Đạo Đức

Hương các loài hoa không ngược bay chiều gió

Hương của người đức hạnh ngược gió khắp tung bay .

 

Như chúng ta đã biết, cuộc đời là một trường tranh đấu, mạnh được yếu thua, khôn sống dại chết. Ai cũng muốn chen chân, cố tìm cho mình một chỗ đứng vững vàng, mơ ước một tương lai sáng lạn, một cuộc đời hạnh phúc, cho nên họ bắt đầu cho cuộc tìm cầu “Thiên đường hạnh phúc” bằng nhiều con đường khác nhau. Có người xác định đúng hướng nên đạt đến hạnh phúc một cách dễ dàng, song không ít người dựa trên thế lực, tiền tài để mong cầu thỏa mãn những nhu cầu trong cuộc sống danh vọng địa vị sang giàu. Nhưng họ quên rằng nền tảng của hạnh phúc chính là Đạo Đức.
Cổ nhân có câu: “Hoa thơm nhờ nhụy, người có giá trị nhờ đạo đức”. Thật vậy, giá trị chân chính của con người được biểu hiện qua đời sống, hành động có đạo đức. Đạo đức được khẳng định là thước đo giá trị con người, là nền tảng căn bản của nhân loại trên cuộc sống hiện tại cũng như tương lai. Trên thực tế, khi nói đến đạo đức là chúng ta đang đề cập đến phong cách và hành vi cư xử của một con người qua thân, khẩu, ý.
Đứng trên phương diện lý thì tâm tác ý thiện là đạo đức. Đứng về mặt sự thì tất cả những hành vi cử chỉ tốt đẹp đều đem lại lợi ích an lạc cho mình và người, đó gọi là đạo đức. Hay nói cách khác, đạo đức được xây dựng trên cơ sở trí tuệ sáng suốt hướng dẫn hành động phù hợp với truyền thống của dân tộc và phù hợp với quy luật đi lên của xã hội loài người. Trái lại, những hành vi nào đem đến sự buồn phiền đau khổ cho mình và người, cũng như chúng sanh hữu tình, thì đó là hành vi phi đạo đức.
Trong Thiền Lâm Bảo Huấn có dạy: “Tôn mạc tôn hồ đạo, mỹ mạc mỹ hồ đức. Đạo đức chi sở tồn. Tuy thất phu phi cùng dã. Đạo đức chi sở bất tồn, Tuy vương thiên hạ phi thông dã”. Nghĩa là : “Quý chẳng gì quý bằng đạo. Đẹp chẳng gì đẹp bằng đức. Có đạo đức thì người bình dân không trở nên hèn kém, không có đạo đức thì dù cai trị một đất nước cũng không vẻ vang gì”. Phi đạo đức mà cai trị đất nước thì lịch sử cũng đã nêu như vua Trụ, vua Kiệt, vua Lệ… là những vị hôn quân bạo ác khiến cho lòng dân căm phẩn, đất nước can qua.

Đối với Tôn giáo thì đạo đức tức là người biết sống với lòng vị tha vô ngã, Từ-Bi-Hỷ-Xả, luôn luôn hy sinh vì mọi người, vì lợi ích chung. Chủ tịch Hồ Chí Minh cả một đời vì nước vì dân, là tấm gương sáng cho hậu thế noi theo. Tuy là một vị Lãnh tụ của một đất nước, thế mà Bác chỉ giản dị trong lớp áo kaki bạc màu, đôi dép cao su mòn gót, bôn ba khắp năm châu bốn biển để tìm ra con đường cứu nước cứu dân, sẵn sàng hy sinh hạnh phúc nhỏ nhoi của riêng mình để đem lại nền độc lập tự do cho dân tộc. Bác từng nói: “Có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó. Có tài mà không có đức là người vô dụng”.

