Về làng

Thế là mùa An Cư Kiết Đông năm nay tôi lại được qua Pháp, về Làng.

Ủa, sao Pháp là “qua”, mà Làng lại là “về”?

Âm thanh của bốn tiếng này chạy qua đầu một cách rất tự nhiên, không hề sắp xếp hay suy nghĩ, nhưng nó chạy qua rồi, mới nhận ra.

Có phải chữ “về” thường để chỉ nơi chốn thân thương, ấm cúng, nơi có những người chờ đợi, hoặc nơi chính ta mong đợi? Đi làm về (nhà). Ra tỉnh về (quê). Mới ở xa về (gia đình) v.v…

altNhưng Làng Mai là ở nước Pháp, là xứ người chứ có phải làng xóm ở quê hương mình đâu, sao hai tiếng “Về Làng” lại hiện lên, gần gũi và ấm cúng như thế?

Ôi là cái tâm phân biệt rắc rối này! Thử nhắm mắt lại, thở và cười đi! Thế thôi. Rồi cảm nhận những cảm thọ thuần khiết, tinh khôi từ trái tim rộng mở, xem sẽ thấy gì nào! Thở. Cười. Thở. Cười. Về Làng. Thở. Về Làng. Cười. Cả không gian mênh mông vô tận đang mở ra cùng với thở và cười …

Thì ra đơn giản quá! bước chân lữ thứ đang Về Làng vì nơi đó có tình thương, có sự hiểu biết, có lòng từ bi, có sự chia sẻ, có dạy dỗ, có chăm sóc, có học hỏi, có hòa đồng, có hoa biết thở, có lá biết cười, có chuông nhắc nhở, có chim thuyết pháp, có suối biết đàn …Người và vạn hữu nơi đó như quyện vào nhau từng giây từng phút để cùng tỉnh thức, để cùng thăng hoa trong mỗi sát na. Những nơi như thế luôn gọi ta về, gọi thầm lặng bằng chính bản chất kỳ diệu từ nơi ấy chứ chẳng hề cần tới hành động, ngôn ngữ nào. Những nơi như thế, dù ở bất cứ đâu trên đại địa, dù bất cứ tên gọi là gì, nơi đó cũng đều là Quê Hương Tâm Linh với những ai khẩn thiết đi tìm dòng suối ngọt giữa sa mạc khổ đau sinh tử và khô cạn tình người.

Hai năm rồi, nay tôi lại được Về Làng. Chuyến bay dài, từ Los Angeles, Hoa Kỳ, đáp xuống phi trường Charles De Gaulle (CDG) Paris, rồi từ đó chuyển máy bay tới Bordeaux. Tại đây, tôi may mắn được anh Guy Pasteur, người hai năm trước đã đón tôi. Nay, Sư Cô Chân Không điện thư bảo “Nếu em đến Bordeaux lúc 6 giờ chiều thì anh Guy Pasteur đã đi làm về, có thể lại đưa em về Làng được đó”. Cùng với điện thư khuyến khích này, sư cô cho tôi số điện thoại của anh. Rồi, giữa sự “sợ làm phiền”“liều mạng tìm đường xe lửa khi trời đã tối”, tôi vì nhát gan nên đã chọn sự “làm phiền”. Nhưng giọng nói vui vẻ từ đầu giây bên kia khi tôi gọi tới, đã cho tôi niềm an tâm là anh rất hoan hỷ giúp tôi, không có chi phiền cả. Anh còn bảo, sẽ ghi rõ trên cuốn lịch, ngày giờ tôi xuống phi trường, để tôi đừng lo anh quên.

Cám ơn anh Guy Pasteur. “Un lotus pour vous. Bouddhas-en-devenir”

Lần trước, khi xuống phi trường CDG, tôi chỉ có 25 phút để chạy ra chuyến bay đang chờ sẵn ngoài phi đạo, đi Bordeaux, nên không hề nhìn ngang ngó dọc gì ở CDG cả!

