Myanmar - Cách một mái chèo

Đáp xuống đất nước Myanmar trong ánh chiều vàng thân thuộc như nắng quê hương, tự dưng hai câu thơ Thanh Hải hiện về trong tâm trí tôi…

Cách nhau chỉ một mái chèo

Mà đi trăm núi vạn đèo tới đây…

Thanh Hải đã thốt ra câu đó anh khi đứng ở đầu cầu Hiền Lương nhìn con sông bến Hải chia cắt, ngóng về phía Nam. Quê anh ở Thừa Thiên, cách Vĩnh Linh, Quảng Trị có một thôi đường, vậy mà để tới được bờ sông, anh đã phải vòng vèo qua mấy nước. Để từ Hà Nội tới được Yangon, tôi phải chờ đợi bao năm.

Thủ đô cũ Yangon của Myanmar gần Hà Nội lắm. Chỉ một tiếng rưỡi đồng hồ trên máy bay loại nhỏ. Tôi ước chừng, có lẽ vừa bằng chặng đường Hà Nội - Quy Nhơn. Mai đây, theo quy luật thương trường, khi hành khách đông lên, Hàng không Việt Nam dùng loại tàu lớn, bay nhanh hơn và tăng thêm chuyến thì càng gần gũi xiết bao.

Myanmar gần ta lắm, gần về cảnh quan, gần về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, gần về lịch sử. Và trước hết, tình cảm con người. Khi máy bay giảm độ cao chuẩn bị đáp xuống, nhìn qua cửa sổ thấy từ những đồng lúa vừa thu hoạch, nhiều cột khói nhẹ lửng lơ bay: có phải nông dân đang gom rạ đốt, chuẩn bị mùa sau? Trên con đường từ Yangon về cố đô Bago cách chừng 80 km, thỉnh thoảng gặp hai bên đường mấy chiếc lều tre lá tều tào bày bán những dãy những chồng dưa hấu núc ních quả xanh màu ngọc, tôi ngỡ mình đang đi trên quốc lộ 1 qua vùng Phan Rang, Phan Thiết. Chúng tôi rời Hà Nội vào đợt rét đậm cuối mùa, đến đây ban ngày nhiệt độ khá cao song khô thoáng, về chiều gió biển thổi vào mát rượi - Yangon chỉ cách vịnh Andaman có 30 km. Men theo xa lộ, những nhóm vài bốn nhà sư già, trẻ cẩn trọng ôm cái ang đồng trước ngực, đếm từng bước đi khất thực, tưởng mình vừa vào tới đồng bằng sông Cửu Long…


Nhà báo Phan Quang

Có nhiều trùng hợp lịch sử giữa Việt Nam và Myanmar. Hai nước cùng lập quốc khoảng đầu thiên niên kỷ I (tr. CN). Qua nhiều thay đổi vương triều, đến thế kỷ 14 cùng chịu họa Nguyên Mông. Thế kỷ 18, vào lúc anh hùng Nguyễn Huệ đại phá quân Tôn Sĩ Nghị thì nhân dân Myanmar bốn lần đẩy lùi xâm lược Mãn Thanh. Sang thế kỷ 19, Myanmar bị áp đặt vào đế chế Anh thì nước ta gánh ách đô hộ của thực dân Pháp. Cho đến khi biết không còn cách nào khác là trao trả độc lập cho Myanmar, người Anh chia cắt nước này thành 7 vùng hành chính và lập 7 bang tự trị. Bảy vùng là địa bàn của người Bamar, dân tộc chiếm đa số (từ đó có tên nước gọi theo tiếng Anh là Burma, tiếng Pháp: Birmanie). Bảy bang là các dân tộc thiểu số, hợp với bảy vùng lãnh thổ thành Liên bang.

