Pháp hành đưa đến bình an

Khi bạn hiểu được đâu là đúng và đâu là chánh đạo, bạn sẽ đến được đúng nơi. Giáo Pháp có hai phẩm tính. Thứ nhất, nếu bạn thực hành đúng theo Giáo Pháp, đi đúng theo Chánh Đạo, sẽ không bị rơi vào khổ cảnh, con người bạn được thăng cao. Thứ hai, đến được đúng nơi. Đi trên Chánh Đạo là nhân, đến đúng nơi chốn là quả. Đây là hai phẩm tính của Giáo Pháp. Do vậy, Giáo Pháp xứng đáng để cho bạn nương tựa và tu tập “Dhammaṁ saranaṁ gaccāmi” “Con xin quy y Pháp.”

“Pháp Hành Đư a Đến Bình An" gồm 18 bài Pháp thoại do Hòa Thượng Thiền S  U Pandita diễn giảng trong khóa Thiền Minh Sát Đặc Biệt 20 ngày từ 10 đến 29 tháng 5 năm 2004 tại Như Lai Thiền Viện.

Những bài Pháp thoại này đ ược phiên dịch từ tiếng Miến sang tiếng Anh và Việt ngay trong khóa thiền. Tỳ Kheo Pháp Luân phụ trách phần thông dịch sang tiếng Việt và ghi chép lại để Như Lai Thiền Viện in thành sách hầu phổ biến rộng rãi đến Phật tử và thiền sinh Việt Nam.

Giáo Pháp và Giới Luật

Trong thời kỳ Giáo Pháp và Giới Luật của Đức Phật còn tồn tại, tất cả chư Tăng Ni và Cư Sĩ nên tu tập Giáo Pháp và nghiêm trì Giới Luật của Đức Phật, để xứng đáng là người Phật tử đúng nghĩa với phẩm hạnh vẹn toàn, cũng như hưởng được lợi lạc từ sự thực hành Giáo Pháp. Do vậy, Sư đến đây để giúp các bạn thực hiện mục đích này. Sư rất hoan hỉ giúp những ai yêu thích và muốn tu tập Giáo Pháp, giống như giúp người khát được uống, người đói được ăn. Không phải ai cũng yêu thích Giáo Pháp như các bạn. Vì thế, Sư đến đây với nhiệm vụ giúp các bạn tu tập để đạt kết quả tốt đẹp.

Theo nghĩa ngắn gọn, Giáo Pháp, Dhamma, có nghĩa là sự chỉ dạy, sự hướng dẫn, và Giới Luật, Vinaya, là kỷ luật tu tập theo đúng Giáo Pháp để có kết quả tốt. Bạn tu tập để có được khả năng tinh cần chánh niệm vào những gì đang sinh khởi trong bốn lãnh vực: thân, thọ, tâm và pháp, và biết cách vận dụng tinh tấn để hướng tâm đến đề mục một cách chính xác. Tu tập như vậy là bạn thực hành thiền Minh Sát, có nghĩa bạn thực hành Giáo Pháp.

Thiền Minh Sát đem lại 7 lợi lạc: (1) thanh lọc tâm trong sạch, (2) chấm dứt lo âu phiền muộn, (3) chấm dứt uất ức than khóc, (4) diệt khổ thân, (5) diệt khổ tâm, (6) thành tựu thánh đạo, và (7) chứng đạt Niết Bàn.

Muốn thực hành Giáo Pháp để được các lợi lạc này cần phải có kỷ luật. Chư Tăng phải giữ theo Luật Giới Bổn, cư sĩ phải giữ Ngũ Giới hay Bát Quan Trai Giới. Giữ gìn như vậy có nghĩa bạn nghiêm trì Giới Luật.

altMuốn chỉ dẫn người khác cần phải có cả hai tâm từ và trí tuệ. Đức Phật có cả bai tâm Đại Từ và Trí Tuệ Toàn Giác. Nếu chỉ dẫn sai, sẽ làm cho người thực hành có hành vi thân khẩu sai trái, thân tâm sẽ bị khổ. Với tâm Đại Bi, Đức Phật chỉ dẫn chúng ta phải biết thu thúc những gì cần thu thúc và giữ gìn những gì cần phải giữ gìn. Nếu tu tập theo đúng sự chỉ dẫn, sẽ dẫn đến kết quả là hành vi và lời nói trở nên tốt đẹp, và thân tâm được an vui. Đó chính là Giáo Pháp và Giới luật.

