Giải thích ý nghĩa quan trọng về sự vãng sanh của công hạnh niệm Phật

 

Đối với pháp môn niệm Phật vãng sanh thì không luận là người mang tội thập ác(1) hay tội ngũ nghịch(2) đều được đức Phật A-di-đà đến nghênh tiếp, dù chỉ niệm một tiếng hay là mười tiếng.Việc thành Phật của các tông phái thuộc Thánh đạo(3) thì hàng thượng căn, kẻ lợi trí là gốc, lấy hàng Thanh văn và Bồ-tát làm đối cơ.

http://www.niemphat.com/hinhanh/niemphatbalamat/images/Hinh-Phat-A-Di-Da-6_jpg.jpg

Nhưng trong thời mạt pháp này, người người đều mang đầy dẫy những ác nghiệp, nếu đối với những pháp môn tu tập gian khổ của các tông thuộc Thánh đạo thì khó thành tựu chỉ bằng xưng tụng danh hiệu của đức Phật A-di-đà. Trong đời này, nếu chúng ta ra khỏi căn nhà sanh tử thì sẽ vĩnh viễn cắt đứt tận gốc rễ luân hồi. Tuy có người nói rằng: Tất cả kinh luận đều là kinh giáo của đức Phật thuyết, cho nên tu hành theo các kinh Đại thừa như là Pháp Hoa, Niết Bàn... thì việc thành Phật đâu khó khăn gì? Đặc biệt kinh Pháp Hoa, chư Phật trong ba đời cũng nuơng theo kinh này mà thành Phật, các đức Như Lai trong mười phương cũng y cứ theo kinh này mà thành Chánh giác. Bởi vậy chỉ đọc tụng kinh Pháp Hoa sao vẫn chưa đủ? Tuy là như vậy, nhưng căn cơ của chúng ta không thể thấu triệt được giáo nghĩa trong kinh này. Tại sao vậy? Bởi lẽ căn cơ mà có thể tu hành theo kinh Pháp Hoa này thì chỉ có hàng Thanh văn và Bồ-tát, cho nên không thích hợp đối với hàng phàm phu chúng ta. Còn bản nguyện của  Phật A-di-đà là vì những chúng sanh trong thời mạt pháp như chúng ta đây mà phát nguyện, có lợi ích trong hiện tại và tương lai chắc chắn sẽ được vãng sanh. Đừng nghĩ rằng mình là thân người nữ hữu lậu, cũng đừng cho rằng thân ta mang đầy những phiền não thuộc ác nghiệp mà phải nghĩ rằng đức Phật A-di-đà cứu độ những chúng sanh tội ác thâm sâu đã bị các đức Phật trong mười phương ba đời bỏ rơi như chúng ta đây. Nay chúng ta gặp được thệ nguyện này phải tin chắc chắn là sẽ được vãng sanh không nghi ngờ gì cả chỉ xưng tụng danh hiệu Nam mô A-di-đà-Phật thì cho dù người thiện hay kẻ ác, người nam hay người nữ, mười người niệm thì mười người vãng sanh, trăm người niệm thì trăm người vãng sanh.

1. Hỏi: Phải chăng bất cứ người nào hễ xưng danh hiệu thì đều được vãng sanh có đúng  không?

Đáp: Niệm Phật có tha lực niệm Phật và tự lực niệm Phật. Tha lực niệm Phật thì được vãng sanh còn tự lực niệm Phật thì khó được vãng sanh.

2. Hỏi: Thế nào là Tha lực?

Đáp: Chỉ một lòng tin vào bản nguyện của đức Phật A-di-đà, không cần quan tâm đến việc thiện hay ác nơi mình, phải nghĩ rằng niệm Phật thì nhất định sẽ được vãng sanh. Đây là tha lực niệm Phật. Điều này cũng giống như con ruồi bám vào đuôi con kỳ lân mà có thể đi đến hàng ngàn dặm, như người hèn mọn nương vào xe của Luân vương  một ngày có thể đi khắp thiên hạ. Đó là tha lực, cũng giống như tảng đá lớn nhờ vào thuyền mà được chuyển qua bờ bên kia một cách mau chóng. Đây hoàn toàn không phải là do lực của tảng đá mà là lực của thuyền vậy. Bởi thế không phải do lực của chúng ta có thể được vãng sanh mà chính do lực của đức Phật A-di-đà. Đây chính là Tha lực.