Lớp người cao tuổi nước ta còn nhớ, kháng chiến toàn quốc chống Pháp bùng nổ, đầu năm 1947 Trung ương và Chính phủ ta dời lên chiến khu Việt Bắc, nước ta bị bao vây bốn mặt. Con đường duy nhất thông với thế giới bên ngoài là qua Miến Điện. Ta đặt Văn phòng đại diện ở thủ đô Rangoon (Yangon) do nhà hoạt động chính trị Trần Ngọc Danh, em trai cố Tổng Bí thư Trần Phú, làm trưởng. Thời miền Bắc chống Mỹ, bác sĩ nông học Lương Định Của được phép sang Nhật đặt mối quan hệ với Viện cây lương thực và thực phẩm nơi ông học hành thành đạt, và tìm thăm gia đình bên vợ thất tán bởi chiến tranh, ông cũng từ Hà Nội sang Rangoon trước, rồi từ đây mới có thể bay đến Hong Kong, Tokyo…

Về phần mình, qua cuộc đời nhiều xê dịch, tôi có cái vui đặt chân tới tất cả các châu lục trừ Nam Cực, mỗi châu lục ít nhất đôi ba lần. Vậy mà Myanmar láng giềng gần gũi… Đương nhiên, vẫn có thể quá cảnh Thái Lan, Trung Quốc… để tới Yangon, song thật ngán ngẫm cảnh chen lấn đợi chờ thay, tàu nối chuyến hết sức phiền hà tại các sân bay quốc tế. Được tin Hàng không Việt Nam mở tuyến bay trực tiếp Hà Nội - Yangon và ngược lại, mỗi tuần tám chuyến đi về, tôi hăm hở đăng ký luôn.

Chuyến bay tôi đáp là chuyến thứ hai. Chuyến đầu dành cho các quan chức ta sang cùng nhà chức trách bạn dự lễ khai trương. Chuyến này, ngoài hành khách khá đông, Âu có Á có, thêm đoàn doanh nhân các hãng lữ hành, trong đó có nhiều tổ chức bề thế như Vietnamtourist, Saigontourist, Viettravel... Các vị đi xem xét hiện trường, khảo sát các cung đường, khách sạn, nhà hàng, điểm nghỉ và mua sắm, vui chơi…, hình thành các tour du lịch. Tình cờ gặp Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh nơi làm thủ tục xuất cảnh. Anh đang chuyện trò với các doanh nhân. Một đường bay mới. Một cơ hội mới. Mở rộng những chuyến ngao du mới phù hợp quỹ thời gian của mọi người. Hơn thế, đường bay trở thành cái cầu mở ra triển vọng phát triển du lịch, kinh doanh, hợp tác, đầu tư hai chiều.

Chưa thể gọi Myanmar là nước phát triển, cho dù tài nguyên rất phong phú. Một nước có đồng bằng rộng lớn, rừng núi nguyên sinh, cao nguyên đa dạng, diện tích rộng gấp hai lần nước ta, mà dân số chỉ bằng một nửa. Myanmar là nước có mật độ dân cư thưa nhất lục địa Đông Nam Á. Trước chiến tranh, dứng đầu thế giới về xuất khẩu lúa gạo, bỏ xa Thái Lan đằng sau. Gỗ teak của Miến Điện sớm chiếm lĩnh nhiều thị trường Âu, Á. Yangon cảnh quan kỳ thú, tuy nhiên nhìn bộ mặt thành phố qua các công trình dân sự, khó nói là thành phố đẹp. Cũng có một số công trình xây dựng thời trước, đậm đà phong cách kiến trúc châu Âu cuối thế kỷ 19, tập trung quanh Tòa Thị chính. Tiếc thay do khó khăn về kinh tế, không ít công trình xuống cấp, chẳng khác nào Hà Nội ta mấy chục năm về trước.

Tuy nhiên, về chùa chiền lăng tháp thì có thể khẳng định: không mấy nơi sánh bằng. Đâu đâu cũng rực rỡ vàng son. Giữa màu xanh bốn mùa cây cỏ, bên cạnh các nhà cửa rêu phong tàn tạ, hễ thấy rạng ngời một điểm sáng, cầm chắc đó là nơi thờ phụng hay hội điểm tâm linh. Vàng son lộng lẫy tỏa lên từ hàng trăm hang ngàn ngọn tháp. Đến các cổng ra vào và những bức tường bao của mọi ngôi chùa đều nhất loạt rạng màu sơn tươi rói, tưởng chừng chưa bao giờ chịu dấu vết thời gian, cho dù nhiều cái đã hàng ngàn, hàng trăm năm tuổi. Dường như bao nhiêu của cải của nhân dân, của đất nước đều dồn tụ vào chùa chiền, bảo tháp, tượng ảnh linh thiêng.

