Hoa sen nơi cõi lạ


altHoa sen nơi cõi lạ. Vẫn sống đời thong dong. Vì cội nguồn nhân quả. Ẩn một hồn phương đông. Lá  tròn  như  cánh lộng. Búp  nở  nụ  cười  hoa. Hạt sương mai rất mỏng. Rơi rụng đọng trên tòa. Bóng như lai thị hiện. Qua tâm cảnh  nên  thơ. Nở  nụ  cười  thánh thiện. Đẹp  như  lòng  bé  thơ. Mặt  hồ  im  ngái  ngủ. Làn  gió  lay  màn  xanh. Làm  lung  linh bóng rủ. Chút nắng vàng long lanh.  Hoa   sen   nơi   cõi   lạ. Vẫn sống đời như nhiên. Búp  hồng  bên  cánh lá. Đứng mĩm nụ cười hiền. Giọt nước trong như ngọc. Gió rung lòng ngất ngây. Khi  mặt  trời  mới  mọc. Hoa lồng bóng hiện bày. Lá xanh bông trắng hồng. Búp xinh như nhật nguyệt. Gối nghiêng đầu hư không. Mĩm nụ cười diễm tuyệt…

Nhớ lại những mùa hè năm xưa mỗi lần về làng, tôi hay ra ngồi bên hồ sen. Ngắm những búp sen vừa nhú lên khỏi mặt nước, cạnh những chiếc lá tròn trỉn như lòng chảo đang ngửa lên đón nắng gió của buổi sớm mai. Trên lòng những chiếc lá đang chứa những giọt sương đêm còn đọng lại. Màu xanh của lá, màu trắng của những hạt sương và mỗi khi làn gió thổi qua làm chao lượn những giọt sương lăn qua lăn lại trong lòng lá sen màu xanh non ấy, lấp lánh dưới ánh bình minh như những hạt kim cương trông thật đẹp.

Xen lẫn giữa những tàn lá sum suê, là những búp hoa sen mới vươn lên khỏi mặt nước, với màu sắc hồng nhạt, đang đong đưa trước gió như những chiếc lồng đèn con. Mủm mĩm như nụ cười e ấp của những thiếu nữ xuân thì. Khung cảnh ấy thật yên bình, khiến lòng tôi cảm thấy bâng khuâng, như quên đi cảnh sống bon chen của hiện tại. Những giây phút ấy đến bây giờ mỗi khi nhớ lại thấy thương nhớ làm sao.

Trong phút giây, cảm thấy lòng mình như đang gặp cõi an lạc nào.  Dưới ao sen, những lá sen, những búp hoa như đang nở nụ cười, như đang chan hòa một niềm vui vì không còn cảm thấy lạc loài nguồn cội, không bị cô đơn nơi cõi lạ. Vì bây giờ đã có người nhìn ngắm, đã có những người bạn đồng hành trên bước đường lưu lạc. Đang san sẻ cho nhau nỗi nhớ niềm thương, để cùng cảm thông trên bước muôn trùng.

Ở làng Mai xóm nào cũng có hồ sen, xóm thượng, xóm hạ, xóm mới và gần đây có thêm xóm Sơn Hạ với cảnh trí thật nên thơ. Có hồ nước lớn, có bóng liểu rủ và có những con đường nho nhỏ đi quanh rất xinh xắn. Không gian ở đây thật rộng khoáng mát và yên tĩnh đang trải dài theo những vườn nho bạt ngàn, những đồng hoa hướng dương khoe sắc đang vươn vai ra ngoài vô tận. Trải dài thêm những nương bắp đậu xanh tươi, nhà cửa thưa thớt, người dân hiền hòa, thật là một cảnh thanh bình. Thật là một khung trời mơ ước cho những ai đã trải qua bao cảnh thăng trầm, long đong của một quê hương chìm ngập trong tang thương, ly tán... Khung cảnh đã vậy thêm nếp sống con người cũng hồn nhiên như cây cỏ. Những Tăng Ni sinh đang tu tập tại đây cũng mang một sắc màu thanh tịnh. Phần đông tuổi còn rất trẻ, đang sống một cuộc sống lý tưởng là đem tình yêu thương để ban phát muôn phương.