3. Hỏi: Thế nào là Tự lực?

Đáp: Nếu dùng thân đầy dẫy phiền não ác nghiệp này muốn đoạn trừ phiền não chứng được Niết-bàn thành Phật thì dầu có ngày đêm tinh cần cố gắng đi nữa nhưng thân này đầy dẫy các nghiệp tham sân si từ vô thủy cho nên vĩnh viễn không thể đoạn trừ phiền não được. Nếu dùng tâm có đủ tam độc (4) muốn đoạn trừ phiền não thì giống như dùng cây kim mà muốn phá hủy núi Tu di, lấy cọng cỏ làm cái muỗng mà muốn tát cạn nước trong biển Đông vậy. Giả sử dùng cây kim phá hủy núi Tu di, dùng muỗng cỏ tát cạn biển Đông đi nữa nhưng tâm phiền não ác nghiệp của chúng ta dẫu trãi qua nhiều đời nhiều kiếp cũng khó thành Phật được. Tại sao vậy? Bởi lẽ mỗi niệm mỗi niệm không bao giờ gián đoạn trong chúng ta đều là các nghiệp thuộc về tam đồ bát nạn(5).Lúc ngủ lúc thức đều không thể dứt trừ sự trói buộc trong tứ sanh lục đạo(6). Thân tâm như vậy làm sao chúng ta tu học để thành Phật? Đây chính là Tự lực.

4. Hỏi: Người xuất gia niệm Phật và người tại gia niệm Phật có sai khác gì không?

Đáp: Người xuất gia niệm Phật và người tại gia niệm Phật công đức như nhau không có cao thấp.

5. Nghi rằng: Điều này không công bằng, tại sao vậy? Người niệm Phật không gần gũi người nữ không ăn đồ bất tịnh thì thật đáng quí, còn người niệm Phật mà sớm tối gần gũi người nữ uống rượu ăn thịt thì nhất định là thấp kém làm sao công đức bằng nhau được?

