Tinh thần đổi mới của Trần Nhân Tông

Trong quá trình lịch sử hàng ngàn năm có một vài tôn giáo được du nhập vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau, trong những hoàn cảnh lịch sử khác nhau nhưng đã tìm được cách để tồn tại và phát triển cùng lịch sử dân tộc Việt, trở thành những nhân tố làm nên diện mạo tinh thần, tư tưởng của con người Việt Nam. Một trong những lí do để những tôn giáo đó tồn tại và phát triển được ở Việt Nam là khả năng tự đổi mới để thích ứng với xã hội và tâm hồn của người Việt Nam, để hòa nhập và đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo là một trong số những tôn giáo như vậy.

Bắt đầu từ đổi mới về nhận thức

Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam có một điểm son về tinh thần đổi mới nhận thức, đổi mới truyền thống: tư tưởng Trần Nhân Tông (1258-1308). Vua - Phật Trần Nhân Tông là vị anh hùng dân tộc đã hai lần đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông, đồng thời có những công trạng cũng hết sức to lớn về mặt mở nước, dựng nước, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa, ông đã chủ trương “sử dụng tiếng Việt như một ngôn ngữ chính thức cùng với chữ Hán”, ông cũng là người sáng lập ra thiền phái Trúc lâm Yên Tử, môt dòng thiền thuần túy Việt Nam “làm nền tảng cho sự phát triển Phật giáo Việt Nam mấy trăm năm tiếp theo”, đồng thời ông là tác giả của bài phú nổi tiếng mà tư tưởng “cư trần lạc đạo” vẫn được xem là một yếu chỉ của thiền phái Trúc lâm…

Chùa Đồng trên núi Yên Tử.

Trần Nhân Tông đặt rất cao yêu cầu đổi mới trong nhận thức. Trong một bài giảng ở chùa Vĩnh Nghiêm, trước ba câu hỏi của thiền sinh:

-Thế nào là Phật?

-Thế nào là Pháp?

-Thế nào là Tăng?

Cả ba lần ông chỉ có một câu trả lời: “Hiểu theo lối trước là chẳng phải”  Phật, Pháp, Tăng là “tam bảo”, là Nguyên lý của những nguyên lý trong giáo lý đạo Phật. Trần Nhân Tông kiên quyết phủ định cách hiểu theo lối trước chính Nguyên lý ấy. Bất cứ sự đổi mới nhận thức nào cũng phải bắt đầu bằng sự nghi ngờ, phủ định cách hiểu cũ. Trần Nhân Tông là một tấm gương của sự đổi mới tư tưởng và nhận thức. Chắc ông biết quá rõ sự cố chấp riết róng của người đời trong cách hiểu các thứ kinh bổn: chỉ cần “rời” Kinh một chữ đủ bị lên án biến kinh Phật thành “ma thuyết”.

“Phật”, “Pháp”, “Tăng” là “danh” của những khái niệm. Danh có khi chỉ là “vỏ”, cách hiểu những khái niệm mới là “ruột”. Trần Nhân Tông giữ lại những cái “danh”, những cái “vỏ”, về hình thức xem như vẫn giữ lại những “khái niệm”. Ông không đưa ra những khái niệm mới thay cho những khái niệm cũ, ông không đập vỡ, vứt bỏ những cái “vỏ”, mà chú trọng sự  thay đổi “ruột” bằng cách đưa ra những cách hiểu “mới”, “tùy duyên”. Phải chăng đây là một kinh nghiệm minh triết của sự đổi mới?

Đổi mới đặt ra vấn đề cách đối xử với những truyền thống

Trong một buổi thiền sư Trúc Lâm đại đầu đà (tức Trần Nhân Tông) khai đường ở chùa Vĩnh Nghiêm, có một thiền sinh hỏi: “Dùng công án cũ để làm gì?”

Thiền sư trả lời: “Mỗi lần nêu ra một lần mới”

Trong một buổi khai đường khác ở viện Kỳ  Lân, cũng vấn đề này được đặt ra, câu trả lời in hệt nhưng cách hỏi “xóc óc” hơn:

Một thiền sinh hỏi: “Dùng đờm dãi người xưa làm gì?”

Thiền sư trả lời: “Mỗi lần nêu ra một lần mới”

“Công án cũ”, “đờm dãi người xưa” thuộc về truyền thống. Trong quan niệm của Trần Nhân Tông, truyền thống cũng phải đổi mới (tức là phải có cách hiểu mới và vận dụng mới) và đổi mới truyền thống phải có tính cập nhật: “ mỗi lần nêu lên một lần mới”

Hãy tùy duyên

“Cư trần lạc đạo” là một tư tưởng lớn của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Tôi giật mình khi đọc câu đầu trong bài kệ ở cuối  bài phú “Cư trần lạc đạo”: Cư trần lạc đạo thả tùy duyên (Ở đời vui đạo, hãy tùy duyên)

Hóa ra tư tưởng “cư trần lạc đạo” cũng như những tư tưởng lớn khác cũng phải “tùy duyên” mà hiểu, mà vận dụng. Mọi nguyên lý và tư tưởng dù cao siêu, cơ yếu đến đâu mà tách ra khỏi cái “duyên” níu kéo, nương vịn của những hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của cuộc sống không tránh khỏi trở thành những giáo điều vô duyên , có khi chỉ còn là những “đờm dãi” của người  xưa (hoặc người đời nay). Càng ngày tôi càng thấm thía lời căn dặn của Vua - Phật Trần Nhân Tông về cách đối xử với những truyền thống:

Mỗi lần nêu lên một lần mới.

Hoàng Ngọc Hiến
Theo datviet