Hoa Sen người Tàu gọi là Liên Hoa, còn nhiều tên nữa như Hà Hoa (Hà trì là đầm sen hay ao sen). Tây gọi là Lotus. Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, là bậc nhất trong các Kinh Pháp khác mà Phật đã thuyết, cũng ví như hoa sen.

Vì hoa sen sánh với hoa khác có 5 điều đặc biệt:

1) Có hoa là có gương: nhân quả đồng thời.

2)  Mọc trong bùn lầy mà vẫn trong sạch thơm tho.

3)  Cọng hoa từ gốc tách riêng không chung cành với lá.

4)  Ong và bướm không bu đậu.

5)  Không bị người dùng làm trang điểm

(xưa đàn bà Ấn Độ quen dùng hoa kết thành tràng để đeo). (thích nghĩa của dịch giả Thích Trí Tịnh).

Hoa sen có xuất xứ từ bên Thiên Trúc, bây giờ là Ấn Độ gồm có 4 loại: Loại mang tên Ưu-bát-la có hoa màu xanh. Loại Câu-vật-đầu hoa màu vàng. Loại Ba-đầu-ma hoa màu đỏ. Loại Phân-đà-lỵ hoa màu trắng.

Trong Tứ Thập Nhị Chương kinh, Đức Phật Thích Ca có dạy rằng: Bực Sa-Môn sấn mình vào cõi ô trược nầy, phải gìn giữ thân ý như hoa sen mọc dưới bùn mà chẳng dính nhơ. Đối với hàng phụ nữ, phải có tư tưởng đứng đắn nầy: Già thì coi như mẹ, lớn tuổi hơn thì coi như chị ruột, nhỏ tuổi hơn thì coi như con gái mình. Bởi hoa sen là hoa chẳng nhiễm trược, cho nên Đức Phật lấy đó mà làm biểu hiệu. (Sa-Môn theo âm Phạn là Sa-môn-na (Sramana) có nhiều nghĩa: Căn giả là người luôn làm điều thiện. Tức giả là người dứt bỏ các nghiệp ác. Bần giả là người chịu thiếu, chịu nghèo, chẳng có của cải, chẳng có gì gọi là của mình. Sa-Môn là tiếng gọi những người xuất gia theo đạo Phật.)

Tịnh độ tông cũng lấy hoa sen biểu hiệu cho nơi chốn thanh tịnh trang nghiêm. Trong ao Thất Bảo ở cõi Cực lạc cũng có đủ 4 loại hoa sen ấy, mỗi loại đều tỏa ra hào quang với màu sắc tuyệt đẹp. Mùi hương thơm dịu và tinh khiết.

Trên bàn thờ Phật, dùng hình tròn bằng phẳng của hoa sen, trên ấy có tượng Phật, tượng Bồ Tát gọi là Liên Đài (Đài Sen, Tòa Sen) (theo Tự điển Phật Học của Đoàn Trung Còn).

Trong thập chủng đại nguyện của Ngài Phổ Hiền Bồ Tát, nguyện hồi hướng cho chúng sinh cũng có đoạn:

Nguyện sanh Tây phương Tịnh độ trung,

Cửu phẩm Liên hoa vi phụ mẫu,

Hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh,

Bất thối Bồ tát vi bạn lữ ...

Vào thời cuối nhà Đường, nhà sư Lục Quy Mông diễn tả nét đẹp của hoa sen qua bài thơ Bạch Liên, có những câu như :

Cố vỉ da mông biệt diễm khi

Thử hoa đoan hợp tại Dao Trì...

(Đừng nên xem thường hoa trắng, che lấp nét đẹp đặc biệt. Hoa nầy kết hợp đầu tiên tại cõi Dao Trì (chú thích HTL)

Dùng hoa sen để diễn tả cảnh vô thường trước vạn vật, chỉ thời gian thấm thoắt thoi đưa, Nguyễn Du cũng đề cập trong Truyện Kiều:

Sen tàn, cúc lại nở hoa

Sầu dài, ngày vắn, đông đà sang xuân...

