Công án đời người

altCâu hỏi quan trọng nhất trên đời mà ta thường tư lự: “Sau khi chết ta sẽ đi về đâu?” Đây không phải là câu hỏi tầm thường mà niềm thao thức thầm lặng, nỗi băn khoăn sâu xa về nguồn gốc bản thể của con người. Vì thế, câu hỏi này cứ đeo đuổi theo ta mãi trong suốt kiếp người. Mỗi khi ta đối diện với sự mất mát, bệnh tật, tai nạn, tan thương thì nỗi thao thức này lại càng thổn thức, càng rên xiết hơn. Nó bám riết lấy tâm hồn ta, ghim sâu vào tâm can ta một cách đau nhức cho nên ta mất ăn bỏ ngủ. Có lúc, ta cảm thấy bơ vơ, lạc loài, có khi ta thẩn thờ, tuyệt vọng, nhất là đối với những người lớn tuổi.

Trong quá khứ, nhiều người đã từng đi tìm câu trả lời cho công án này suốt quảng đời mà vẫn không tìm ra. Cuối cùng, họ nằm chết quạnh hiu trên cánh sa mạc già nóng bức.

“Trải mấy hoang mang tìm kiếm

Lòng sao khát mãi chưa vừa?

Hai lẽ ‘có, không’ mầu nhiệm

Đêm đêm ta hỏi người xưa…

...Mà sáu ngả hôn mê còn chửa định

Ta về đâu? Kìa Ngươi đến làm chi?[1]

Hay là:

“Lòng hỡi lòng! biết đâu là âm giới?

Biết nơi đâu cõi sống của muôn người?

Trong u minh hồn ta đương lạc lối

Trông tháng ngày yên để lệ sầu rơi!”[2]

Thi sĩ Vũ Hoàng Chương có làm một bài thơ tứ tuyệt tên: “Thôi Hết Băn Khoăn”, nói lên tâm trạng thao thức và nhức nhối này.

“Dấu hỏi vây quanh trọn kiếp người

Sên bò nát óc lệ thầm rơi

Chiều nay một dấu than buông xuống!

Đinh đóng vào săng tiếng trả lời.’’

‘Dấu hỏi’ chính là câu: “Sau khi chết ta sẽ đi về đâu?” Đây đích thực là nỗi sợ hãi âm thầm rỉ máu quanh quẩn trong ta suốt cả kiếp người. Thi sĩ thật tài tình đã dùng những hình ảnh tuyệt diệu để diễn tả ý nghĩa sâu sắc trong bài thơ. ‘Dấu hỏi’ có hình dáng cong cong với cái đuôi ngoắc lên trông giống con sên. Và cố nhiên, sên là phải bò. Nó bò lui bò tới trong tâm ý, làm nát hết trí óc. Nghĩa là ta suy tư nhiều về thân phận con người, về nguồn gốc uyên nguyên của ta bằng những câu hỏi hóc búa: Ta đến đây làm gì? Tại sao ta bị đầy xuống cõi trần gian đầy bi lụy này? Tại sao quê hương của ta đầy khói lửa? Tại sao có con người? Vì sao con người lại độc ác với nhau? Tại sao và tại sao??? Suy tư nhiều nên ta băn khoăn nhiều, tuyệt vọng nhiều. Nước mắt ta âm thầm rơi không biết bao nhiêu lần.

“Ta về đâu? Kìa Ngươi đến làm chi?

Từ hư không tới, lại về không hư?

Lẽ nào mộng cả thôi ư?

Người ơi! Giọt bể chứa dư tan điền...”

Mẹ mất ta khóc, bố chết ta khóc, chị khổ ta khóc, chia ly ta khóc, thấy cảnh tan thương ta cũng khóc… Những giọt nước mắt biểu lộ niềm thương đau, nỗi tuyệt vọng, bởi ta chưa thật sự hiểu được bản chất của cái chết. Do đó, ta cảm thấy mất mát, lưu luyến và tiếc thương. Ta lo sợ nhiều thứ nhưng nỗi sợ lớn nhất vẫn là sợ chết. Không biết lúc nào mới tới lượt ta chết? Chết có đau hay không? Tâm hồn ta sẽ ra sao? Ta sẽ đi về đâu? Đó là những con sên đang bò trong tâm tưởng và trí óc của ta.

“Chiều nay một dấu than buông xuống” là hình ảnh tuyệt xảo về sự buông bỏ. Ta nằm chết vào một buổi chiều tà. ‘Dấu than buông xuống’ tức là nỗi băn khoăn, niềm tuyệt vọng, lời thở than đều được buông thả. Ta không còn vương vấn gì nữa. Ta trả được nợ đời. Những câu hỏi hóc búa kia không còn bám riết, làm cho ta bất an và điên đảo nữa. ‘Đinh đóng vào săng tiếng trả lời’ nghĩa là tới khi nằm chết lặng câm trong chiếc hòm và những cái đinh đóng chặt lại thì ta mới nghe được tiếng trả lời. Chàng thi sĩ ơi! Có thật là anh đã có câu trả lời hay không? Thi sĩ Vũ Hoàng Chương có thể đang mỉm cười bởi vì đời sống của anh, thơ của anh, linh hồn của anh đủ trả lời câu hỏi ấy.