Đáp: Từ xa xưa về trước, đức Phật A-di-dà ở trước đức Phật Thế Tự Tại Vương đã quán sát hai trăm mười ức (21tỉ) các cõi Tịnh độ trang nghiêm thanh tịnh của chư Phật cho đến các thệ nguyện lợi ích, nhưng các cõi Tịnh độ này, hàng phàm phu vọng tưởng điên đảo như chúng ta đây không thể vãng sanh được. Ý của đoạn văn này: Mặc dù tất cả các cõi Phật tuy rất trang nghiêm thù thắng nhưng hàng phàm phu loạn tưởng thì không thể vãng sanh được. Chúng ta phải tự quán xét bản thân mình, vì sao vậy? Do bởi chúng ta tuy miệng tụng kinh, thân lạy Phật nhưng tâm thì suy nghĩ toàn những chuyện không đâu vào đâu cả. Thân tâm chúng ta như vậy làm sao có thể xa lìa sanh tử? Từ nhiều kiếp đến nay coi tam đồ bát nạn là nhà của mình nên bị đồng sôi, lửa bỏng thiêu cháy thân tâm không khi nào ra khỏi được. Thương thay! Tâm lành tùy theo năm tháng mà giảm đi ngược lại tâm ác ngày qua ngày lại càng tăng trưởng. Cho nên cổ nhân nói: Phiền não theo thân như bóng theo hình, muốn xa rời mà không thể được; còn Bồ-đề như bóng trăng đáy nước muốn vớt cũng chẳng xong. Vì thế đức A-di-đà Như Lai đã suy ngẫm sâu xa trong năm kiếp mới kiến lập bản nguyện thâm trọng này. Ngài không luận người lành hay kẻ dữ, ai phá giới hay kẻ trì trai, bậc xuất gia hay người cư sĩ, người trí thức hay kẻ u mê mà phát tâm đại từ đại bi thành bậc Chánh giác. Bất cứ người nào tin sâu vào bản nguyện (trụ vào tâm tha lực) mà niệm Phật thì chỉ trong một niệm ngắn ngủi Như Lai A-di-đà sẽ đến tiếp dẫn. Những người xuất gia mà từ khi mới sanh cho đến ngày nay, cho dù mắt không nhìn nữ sắc miệng không ăn thịt uống rượu, cử ngũ tân(7), giữ năm giới hay mười giới, không có mảy may sai phạm đi nữa, nếu cho rằng niệm danh hiệu Phật vẫn chưa đủ (trụ nơi tâm tự lực) mà tu tập những công hạnh khác thì sẽ không được đức Phật A-di-đà đến nghênh tiếp. Hòa thượng Thiện Đạo(8)nói: Người tu các công hạnh khác mà không chí tâm thì dẫu có ngàn người tu đi nữa cũng không có được một người vãng sanh. Đối với bản nguyện của đức A-di-đà, chúng ta không cần phải thanh lọc nội tâm, không cần phải thanh tịnh thân tâm mà chỉ cần lúc thức hay ngủ chúng ta một lòng xưng tụng danh hiệu thì lúc lâm chung A-di-đà Như lai nhất định, chắc chắn sẽ đến tiếp dẫn. Hành giả chỉ trụ vào tâm này niệm Phật thì khi mạng chung được đức A-di-đà đến nghênh tiếp không nên nghi ngờ gì cả. Đừng cho rằng mình là thân nữ hay người tại gia mà phải biết rằng nhất định sẽ được vãng sanh.

6. Hỏi: Khi tâm thanh tịnh niệm Phật và lúc tâm tán loạn niệm Phật có gì sai khác nhau không?

Đáp: Công đức bằng nhau không sai khác mảy may nào cả!

7. Nghi rằng: Như vậy thì không công bằng, tại sao? Bởi vì khi tâm thanh tịnh niệm Phật thì không có các tạp niệm khác chỉ một lòng suy ngẫm về thế giới Cực lạc mà niệm danh hiệu đức Phật A-di-đà, còn lúc tâm tán loạn, ba nghiệp không được thuần thục dù miệng niệm danh hiệu, tay lần chuỗi hạt đi nữa nhưng đó là niệm Phật không thanh tịnh làm sao có thể bằng nhau được?

Đáp: Người có nghi vấn này thật sự không hiểu được nghĩa lý của bản nguyện. Đức Phật A-di-đà vì muốn cứu độ những chúng sanh mang đầy ác nghiệp trong dòng sanh tử mà thiếp lập thuyền nguyện vĩ đại, cũng giống như tảng đá nặng và vỏ hạt mè nhẹ đặt trên thuyền và được chuyển qua bờ bên kia. Sở dĩ bản nguyện thù thắng siêu việt là ở chỗ bất kỳ chúng sanh nào chỉ một lòng xưng tụng danh hiệu là đủ không cần tu tập bất kỳ các công hạnh khác.

8. Hỏi: Một tiếng niệm Phật và mười tiếng niệm Phật công đức thù thắng và thấp kém ra sao?

Đáp: Hoàn toàn giống nhau.

9. Nghi rằng: Như thế thì không công bằng, vì sao? Vì một tiếng và mười tiếng tức là chỉ cho số lượng nhiều ít khác nhau, sao có thể giống nhau được?

Đáp: Một tiếng hay mười tiếng chính là thời gian sau cùng vậy. Lúc lâm chung thì cho dẫu niệm một tiếng cũng được vãng sanh, mười tiếng cũng được vãng sanh. Khi chúng ta được vãng sanh thì giống nhau, công đức sao có thể thấp kém được?