alt

Như vậy cho chúng ta thấy vấn đề đạo đức rất quan trọng, không những đối với đời sống cá nhân mà còn ảnh hưởng sâu đậm với đời sống tập thể. Một người mà không có đạo đức rất dễ đánh mất nhân cách và lý tưởng cao đẹp của mình để trở thành nô lệ cho những dục vọng tham cầu, để đạt được những quyền lợi cá nhân họ sẽ sẵn sàng đánh mất lương tri mà không cần suy nghĩ. Gần đây, thế giới không ai là không nghe đến nhân vật Philaden, ông ta là một thiên tài, nhưng đáng tiếc cái thiên tài đó nó tích tụ trong một con người cực ác. Ông ta đã làm cho thế giới đảo điên, gây nên thảm họa kinh hoàng trên đất Mỹ.
Thiện ác là hai vấn đề song song tồn tại trên cuộc sống. Con người là chủ thể của vũ trụ. Cho nên muốn cải đổi một xã hội kiện toàn thì phải từ những con người trong xã hội đó, môi trường chung quanh là yếu tố tác động phụ thuộc cho vấn đề giáo dục đạo đức. Tục ngữ có câu: “Dạy con từ thuở còn thơ”. Các bậc làm cha làm mẹ ai cũng muốn con mình là đứa trẻ thông minh, ngoan hiền lễ phép, có đạo đức, cho nên phải dày công gian khổ uốn nắn, giáo dục con em từ thuở còn thơ. Nói đến giáo dục con cái thì phải kể đến Mạnh mẫu. Vì không muốn Mạnh Tử có những đức tánh và tập tục không tốt nên bà đã liên tục 3 lần dời nhà đi “tránh họa”. Gần nhà đồ tể bà sợ con trở nên hung ác, gần xóm chợ bà sợ con lêu lỏng ăn chơi, khi dời đến ở gần bên trường học Mạnh mẫu mới yên lòng không dời nhà đi nữa. Quả thật, “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, về sau Mạnh Tử trở thành một nhân tài có đạo đức.
Như vậy, việc giáo dục đạo đức cần phải có sự kết hợp giữa gia đình và học đường, Vì cha mẹ là hai vị Thầy đầu tiên trong cuộc đời dạy ta biết đi, biết nói, biết lễ nghi và biết đạo đức làm người. Còn đến trường thì Thầy cô giáo dạy chúng ta về văn hóa, đạo đức, công dân giáo dục để hoàn thiện nhân cách trong chiều hướng cộng đồng. Như vậy, sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường là một động lực giáo dục có hiệu quả rất cao. Tuy nhiên tác động về môi trường xung quanh cũng là một yếu tố khá quan trọng không thể không lưu tâm. Trên bình diện cuộc sống, chúng ta cứ thử nghiệm xem, Một đất nước mà từ một nhà lãnh đạo cho đến mỗi công dân, mỗi gia đình đều có nếp sống văn hóa đạo đức làm chuẩn, thì đất nước ấy nhân dân sẽ có đời sống phồn thịnh, tự do an lạc, không chiến tranh, trộm cướp. Ngược lại, nếu một đất nước mà các nhà lãnh đạo cho đến công dân, nếu thiếu văn hóa, không có lễ nghi đạo đức, thì đất nước ấy không tránh khỏi những lầm than cơ cực, chiến tranh, giặc giã, trộm cướp…
Cho nên, vấn đề Đạo Đức được xem là nền tảng của cuộc sống cá nhân cho đến cộng đồng, vì vậy cần phải un đúc cho mầm đạo đức ấy thường xuyên hiện hữu lên cuộc sống, lấy đạo đức để thắp sáng vào nhân gian đang bị che chắn bởi bóng đêm của tham dục ác cầu; hãy để cho đạo đức làm rung động, lay tỉnh đường về cho những ai còn đảo điên mê chấp, tham vọng đa cầu. Xét nghĩ vấn đề đạo đức ấy không thể đặt nặng riêng về xã hội hay tôn giáo, mà nó là chính là linh hồn của nhân loại, là sắc màu của cuộc sống mà mỗi con người đều phải biết trân quí giữ gìn và tô điểm thêm lên.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, người đã mở ra cho nhân loại một con đường giải thoát khổ đau, đoạn diệt vô minh bằng tình thương vị tha vô ngã. Ở nơi Ngài, đạo đức tức là Từ-Bi-Hỷ-Xả, đạo đức tức là “đoạn ái ly tham”, là con đường thực hiện Thập Thiện nghiệp, Bồ tát đạo…và đạo đức ấy trở nên một chân lý bất biến thường hằng bàng bạc trên cuộc sống của nhân sinh. Gần 26 thế kỷ trôi qua, và có lẽ vẫn còn mãi mãi, chân lý ấy, đạo đức ấy, và hình bóng siêu phàm xuất thế của bậc Thiên Nhân Sư vẫn sẽ hiện hữu và cảm hóa lòng người. Lấy Từ bi diệt sân hận, lấy Hỷ xả diệt san tham, lấy Trí huệ để thắp sáng hiện hữu. Tất cả giáo lý của Đức Phật đều nằm trên nền tảng đạo đức, giải thoát con người ra khỏi trầm luân vô minh đau khổ.