Lần này, tôi có những hai tiếng đồng hồ thảnh thơi giữa hai chuyến bay nên thong thả ghé quán, mua một ly cà phê rồi bắt đầu “nhàn cư vi bất thiện!” Bất thiện đây là cái tâm lang thang nhớ tưởng vẩn vơ chứ không phải là làm hành động bất thiện nào đâu!

Trong vòng gần mười năm qua, tôi đã từng dừng chân ở phi trường CDG này dăm lần, mà lần đáng nhớ nhất là lần đầu tiên, được ông thầy người Pháp, dạy lớp Pháp văn ở Cerritos College dẫn 42 đứa học trò đủ mọi quốc tịch từ bên Mỹ sang Paris trong chương trình trao đổi sinh hoạt với sinh viên toàn cầu về tham dự.

Tôi là một, trong 42 đứa học trò đó. Chín năm trước, tóc cũng đã bắt đầu muối tiêu rồi, vậy mà còn vác cặp đến trường chen đua với lớp trẻ. Không biết tôi can đảm hay chỉ là “điếc không sợ súng”?

Ly cà phê đậm với hai tiếng đồng hồ nhàn hạ ở phi trường đã dẫn trí tưởng tôi lang thang về ký túc xá Fondation Deutsch nằm trong La Cité Universitaire, hiên ngang tọa lạc suốt mấy dãy đường, từ 1 tới 61 Boulevard Jourdan, trung tâm Paris. Nơi đó, tôi đã một mình được một căn phòng nhỏ trong suốt thời gian lưu trú. Rồi mỗi ngày, bước chân học trò từ đại lộ Raspail băng qua vườn Luxembourg để tới lớp Phonétique ở đường St. Jacque, thế nào chúng tôi cũng phải dừng ở quầy hạt dẻ nướng của ông già Ấn Độ để mua một túi hạt dẻ thơm lừng, vừa đi vừa bóc, vừa suýt xoa. Những giờ tan lớp từ Sorbonne ra thì không thể không ghé vào những quán sách dọc đại lộ St. Michel để mà lục lọi.

Chương trình của chúng tôi, chỉ học buổi sáng với thời khóa tùy theo mỗi lớp, ở mỗi địa điểm, còn buổi chiều thì nhóm nào theo thầy giáo của nhóm đó, đi tham quan, mà chúng tôi chơi chữ, gọi là “học đường”, nghĩa là học hỏi mọi thứ ở ngoài đường.

Giáo sư Roland Bellugue không chỉ là một ông thầy tận tâm mà còn là một hướng dẫn viên tuyệt vời. Chỉ với thời gian ngắn ngủi hơn một tháng, vừa học vừa chơi mà thầy đã dẫn chúng tôi đi cùng khắp những địa danh nổi tiếng. Tới nhà hát lộng lẫy Opéra Garnier xem vũ ballet, tới hội trường La Sainte Chapelle nghe giàn hòa tấu Les Archets de France trình diễn nhạc cổ điển, thăm các viện bảo tàng lớn, nhỏ quanh Paris, trong đó, tất nhiên không thể thiếu Louvre, nơi được nghiên cứu là, nếu mắt bạn chỉ dừng lại một phút trên mỗi tác phẩm trưng bầy ở đó thôi, thì cũng ít nhất một năm rưỡi mới nhìn hết! Chúng tôi chỉ ở đó từ sáng đến tối nên coi như … chưa nhìn được gì cả!

Những cuối tuần, chúng tôi được đi xa hơn. Lên xe lửa tới Versailles để thăm từng phòng vua chúa trong những lâu đài mênh mông, đi xe bus tới thành phố cổ Saint-Malo ven biển, chạy suốt sa mạc mênh mông để đến Le Mont Saint-Michel, rồi thăm Chateaux de la Loire với những lâu đài cổ và vườn hoa Villandry nổi tiếng, thăm từng ngõ ngách trong lâu đài rực rỡ Vaux-Le-Vicomte, vẫn còn được công nhận là một tuyệt tác nghệ thuật kiến trúc từ thế kỷ 17 đến nay.