Văn Bản nguyện có chép: Nếu như tôi được thành Phật, chúng sanh trong mười phương chí tâm tín nhạo muốn sanh nước tôi thì cho đến mười niệm nếu không được vãng sanh thì tôi không thành Chánh giác.

Ý của đoạn văn này là Tỳ-khưu Pháp Tạng đã thề rằng: Khi tôi thành Phật, chúng sanh trong mười phương nếu muốn vãng sanh cõi Cực lạc mà xưng danh hiệu Nam mô A-di-đà Phật từ một tiếng cho đến mười tiếng mà không được tiếp dẫn vãng sanh thì tôi sẽ không thành Chánh giác. Bởi vậy không luận là niệm nhiều hay niệm ít thì cũng vãng sanh như nhau. Văn Bản nguyện đã quá rõ rồi còn nghi ngờ gì nữa?

10. Hỏi: Niệm Phật lúc lâm chung và niệm Phật lúc bình sanh có gì khác nhau?

Đáp: Đều giống nhau, tại sao vậy? Bởi vì, niệm Phật lúc bình sanh và niệm Phật lúc lâm chung không có gì sai khác cả. Niệm Phật lúc bình sanh thì khi chết sẽ thành niệm Phật lúc lâm chung, và niệm Phật lúc lâm chung mà kéo dài sẽ thành niệm Phật lúc bình sanh.

11. Vấn nạn cho rằng: Một niệm sau cùng thù thắng hơn cả những hạnh nghiệp tu tập trong mười năm, tại sao vậy?

Đáp: Người có sự nghi ngờ này là do không hiểu được ý nghĩa trong Văn Bản nguyện. Nói “Một niệm sau khi dứt hơi thở” nghĩa là người ta sợ ác nghiệp vượt trội hơn thiện nghiệp, sợ thiện nghiệp vượt xa ác nghiệp. Người này không phải là hành giả niệm Phật mà chỉ bàn luận về người mang hạnh nghiệp xấu ác. Nếu là hành giả bình sanh niệm Phật muốn cầu được vãng sanh thì sẽ không hỏi như vậy. Ở đây chúng ta không cần bàn luận về những người như vậy.

12. Hỏi: Để có được sự nhiếp thủ thì đó là lúc bình sanh hay lúc lâm chung?

Đáp: Lúc bình sanh, vì sao vậy? Hành giả tin tâm vãng sanh là chân thật, không nghi ngờ thân ta tin chắc rằng nhất định được đức A-di-đà tiếp dẫn thì hành giả niệm Phật đó đầy đủ tam tâm(9). Tam tâm đầy đủ nhất định sẽ được vãng sanh, điều này đã được minh thuyết trong Quán Kinh. Người có tín tâm này được Như Lai A-di-đà phóng tám mươi bốn ngàn ánh hào quang để nhiếp thọ, lúc bình sanh đã được nhiếp thủ và cho đến lúc lâm chung cũng được nhiếp thủ không bao giờ xa rời, cho nên gọi là Thệ nguyện bất xả.

13. Hỏi: Người trí niệm Phật và kẻ ngu niệm Phật có gì khác nhau?

Đáp: Bản nguyện của đức A-di-đà chẳng có mảy may sai khác nào cả, tại sao vậy? Bởi vì lúc Như lai A-di-đà chưa thành Phật, Ngài đã phát nguyện rằng: Nếu chúng sanh trong mười phương xưng danh hiệu của tôi cho dù chỉ mười niệm đi nữa tôi sẽ đến nghinh tiếp. Điều này minh chứng Ngài không chọn người trí mà bỏ kẻ ngu. Trong tác phẩm Ngũ hội pháp sự tán(10) có chép rằng: Không luận là bậc đa văn giữ gìn giới thanh tịnh hay là kẻ phá giới tội nghiệp sâu nặng chỉ cần chuyên tâm niệm Phật thật nhiều thì có thể khiến gạch ngói biến thành vàng ròng.

