Kỷ niệm đầu năm

Ngôi làng dưới chân Kim Sơn vốn làm nghề bánh tráng nổi tiếng xứ Huế. Chưa bao giờ làng Lựu Bảo có người sinh sống bằng các nghề giết hại sinh vật. Ngày xưa, một thời, thế hệ của Hòa thượng Trí Quang, rất nhiều vị về sống tại Kim Sơn. Nghe Giáo hội thành lập chùa, người dân nơi đây phấn khởi lắm, họ cúng lại cho chùa đất canh tác để xây dựng hoặc trồng trọt thực phẩm, mà vốn trước đây, đó là chỗ nuôi sống gia đình họ.

Chiều Mồng 1, tranh thủ xuống xóm thăm quý Phật tử gần gũi và gắn bó với chùa trải qua nhiều thế hệ tu hành.

2 tiếng đồng hồ, tưởng đi được nhiều, ai ngờ chỉ vỏn vẹn 2 nhà, nhưng những gì thu gặt được, xem ra đọc 10 cuốn sách vẫn không thấm thía vào đâu.

alt

Ghé nhà mệ Chương (mệ Chuộng) và cô Tuyết, hai chị em cả cuộc đời hướng về Kim Sơn. Mệ Chuộng già lắm rồi, mỗi lần lên Kim Sơn phải đem theo cái ghế nhựa, đi ngang đâu mệt thì để ghế xuống ngồi ngắm mây trời cây cỏ, vừa để nghỉ ngơi, thấy khỏe lại tiếp tục hành trình.

500 mét, quá ngắn với một người trẻ tuổi, nhưng sao mình thấy cảm giác xa xôi với mệ quá. Lên thấu chùa mệ nghỉ ít nhất cũng gần 20 lần, vậy mà chưa bao giờ có buổi tụng Kinh nào của đạo tràng Kim Sơn, mệ vắng mặt, lí do thật xúc động: “Thầy biết không, tụi con nghỉ, thì tuổi trẻ sau cũng có thể nghỉ, cũng nhác. Nhưng tụi con đi, tuổi trẻ sau có bận hay có nhác thế nào cũng phải đi tụng Kinh. Kinh là số 1 rồi Thầy à. Thầy không tin, đọc thơ văn người đời mà ngẫm nghĩ, toàn lấy ý từ trong Kinh cả đó, nhưng làm sao hay bằng Kinh được. Ngày xưa con đi dạy học, toàn đọc Kinh chứ ít khi coi giáo án, vậy mà tới dạy cứ ro ro không vấp váp. Kinh là trí tuệ, tụng Kinh tự nhiên phát trí tuệ, niềm tin đó trong con mạnh lắm”.

Vẫn thầy, vẫn con, cách xưng hô tôn kính của một người đã già tuổi, mà mình nghĩ, đó là lời trao gởi của một người mẹ hiền trước lúc đi xa.

Cuối năm, mệ lên cúng 50 ngàn, bỗng cầm tay mình, mệ khóc, nghe mình đi xa, Kim Sơn cần khôi phục, nên mệ buồn. Tình cảm ấy, chừ ngồi đánh máy lại, còn rưng rưng, 81 tuổi và đạo tâm kiên cố, sao bàn tay mệ, mình nghe như hơi ấm vị Bồ-tát, 50 ngàn của mệ như tiếng Kinh vang vọng đâu đây vậy.

Mệ à, con sẽ mãi mãi nuôi dưỡng ước nguyện khôi phục Kim Sơn thành Đại Tòng Lâm như ngày xưa chư Tổ từng làm, khi đó, biết có còn mệ không?... Ngài Trí Quang khi nào điện thoại ra Huế cũng hỏi về tình hình sinh hoạt của Tăng chúng cũng như Phật tử ở Kim Sơn, Ngài coi Kim Sơn mới là nơi quay về.

