Ly và tàn



alt
Tăng ly chúng Tăng tàn
Hổ ly sơn hổ bại”

Nếp sống quy củ thiền môn đã để lại nhiều chuẩn tắc sinh hoạt quý báu. Câu nói trên là một thí dụ tiêu biểu. Trong bối cảnh Phật giáo hiện nay, nhất là đời sống sinh hoạt Tăng ni Phật tử bị ảnh hưởng mạnh bởi trào lưu xu thế xã hội (trào lưu gì, có thể nói rõ không), việc xác lập quan điểm sống đúng tinh thần chánh pháp

trở thành một trong những ưu tư thường trực của các bậc tu hành tâm huyết (chỉ có bậc tu hành tâm huyết có gói gọn lắm không). Mỗi khi đối mặt những tình huống nan giải (tình huống như thế nào gọi là tình huống nan giải để thích hợp dẫn câu nói trên,), họ thường viện dẫn câu nói quen thuộc trên để vừa an ủi mình, vừa sách tấn đệ tử. Không những xuất hiện trực tiếp như một bài học kinh nghiệm giáo dục tinh thần sống, một kết luận đanh thép, một lời răn đe, cảnh báo nghiêm khắc, nó còn gián tiếp nêu lên các yêu cầu đòi hỏi ngầm, diễn tả đời sống thực tế, vạch lối đi cho những kẻ cùng đường và khẳng định sức mạnh của Tăng (hay là ý nghĩa của Tăng?).

1. Chúng ta thấy hai danh từ lặp lại hai lần: Tăng, hổ; song vỏn vẹn chỉ hiện diện một động từ cũng được nhắc lại hai lần: ly. Thật ý vị khi hai hai danh từ Tăng và hổ, tính từ tàn và bại có nghĩa khá tương đương nhau.

Tăng, ở đây nghĩa gốc là một tập thể những người xuất gia tu hành sống chung với nhau trong một trú xứ. Giới luật Phật giáo quy định ít nhất bốn vị tỉ kheo sống với nhau thanh tịnh hoà hiệp gọi là Tăng, nói đúng là Tăng-già, Sangha. Chúng ta phải nhớ kĩ nguyên nghĩa này để biết chính xác rằng: bản chất của Tăng là thanh tịnh và hoà hiệp. Theo dòng thời gian, danh từ chung chỉ cho tập thể này được sử dụng lầm lẫn và trở thành một danh từ riêng chỉ cho cá nhân. Một vị tu sĩ Phật giáo nam thường được gọi là Tăng. Dù chung hay riêng, bao giờ Tăng cũng là một trong ba ngôi báu (Tam bảo) và được tôn xưng là Chúng Trung Tôn-những bậc đáng tôn kính trong loài người.

Hổ, loài động dũng mãnh, sống bầy đàn, nổi tiếng hung dữ, nhân gian thường gán cho biệt danh: Chúa tể sơn lâm (định nghĩa hổ với những đặc điểm liên quan tới sức mạnh của hổ khi dựa vào núi rừng “hổ li sơn hổ bại”. Chúng trong câu Tăng ly chúng tăng tàn là một danh từ chỉ cho một tập thể nhiều người xuất gia cùng sống chung trong một trú xứ (xem lại ý nghĩa câu “tăng li chúng tăng tàn”, có hơi định nghĩa theo chủ quan cá nhân chăng? Nên giải thích ngữ cú rồi từ đó đưa đến nghĩa cụ thể trong bài). Cụ thể, chúng bao gồm các bậc sư trưởng, huynh đệ, pháp hữu, Phật tử tại gia hộ trì của một tự viện, đạo tràng tu học (chúng là một cách dịch của Saṅgha, phật tử tại gia có thể nêu trong nghĩa này chăng?). Chúng còn được hiểu là tập hợp những gì gọi là môi trường sinh hoạt của Tăng. Môi trường ấy có hai:

1. Môi trường sinh sống, cư trú-môi trường vật chất, là tu viện chùa chiền, tịnh thất;

2. Môi trường tâm linh là toàn bộ hệ thống giáo lý giới định tuệ Phật giáo. Do đó, chúng là tịnh giới, là sự thanh tịnh hoà hiệp của Tăng. Danh từ chúng có cùng nghĩa với sơn, đều chỉ chung về môi trường sinh sống của tập thể lẫn cá thể, con người hay động vật.(có thể cho biết căn cứ cho cách giải thích này chăng)