Ý của đoạn văn này là: không luận là bậc trí huệ hay người ngu si, người trì giới hay kẻ phá giới mà chỉ cần niệm Phật thì đều được vãng sanh. Chỉ cần an trú trong tâm này không cần nghĩ đến điều thiện hay việc ác nơi thân chỉ nương vào bản nguyện của Như lai A-di-đà mà niệm Phật. Để thoát khỏi sự trói buộc trong luân hồi thì không có bất kỳ pháp môn nào thù thắng bằng pháp môn Niệm Phật. Những hạng người nào nghe những lời này mà sanh tâm phỉ báng đi nữa cũng kết được duyên cứu độ của đức A-di-đà. Người thuận duyên hay kẻ nghịch duyên đều được lợi ích cùng là bạn hữu trong cõi tịnh độ của Như lai A-di-đà.

Nếu nói về căn cơ thì không luận là những người mang tội nặng ngũ nghịch mà thâu nhiếp cả hàng người nữ kẻ xiển đề(11). Nếu nói về công hạnh thì không luận là một niệm hay mười niệm. Bởi vậy, cho dù hàng nữ nhân có đầy đủ ngũ chướng(12) và cả tam tòng(13) cũng đừng nên lo buồn đau khổ nên nương vào nguyện này và chuyên hành trì công hạnh này. Nếu chẳng phải do lực của niệm Phật thì ngay cả người thiện cũng khó mà được vãng sanh huống gì kẻ ác. Năm niệm tiêu trừ ngũ chướng, ba niệm tiêu trừ tam tòng và ngay cả một niệm cũng được đức A-di-đà lai nghênh. Chỉ cần chúng ta khi đi đứng lúc nằm ngồi đều xưng tụng danh hiệu của đức A-di-đà và trong mọi lúc, mọi nơi, mọi duyên đều phó thác cho bản nguyện.

14. Hỏi: Nếu nói ngoài công hạnh niệm Phật ra, các hạnh nghiệp thiện khác đều không phải là hạnh nghiệp của sự vãng sanh nên không cần phải tu tập có đúng không?

Đáp: Cũng giống như người đi trên đường có một người chủ và rất nhiều người tùy tùng. Trong hạnh nghiệp vãng sanh thì hành giả niệm Phật là người chủ và cũng không nên chán ghét những công hạnh thiện phụ thuộc khác.

15. Hỏi: Vì bản nguyện không bỏ người ác nhưng người thích tạo ác nghiệp thì như thế nào?

Đáp: Mặc dù Phật không bỏ mặc kẻ ác nhưng người hay tạo ác nghiệp thì không phải là đệ tử Phật. Tất cả giáo pháp của đức Phật đều cấm làm các điều ác. Nhưng do hàng phàm phu ngu si dù muốn chế ngự các nghiệp ác cũng chưa chắc làm được, vì vậy khuyên niệm Phật để tiêu tội chướng. Nếu nói bản thân không chế phục được các điều ác đức Phật sẽ gia tội xử phạt thì đó là điều sai lầm. Chúng ta không thể chế ngự được ác nghiệp nhưng lòng từ bi của đức A-di-đà sẽ làm tiêu tội chướng đó và Ngài sẽ đến tiếp dẫn. Như đã nói, những người thích tạo ác nghiệp thì không cần bàn bạc trong Phật pháp, song như cha mẹ đối với tất cả con cái đều thương yêu bình đẳng, nhưng trong những đứa con đó thì có đứa thiện đứa ác. Tuy cha mẹ thương yêu các con bình đẳng nhưng  đối với những người con làm ác thì phải trừng mắt dùng gậy đánh để răn nó. Giả sử những chúng sanh nghe được lòng từ bi rộng lớn của đức A-di-đà mà còn tạo ác thì cũng hòa quyện trong lòng từ bi của đức Phật. Nếu biết bản nguyện không bỏ người ác thì đối với tri kiến Phật, mình phải càng cảm thấy tự thân thật đáng thương xót, đáng xấu hổ. Nếu cho rằng cha mẹ từ bi mà làm việc ác trước cha mẹ thì cha mẹ có vui không? Tuy không buông bỏ mà chỉ trách móc, tuy xót thương mà cũng có chút chạnh lòng. Đức Phật của chúng ta cũng như vậy!