Trong Gia đình Phật tử Việt Nam, dùng hoa sen để làm huy hiệu, với tám cánh, năm cánh trên tượng trưng cho các hạnh: Tinh tấn, Hỷ xã, Thanh tịnh, Trí huệ và Từ bi và ba cánh dưới chỉ Phật, Pháp, Tăng (tức là Tam Bảo). Với bài ca của Gia đình: Kìa xem đóa sen trắng thơm. Nghìn hào quang chiếu sáng trên bùn. Hình dung Bổn sư chúng ta, lòng từ bi, trí giác vô cùng. Đồng thệ nguyện một dạ theo Phật. Nguyện sửa mình ngày thêm tinh khiết. Đến bao giờ được tày sen ngát, tỏa hương thơm Từ Bi tận cùng.

Trong các đoàn đội của Gia đình, cũng lấy hoa sen đặt tên hiệu. Như Đoàn Sen Trắng, Đội Sen Vàng ...

Hay bài hát Em Đến Chùa :

Một hôm mồng một đến chùa.

Em đi với mẹ mua vài hoa sen.

Đến chùa dâng cả hồn em.

Lên trên Đức Phật lòng em kính thành...

Ôi đẹp làm sao, một tâm hồn son trẻ trinh trắng, như đóa hoa sen kia em dâng lên lời nguyện. Em nguyện cho tâm hồn trinh nguyên nầy, được mãi mãi trong trắng tinh khôi, như hoa sen kia để được sống một cuộc đời vô nhiễm. Vẫn vươn mình lên khỏi chốn bùn nhơ nước đọng, để còn thấy rằng cuộc đời còn mãi đẹp, cuộc đời là quà tặng. Trân quý và săn sóc thân ý luôn tươi mát và thánh thiện, cũng là một phương cách tự mình tìm về nẻo Đạo rồi vậy.

Theo văn học dân gian, hoa sen cũng là một biểu tượng cao quý và đẹp đẽ:

Trong đầm gì đẹp bằng sen.

Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng.

Nhụy vàng bông trắng lá xanh.

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Tinh thần vô nhiễm của hoa sen theo quan niệm nhân gian, cũng không khác gì trong nhà Phật bao nhiêu, nên người đời cũng lấy hạnh của hoa sen để khuyên bảo người sau...

Theo truyền thuyết trong tình tự dân gian, chuyện một chàng trai trẻ xa xưa nào đó, một hôm tát nước đầu đình, làm bộ bỏ quên chiếc áo để may ra có người nhặt được, đem về nhà làm của tin:

Hôm qua tát nước đầu đình.

Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen.

Em được thì cho anh xin.

Hay là em để làm tin trong nhà.

Áo anh sứt chỉ đường tà.

Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu.

Áo anh sứt chỉ đã lâu.

Mai mượn cô ấy vào khâu cho cùng.

Khâu rồi anh sẽ trả công.

Mai mốt lấy chồng anh sẽ giúp cho.

Giúp cho một thúng xôi vò.

Một con heo béo, một vò rượu tăm.

Giúp cô đôi chiếu cô nằm.

Đôi chăn cô đắp, đôi tằm cô đeo.

Giúp cô quan tám tiền cheo.

Một con heo béo lại đèo buồng cau ...

Thì ra cái anh chàng nầy làm bộ bỏ quên chiếc áo nơi đây để mong người nhặt được, để có cơ hội tỏ tình. Chứ thật sự thì chuyện đâu có dễ dàng như vậy? Nội việc bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen, thấy cũng đã không ổn rồi, vì cành hoa sen thì mỏng mãnh yếu đuối, nằm sát trên mặt nước, chỉ đụng nhẹ là cành sen đã chắm nước rồi, làm sao mà chịu đựng với chiếc áo vải thô của anh? Nhưng ý tưởng thì nghe ra rất chi là thâm thúy! Lối tỏ tình kín đáo nầy, cũng rất thơ mộng biết bao. Vì áo rách nhờ khâu rồi trả công bằng quà cưới, thấy tuyệt vời vô cùng. Cho dù có đối tượng hay không, chuyện đó không thành vấn đề, khi mơ thì cứ để cho lòng nó mơ cái đã. Kết quả ra sao thì chỉ biết lạy trời cho giấc mơ của con chóng thành sự thật! Nên khi nghe qua chắc lòng ai đó không nở chối từ. Vì lời tỏ tình tuy hơi kín đáo, nhưng trong lòng thì tha thiết biết bao! Nên mỗi khi nhắc nhở đến, chắc ai cũng muốn trở về tát nước đầu đình, để bỏ quên chiếc áo...!

