Ăn Trong Im Lặng

Mục đích của sự ăn cơm im lặng là để thấy được giá trị của những thức ăn mà ta đang ăn và thấy được sự có mặt của những người đang ngồi ăn với ta bữa cơm hôm nay. Cái thấy này chỉ trở nên sâu sắc khi ta biết vừa ăn vừa quán niệm. Sự quán niệm này không mệt nhọc, không làm hao tổn trí óc và mệt bộ tiêu hóa; trái lại nó còn làm cho ta thanh tịnh khỏe khoắn và an lạc thêm. Im lặng giúp cho ta quán niệm thành công. Thức ăn ta đang ăn có thể cho ta thấy liên hệ mật thiết giữa ta và vũ trụ, giữa ta và trái đất, giữa ta và mọi người cùng mọi loài. Từng cọng rau, từng giọt tương, từng miếng đậu chứa trong chúng sự sống của trái đất toàn vẹn và của cả mặt trời. Ta thấy được ý nghĩa và giá trị sự sống ta qua những miếng ăn nhỏ bé và quý giá đó. Ta ý thức được rằng ta đang ngồi chung với những con người khác, và ta có cơ hội để nhìn thấy được họ một cách rõ ràng và hiện thực hơn.  Ta  có  cơ hội cười với họ một nụ cười thật sự thân hữu và có chất liệu cảm thông sâu sắc. Các hình ảnh chứa đựng trong các bài thi kệ đều là những hình ảnh thiết thực; ta phải thấy được  những  hình  ảnh  đó  và  sử  dụng được chúng để nhìn sâu vào trong sự vật. Bữa cơm im lặng đầu tiên có thể là sẽ hơi ngỡ ngàng và chưa được tự nhiên, nhưng nếu ta học được thói quen, ta sẽ thấy những bữa cơm im lặng đem lại cho ta thật nhiều hạnh phúc, an lạc và đằm thắm.

Thi kệ dùng trong các bữa cơm (im lặng)

Nâng chiếc bát không lên

Tay cầm chiếc bát không
Tôi biết rằng trưa nay
Tôi có đủ may mắn
Để có bát cơm đầy.

(Chữ bát có thể được thay bằng chữ đĩa, hoặc chén, hoặc tô tùy theo trường hợp. Chữ trưa có thể được thay bằng chữ chiều.
Bài thi kệ này giúp ta quán chiếu về thực trạng thiếu ăn trên thế giới và trên quê hương.)

Nhìn chiếc bát đầy thức ăn

Tay nâng bát cơm đầy
Tôi thấy rõ vạn vật
Đang giang tay góp mặt
Để cùng nuôi dưỡng tôi.

(Bài thi kệ này giúp ta quán chiếu về nguyên lý duyên sinh qua hình ảnh thực phẩm và giúp ta thấy được sự sống của ta tùy thuộc vào sự sống của mọi loài.)

Ngồi xuống

Ngồi đây ngồi cội Bồ Đề
Vững thân chánh niệm
không hề lãng xao.

(Bài thi kệ này cũng như một lời tự hứa là sẽ giữ được chánh niệm trong suốt bữa ăn.)

Nhìn bát cơm trước khi cầm bát

Vạn vật tranh sống
Trên trái đất này
Nguyện cho tất cả
Có bát cơm đầy.

(Bài thi kệ này giúp ta nuôi dưỡng lòng từ bi đối với những kẻ thiếu may mắn.)

Nâng bát cơm lên

Ai ơi nâng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần.

(Bài thi kệ này giúp ta thấy được công trình của người nông dân và hàng chục ngàn trẻ em vì thiếu ăn mà chết mỗi ngày.)

Trong khi ăn bốn đũa đầu

Đũa thứ nhất, nhớ tìm cách cho vui.
Đũa thứ hai, nhớ làm vơi nỗi khổ.
Đũa thứ ba, nhớ giữ lòng hoan hỷ.
Đũa thứ tư, nhớ học hạnh thả buông.

(Bài thi kệ này, được kéo dài trong thời gian bốn miếng ăn đầu của bữa ăn, giúp ta ôn lại tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả) tức là bốn hạnh lớn của Bụt và Bồ Tát, hoặc bốn cảnh an trú đẹp đẽ nhất. Chữ đũa có thể thay thế bằng chữ muỗng hoặc thìa hoặc miếng.)

Nhìn bát cơm đã sạch thức ăn

Bát cơm đã vơi
Bụng đã no rồi
Bốn ơn xin nhớ
Nguyện sẽ đền bồi.

(Chữ bát có thể đổi thành chữ đĩa. Bài thi kệ này nhắc ta bốn ơn lớn: ơn cha mẹ, ơn sư trưởng, ơn bằng hữu và ơn mọi loài động vật, thực vật và khoáng chất.)

Nâng chén trà lên

Chén trà trong hai tay
Chánh niệm nâng tròn đầy
Thân và tâm an trú
Bây giờ và ở đây.

(Bài thi kệ này giúp ta trở về sống trong hiện tại và thấy được sự có mặt của mọi người quanh ta, của thế giới quanh ta, của những chi tiết nhỏ bé nhưng quan thiết của sự sống trong giờ phút hiện tại.)

 

Sư Ông Làng Mai