Tách ly, ly khai, từ bỏ, xa rời là các giới nghĩa cơ bản của ly. Tách mình ra khỏi tổ chức, lìa bỏ tập thể để sinh hoạt ở một nơi khác gọi là ly. Khoảng cách địa lý không gian và sự khác biệt quan điểm tư tưởng làm con người ly khai nhau. Ly có hai: tách ly hành động và tách ly lý tưởng. Tàn: suy mòn hư héo, hết sức sống như tàn rụi, tàn phế, tàn tạ. Nghĩa bóng của nó là sự mai một tư cách đạo đức. Bại: thua, liệt, không cử động được, hư hỏng, đồi bại, mất trắng, thất bại. Tra trong nguyên nghĩa chữ Hán, ly, tàn và bại có thêm một số nghĩa rất phù hợp với bối cảnh câu đối trên. Ly: a, xa cách, lìa tan; b, thiếu; c, dính, bám; d, không tuân theo, làm trái. Tàn: a, giết hại, bị làm hại; b, hung ác, tàn ác; c, hư hỏng, hư hại, rách nát, sứt mẻ; d, thiếu khuyết, tàn tật, đồ bỏ đi. Bại: a, thua, thất bại; b, hỏng, đổ nát; c, tàn rụng nghiêng đổ. Ta thấy tàn và bại có nghĩa khá tương đồng nhau. Vậy, Tăng ly chúng tăng tàn nghĩa là khi người xuất gia sống tách rời khỏi đoàn thể sinh hoạt của mình, giới pháp Phật chế, không chóng thì chầy cũng trở nên hư hỏng, sa đoạ, mất mạng giống như cọp một khi ra khỏi rừng sẽ bị giết chết-hổ ly sơn hổ bại.

2. Câu đối trên muốn truyền đạt đến chúng ta điều gì? Đầu tiên, nó là một lời dạy mang tính khuyên răn, răn đe, giáo dục, sách tấn, cảnh báo. Nó khuyên Tăng ni tôn trọng tuyệt đối nếp sống tập thể, tuân theo đời sống giới luật tu viện. Nó giáo dục tinh thần, ý thức sống khép mình vào mọi sinh hoạt cộng đồng Tăng chúng. Biệt chúng là đi vào đường nẻo tối tăm của tội lỗi. Nó cảnh báo trước rằng, sự tách mình ra khỏi sự bảo vệ của đoàn thể không bao giờ đem lại kết quả tốt đẹp. Hậu quả thường xảy ra khi vị tu sĩ trẻ từ bỏ đời sống tu viện là dễ sa ngã, đọa lạc vào dục lạc thấp hèn của thế gian, mất hướng đi thánh thiện, thậm chí rơi vào những tiêu cực, khiếm khuyết về phẩm hạnh, đạo đức.

Kế đến, tăng ly chúng tăng tàn, hổ ly sơn hổ bại cung cấp cho chúng ta các bài học kinh nghiệm quý báu. Đó là kinh nghiệm về sự an toàn về đạo hạnh của mỗi tu sĩ nếu họ biết an tâm sống theo các quy chế của tu viện. Càng cách xa giới luật-chúng bao nhiêu, người tu hành càng dễ bị thế gian hóa bấy nhiêu. Từ chối sự bảo bọc của tập thể Tăng là tự rước họa vào thân. Có kẻ cho rằng sống độc lập để dễ dàng làm công tác Phật sự. Họ lầm. Họ cần suy ngẫm hình ảnh con hổ bị phanh xác bởi bầy chó rừng để phản tỉnh bản thân. Há đây không phải là những bài học xương máu trải qua bao thăng trầm lịch sử của liệt vị Tổ sư của chúng ta dặn dò hay sao?

Tiếp theo, câu trên gián tiếp trình bày một yêu cầu có tầm vóc quan trọng trong việc duy trì chánh pháp. Đó là yêu cầu mỗi cá nhân tu sĩ cần sở hữu những nhận thức sinh hoạt đúng đắn. Họ phải biết rằng đoàn kết mang lại an toàn và sức mạnh trong suốt lộ trình tu học của mình. Họ cần ý thức thường trực vai trò và địa vị của mình để tránh phát sinh những tư tưởng và hành động đi ngược lại lợi ích của giới luật và đoàn thể nơi mình sinh ra và trưởng thành-Tăng.