Hoa sen cũng dùng làm thực phẩm và dược phẩm, như ngó sen dùng làm gỏi hay các món xào nấu cũng "dzách lầu" lắm. Hạt sen dùng để nấu chè:

Thương chồng nấu cháo hạt kê

Nấu canh bông lý, nấu chè hạt sen

Mấy nhà trưởng giả thì lấy tim sen ướp trà, uống trà sen cũng giúp cho việc điều hòa tim mạch và cơ quan tiêu hóa.

Mấy lần ghé vào tiệm thực phẩm Việt Nam mua một gói trà sen, hay mua một ít hạt sen về nấu chè, lòng tôi thấy nhớ quê hương vô cùng. Cái nhớ như quay quắt, như xót đau vì những gì tôi đã sống qua, đã cảm nhận chỉ còn lại một chút kỷ niệm nhạt nhòa ở trong lòng, mà ngỡ tưởng không bao giờ có thể thấy lại. Tất cả đều như mất hút, ngàn trùng.

Cách đây mấy năm, nhân dịp đi nghỉ hè vùng biển La Grande Motte, tôi có ghé xem khu rừng được trồng hàng trăm loại tre trúc, cùng với một số cây cối miền nhiệt đới. Cảnh nơi đây trông giống như một làng quê ở vùng cao nguyên Việt Nam, có mấy nóc nhà sàn ẩn sau mấy bụi chuối, lùm tre, đặc biệt cũng có hồ sen, ao cá. Nhưng sao thấy sen nơi nầy nó không làm tôi xao xuyến, bâng khuâng mỗi khi nhìn ngắm. Có lẽ sen nó qua Pháp không mấy đặc biệt, hay trái lại tôi nghĩ ngày trước họ qua đô hộ nước ta, rồi đem giống về trồng như một tước đoạt của cải người khác, hay là chủ nhân không tha thiết gì với sen. Chẳng qua, họ trồng để làm cảnh lạ cho khách du lịch, vậy thôi. Cho nên thấy sen mà cứ dửng dưng với lòng, thấy cảnh của quê hương mà không có chút nhớ nhung! Âu cũng là cái duyên gặp gỡ mỗi lúc mỗi khác, mỗi hoàn cảnh với sự cảm nhận không giống nhau ấy, mới gọi là "duyên lành".

Một lần khác sang Ý cũng được nhìn khung cảnh hồ sen ao cá, có nương lúa rẫy bắp, có những căn nhà thưa thớt, mà cảm nhận như đây là quê nhà! Một quê nhà trong tâm cảnh, nhưng cũng an ủi được niềm xa. Nhất là gặp lại những đồng hương và bây giờ thêm tình đồng đạo. Có lẽ hoa sen đến nơi đây, tuy tình cờ nhưng đặc biệt, giản dị nhưng thiện ý của chủ nhân lại có tấm lòng yêu mến. Và đồng hương nơi đây cũng đã ẩn tàng một tấm lòng thiện lành, nên khi xa họ vẫn nuôi dưỡng và chăm bón những tinh hoa, duy trì những nguồn suối mát muôn đời tắm gội, cho hạt giống Từ Bi vẫn còn kết trái đơm hoa. Hay tiếp nối truyền thống muôn đời của tiền nhân, đang dìu nhau hướng về chân thiện mỹ.

