và cái ác qua mong manh. Khi tâm chúng ta chưa đủ lớn để bao dung và tha thứ cho những lỗi lầm thì con người vẫn cứ phải gánh chịu thêm nhiều  nỗi khổ, nỗi khổ về lòng mong cầu không được toại ý, khổ về ước mơ mãi chỉ là ước mơ chưa bao giờ thành sự thật:

Những mắt cạn cũng cho rằng sâu chứa,
Những tim không mà tưởng tượng tràn đầy.
Muôn nghìn đời tìm cớ dõi sương mây
Dấn thân mãi để kiếm trời dưới đất
Người ta khổ vì cố chen ngõ chật,
Cửa đóng bưng nên càng quyết xông vào
Rồi bị thương người ta giữ gươm đao
Không muốn chữa, không chịu lành thú độc.”

Thật không hổ danh là ông hoàng thơ tình. Những rung động tâm lý, những mảnh vỡ hoàn hảo chất chứa từ nỗi lòng của những kẻ đang yêu đã được Xuân Diệu khéo léo lồng ghép khiến nó trở nên khắc khoải đến nao lòng. Nỗi khổ dai dẳng nhất của loài người là nỗi khổ bởi tư tưởng chấp thủ. Vì chấp thủ mong muốn mọi vật, mọi việc phải tuân theo ý mình, là cái của mình mà loài người đã không hề run tay khi cố công nhào nặn, biến tấu thế giới vật chất hữu hình và cả thế giới tình cảm vô tình lên bàn cân một cách không hề thương xót. Cũng bởi hy vọng vào tương lai khi không dựa vào thực tế đã khiến bao kẻ điên rồ, hoang tưởng. Với Đức Phật một tấm thân kiều diễm hay một thân thể khiếm khuyết cũng đều được cấu tạo bởi tứ đại, ngũ uẩn, nếu phân chất ra người ta sẽ không bao giờ tìm ra được thực thể. Vậy thì hà cớ gì chúng ta cứ phải “...khổ vì cố chen ngõ chật

đi tìm một hình bóng không có thật? để rồi phải hứng chịu những vết thương lở lói do chính chúng ta tạo nên bởi lòng ích kỷ, bởi sự ghanh gét tị hiềm... có cần thiết phải như vậy không khi ngoài kia cả một chân trời mới, với những sứ mạng cao cả đang chờ đón chúng ta!

Như một dấu chấm lửng, một khoảng lặng tiếc nuối bởi sự “Dại khờ” đến đáng thương, bài thơ khép lại một cách đột ngột và xoáy sâu vào lòng người đọc những suy tư triết học đầy thi vị. Nó như một lời nhắc nhở chúng ta trong mọi lúc, mọi nơi nếu chúng ta cương quyết giữ cho tinh thần không bị ràng buộc bởi những ham muốn vô lý là chúng ta đã có được Chánh kiến. Sự thấy biết đúng đắn này giúp chúng ta phá tan được mọi ham mê và ảo tưởng không bị rơi vào ngục tù của chính chúng ta. Không phải rơi vào những nỗi khổ mà thi sĩ Xuân Diệu đã khắc họa qua bài thơ “Dại khờ” trên.

 

Linh Thuần

[1] Xuân Diệu (1916 – 1985) là nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới, được mệnh danh là Ông hoàng thơ tình của Việt Nam. Thơ Ông đã diễn tả một cách chân thực mọi khía cạnh tâm lý, mọi cung bậc xúc cảm rất đời, rất người về cách yêu cách nghĩ cũng như về lẽ sống. [2] Trích: Trung Bộ Kinh T.1, bản dịch của HT. Thích Minh Châu. [3] Kinh Thiện Sinh còn gọi là Kinh Giáo thọ Thi Ca la Việt(Singàlaka) hay Kinh lễ bái 6 phương, nằm trong Trường Bộ Kinh & Trường A Hàm Kinh trong đại tạng Kinh do HT.Thích Minh Châu chuyển dịch. [4] Trích: lời thơ trong bài “Tâm sự” của Tố Hữu. Tố Hữu tên thật Nguyễn Kim Thành (1920–2002) là một nhà thơ tiêu biểu của dòng thơ cách mạng Việt Nam. [5] Trích: “Truyện Kiều” - Nguyễn Du (1765–1820) tên tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên, biệt hiệu Hồng Sơn Lạp Hộ, là một nhà thơ nổi tiếng thời Lê, thơ Ông chính là tiếng lòng của con người trên cõi thế, là tiếng thở của muôn kiếp sinh linh.