Chúng tôi đã học và chơi thỏa thích, như không biết mỏi mệt, nhưng chặng dừng ở Normandie, khi đứng trên bãi cát của bãi biển Omaha, tôi đã bật khóc. Nơi đây. Ngay tại nơi đây. Ngay bờ cát này, đêm mồng 5 rạng ngày 6 tháng 6 năm 1944 quân đội đồng minh đã đổ bộ với đợt đầu 120,000 chiến sỹ cùng 20,000 chiến xa để quyết tử với lực lượng Đức Quốc Xã đang tham vọng làm bá chủ hoàn cầu!

Đó là ngày mang cái tên rất ngắn mà tinh thần, sự tổn thương và giá trị lịch sử lại rất dài, rất lớn: ngày D-DAY.

Lần đổ bộ để chiến đấu cho nền hòa bình và tự do toàn cầu đó, riêng Hoa Kỳ đã đóng góp 9,386 ngôi mộ tại đây, mà cho đến nay vẫn còn 307 bia đá được ghi là “Unknowns”!

Trang sử hào hùng và bi thảm này chưa bao giờ mờ nét trên dòng sử bất tận của nhân loại.

Hai tiếng đồng hồ ngồi chờ chuyến bay tới Bordeaux, đã làm sống dậy trong tôi bao cảm xúc bồi hồi về những cống hiến bi tráng cho lý tưởng Tự Do, Nhân Bản, Nhân Quyền. Những cống hiến này, dù nhìn dưới bất cứ lăng kính nào cũng không thể phủ nhận sự hy sinh và lòng dũng cảm.

Cảm xúc này cũng không thể không đưa tôi về quê hương, khi cả thế giới đều đã biết, hơn tám mươi triệu người Việt Nam vẫn đang sống trong sự kiềm tỏa của nhà nước. Bất luận làm gì, từ học hành, buôn bán, tu tập, đi đứng, nói năng, viết lách …nhất nhất đều qua sự kiểm soát của nhà nước. Nhà nước gật, thì được làm, nhà nước lắc, thì dẹp ngay. Những ai còn chần chừ chưa dẹp, sẽ mang tội, cái tội đã buộc nhà nước phải dối trá, phải đàn áp, thẳng tay hoặc dấu tay, trực tiếp hoặc gián tiếp!

Sự độc tài ở những xứ thiếu tự do vẫn luôn mơ hồ có cùng một lằn ranh mờ nhạt. Lằn ranh đó thường dừng lại trước một lãnh vực rất tế nhị và nhạy cảm. Đó là lãnh vực tôn giáo. Sử sách trên khắp thế giới đều chứng minh điều này. Người dân ở những xứ độc tài thường bị kiềm chế, cướp đoạt mọi thứ quyền căn bản, theo từng môi trường, từng lớp lang che đậy vụng về dưới nhiều chiếc mặt nạ. Nhưng, điều cuối cùng người dân phải mất và kẻ cầm quyền phải tự lột mặt nạ thì đa phần thường xảy ra ở lãnh vực tôn giáo. Điều đó nói lên sự tự do tôn giáo quan trọng đến thế nào.

Kẻ tham quyền, độc tài đảng trị cũng biết, nhưng lòng tham không dừng được thì vẫn là không, vẫn dẫm đạp lên đồng bào mình bằng tất cả sở trường của tàn nhẫn, nham hiểm, vô luân, lừa gạt … dù biết rằng khi người dân bị mất tới cái quyền thiêng liêng cuối cùng đó, là đã không còn gì để mất nữa!

Không còn gì để mất sẽ không còn gì để sợ!

Những gì cực đẹp và cực xấu sẽ hiển lộ nơi đây.