 

Pháp Nhiên thượng nhân
(Đại Chánh tạng quyển 83)
Thanh Quang
dịch

 

 

Chú thích:

1.Thập ác 十 惡. (e:ten evils): còn gọi là Thập bất thiện 十不善: ten not-good actions: 1. Sát sanh 殺生: giết hại sanh vật; 2. Thâu đạo 偷盜:trộm cắp; 3. Tà dâm 邪婬 có quan hệ về mặt thể xác với người khác phái mà không phải vợ chồng; 4. Vọng ngữ妄語: lời nói dối trá; 5. Lưỡng thiệt 兩舌: lời nói hai lưỡi, chuyện sai nói đúng chuyện đúng nói sai.., còn gọi là Ly gián ngữ 離間語 nói lời chia cách; 6. Ác khẩu 惡口: nói lời thô ác; 7. Ỷ ngữ 綺語: lời nói hoa mỹ, lời nói quyến rũ; 8. Tham dục 貪欲: đối với cảnh thuận tâm ý mình sanh tâm tham đắm, tâm không biết đủ; 9. Sân khuể 嗔恚 : Nóng giận bực tức; 10. Tà kiến 邪見: quan điểm sai lầm, cho rằng không có nhân quả, làm việc sai quấy cho là đúng.

2. Ngũ nghịch 五逆 (e:five heinous crimes): cũng gọi là Ngũ vô gián nghiệp 五無間業. Vì tội ác trái ngược đạo lý nên gọi là nghịch 逆. Đó là ác nghiệp mà cảm thọ quả khổ ở địa ngục Vô gián nên gọi là Vô gián nghiệp 無間業 : 1.Giết cha; 2. Giết mẹ; 3.Giết A-la-hán; 4. Làm thân Phật bị chảy máu; 5. Phá hòa hợp tăng.
3. Thánh đạo 聖 道: chỉ cho tất cả các tông phái khác trong Phật giáo nhưng ngoài tông Tịnh độ.
4. Tam độc  三 毒 (e: three poison): Tham 貪: tham lam; sân 嗔 : giận dữ, bực tức; si  癡: si mê, u mê,ngu si. Vì  ba độc tâm này đều có thể phá hoại tất cả thiện căn xuất thế nên gọi Tam độc.
5. Tam đồ 三 塗, (e: three destinies): Địa ngục 地獄 Naraka, ngạ quỷ 餓鬼Preta và súc sanh 畜生Tiryagyoni.
Bát nạn 八 難 (s:aṣṭāv akṣaṇāḥ.:eight difficulties): tám nạn:1. Địa ngục 地獄: sinh vào địa ngục; 2. Ngạ quỉ 餓鬼 :sanh vào ngạ quỉ; 3. Súc sanh畜生: sanh vào súc sanh; 4. Bắc-câu-lô châu 北俱盧州: sanh ra ở Bắc-câu-lô-châu, người ở châu Bắc-câu-lư này sống sung sướng nên không ham tu học; 5. Vô tưởng thiên 無想天: sanh vào trời Vô tưởng, chúng sanh trong cõi này không có tâm tưởng nên không tu học được; 6. Manh lung ám á 盲聾瘖啞: Bị đui điếc câm ngọng; 7. Thế trí biện thông 世智辯聰: thông minh theo kiểu thế gian không tu học; 8. Phật tiền Phật hậu 佛前佛後: Sinh vào thời kỳ trước Phật hay sau Phật.
6. Tứ sanh 四 生(s: Caturyoni): thai sanh胎生(s.Jarāyuja): loài sanh ra từ bào thai; noãn sanh卵生(s. Aṇḍaja): loài sanh từ trứng, thấp sanh 濕生(s.Saṃsvedaja): loài sanh ra từ chỗ ẩm ướt như côn trùng.., và hóa sanh化生(Upapāduka): không nương vào đâu cả chỉ do nghiệp lực mà thọ sanh như: chư  thiên, chúng sanh trong địa ngục và chúng sanh ở kiếp sơ.