Thực hành đúng có nghĩa đi được đúng đường. Muốn thực hành đúng theo sự hướng dẫn, bạn cần phải tuân theo các qui tắc cần thiết do người hướng dẫn yêu cầu. Bạn phải hiểu rõ ràng các qui tắc để thực hành có kết quả tốt. Sự hướng dẫn ở đây là Giáo Pháp, và qui tắc cần thiết phải tôn  trọng chính là Giới luật. Giống như khi lái xe, cần phải thông hiểu luật giao thông, nếu không sẽ gặp tai nạn. Do vậy, nếu giữ đúng giới luật tu tập theo đúng đường hướng chỉ dẫn, sẽ không tạo lỗi lầm qua thân khẩu. Nhờ chính cá nhân không làm điều sai trái qua thân khẩu, nên người chung quanh không bị đau khô. Điều quan trọng là chính mình không làm điều sai trái và tránh làm điều sai trái. Giáo Pháp và Giới Luật của Đức Phật, hay Phật Pháp nói chung, Buddha Sasāna, giúp cho bạn thành đạt thân khẩu ý trong sạch. Nhờ vậy, bạn tự bảo vệ mình, nên bạn bảo vệ cho người khác. Đây là căn bản của sự tu tập Giáo Pháp và Giới Luật.

Các bạn cần phải phát triển tâm từ, có ý mong muốn cho mọi người được an vui hạnh phúc. Bạn không muốn người khác đau khổ vì lỗi lầm của họ. Vì thế, bạn có sự nhẫn nhục, tha thứ. Thà bạn chịu đựng đau khổ nhưng bạn không làm người khác đau khổ. Đây chính là sự thể hiện của tâm bi. Do đó, tâm từ và tâm bi rất quan trọng. Một khi phát triển được tâm từ, sẽ phát triển được tâm bi. Vì không muốn người khác đau khổ, nên bạn  không làm điều sai trái. Như vậy, bảo vệ cho người khác là bạn bảo vệ cho chính mình theo tinh thần “param rakkhanto attānam rakkhati”, ngược lại với “bảo vệ cho chính mình là bảo vệ cho người khác”. Đây cũng là căn bản của sự tu tập Giáo Pháp và Giới Luật.

Tu tập theo Giáo Pháp và Giới Luật không phải là ích kỷ chỉ biết cho riêng mình. Ngược lại, bạn làm được hai điều: (1) bạn tự bảo vệ mình nên bảo vệ cho người khác, và (2) bạn bảo vệ cho người khác nên bạn tự bảo vệ mình. Do đó bằng sự tu tập, bạn tạo được hai điều lợi lạc. Đây là điều rất dễ hiểu, không tốn kém, không khó khăn, không mệt nhọc chi cả. Thực hành Giáo Pháp theo lối này, phẩm hạnh cuộc đời bạn sẽ được nâng cao. Bạn tự giữ gìn không làm điều sai trái. Nếu giữ không làm điều sai trái, sẽ giúp bạn hưởng được lợi lạc của sự tu tập. Theo ý nghĩa này thì Giáo Pháp và Giới Luật không phải là hai sự thực hành riêng biệt. Cả hai được thực hành chung với nhau.