Trên đất nước Myanmar, có ngôi chùa lừng danh thế giới, với ngọn tháp vàng hùng vĩ cao gần trăm mét, đứng bất kỳ đâu trong thành phố Yangon 4 triệu dân cũng có thể nhìn thấy, mang cái tên không thể nào khác là Chùa Vàng (Shwedagon Pagoda). Tại cố đô Bago, thủ phủ vùng Hạ Miến, tọa lạc ngôi Tượng Phật Nằm vĩ đại nhất hành tinh với nét mặt đẹp vô cùng thánh thiện yên bình của Đức Phật tổ: Chùa Phật Nằm (Kyaukhtagyi Pagoda). Tại cố đô khác là Bagan, thủ phủ vùng Thượng Miến, chẳng biết có từ bao giờ Đền Dhamma Yan Gyi, mà quy mô đồ sộ và kiểu dáng độc đáo cho đến nay vẫn là một thách đố cho các nhà sử học. Càng tới gần các điểm tâm linh, càng chiêm ngưỡng sâu các chi tiết, càng ngỡ ngàng tới mức “kinh hoàng” trước công phu nghệ thuật và sự lộng lẫy giàu sang.

Chùa Vàng, theo truyền thuyết, đã có từ 2500 năm. Các nhà khoa học ước lượng ngọn tháp được vương triều Môn xây dựng vào khoảng thế kỷ 6 trở về sau. Chùa phụng lưu tám sợi tóc của Đức Phật Thích Ca. Từng bị hư hỏng hoặc tàn phá nhiều lần, và cứ sau mỗi lần hư hại, chùa mới xây nên lại hoành tráng hơn. Có ông vua và bà chúa xuất gia cung hiến số vàng riêng, cân nặng bằng thể trọng mỗi người, dùng ốp mặt ngoài ngọn tháp. Ngày nay, đứng ở sân Chùa Vàng, ngước nhìn lên thấy rõ dưới ánh nắng nét ốp các tầm vàng hình chữ nhật. Thân tháp ốp 8688 tấm, ngọn tháp 15153 tấm vàng ròng. Đỉnh tháp, mắt thường khó nhìn rõ, được trang hoàng bằng cả một kho báu: 5448 viên kim cương, 2317 viên hồng ngọc, bích ngọc, 1065 lục lạc vàng, và trên đỉnh cao chót vót, viên hạt xoàn 76 carat. Quây quần quanh tháp chính là hàng trăm chùa, tháp nhỏ hơn, mỗi cái là một công trình kiến trúc đặc sắc hài hòa trong tổng thể.

Cũng như khi vào mọi nơi thiêng liêng trên đất nước này, ai cũng phải tụt giày dép, tháo tất, đi chân trần cung kính khiêm nhường. Đông đúc mà không chen lấn, nhộn nhạo. Chắp tay đứng trước Phật đài, du khách thực sự cảm nhận lâng thanh khiết, yên bình. Thời Myanmar bị người Anh đô hộ, có lần bọn lính thực dân ngạo mạn mang giày đinh xộc vào chùa lùng bắt những người yêu nước. Sự hỗn láo ấy làm dấy lên một phong trào nhân dân căm phẫn phản kháng hết sức rầm rộ, buộc nhà cầm quyền Anh phải nhượng bộ, ra thông tri chính thức yêu cầu mọi người bất kể Á Âu, ai vào chùa phải bỏ giày, tháo tất để bên ngoài.

Có nhiều du khách, song đông đảo nhất vẫn là những người dân ngày ngày vào đây hành lễ. Người Myanmar theo Phật giáo Nam tông. Chiều chiều, các đoàn nam nữ thanh niên dàn hàng ngang, hai hàng cầm chổi đồng loạt quét bụi trên sân, hai hàng sau dùng que lau dấp nước ẩm cùng lúc lau nền. Các em thay nhau đi vòng quanh cái sân rộng, giữ cho sân chùa và các lối đi lúc nào cũng sạch bụi.

