Thế nào là Niết bàn?

image

NIẾT BÀN là mục tiêu chính yếu của PHẬT GIÁO. Là mục tiêu cuối cùng của người tu theo đạo Phật. Người ta vì sợ sự sống thống khổ bởi phiền não sanh ra, nên cố gắng tinh tấn tu hành để đến NIẾT BÀN, là nơi không còn phiền não, hay trừ tận tuyệt, hoặc dụi tắt được ba ngọn LỬA ĐỘC là THAM LAM, SÂN HẬN, và SI MÊ.

NIẾT BÀN LÀ THẾ NÀO?

NIẾT BÀN là một danh từ trừu tượng siêu thế, khó cho người thông hiểu một cách dễ dàng và cũng khó cho vị PHÁP SƯ hay GIẢNG SƯ hay một vị trí thức nào có thể giải thích một cách rõ rệt cho được.

NIẾT BÀN là nơi tuyệt đối, mà vạn vật trên thế gian này đều là vật tương đối, nên không thể đem so sánh ví dụ cho dễ hiểu được. Hơn nữa, NIẾT BÀN, cần phải hiểu cho bằng trí tuệ chứ không phải bằng tâm thức. Cũng như người nằm MỘNG không thể chỉ giấc MỘNG của mình cho người khác biết được. Cũng như chúng sanh là người bị ba loại ĐỘC là THAM, SÂN SI thiêu đốt. Nhờ uống các thứ THUỐC như Bố thí Trì giới, Tham thiền hay HÀNH theo BÁT CHÁNH ĐẠO. Khi uống THUỐC trúng căn bệnh, bệnh tức khỏi, khi bị ĐAU, khổ như thế nào, bây giờ MẠNH cảm thấy vui sướng ra làm sao, NIẾT BÀN cũng ví như thế ấy.

XIN ĐỊNH NGHĨA VÀ CHIẾT TỰ HAI CHỮ NIẾT BÀN?


NIẾT BÀN cũng có nhiều tên khác nhau như VIMUTTI "Giải Thoát" NIRODHA "Dụt Tắt" NIRVANA "BẮC PHẠN" NIBBÀNA "NAM PHẠN" mặc dù có nhiều TÊN, chung quy cũng chỉ có một ý nghĩa là DỤT TẮT PHIỀN NÃO không còn Khổ. NIBBÀNA, chia làm hai phần là NI và VÀNA. Ni có nghĩa là ra khỏi. Vàna là RỪNG. Muốn cho dễ đọc, dễ học, Phạn ngữ chữ VÀNA đổi thành BÀNA khi chữ B đứng sau NI, có thể thêm một chữ B nữa, nên khi nối lại thành NIBBÀNA, có nghĩa là RA KHỎI RỪNG.

Rừng đây, ý nói RỪNG PHIỀN NÃO, đầy đau khổ.

Phàm ở đời, người bị lạc trong rừng, thì có rất nhiều điều tai hại nguy hiểm như thú dữ, rắn độc, phi nhơn, hầm hố, gai góc v.v... khó ra khỏi được. Là nơi đáng lo sợ hốt hoảng, tối tăm kinh khủng. đây là nói rừng thường, chứ RỪNG PHIỀN NÃO của chúng sanh thì lại càng âm u và nhiều cảm bẩy cùng các thứ độc hại khác nữa.

Người bị lạc trong Rừng, còn tìm phương, kiếm kế ra được. Trái lại đi vào RỪNG PHIỀN NÃO, bị VÔ MINH che án, DỤC VỌNG kéo lôi, chúng sanh khó mà tìm phương giải thoát.

Vì vậy, NIẾT BÀN cũng có nghĩa là người đã thoát ra khỏi RỪNG, đã thoát khỏi phiền não trong tâm, vượt khỏi mọi sự kinh khủng, lo âu, tai hại trên.

NIẾT BÀN cũng có nghĩa là dụi tắt. Y nói phiền não là một thứ LỬA vô hình, rất nóng nảy, hằng thiêu đốt chúng sanh, nên chi chư vị Thanh Văn đệ tử Phật hằng cố ráng sức mình, dụi tắt ngọn lửa bên trong. Khi ngọn lửa dụi tắt rồi, tức là đã đến NIẾT BÀN, tức hết khổ.

CHO BIẾT TƯỚNG CỦA NIẾT BÀN?

NIẾT BÀN là nơi an tịnh tuyệt đối. Không thể giải bằng lời ví dụ được. Bằng sự việc được. Nhưng NIẾT BÀN có ba đặt điểm khác thường là.

- TRẠNG THÁI NIẾT BÀN có sự hoàn toàn thanh tịnh
- VỊ NIẾT BÀN có sự BẤT DIỆT là VỊ
- HIỆN TƯỢNG NIẾT BÀN không có giới hạn là HIỆN TƯỢNG.

Sở dĩ, người mà không thấu đáo hay đạt được QUẢ vị NIẾT BÀN thanh cao, bởi vì người còn chứa đựng nhiều phiền não là tham lam, sân hận, si mê, tà kiến, tạo ra nghiệp chướng thiện hay ác, nên mãi ở trong vòng phiền não, chịu sanh tử luân hồi mãi mãi. Khi dụi tắt được sự ngủ ngầm trong tâm không còn dư sót tức là đắc được NIẾT BÀN, ra khỏi RỪNG rồi vậy.

NIẾT BÀN CÓ MẤY LOẠI?

Theo KINH, NIẾT BÀN có ba loại:

- HỮU DƯ NIẾT BÀN
- VÔ DƯ NIẾT BÀN
- XÁ LỢI NIẾT BÀN

THẾ NÀO GỌI LÀ HỮU DƯ NIẾT BÀN?

Bậc HÀNH GIẢ tu hành tinh tấn, lóng lòng trong sạch đã dụi tắt được phiền não, đã đắt ĐẠO QUẢ A LA HÁN, nghĩa là đã hoàn toàn thanh tịnh, sáng suốt, nhưng còn mang xác thân NGŨ UẨN này còn chung đụng với mùi trần song không hề bị ô nhiễm bởi vị Trần nữa.

THẾ NÀO GỌI LÀ VÔ DƯ NIẾT BÀN?

Nghĩa là chư THÁNH đã đắt đạo QUẢ A LA HÁN, dụi tắt phiền não rồi, khi ấy cũng vừa hết tuổi thọ, xả bỏ tấm thân ngũ uẩn này để nhập vào cảnh giới thanh tịnh trường cửu an vui tuyệt đối ra khỏi vòng Tam Giới.

XÁ LỢI NIẾT BÀN LÀ NGHĨA LÀM SAO?

Đức Phật GOTAMA chúng ta, Ngài nguyện Xá Lợi hài cốt của Ngài lưu tồn lại trong tam giới (trời người, long cung) trong thời gian năm ngàn năm. Để cho chúng sanh lễ bái cúng dường cho có phước, tô bồi đức tin, tu hành cho bớt khổ. Sau thời gian 5.000 năm, tất cả Xá Lợi bất cứ ở đâu do năng lực của pháp thập độ sẽ tụ tập cả về Bồ Đề Đạo Tràng, thành một đức Phật như xưa. Ngài sẽ thuyết pháp trong vòng bảy ngày.

Sau đó, Xá Lợi sẽ tự nhiên tiêu hoại cùng như giáo pháp của Đấng Thiên Nhơn Sư không còn nữa.

 

Tỳ khưu Định Lực Samadhibàlo