Giáo Pháp và Giới Luật bạn thực hành ở đây không phải từ sự nghe suông, hay biết qua sách vở, mà là do người bạn đạo, kalyāna-mitta, hướng dẫn cả hai mặt lý thuyết và thực hành theo như những gì Đức Phật chỉ dạy. Bắt đầu từ nghe sự chỉ dẫn và hiểu cách thực hành cho đúng, tiếp theo là chính cá nhân thực hành thật sự. Đây là hai điều kiện bắt buộc của sự tu tập. Phần hướng dẫn cách thực hành sẽ được nói vào đêm nay, sau đó chính bạn thực hành. Nếu chỉ nghe hướng dẫn mà không thực hành, bạn sẽ chẳng được lợi lạc chi. Giống như bạn có xe sẵn sàng, nhưng bạn không mở máy, không lái xe, bạn sẽ không đi đến đâu. Cũng vậy, nếu chỉ nghe suông mà không thực hành sẽ không cho bạn hưởng được lợi lạc. Do đó, muốn hưởng được lợi lạc, bạn cần phải làm trọn vẹn cả hai: hiểu và hành. Nếu đi theo đúng đường, bạn sẽ đến nơi an toàn. Nếu không thực hành đúng, sẽ không đạt kết quả đúng. Hoài nghi, mơ mộng, sẽ không cho bạn lợi lạc. Nếu thực hành bằng đức tin, tin tưởng vào sự hướng dẫn, tin vào pháp hành, bạn sẽ thực chứng Giáo Pháp, hưởng được lợi lạc. Nếu tu tập đúng cách, thân khẩu ý sẽ được cải thiện đúng đắn, đem lại lợi ích cho chính bạn. Sự tu tập của bạn trở nên vững chải. Nhờ vậy, bạn làm cho Giáo Pháp và Giới Luật được sống mãi, và như thế, bạn làm cho Đức Phật cũng được sống mãi.

Có thể bạn không có trở ngại trong đức tin nơi Giáo Pháp và Giới Luật của Đức Phật, tuy nhiên có những thiền sinh khác gặp trở ngại trong đức tin. Họ hoài nghi, phân vân, do vậy không đến được đúng nơi, vì không theo đúng đường. Giáo Pháp và Giới Luật của Đức Phật không dành cho người hay tưởng tượng hoặc hay mơ mộng.

Một khi hiểu được tinh túy của Giáo Pháp và Giới Luật cùng các lợi lạc mang lại như đã nói qua, bạn sẽ có đức tin, bạn chấp nhận, và thực hành với tất cả nhiệt tình. Tiếp tục thực hành với nhiệt tình sẽ làm tăng trưởng đức tin ngày thêm mạnh mẽ. Thực hành với tinh thần như vậy, Sư bảo đảm bạn sẽ hưởng được lợi lạc. Bạn tu sửa thân khẩu ý, bạn phát triển được tuệ minh sát đúng theo yêu cầu. Thực hành với kết quả như vậy, bạn sẽ không còn phân biệt Giáo Pháp, Giới Luật, và người thầy hướng dẫn, như là ba thực thể riêng biệt, trái lại chỉ có sự hợp nhất của cả ba, không còn phân biệt riêng rẽ. Sự hợp nhất Giáo Pháp, Giới Luật và người thầy hướng dẫn không phải là điều suy luận riêng từ cá nhân, nhưng điều này đã được nói đến trong bài kinh Đại Niết Bàn, thuộc Trường Bộ Kinh Khi thấy Đại Đức A Nan không giữ được sự xúc động trước sự sắp sửa ra đi của Đức Phật, Ngài khuyên vị này như sau: “Này A Nan, Giáo Pháp và Giới Luật mà Như Lai đã truyền lại trong suốt 45 năm qua bằng tâm Đại Từ Đại Bi và Trí Tuệ Toàn Giác, sẽ trở thành thầy dạy của con sau khi Như Lai nhập diệt.”

Do đó, trách nhiệm của các bạn là đi đúng đường, hành đúng theo Giáo Pháp và Giới Luật, không sửa đổi hay thêm bớt, hành theo sự hướng dẫn của thiền sư, và tôn trọng các kỷ luật cần thiết cho sự tu tập. Với đức tin nơi Đức Phật, bạn sẽ có nhiệt tình trong sự tu tập, nhờ nhiệt tình, bạn nỗ lực chánh niệm kịp thời các hiện tượng sinh khởi, nhờ vậy bạn bảo vệ tâm không bị phiền não xâm nhập. Kết quả là bạn tu sửa thân khẩu ý trong sạch. Nếu bạn thực hành với đức tin và sự kính trọng, bạn sẽ chứng nghiệm Giáo Pháp trong vài ngày. Thấy Giáo Pháp là bạn thấy Đức Phật. Nhờ thấy Giáo Pháp, nên bạn tin có đức Phật thực sự, tin rằng quả thật có vị Phật ra đời ở Ấn Độ hơn 2500 về trước, với Giáo Pháp và Giới Luật của Ngài còn tồn tại, và bây giờ chính bạn thực chứng được Giáo Pháp của Ngài.

