Chiếc lá Bồ-đề

 altTôi đến chùa Từ Quang lần thứ hai vào một buổi sáng Chủ nhật. Thời tiết cuối đông ở San Francisco se lạnh nhưng lại khô ráo, đôi khi có một vài tia nắng làm cho người đi đường có được cảm giác ấm áp,  khác với thời tiết mùa đông tại Huế, thành phố của tôi, mưa dầm dề và gió lạnh buốt.

Chùa Từ Quang trông bề ngoài không khác một ngôi nhà bình thường ở Hoa Kỳ, có khác chăng là cái bảng hiệu đề tên chùa được gắn phía trước, và nhờ thế mà  thập phương bổn đạo có thể nhận ra chùa dễ dàng. Nghe nói Ban Trị sự của chùa đang vận động tài chính để tu sửa phần phía trước của ngôi chùa. Thầy trụ trì chùa Từ Quang là Thượng tọa Thích Giác Như. Thầy cũng người Huế, đệ tử của ôn Kim Tiên. Tôi nhớ hôm đầu tiên gặp thầy, biết tôi là người đồng hương, thầy rất hoan hỷ. Tuy nhiên, do công việc chùa bề bộn, mà thầy chẳng có điệu hay đồng môn nào giúp việc cho thầy cả, nên trông thầy luôn luôn bận rộn. Nhìn cảnh của thầy tôi cũng phần nào thấy được rằng  việc xuất gia vào chùa ở các nước phương Tây như Hoa Kỳ hẳn là không nhiều. Đây có thể là một thực tế đáng suy nghĩ đối với việc tổ chức và phát triển Phật giáo tại Hoa Kỳ hay tại các nước phương Tây nói chung.

Tôi đến hơi trễ, sau khi thầy Giác Như đã kết thúc phần Pháp thoại. Đại chúng đã đứng chật cả trong chánh điện,  khu vực hành lễ, và chuẩn bị làm lễ Phật do thầy chủ lễ. Buổi lễ Phật đã diễn ra trong không khí trang nghiêm và thanh tịnh. Tôi lại có dịp nghe giọng xướng tán đầy chất Huế của một vị Tăng từ vùng đất miền Trung này, một chất giọng vừa  thanh thoát vừa trầm hùng, giàu  cảm xúc và  đầy pháp vị.

Nhưng điều làm tôi xúc động nhất trong buổi lễ ngày hôm đó chính là câu chuyện về những chiếc lá Bồ-đề.

Sau phần lễ Phật, lệ thường thì đại chúng xuống hậu liêu ở tầng một để thọ trai và đàm đạo trước khi ra về. Hôm nay khác hơn, sau khi kết thúc phần hồi hướng công đức, tôi nhận ra một gia đình chít khăn tang trắng đang đứng dậy tiến về phía thầy chủ lễ rồi chắp tay quỳ xuống. Qua tìm hiểu tôi biết được đây là tang quyến của cố đạo hữu cựu Hội trưởng Ban Trị  sự chùa Từ Quang. Bác cũng là người Huế, vừa qua đời ở tuổi cổ lai hy, hôm nay cũng là lễ trai tuần thứ hai sau khi bác qua đời. Tang quyến  muốn  xin ít  phút  để  đảnh  lễ  tri ân công đức của  Thầy trụ trì và đại chúng trong việc góp phần tổ chức và cầu nguyên cho hương linh thân phụ của gia đình. Vị đại diện là một thiếu nữ trẻ, sau này tôi mới biết chị là người con cả trong gia đình gồm  năm chị  em. Điều  làm cho tôi lưu ý đầu tiên về gia đình này chính là cung cách trang nghiêm và dung dị của họ khi tiến hành lễ tác bạch. Tất cả đều chắp tay, di chuyển nhẹ nhàng và từ tốn, mỗi gương mặt đều biểu lộ sự thành tâm chánh niệm hướng về chư Phật và di ảnh của người chồng người cha đã quá cố. Sau phần đảnh  lễ, người con gái trưởng của tang quyến bắt đầu chắp tay tác bạch. Chị kể lại chuyện gia đình tiến hành đám tang của thân phụ. Chị kể rằng, sau khi hỏa táng xác thân của hương linh, theo lời căn dặn của cha, gia đình để lại một phần tro để thờ, phần còn lại sẽ đưa ra biển, gởi vào đại dương để cầu nguyện cho hương linh cha mau tái sinh, và được tái sinh trong một gia đình có đạo tâm, có chính kiến. Buổi sáng ấy toàn gia đình chít khăn tang lên thuyền ra biển. Trước khi lên thuyền, gia đình có ý tưởng nhặt sáu ngọn lá Bồ-đề mang theo ra biển. Sáu chiếc lá tượng trưng cho sáu thành viên trong gia đình, gồm thân mẫu và năm người con. Đến trưa thì thuyền ra đến biển. Sau phần cầu nguyện, các thành viên trong gia đình bắt đầu quỳ xuống để tiến hành việc rải tro. Cứ mỗi nắm tro được tung ra, một chiếc lá Bồ-đề được thả xuống. Mọi người nhìn theo tro và lá bay bay hòa  quyện  vào  nhau rồi cùng tan vào đại dương, hòa theo những bọt sóng, lòng nhói đau và đôi mắt rưng rưng, nhưng chẳng ai dám khóc, sợ làm vướng bận bước chân của thân phụ. Và nắm tro thứ sáu, nắm tro cuối cùng đã  được người con út gởi vào biển cả cùng với chiếc lá Bồ-đề còn lại. Cả nhà một lần nữa quỳ xuống chấp tay nhìn dòng nước trôi để nhất tâm cầu nguyện cho thân phụ. Nhưng nhìn kìa, vẫn còn một chiếc lá Bồ-đề đang chạy theo con tàu!

