Việc “hướng nghiệp” cho tuổi trẻ Phật giáo

Kính thưa quý vị và các bạn,
Có nhiều từ nghe rất bình dân, phổ biến, thường ở trên cửa miệng của mọi người nhưng ý nghĩa, tác dụng, cách biểu hiện, v.v... của chúng thật rất khác xa nhau đối với mỗi người trong chúng ta. Xin lấy một ví dụ nhỏ: Chữ “thành công”. Thành công là gì? - Là có một cuộc sống hạnh phúc. Thế nào là hạnh phúc? - Là có một cuộc sống giàu sang, danh vọng, vợ đẹp con ngoan. Có chắc không? - Là có sự nghiệp vững vàng, học hành giỏi giang, v.v... Phải vậy không? - Là giàu có, muốn gì được nấy, tận hưởng đầy đủ mọi thú dục lạc trên đời. Chưa chắc! ☺☺!!

Nhiều bậc làm cha mẹ muốn hướng dẫn con cái đi theo con đường của mình và bị thất vọng vì đứa con không có hứng thú trong ngành nghề đó; nhiều người khác muốn con trở thành bác sĩ kỹ sư, hay cầu kỳ hơn, con đã có bằng kỹ sư rồi, không chịu, bảo phải vào trường Y khoa học lại để ra trường với văn bằng bác sĩ, v.v... Thật là chuyện khó tin nhưng vẫn có thật 100%. Do vậy, việc “hướng nghiệp” cho tuổi trẻ nói chung, cho con em chúng ta nói riêng, cho các em đoàn sinh GĐPT… không phải là chuyện dễ. Nhiều phụ huynh đoàn sinh (trong GĐPT) bảo rằng mình không biết gì cả, xin nhờ các anh chị huynh trưởng chỉ vẽ cho các em! Sự tin tưởng này vừa là niềm tự hào, vừa là nỗi lo của hàng huynh trưởng ngành Thanh, ngành Thiếu.

Xin mời quý vị và các bạn theo dõi cuộc hội thoại của các huynh trưởng trẻ GĐPT quen thuộc A, B, C bàn về vấn đề này - một trong những vấn đề lớn làm họ ưu tư, thao thức... cũng là vấn đề muôn thuở trong việc giáo dục Thanh Thiếu Niên sống đúng theo tinh thần Phật giáo.

 