Bằng tâm từ, bạn bắt đầu tu tập, bạn theo Giáo Pháp và Giới Luật, từ căn bản là sự giữ giới, bạn thực hành thiền Tứ Niệm Xứ theo như được chỉ dẫn. Nhờ vậy, bạn làm cho Giáo Pháp và Giới Luật cùng Đức Phật sống lại trong tâm mình. Cầu mong trong suốt khóa thiền ba tuần này. bằng sự tự tin nơi mình và bằng đức tin vào Giáo Pháp sẽ giúp bạn tu tập thành công.

Đi Đúng Đường, Đến Đúng Nơi

Sống trong thời kỳ mà Giáo Pháp và Giới Luật của Đức Phật còn tồn tại, điều quan trọng cho chư tăng và cư sĩ là phải tu tập để sống cuộc đời có giá trị. Thực hành Giáo Pháp và Giới Luật của Đức Phật là sự tu tập theo Tam Học, Giới-Định-Huệ, hay Sīla-Samādhi-pañña.

Trước nhất cần phải tu tập Giới để làm cho giới hạnh của mình được trong sạch. Chư Tăng Ni và cư sĩ phải có Giới trong sạch, hay giới tịnh, visuddhisīla, mới tiến đến tu tập Định và Huệ. Giữ Luật Tỳ Khưu, hay Ngũ Giới, hay Bát Quan Trai Giới, giúp cho thân khẩu được trong sạch, không tạo nghiệp bất thiện qua thân khẩu chẳng hạn như tránh không sát sanh, trộm cắp v.v… chế ngự được phiền não tác động, loại phiền não ảnh hưởng đến hành động và lời nói. Nhờ vậy bạn có sự cư xử hoà nhã khả ái. Do đó, nhờ sự giữ giới trong sạch làm nhân, sự cư xử hoà nhã khả ái là quả. Lợi lạc đầu tiên của sự giữ giới là bạn không tự chê trách mình. Mỗi khi nhớ đến giới hạnh trong sạch của mình, bạn cảm thấy an vui, không cảm thấy hối tiếc, nên không tự chê trách mình. Lợi lạc thứ hai, bạn không bị chê trách bởi hiền nhân. Lợi lạc thứ ba là bạn không bị rắc rối bởi luật pháp hiện hành. Lợi lạc thứ tư là bạn không tái sinh vào khổ cảnh trong kiếp tương lai do hậu quả bất thiện nghiệp tạo qua thân khẩu. Như vậy, giới tịnh giúp bạn sống an vui hạnh phúc trong đời này và đời sau.

Nhờ có giới, bạn trở nên người có nhân cách xứng đáng. Nếu là tỳ khưu, bạn trở nên một tỳ khưu có phẩm giá thật sự của một tỳ khưu. Nếu là cư sĩ, bạn trở nên một con người có phẩm giá thật sự của một con người. Tại sao như vậy? Nhờ vào sự thu thúc thân khẩu, bạn không còn buông lung để tham lam, sân hận cực độ ảnh hưởng đến hành động và lời nói. Do đó, bạn khắc phục được tham sân trong con người mình. Bạn trở nên người chiến thắng phiền não. Thay vì chiến thắng thông thường một cách sai lạc, bạn chiến thắng với chính mình. Tự mình thắng mình. Chiến thắng này mang lại cho bạn bình an và hạnh phúc. Nhờ chính mình có bình an hạnh phúc, nên bạn mang lại bình an hạnh phúc cho mọi người chung quanh. Nhờ giới học, bạn tạo lợi ích cho bản thân và xã hội. Do đó, thực hành sự giữ giới, rèn luyện Giới học, sīla-sikkhā, không phải giới hạn trong Phật tử mà tất cả mọi người khác không có cùng đức tin cũng nên thực hành.