Thế mà, vừa rồi có dịp đi Sài Gòn, ghé Già Lam 2 ngày, vẫn không đủ thiện duyên đảnh lễ Ngài, chỉ ngồi dưới ghế đá, ngưỡng vọng lạy Ngài. Sao mình thiếu phước đức đến vậy không biết, vào ngay ngày Ngài mệt nhiều, chứ Phật tử Kim Sơn ghé thăm, lúc khỏe, không người nào Ngài không gặp để hỏi han và dạt bảo. Mình thấy tủi.

altCô Tuyết cũng lớn tuổi, sống ở Từ Đàm để đi dạy, nghe quý chị than thở cô thuộc típ người cổ đại, nhưng ngồi nói chuyện riêng, cô nhiệt huyết trong từng lời, mình cảm nhận được mà. Tuần nào cũng vậy, với chiếc xe đạp cà tang cà tàng, cô đều đều chậm chậm đạp xe lên nhà để thăm chùa và bà chị già.

Cô kể, thầy Lập chùa mình thời trước bỏ đi, mà Ngài Trí Quang âm thầm điện ra bảo ôn Hải Ấn, ôn Quang Nhuận, ôn Trung Hậu đi tìm về. Ôn ơi, sao ôn lo lắng Kim Sơn đến vậy, chúng con quả thật là người bất tài, lại bất hiếu, chúng con xin đảnh lễ sám hối trước quý Ôn. Nguyện sao Kim Sơn ngày càng rạng rỡ hơn để Chánh pháp hanh thông, báo đáp thâm ân quý Ngài và bao nhiêu thế hệ Phật tử đã hiến dâng cuộc đời mình vì chân lý.

Ngôi làng dưới chân Kim Sơn vốn làm nghề bánh tráng nổi tiếng xứ Huế. Chưa bao giờ làng Lựu Bảo có người sinh sống bằng các nghề giết hại sinh vật. Ngày xưa, một thời, thế hệ của Hòa thượng Trí Quang, rất nhiều vị về sống tại Kim Sơn. Nghe Giáo hội thành lập chùa, người dân nơi đây phấn khởi lắm, họ cúng lại cho chùa đất canh tác để xây dựng hoặc trồng trọt thực phẩm, mà vốn trước đây, đó là chỗ nuôi sống gia đình họ. Rồi thế, họ tự nhiên trở thành những Phật tử đắc lực, ngày làm việc, tối lên chùa tu tập và tụng Kinh.

Cái đói năm 1944 bao trùm quanh làng, thế mà người dân vẫn lo lắng cho bữa cơm, bữa khoai để quý Thầy có sức khỏe truyền trao chân lý, còn gia đình họ, có khi chỉ cơm độn hay khoai dây (nhưng cũ khoai nhỏ như sợi dây) cầm lòng. Quý Ngài không chịu nổi cảnh đói kém, phát tâm một ngày chỉ ăn một bữa, còn số gạo dư ra, đem nấu cháo, đến đầu làng phân chia cho dân nghèo mỗi người mỗi chén, tình đạo, tình người cứ thế lớn dần và bất diệt.

Quý Thầy đi thuyết giảng về, nếu quá Ngọ là phải nhịn đói, chờ trưa mai mới ăn. Phật tử thương lắm, hễ bên kia sông có dáng áo nâu, ai thấy, sẽ kêu liền: “Ông Bút ơi, quý Thầy đi giảng về”. Dù đang tráng bánh, ông cũng vứt đó, chụp ngọn sào, nhảy xuống bè chuối chóng nhanh qua sông, có khi đúng giờ cơm, có khi quá ngọ, có khi đến nửa đêm giá lạnh do phải lội bộ đi giảng ở những vùng xa xôi.

Tình cảm là vậy, Kim Sơn là vậy, niềm tin là vậy, bao nhiêu năm, nghe nhắc lại vẫn xúc động ngậm ngùi. Ngày xưa và ngày nay đã khác, trách nhiệm của chúng ta với Phật pháp, với Thầy Tổ đã rõ ràng. Có ai không nhận ra đâu. Việc còn lại là thể hiện mà thôi.

Thích Nguyên Tịnh