Lục đạo 六 道 (e.:six destinies): cũng giống như Lục thú 六趣 :Địa ngục đạo 地獄道 (s. narakagati) Ngạ quỉ đạo餓鬼 (s. pretagati), súc sanh đạo畜生道 (s. tiryagyonigati), A-tu-la đạo 修羅道 (s. asura-gati), Nhân gian đạo人間道 (s. manuṣya-gati), Thiên đạo 天道 (s. deva-gati). Trong sáu đạo này, ba đạo đầu gọi là tam ác đạo 三惡道: ba đường ác. Ba đạo sau gọi là tam thiện đạo 三善道: ba đường lành. Sáu đạo này là nơi chúng sanh luân hồi trong sanh tử, cho nên gọi là Lục đạo 六道. Chúng sanh nương vào nghiệp duyên mà đi đến nên gọi là Lục thú 六趣.
7. Ngũ tân 五 辛 (e.five pungent roots): còn gọi là Ngũ huân 五葷. Năm loại gia vị có hương cay nồng gồm: 1. Tỏi, 2. Hành, 3. Hẹ, 4. Kiệu, 5. Nén.
8. Hòa thượng Thiện Đạo (613-681) 善 導 和 尚: Ngài là cao tăng Trung Quốc sống vào thời Đường, người ở Lâm Truy, tỉnh Sơn Đông, hiệu Chu Nam Đại Sư, họ Châu là tổ thứ ba của tông Tịnh Độ; cũng tức là người tập đại thành phái Đàm Loan, phái Đạo Xước thuộc tông Tịnh Độ. Lúc nhỏ Sư xuất gia với pháp sư Minh Thắng ở Mật Châu, tụng kinh Pháp Hoa, Duy Ma.Về sau, nhân đọc Quán Vô Lượng Thọ, buồn vui lẫn lộn, Sư liền tu Thập lục quán. Năm 641 đời Đường, Sư đến chùa Huyền Trung ở Tây Hà yết kiến ngài Đạo Xước, tu học Phương đẳng sám hối và nghe giảng kinh Quán Vô Lượng Thọ. Sau đó Sư chuyên niệm Phật, siêng năng tinh tấn khổ hạnh, chứng được niệm Phật Tam-muội, ở trong định thấy cảnh trang nghiêm của tịnh độ. Sau Sư đến chùa Quang Minh ở Trường An truyền bá pháp môn Tịnh Độ. Sư hành trì tinh nghiêm, hàng ngày thường chấp tay ngồi theo kiểu người Hồ, nhất tâm niệm Phật, đến khi kiệt sức mới thôi. Trong hơn 30 năm, không có chỗ ngủ nhất định, không nhìn ngó người nữ, cũng không nhận Sa di lễ bái, tránh xa danh lợi, không  nhận đồ cúng dường, có đồ đẹp thức ăn ngon đều đem cúng dường đại chúng, còn mình thì ăn thức ăn dở. Sư dùng tài vật cúng dường để viết chép 10 vạn quyển kinh A-di-đà và 300 bức tịnh độ biến tướng, thấy tháp miếu chùa chiền bị hư hoại, Sư lo sửa  lại. Khi Sư hóa đạo tại các châu ở Kinh Hoa, ngưỡng mộ đức hạnh của Sư có người tụng kinh Di-đà 10 vạn đến 30 vạn biến, có người trong thời khóa hằng ngày xưng danh hiệu Phật từ một vạn đến 10 vạn biến, có người chứng được niệm Phật tam-muội và vãng sanh Tịnh độ, có người dấn thân vào núi cao sống  trong rừng sâu xả mạng đốt thân. Thời vua Cao tông, tại Long Mông ở Lạc Dương có tạo lập tượng Phật Lô-xá-na, Sư đảm nhiệm chức vụ kiểm giảo. Tông Tịnh Độ do Sư xiển dương và xác lập đặc biệt gọi là Thiện Đạo Lưu, là một trong những điểm đặc sắc của Phật giáo đời Đường. Năm 1909, các học giả người Nhật như Quất Thụy Siêu tìm được những mảnh rời rạc của Vãng Sanh Lễ  Tán kệ và kinh A-di-đà gần Thổ-dụ-câu thuộc phía Đông Thổ-nhĩ-kì-tư-thản, sau đó lại có thêm văn Phát nguyện của Sư, có lẽ là một trong 10 vạn quyển Kinh A-di-đà do Sư viết tay. Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Sớ cũng gọi là quyển kinh Tứ Thiếp Sớ, truyền đến Nhật Bản vào thế kỷ thứ 8, lưu  truyền rất rộng rãi, vị tăng người Nhật là Pháp Nhiên (Nguyên Không) y cứ vào sách này sáng lập tông Tịnh Độ ở Nhật Bản, đồng thời tông Sư làm Cao Tổ. Sư tịch vào ngày 14 tháng 3 năm 681 (có thuyết nói ngày 27), hưởng thọ 69 tuổi, nhục thân Sư được an táng ở Thần Hòa Nguyên ở Thành Nam, Trường An. Học trò của Sư có các vị Hoài Cảm, Hoài Uẩn, Tịnh Nghiệp. Tác Phẩm: Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Sớ (4 quyển),Tịnh Độ Pháp sự Tán (2 quyển), Quán Niệm Pháp Môn (1 quyển) Vãng Sanh Lễ Tán Kệ (1 quyển), Bát-chu tán (1 quyển) Ngũ Chủng Tăng Thượng Duyên Nghĩa (1 quyển).
9. Tam tâm 三 心 (e.three minds): 1. Chí thành tâm 至誠心:Tâm chân thật cầu sanh Tịnh Độ; 2. Thâm tâm 深心: Tâm thiết tha chuyên nhất nguyện sanh Tịnh Độ; 3. Hồi hướng phát nguyện tâm 迴向發願心: Tâm hồi hướng công đức của mình phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ.
10. Ngũ hội pháp sự tán 五 會 法 事 讚: là tên gọi tắt của Tịnh độ Ngũ Hội Niệm Phật Lược Pháp Sự Nghi Tán淨度五會念佛略法事儀讚, do Ngài Pháp Chiếu法照 đời Đường soạn  được đưa vào quyển thứ 47 trong Đại Chánh Tạng. Nội dung giảng lược về nghi tắc của Ngũ Hội Niệm Phật五會念佛.
11. Xiển đề 闡 提: tên gọi tắt của Nhất xiển đề一闡提(s.Icchāntika); có nghĩa là không thành Phật, không tin Phật pháp. Nhất đoạn thiện xiển đề一斷善闡提: người có đại tà kiến đoạn trừ tất cả căn lành.
12. Ngũ chướng五障: (s.pañca āvaraṇāni):tức chỉ năm chướng ngại của thân người nữ. 1. Không được làm Phạm thiên vương. 2. Không được làm Đế thích. 3. Không được làm Ma vương. 4. Không được làm Chuyển luân vương. 5. Không được làm thân Phật
13. Tam tòng三 從: Ba nguyên tắc trong Nho Giáo bắt buộc người nữ phải tuân thủ đó là: 1.在 家 從 父tại gia tòng phụ nghĩa là khi ở nhà phải theo cha; 2. 出 嫁 從 夫 xuất giá tòng phu nghĩa là khi lấy chồng phải theo chồng; 3.夫 死 從 子phu tử tòng tử  là khi chồng chết phải theo con.