Giới học làm cho hành động và lời nói trong sạch, nhưng không giúp cho tâm trong sạch. Bạn có thể suy nghĩ điều bất thiện như có ý muốn giết hại, ngược đãi, có ý muốn chiếm đoạt, tà hạnh, hay dối trá, v.v... Đây là loại phiền não tư tưởng. Muốn ngăn ngừa phiền não tu tưởng, cần phải tu tập Định học qua sự thực hành chánh niệm trong thiền tập. Do duy trì chánh niệm, bạn không dính mắc vào những đối tượng sinh khởi qua mắt thấy, tai nghe, v.v. làm phát sinh ưa ghét, tạo nên các tư tưởng bất thiện như chiếm đoạt, lừa đảo, sân hận, v.v...Nhờ chánh niệm giúp ngăn ngừa không cho sinh khởi các tư tưởng bất thiện, và diệt trừ được các tư tưởng này ngay khi chúng phát sinh trong tâm. Tâm được chánh niệm bảo vệ trong sạch. Do đó nhờ Định học, samadhi-sikkhā, bạn trở nên người có nhân tâm thật sự.

Giới học giúp cho thân khẩu trong sạch. Định học giúp cho tâm được trong sạch. Tuy nhiên, thân khẩu ý vẫn còn bị ảnh hưởng bởi si mê. Si mê thuộc loại phiền não ngủ ngầm, ẩn tàng trong tâm bộc phát thành tư tưởng và cuối cùng là thân khẩu. Si mê là gốc rễ bất thiện của tư tưởng và thân khẩu. Muốn diệt tận si mê, phiền não ngủ ngầm, cần phải thực hành Tuệ học, pañña-sikkhā. Kết quả của sự tu tập này đem lại sự thành tựu trí tuệ minh sát, hay Minh Sát tuệ, vipassana-nañña, và Thánh Tụệ, ariya-nañña. Nhờ trí tuệ, biết được đúng sai, bạn bảo vệ được thân khẩu ý ít nhất bạn phải chứng đắc cho được tầng thánh đầu tiên. Dù rằng bạn chưa tận diệt được tất cả các ô nhiễm, nhưng bạn thoát được các ô nhiễm bậc thô tức phiền não tác động. Thành đạt mục tiêu này, bạn thăng tiến từ phàm nhân hay người còn bị phiền não dính mắc, puthujjana, để trở thành thánh nhân, ariya, người thoát khỏi phiền não, người trong sạch và cao thượng. Do đó, nhờ Tuệ học, bạn trở nên người có minh trí, người có trí tuệ thật sự.

Đức Phật là người trong sạch, ngài tuyên dạy Chánh Pháp và Chánh Luật. Ngài tự mình thực hành Chánh Pháp, loại trừ tất cả ô nhiễm và đến được vùng bình an. Ngài được gọi là Thiện Thệ, sugata, là người đã đi trên chánh đạo và đến được đúng nơi. Ngài chỉ dẫn Chánh Pháp và Chánh Luật để giúp chúng sanh thực hành. Nếu một ai thực hành theo sự chỉ dẫn, sẽ được hưởng lợi lạc. Thiện Thệ cũng mang ý nghĩa là nói những gì đúng đắn và lợi ích. Thế nên, nếu thực hành đúng theo Chánh Pháp và Chánh Luật, bạn sẽ đi đúng theo Chánh Đạo và sẽ đến được đúng nơi. Một khi chính bạn thực hành và đạt kết quả cuối cùng là đến đúng nơi, bạn giúp chỉ dạy lại cho người khác để họ cũng đạt được kết quả như vậy. Đây là phẩm tính Thiện Thệ.