Chùa Phật Nằm ở cố đô Bago. Ngoài bức tượng Phật chính có mái che đỡ bằng những trụ thép vững như cột điện, trong chùa còn nhiều điện thờ. Phiá bên phải, cách một hành lang, là nơi thờ các sư tổ, tượng đặt trong khám, mỗi vị một dáng song vẻ đều trầm ngâm suy tưởng. Theo sử sách, Chùa Phật Nằm xây từ thế kỷ 10, dưới triều vua Miga Depa. Bức tượng hiện nay có niên đại muộn hơn, mới được tôn tạo khoảng đầu thế kỷ 20. Do bản gốc thờ ngoài trời khó tránh sức tàn phá của nắng mưa, đến thập niên 60, người ta mở cuộc cung hiến toàn cầu phục tạo di tích. Tôn tạo được như ngày nay, đã tốn phí chừng 70 000 đôla Mỹ - thời giá bấy giờ.

Tại Bago còn có Chùa Shwemawdaw, một trong những điểm được coi là thiêng liêng nhất nước. Tòa tháp cao 114, cao hơn cả tháp Chùa Vàng ở Yangon, lại xây trên ngọn đồi, đứng cách xa thành phố 10 km đã có thể nhìn thấy đỉnh tháp nổi lên như nét nhấn trong bức tranh toàn cảnh.

Không mấy xa tượng Phật Nằm chùa Kyaukhatagyi, còn có một bức Tượng Phật Nằm ngoài trời, tọa lạc cạnh con đường chính nối với Yangon. Nếu tượng trong nhà toát cổ kính thâm trầm, lộng lẫy vàng son ngọc báu pha lê thì Tượng Phật Nằm lộ thiên suốt ngày rạng rỡ nắng, ngời ngợi màu son tươi mới và những hoa văn, họa tiết ly lỳ nơi gan bàn chân Đức Phật.

Tại Bago còn có Cung Kambozathadi, xây từ thế kỷ 16. Ngoài những công trình trên mặt đất, các nhà khảo cổ học đã khai quật ở đây vết tích nhiều công trình xưa. Chạy dọc theo con đường chính dẫn vào điện, có thể thấy dấu vết nền móng bức tường thành dài. Trước cổng điện, di tích một công trình xây dựng với những móng nền gạch, chân cột đá, cột nhà gỗ cháy thành than… Tôi tưởng tượng nơi đây dành cho đội bảo vệ cung cư trú. Điện Kambozathadi gây ấn tượng bởi quy mô rộng lớn và sự kỳ lộng lẫy của các công trình, cho dù khó tránh khỏi ít nhiều phôi pha màu thời gian.

Cũng như ở mọi nơi thường xuyên đông người hành hương và khách du lịch, thành phố Yangon có lắm điểm mua sắm từ hàng cao cấp đến phổ thông. Chợ lớn Bogyoke (tên cũ là Scott’s Market) bán nhiều sản phẩm địa phương, từ đá quý đến hàng thủ công, may mặc. Sản phẩm sơn mài, đồ gỗ chạm khắc… cho thấy rõ tài hoa và cần cù của người thợ thủ công Miến. Giá cả phải chăng. Đã vào đây, thật khó cưỡng lại ham muốn mang về một vật kỷ niệm. Ai muốn dùng vàng bạc, đá quý, kim cương thì vào cơ sở của nhà nước: VES Gems & Jewels, bảo đảm thứ thiệt…

Do điều kiện của Myanmar, đường phố tuyệt không thấy cảnh kẹt xe. Yangon có khá nhiều phương tiện di chuyển công cộng, nhiều nhất là xe taxi. Hầu như không nhìn thấy xe gắn máy. Trên chặng đường dài 80 km từ Yangon đến Bago, tôi chỉ gặp lác đác mươi chiếc Honda. Sân bay Yangon lớn, đẹp và khá hiện đại. Do hoàn cảnh đất nước, tạm thời thưa thớt các chuyến bay. Khi đến cũng như khi rời sân bay quốc tế, ngoài chuyến của Vietnam Airlines, chỉ thấy hai chuyến bay khác thông thương với nước ngoài. Sự thiệt thòi của nước sở tại âu cũng là cái thoải mái cho khách du lịch. Vietnam Airlines quả đã kịp thời nắm bắt cơ hội.

Tôi về đến nhà. Bà xã là người mấy năm nay chuyên cản trở chuyện chồng vi vu nước ngoài, cười cười ra đón:

- Thế nào, thú vị lắm? Có bõ cái công làm một chuyến đi xa?

- Bõ quá đi chứ. Còn hơn thế. Nhiều nơi đã có dịp tới đâu. Tôi còn sẽ trở lại, cùng với bà…

Nhà báo Phan Quang

(Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo VN)

Theo dantri