Cũng vậy, nền đạo đức Phật học ấy đã được tiếp nhận, duy trì và phát huy qua bao nhiếu thế kỷ, thế hệ. Cho đến hôm nay chúng ta còn thấy rất nhiều những tấm gương sáng về đạo học từ các bậc tôn túc tiền bối đức trọng đạo cao, xưa và nay như Bồ tát Thích Quảng Đức, bậc chân tu vĩ đại đã làm chấn động nhân thiên qua sự hy sinh vĩ đại đấu tranh vì quyền lợi, tự do tín ngưỡng PG, vào thời Ngô Đinh Diệm. Ngài đã để lại cho đời, cho lịch sử PGVN nhịp đập từ một trái tim siêu xuất bất khả tư nghì, để từ đó ánh đạo vàng còn được tiếp tục sáng soi.
Rồi PGVN thời cận đại cũng có HT.Thiện Hòa, người đã khai sơn Thánh địa Đại Tòng Lâm vào những năm đất nước mới giải phóng (1975). Với cái nhìn tuệ tri của bậc xuất trần Đại sĩ, Hòa thượng đã biến một khu rừng hoang sơ lao sậy thành Thánh địa, là cái nôi, trung tâm PG miền Nam, nơi đã đào tạo Tăng tài qua bao trường lớp.
Bên Ni giới cũng có các bậc tôn túc kỳ vĩ như Cố Ni trưởng Như Thanh, người đã đặt nền móng vững chắc cho hàng Ni giới, một đời tận tụy vì sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh. Về đức độ, đạo hạnh và sự giáo hóa, phụng sự đạo pháp dân tộc của Cố Ni trưởng, phải nói có một không hai trong hàng Ni giới thời cận đại.
Hiện tại, vấn đề giáo dục đạo đức, đào tạo Tăng tài đống lương Phật Pháp, tại tỉnh nhà (BRVT) cũng có HT.Thích Quảng Hiển (Phó BTSPG Tỉnh BRVT) Hiệu trưởng Trường Cao Trung PH Đại Tòng Lâm. Song song với việc giáo dục đào tạo Tăng tài, HT còn để tâm thục hiện kiến lập một Vạn Phật Quang ĐTL tự rất qui mô hoành tráng để làm nơi hoằng dương Phật Pháp, đây cũng là nơi mà Cố HT.Thích Thiện Hòa thuở nào chấn tích về khai khẩn đất hoang trở thành Thánh địa, nơi đào tạo Tăng tài cho tương lai. Và ngày nay, HT Hiệu trưởng đã góp nhiều tâm huyết bảo vệ và làm phát triển một Đại Tòng Lâm PG như hiện giờ.
Cùng gánh vác công tác Phật sự này hiện cũng có Ni sư Như Như, Quản viện NV. Thiện Hòa. Với tâm lòng Từ bi và đức độ vị tha của một người Thầy, một người mẹ, NS đã không quản gian lao sớm tối xa gần, hai bàn tay thương yêu đó đã nuôi lớn giới thân huệ mạng cho hàng trăm con gái dòng họ Thích đã được đào tạo và trưởng thành từ cái nôi của NVTH .
Nói về đạo hạnh và đức độ của các bậc tu hành thì có lẽ không gian nơi này không đủ dung lượng để trình bày. Nhưng qua vài hình ảnh đáng quý, đáng trân kính nêu trên, có thể cũng đủ để cho hàng hậu học noi theo và tự soi rọi lấy mình qua những tấm gương đạo đức ấy. Hãy làm sáng Đạo đẹp Đời qua sự tu học của bản thân mình, và hãy nhớ những lời mà đức Phật dạy chúng ta đều là những lời dạy răn nhắc, khai mở tâm trí cho chúng ta đi trên con đường giải thoát, chớ không phải là những giáo lý kiến thức suông; kiến thức mà không tương quan gì đến nhân phẩm đạo đức đời sống con người. Vì vậy, cho nên phẩm hạnh phải song toàn, nói và làm phải tương ưng khế hợp, bản thân mình có đạo đức thì mới mong đem đạo đức ấy trao tặng cho đời, cho người. Muốn vậy, xin hãy bắt đầu bằng việc trau dồi ấy.
Thích nữ Huệ Thanh