“Khoảnh khắc tơi bời thế sự

Ta nghe tiềm thức trăng sao.

Trời vô tận hiển linh về nét chữ

Thuyền chiếc phiêu du hề đôi cánh tiêu dao.

Hương quen màu nhớ xôn xao

Lòng thoát ra ngoài sống chết...

…Lửa nào đây soi rạng đuốc nào kia

Phấp phới tinh kỳ đế khuyết

Hồn ta giác ngộ quay về

Khôi phục ngai vàng bất diệt.”[3]

Đó là trường hợp đặc biệt của chàng thi sĩ sống chết vì đạo pháp, quê hương và đất nước. Nhưng đối với tất cả chúng ta liệu có sống được như thi sĩ hay không? Đây không phải là một câu hỏi dễ trả lời! Nó không phải như một cộng một là hai. Cũng không thể trả lời bằng cách suy tư, nghiên cứu hoặc đàm luận, cho dù ta đề cập đến vấn đề bản tính cao siêu, huyền diệu. Nó là công án tối quan trọng của một đời người. Thay vì, trả lời liền câu hỏi, ta hãy bình tâm hỏi lại: Hiện bây giờ ta đang đi về đâu? Tâm ý của ta như thế nào? Ta đang suy nghĩ về chuyện gì?

Chờ tới khi gần chết mới hỏi câu này thì có thể muộn lắm. Vì câu hỏi này là sự sống, là linh hồn, là bản thể uyên nguyên. Nó là hơi thở đầu tiên khi mới được sinh ra và hơi thở cuối cùng lúc nằm chết. Đặt câu hỏi này trong giây phút hiện tại thì có lẽ thực tế hơn. Ta hãy sống bừng dậy từng giây từng phút, thở cho an, bước cho vững, mỉm cười với bông hoa, ngồi yên để nhìn sâu vào tâm ý. Đầu tư thì giờ, năng lượng và tâm huyết quán chiếu thường xuyên về nó trong đời sống hàng ngày. May mắn lắm, ta mới có cơ hội nghe được tiếng trả lời không phải chỉ bằng tiếng ‘đinh đóng vào săng’ mà bằng nhiều tiếng khác. Như trường hợp của thiền sư Hương Nghiêm nghe tiếng hòn sỏi va vào bụi tre mà Ngài bừng tỉnh và ngộ được mặt mũi chân thật của ông trước khi mẹ sinh ra. Ta phải làm một cuộc trở về với cõi tâm linh chứ chỉ sống trên bình diện tri năng và tình cảm thì không bao giờ ta có thể chọc thủng được bức màn sống chết.

Ngoài ra, ta có thể học hỏi, nghiên cứu với thầy bạn và người xưa.

“Trải mấy hoang mang tìm kiếm

Lòng sao khát mãi chưa vừa?

Hai lẽ có, không mầu nhiệm

Đêm đêm ta hỏi người xưa”

Người phật tử phải có tâm huyết học hỏi, nghiên cứu kinh điển làm hành trang như một tấm bản đồ đi vào nội tâm. Người mù muốn đi đây đi đó thật khó khăn, dễ bị té ngã té nghiêng vì họ không thấy đường đi nẻo về. Thật đáng thương! Tu tập không thể nào mù mờ. Không có tăng thân, không có phương pháp hành trì, không có thầy dẫn đường thì ta dễ bị rơi vào trong vòng lầm lạc. Kiến đạo là thấy rõ con đường thì ta mới vững tâm đi tới. Cũng giống như, người ở Huế muốn đi Hà Nội mà cứ ngắm hướng Nam, hướng Tây, hướng Đông để đi. Người ấy sẽ không bao giờ tới nơi được. Càng đi càng lạc lối, mệt mỏi và phí sức, bởi vì Hà Nội nằm về hướng Bắc của Huế.

Tóm lại, muốn biết “Sau khi chết ta đi về đâu?” thì ta hãy nhìn thấy rõ ràng bây giờ ta đang đi về đâu.

“Về đâu cuối ngõ

Về đâu cuối trời,

Xa xăm tôi ngồi

Tôi tìm giấc mơ,

Xa xăm tôi ngồi

Tôi tìm lại tôi.”

Ta hãy lắng nghe lời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. “Tìm lại ta” chính là chìa khóa để mở cánh cửa bí mật ngàn đời của vũ trụ.

Thạch Lang

[1] Vũ Hoàng Chương

[2] Điêu Tàn của Chế Lan Viên

[3] Vũ Hoàng Chương