Ôi thiêng liêng quá, mầu nhiệm quá, nhưng lại  quá  gần  gũi: chính là cha của chúng con đấy rồi. Có tiếng sụt sùi của ai đó trong gia đình, nhưng đã kìm lại được. Bất giác cả nhà cùng chắp tay cúi sụp xuống theo hướng chiếc lá và nhất tâm cầu nguyện. Cha ơi, mẹ và chúng con đang chắp tay cầu nguyện cho cha đây, mong Cha lên đường được an vui thanh thản và đạt được ý nguyện, chúng con trở về mỗi người sẽ cố gắng nỗ lực trong cuộc sống, trong việc tu học, nguyện tiếp bước con đường của cha. Cha hãy yên tâm mà ra đi cha nhé.

Cả nhà đồng tâm niệm Danh hiệu đức Phật A Di Đà. Âm thanh của họ vang vọng giữa đại dương mênh mông, xuyên qua những màng sương mỏng đang phủ quanh con tàu, và hình như chiếc lá Bồ-đề đã nghe được, đã hiểu được, đã giao cảm.

Rồi cả gia đình không còn thấy chiếc lá Bồ-đề đâu nữa. Vậy là cha đã yên lòng không còn vướng bận cho chuyến đi xa. Trở về nhà, không ai bảo ai, mọi người đều im lặng vào bàn thờ thắp hương cho cha.

Cha đang nhìn họ mỉm cười.

Cha không hoan hỷ sao được, những người con đã làm  một việc có ý nghĩa, thể hiện lòng hiếu kính của mình, thể hiện lòng tin đối với Chánh pháp qua hình ảnh những chiếc lá Bồ-đề.

Toàn đại chúng nghe câu chuyện trong sự yên lắng và thông cảm, đâu đây có những giọt nước mắt rơi xuống, những giọt nước mắt chia sẻ đầy đạo vị.

Trên đường về nhà trưa hôm đó, tôi cứ suy nghĩ mãi về câu chuyện những chiếc lá Bồ-đề.

Vâng, không phải tự nhiên mà gia đình nhặt những chiếc lá Bồ-đề kia để thả xuống theo xác  thân của  chồng của cha mình, không phải tự nhiên mà linh hồn của người cha nhập vào chiếc lá chạy theo con tàu. Những chiếc lá Bồ-đề kia chỉ là thể hiện bề ngoài của sự việc. Cội nguồn nơi xuất phát của câu chuyên chính là hạt  giống Bồ-đề, là Tâm Bồ-đề  của người vợ, của những người con đối với chồng với cha của mình. Tâm Bồ-đề ấy là sự  hòa  quyện  giữa  tình thương cốt nhục và  tình đạo, là lòng tin vào Chánh pháp của mỗi thành viên đối với người đã khuất. Một khi hạt giống Bồ  đề  đã  được gieo xuống vững  chắc  trong gia đình, chắc chắn hạt  giống  ấy  sẽ  nẩy  mầm và phát triển. Nhờ có lòng tin vào Chánh pháp cùng với nỗ lực tu thân hành  thiện trong đời  sống  hàng  ngày, những  chiếc lá Bồ-đề kia của mỗi thành viên trong gia đình sẽ trở thành những Tâm Bồ-đề, không chỉ đối với người thân của mình mà còn đối với những  người  xung quanh, đối với mọi loài chúng  sanh.

Tối hôm đó tôi đã làm bài thơ về Chiếc lá Bồ-đề.

 

Nguyên Dung