Lòng quặn thắt khi nghĩ tới những huynh đệ tôi chưa từng gặp nhưng đã như gặp tự kiếp nào. Cùng một mầu áo, một mầu khăn, chúng tôi đã may mắn được bước vào Nhà Như-Lai với tất cả tin yêu và hoài bão dấn thân cứu mình, giúp người. Chúng tôi đang hạnh phúc. Chúng tôi luôn hạnh phúc vì chúng tôi có thể thấy được bằng mắt, nghe được bằng tai, cảm được bằng tấm lòng, là những người tìm đến chúng tôi, hoặc chúng tôi tìm đến họ, để chia sẻ, để an ủi, để nâng đỡ, đều đã và đang được chuyển hóa. Chúng tôi thấy được nơi họ, sự khổ đau vơi đi và niềm vui nhẹ đến. Thế giới mới mẻ này là hiện thực, với những người thực, những cảnh thực chứ không phải huyền thoại, không phải truyện kể mơ hồ. Cũng không phải chỉ ở một nơi, một chốn, mà ở nhiều nơi, nhiều chốn, khắp năm châu bốn biển này, khi đoàn sứ giả Như-Lai từng đi qua.

Vậy mà, thảm thương thay, ngay trên quê hương của chúng tôi, tuổi trẻ Việt Nam và dân tộc Việt Nam đã không được hưởng! Vì thiếu chánh-tư-duy, những người nắm quyền sinh sát đã để sự hoài nghi, lo sợ dẫn tới tà kiến mà xô đuổi huynh đệ chúng tôi, đã để lòng tham lam ác độc của họ làm thui chột những mầm xanh hy vọng cho những giá trị đạo đức, luân lý, lễ nghĩa đã bị úng rã từ gốc rễ!

Những kẻ không sợ luật nhân quả, không tin sanh tử luân hồi thì không điều ác nào không thể làm. Kinh Pháp Cú dạy như thế. Là con Phật, chúng tôi tin như thế, biết như thế, nên chúng tôi đã thương xót họ. Huynh đệ chúng tôi đã không oán hận khi bị họ đánh đập, xô đuổi khỏi Bát Nhã dưới trời đêm, mưa lạnh và đói khát! Giáo pháp hiển lộ trong từng bước chân của huynh đệ chúng tôi nương tựa nhau, đỡ dìu và khích lệ nhau suốt đoạn đường 17 cây số khổ nhục đó để đến được nơi tạm trú.

Huynh đệ Bát Nhã của tôi ơi, thế giới đã bước theo các vị, không thiếu một bước nào. Mỗi bước đã qua là mỗi đóa sen trong lòng người cảm phục. Quý vị rất xứng đáng nhận sự cảm phục này, dù có khiêm nhường phủ nhận thì lòng người cảm phục cũng hiểu được tinh thần lời tôn giả Tu Bồ Đề thưa thỉnh Đức Thế Tôn, để nương theo mà nói rằng “không nói xứng đáng mới thực là xứng đáng”.

altHôm nay, tôi lại được về Làng.

Tôi biết, nơi xa kia, huynh đệ cũng đang Về Làng, dù địa danh Bát Nhã đã là huyền thoại, dù sự áp bức, truy lùng vẫn chưa ngưng. Huynh đệ đang thở và cười phải không? Chúng ta thở chánh niệm và cười an lạc vì biết rằng, không ai chặn được đường Về Làng của chúng ta khi ngôi làng đó đã vững trong tâm. Với thành quả cực kỳ mầu nhiệm mà huynh đệ vừa đạt được, tôi tin chắc, mỗi huynh đệ đã là một tu viện Bát Nhã. Và mỗi tu viện Bát Nhã sẽ tùy duyên xây dựng mỗi tăng thân.

Dẫu biết, và tin chắc như thế, tôi vẫn không ngừng cầu xin Chư Phật cho chúng ta có một ngày, tay trong tay, mắt trong mắt, cùng bước trên đường Về Làng, nơi mà đóa hoa nào, lá cỏ nào bên đường cũng biết thảnh thơi múa hát bài Bát Nhã Tâm Kinh.

 

Huệ Trân
(Làng Mai – Xóm Mới, cuối thu 2009)