alt

A: Chào các bạn, hôm nay các bạn định nói về việc hướng dẫn các em tự chọn cho mình hướng đi trong tương lai phải không?
B: Không dám bàn to tát như vậy đâu bạn! Chỉ là giúp các em giải đáp những thắc mắc trước “ngưỡng cửa cuộc đời”!
C: Coi như chúng ta là những người đi trước, chỉ cho các em những kinh nghiệm bản thân của chúng ta về chọn ngành học, chọn trường, v.v... mà thôi!
A: Mình thì nghĩ rằng căn bản là mình phải xác định những thứ hạnh phúc, thành công… theo định nghĩa riêng của từng người, rồi sau đó mới hướng dẫn họ được chứ!
B: Đúng vậy! Mình là huynh trưởng GĐPT, mình theo đạo Phật, mình học Phật pháp và hướng dẫn các em học Phật, cho nên quan điểm về thành công, hạnh phúc, v.v... ít nhiều cũng thấm nhuần nhân sinh quan và vũ trụ quan Phật giáo chứ hả?
C: Tất nhiên rồi, nhưng các bạn hãy nói “thấp thấp” một chút có được không? Cái gì mà nhân sinh quan, vũ trụ quan Phật giáo ở đây?
A: Nói dễ hiểu hơn thì thành công theo các bạn là gì và mình muốn hướng các em mình theo hướng ấy phải không?
B: Phải rồi! Mục đích của mình là làm sao để các em sống hạnh phúc theo tinh thần Phật giáo chứ không phải sống đắm chìm trong ngũ dục.
C: Mình thường nghe nói ngũ dục nhưng không rõ lắm, ngũ dục là gì?
A: Ngũ dục là năm thú vui của thế gian, nghĩa là thích sắc đẹp (sắc dục), thích nghe đàn ca múa hát, nghe khen, nghe tâng bốc, nghe nịnh hót (thanh dục) thích ngửi các mùi thơm, nước hoa, v.v... (hương dục) thích ăn ngon (vị dục), thân thể thích được tiếp xúc với lụa là gấm vóc, với những cảm xúc êm ái, mịn màng, v.v… (xúc dục)
B: Năm thứ dục lạc đó có thể làm lòng mình bị say đắm; ai vượt qua được ngũ dục là cũng giỏi lắm rồi đó nha! Ví dụ mắt tiếp xúc với sắc, tai tiếp xúc với âm thanh, v.v... mà đức Phật có dạy “mắt là biển lớn, ngươi phải vượt qua”, nghĩa là mắt thấy sắc đẹp mình thích nhưng mình phải cảnh tỉnh tâm mình, phải canh chừng nó để nó đừng phạm lỗi vì tham đắm quá mức.
C: Mình chưa hiểu đó nha! Có phải bạn muốn nói vì ham mê tửu sắc nên có thể phạm lỗi hay không?
A: Bạn nói “tửu” là có rượu nữa; đây chỉ là sắc, sắc là đối tượng của mắt, mắt nhìn thấy đẹp nhưng đừng khởi tâm chiếm đoạt chẳng hạn, là được rồi! ☺☺!!
B: Cũng vậy, tai nghe âm thanh nhưng đừng nghe khen thì mừng, đến nỗi quên cảnh giác, bị lợi dụng làm chuyện xấu chẳng hạn; nghe chê thì hờn giận, trả thù, v.v... Tất cả những cái đó nếu bạn vượt qua được thì coi như bạn đã vượt qua hai cái biển lớn (mắt và tai) rồi.
C: Mình hiểu rồi! Vậy theo các bạn một cuộc đời như thế nào mới được gọi là “thành công”?
A: Thành công mà phụ thuộc vào ngũ dục thì mình không cho là thành công; theo mình một cuộc đời gọi là thành công phải có ba yếu tố: an lạc cho mình, an lạc cho người chung quanh và không ngừng làm các việc phước thiện.
B: Mình cũng đồng ý với bạn, nếu mình có sự nghiệp, công danh, tiền bạc nhưng làm khổ cha mẹ, vợ, chồng, con cái, anh chị em, bạn bè, chòm xóm, v.v... hay không tốt với những người ấy thì phần nào đã thất bại.
C: Mình nghĩ gần hơn các bạn, mình nghĩ rằng một cuộc đời thành công là một cuộc đời có an lạc, về bản thân thì có tu học, với tha nhân thì biết giúp đỡ mọi người bằng các phương pháp bố thí (tài thí, pháp thí và vô úy thí).
A: Nói như vậy cũng đúng thôi. Tóm lại, chúng ta đã đồng ý thế nào là “hạnh phúc” và thế nào là “thành công” rồi chứ gì! Vậy chúng ta hướng các em về mục đích đó.
B: Đúng vậy, nhưng đó là ý kiến của chúng ta, còn các em có đồng ý hay không, lại là chuyện khác!
C: Phải! Phải! Mình nói đây là nói đến cái chung, còn những em cá biệt thì không thể nói được; ngay cả cha mẹ các em cũng không biết ý thích của các em là cái gì nữa mà!☺☺!!
A: Ngoài ra, tương lai đâu có ai đoán trước được? Các bạn có nhận thấy không? Có nhiều em rất thông minh, học rất giỏi, nhưng ra đời lại không thành công, có khi gặp phải người chồng, người vợ “oan gia” sao đó, làm cho đời các em trở nên thê thảm không ai có thể nghĩ ra được các em lại xui đến vậy!
B: Bởi vậy, trong phạm vi nhỏ hẹp của chúng ta, những người huynh trưởng GĐPT, có bổn phận đưa đạo vào đời sống bình thường làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, gần nhất là áp dụng vào bản thân mình, gia đình mình và các em đoàn sinh của mình.
C: Thật ra chúng mình chỉ gần các em mỗi tuần có một ngày thôi, còn 6 ngày kia là gia đình, học đường, xã hội... nghĩa là còn nhiều vai trò ảnh hưởng của thầy cô giáo, bạn bè, hàng xóm láng giềng nữa!
A: Chứ sao! Đó là chưa nói đến những vị minh triết của thời đại, hiện tại như đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 của Tậy Tạng, thầy Nhất Hạnh của Việt Nam, và nhiều thiền sư khác, quá khứ như thánh Gandhi, thiền sư Bankei… mà tư tưởng và hành động thực tiễn cũng như những lời dạy của họ đã ảnh hưởng tốt rất nhiều đến lương tâm con người và thời đại.
B: Chuyện hướng dẫn các em về nghề nghiệp là chuyện nhỏ, và không phải là chuyên môn của chúng ta, đó là việc của những nhà tư vấn (counselor) ở các trường Đại học mà các em sẽ ghi tên vào, chuyện của chúng ta là làm sao gieo hạt giống Bồ-đề vào tâm các em để sau này hạt giống đó sẽ điều khiển các em sống theo tinh thần Phật giáo mà chúng ta có bổn phận duy trì dài lâu để đem lại hạnh phúc cho bản thân và người chung quanh.
C: Bạn nói thật là siêu quá! Làm sao mình gieo hạt giống Bồ-đề vào tâm các em được?
A: Bạn B nói không sai. Đó là lời dạy của quý Thầy cố vấn giáo hạnh của chúng ta trao truyền cho chúng ta đấy chứ, bạn quên rồi sao? Quý Thầy nói kinh Hoa Nghiêm dạy rằng: Bất cứ Phật sự nào mà không phát xuất từ tâm Bồ-đề thì đó chỉ là ma sự!
B: Phải rồi! Ví dụ như chúng ta đi cứu trợ - đó là một việc Phật sự chứ gì? Nhưng nếu chúng ta mỗi người một ý, không ai tôn trọng ý kiến của ai, rồi sinh ra cãi vả, tranh luận, lời qua tiếng lại, v.v... Đó không phải là ma sự hay sao?
C: À, mình hiểu rồi! Nhưng mình lại quên mất định nghĩa tâm Bồ-đề, các bạn nhắc lại cho mình đi!
A: Tâm Bồ-đề là tâm “thượng cầu hạ hóa” có nghĩa là trên thì cầu Phật đạo, dưới thì giáo hóa chúng sanh.
B: Nói ngắn gọn và với vai trò huynh trưởng GĐPT của chúng mình, là trên thì học Phật pháp, dưới thì dạy Phật pháp cho các em; dạy các em làm tất cả những việc thiện, tránh tất cả các việc ác, luôn giúp đỡ mọi người, thương yêu mọi loài.
C: Chỉ vậy thôi hả?
A: Chỉ vậy nhưng bạn làm cả đời không hết việc và chưa chắc hết kiếp này đã xong việc đó nha! ☺☺!!
B: Thật đó! Bạn thử nghĩ xem mỗi ngày bạn làm được bao nhiêu việc thiện, giúp đỡ được mấy người? Đó là chưa nói “thương yêu mọi loài”, kéo theo rất nhiều việc khác mà có thể chúng ta làm không nổi!
C: Đúng vậy, châm ngôn “sáng cho người một niềm vui, chiều giúp người bớt khổ” mình thấy đã khó khăn rồi!
A: Thấy chưa? Vì vậy, có lần một em Oanh Vũ hỏi: điều luật của em là “thương người và loài vật” mà nhà em ăn cá hoài, có sao không anh? Mình thật khó trả lời!
B: Đúng vậy, có nhiều người vào chợ còn mua “cá sống đang bơi lội trong hồ” về ăn nữa.
C: Các bạn lại nói lạc đề rồi. Mình xin trở lại nha! Như vậy, việc đem đạo Phật nhập thế chúng mình đã làm từ lâu rồi phải không?
A: Phải! Phải! GĐPT nói riêng và Phật giáo nói chung đã đem đạo Phật vào đời bằng những việc làm từ thiện, những bệnh viện, y viện, dưỡng đường, Tuệ Tĩnh đường, ở trong nước, mục đích cứu tế đồng bào bệnh tật già yếu không nơi nương tựa… đã lâu rồi; ở hải ngọai nói chung, Hoa Kỳ nói riêng, có nhiều bệnh viện chữa bệnh bằng Thiền Phật giáo nữa.
B: Ngoài ra, có nhiều huynh trưởng đã đi theo chư vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức... vào những nhà tù để thăm viếng, an ủi, nói Pháp cho những tù nhân chung thân hay sắp bị tử hình, nghe nói có nhiều tù nhân tỏ ra xúc động mạnh, và còn muốn gặp lại quý Thầy lần nữa.
C: Nhưng cách làm này còn tùy thuộc vào mỗi quốc gia nữa phải không các bạn?
A: Phải rồi!
A: Buổi nói chuyện hôm nay tạm đủ, các bạn thấy chúng ta chấm dứt được chưa?
C: Được rồi, xin cảm ơn và tạm biệt các bạn. Hẹn lần sau nha!
A và B: Tạm biệt! Tạm biệt!

Tâm Minh