Đức Phật chỉ dạy những gì đúng và chỉ nói những gì mang lợi ích với tâm bi mẫn phát xuất từ trí tuệ toàn giác của Ngài, sabbaññnnuta-ñāna. Tuy vậy, không phải lúc nào Đức Phật cũng nói hay dạy cho tất cả mọi người ở tất cả mọi nơi. Ngài hiểu được khi nào nên nói, nói đúng lúc, đúng với đối tượng. Ngài xem xét người được dạy có đủ đức tin, hay có đủ duyên, đủ quyết tâm, hay đủ trình độ tâm linh sẵn sàng để lãnh hội, Ngài mới giảng dạy. Có khi Ngài dùng lời khen tặng nhằm khuyến khích, có khi Ngài dùng lời chê trách nhằm cảnh tỉnh để đưa họ trở lại chánh đạo. Cho dù người nghe có thích hay không thích, Ngài luôn luôn chỉ dạy như vậy vì chỉ muốn mang lại lợi lạc cho người này mà thôi. Giống như y sĩ cho thuốc tùy theo bệnh trạng có khi cần phải cho thuốc ngọt có lúc cần phải cho thuốc đắng, nhằm mục đích chữa trị cho người bệnh được bình phục.

Phẩm tính Đức Phật là dạy để đi đúng đường. Công việc của Ngài là giúp hướng dẫn để trở về đúng đường. Với lòng bi mẫn, Ngài luôn luôn dạy chúng sanh đi đúng đường, không bao giờ chỉ sai đường. Với trí tuệ toàn giác, Ngài biết cách dạy đúng người, và có khả năng đem người trở lại đúng đường, để không bị đau khổ vỉ đi lạc đường. Ngài có cả hai trí tuệ và lòng bi mẫn để dạy dỗ chúng sanh. Nếu chỉ có trí tuệ suông thôi không thể làm được điều này.

Mỗi khi bạn đọc “Buddhaṁ saranaṁ gaccāmi”, “Con xin quy y Phật”. Tại sao phải quy y Phật? Vì Đức Phật là bậc trí tuệ toàn giác hướng dẫn đúng đường, và có lòng bi mẫn không muốn chúng sanh đau khổ vì lạc đường. Ngài là người hướng dẫn nên do vậy bạn xin nương tựa nơi Ngài.

Khi bạn hiểu được đâu là đúng và đâu là chánh đạo, bạn sẽ đến được đúng nơi. Giáo Pháp có hai phẩm tính. Thứ nhất, nếu bạn thực hành đúng theo Giáo Pháp, đi đúng theo Chánh Đạo, sẽ không bị rơi vào khổ cảnh, con người bạn được thăng cao. Thứ hai, đến được đúng nơi. Đi trên Chánh Đạo là nhân, đến đúng nơi chốn là quả. Đây là hai phẩm tính của Giáo Pháp. Do vậy, Giáo Pháp xứng đáng để cho bạn nương tựa và tu tập  “Dhammaṁ saranaṁ gaccāmi”  “Con xin quy y Pháp.”

“Đi đúng đường, đến đúng nơi”. Đây không phải là một triết lý suông. Chính Đức Phật đã tự mình thực hành và đã đến được đúng nơi. Do đó chính Đức Phật đã thực hành và đạt được mục đích như vậy. Giáo Pháp của Ngài hình thành từ sự thực hành, không phải từ sự mộng mơ hay tưởng tượng. Chính bạn phải thực hành mới đi đến nơi. Thực hành đúng như được chỉ dạy, bạn sẽ đến được nơi an lành. Nếu được chỉ dẫn một đàng, bạn thực hành một nẽo, hay thực hành không đến nơi chốn, bạn sẽ không đến được đúng nơi. Những ai đi đúng đường, đến được đúng nơi, maggapṭipanna, mới trở nên đệ tử thật sự của Đức Phật. Các thánh đệ tử, những thành viên của Tăng Đoàn, là những người xứng đáng để nương tựa và học hỏi. “Sanghaṁ saranaṁ gaccāmi”, “Con xin quy y Tăng.”

Đức Phật đã đi đúng đường, đến đúng nơi. Với trí tuệ toàn giác cùng với tâm đại bi của Ngài, mahākaruna, Ngài hướng dẫn chúng sanh, giúp  họ đi được đúng đường, đến được đúng nơi. Do vậy, tất cả các thiền sinh nên cố gắng tu tập để thành đạt mục tiêu cuối cùng. Nếu thực hành đúng theo sự chỉ dạy, chắc chắn bạn sẽ đến đúng nơi.

Người dịch:  Tỳ kheo Pháp Luân