Thời gian chỉ vỏn vẹn có mấy ngày, nhưng tôi đã gặp, đã nhận nhiều bài học quý báu, nhất là được học hạnh của hoa sen: Vẫn sống đời như nhiên. Không sạch nhơ đọng lắng. Không phân biệt sang hèn... !  Xin cám ơn những bàn tay, đã xây dựng một chốn Đạo tràng để đón tiếp những người đồng đạo. Cũng như chủ nhân ao sen kia, đã ra công chăm bón cho những đóa sen hồng nầy còn mãi dâng hương sắc cho cuộc đời.

Nhìn ao sen, từng cánh sen đang đong đưa trong gió sớm, nhìn cảnh thanh bình của xứ sở nầy, gặp những đồng hương mà lòng tôi thấy một nguồn an lạc. Nên khi về tôi mang theo về nhiều lắm, những kỷ niệm khó quên.

 

Gần đây, khi tin tức Tu viên Bát Nhã ở Lâm Đồng bị Nhà nước Việt Nam xua đuổi bằng bạo lực. Một bản tin đã gây xúc động mạnh đối với hàng triệu người trên thế giới: Vào ngày 27.9.2009, “Họ đã thuê xã hội đen” vào đàn áp những Tu Sinh của Bát Nhã thật tàn nhẫn. Bằng những hành động thiếu văn hóa, bằng lòng hận sôi sục như đối với kẻ thù không đội trời chung! Nhưng tất cả 400 Tu Sinh vẫn luôn nhẫn nhục: Họ bao bọc lẫn nhau bằng một tình thương đồng môn, bằng một niềm tin về tâm linh vững chắc, bằng một tấm lòng nhân bản. Họ vẫn vững chải như núi cao, yên tịnh như hư không và trầm hùng như núi lặng…

Tuy những Tăng Ni Sinh bị đánh bật ra khỏi Tu Viện Bát Nhã bằng “Lòng hận thù” của Chính quyền Việt Nam; bằng “Lòng ganh tỵ” của những người “Đồng Đạo” và bằng bạo lực của những con người đã mất hết nhân tính… Nhưng 400 Tu Sinh Bát Nhã họ ra đi như một cuộc “Thiền Hành” để cầu nguyện cho đất nước Việt Nam thanh bình; cho dân tộc Việt Nam được an vui hạnh phúc, và cho những người đang mang lòng hận thù được hóa giải. Họ như cùng mang chung một tấm lòng Đại Hùng Đại Lực và Đại Từ Bi của đấng Từ Phụ đã ban tặng cho. Nên khi gặp nạn họ vẫn đem lòng bao dung đối với những người độc ác, không sợ hải trước những bạo hành, sẵn sàng chịu đựng những khổ đau, vẫn mỉm cười trước những mỉa mai của nhân thế. Chỉ cho đây là nghiệp chướng trùng trùng của đời vay trả, để an ủi hoàn cảnh.

Bây giờ, tình trạng của những Tu Sinh Bát Nhã thật mỏng manh như sợi chỉ treo chuông. Vì sau khi thế giới đã lên tiếng, đã quan tâm đến tình trạng Bát Nhã, nhưng vẫn chưa có một tia hy vọng nào cả ! Nhưng cho dù ra sao đi nữa, thì hình ảnh “Bát Nhã” cũng như hành trình đi tìm “Chân Thiện Mỹ” của Tu Sinh Bát Nhã (tu theo Pháp Môn Làng Mai) như dòng suối mát bất tận, đã và đang tuôn chảy để gội sạch những lòng hận thù vì vô minh che lấp.

Pháp Nạn Bát Nhã ở Lâm Đồng đã tô điểm thêm cho trang sử Việt Nam một “Tinh Thần Vô Úy” của Phật Giáo Việt Nam. Và hình ảnh của 400 Tăng Ni Sinh Bát Nhã mãi là những “Búp Sen” tinh khiết, những đóa hoa “Vô Ưu” hiện bày, đang ung dung trên bước đường “đã về đã đến”. Những hình ảnh ấy như một dấu ấn đã in thật đậm trong lòng Dân Tộc Việt Nam qua tình tự dân gian đã minh họa:

“Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn !” .


Trần Đan Hà