Từ yêu cầu này, cho phép chúng ta thấy rằng nó trực tiếp diễn tả một thực tế sinh động đã đang và sẽ mãi diễn ra trong nội bộ đời sống Tăng-già. Thực tế ấy là: bản chất của Tăng vốn hòa hợp nhưng bản tính con người ưa chia rẽ. Tăng ly chúng nghĩa là nội bộ Tăng đã hiện hữu sự bất thanh tịnh và hòa hợp. Đức Phật thường nhấn mạnh ý nghĩa và mục đích hòa hợp và thanh tịnh của đoàn thể Tăng-già nhưng mỗi cá nhân cũng như tập thể Tăng không phải bao giờ cũng trung thành với tinh thần lục hòa. Sự kiện ly khai giáo đoàn của Đề-bà-đạt-đa là minh chứng đau buồn nhất cho thực tế ấy. Sự chọn lọc để duy trì và phát triển trong lòng xã hội đầy biến thiên đòi hỏi giáo đoàn phải trải qua nhiều lần phân hóa nhằm tuyên truyền cũng như thích ứng sâu rộng chánh pháp vào cuộc đời. Mái chùa bao giờ cũng rộng mở đón nhận những ai phát tâm tu hành song vẫn thường xuyên khép cổng đưa tiễn các đệ tử xuất gia trở về với trần gian ràng buộc. Không thể thống kê có bao nhiêu người cởi áo nâu sòng để khoát áo tục nhân. Giáo hội cũng chẳng thể nào biết được hằng năm có bao nhiêu Tăng ni xuất chúng. Từ thực tế ấy, câu trên rõ ràng đã vạch lối sống cho Tăng. Đó là sống cùng nhau thành những tập thể hòa hợp thanh tịnh, đoàn kết và vững mạnh. Phải giảm thiểu tối đa sự chia ly. Bất kể chia ly lớn-phân hóa giáo đoàn, hay nhỏ-vị tỳ kheo xuất chúng ở riêng một mình, đều làm suy yếu sức mạnh của tập thể Tăng.

3. Hai vòng nhân quả. Với cách ngắt nhịp 3/2 mạnh mẽ, hai câu trên đối nhau hoàn chỉnh xuyên qua các hình ảnh đắt giá, tương xứng. Việc điệp từ: Tăng, hổ, ly đều hai lần, có tác dụng nhấn mạnh ý nghĩa cần thiết. Ngôn ngữ gảy gọn, cô đọng, hàm súc. Nếu ly là nhân thì tàn là quả. Chính các hành động và tư tưởng của mỗi các nhân tu sĩ trượt ra khỏi đường ray sinh hoạt của Tăng chúng dẫn đến việc từ bỏ nếp sống thanh quy-ly. Do từ bỏ sự che chở của Tăng, cá nhân tu sĩ khó chống chọi với bát phong thường xuyên thổi mạnh. Vì vậy, việc bị cuốn theo và sống buông thả dục lạc thế tục là kết quả hiển nhiên. Đó là vòng nhân quả thứ nhất. Vòng nhân quả thứ hai: tàn là nhân, ly là quả. Vị tỳ kheo sống trong tập thể Tăng nhưng không tuân thủ các quy định của Tăng-tức là tàn, thì trước sau gì cũng bị Tăng loại trừ ra khỏi tập thể-ly. Thậm chí không cần đợi Tăng trục xuất mà họ đã tự ý tìm cách thoát ly trước. Thật ra, vòng nhân quả thứ nhất là nói xuôi, vòng nhân quả thứ hai là nói ngược lại cho trọn vẹn vấn đề mà thôi. Thế là ly = tàn.

4. Suy luận. Điều làm chúng ta suy tư đầu tiên: vì sao ly? Nói cách khác, đâu là lí do dẫn đến sự ly? Bất đồng quan điểm về giáo lý, giới luật và những gì phát sinh trong quá trình sinh hoạt được xem là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc Tăng ly chúng. Điều này bao gồm cả những sự bất mãn, xung đột, cạnh tranh lẫn sự ganh ghét tị hiềm, tật đố giữa các thành viên trong tập thể. Nếu cá nhân không tuân thủ các luật lệ thành văn và bất thành văn của đời sống tự viện thì cố nhiên bị tách ly khỏi tập thể. Bản thể Tăng thanh tịnh nhưng người là Tăng không phải ai cũng thanh tịnh. Nhìn chung, có hai lý do tổng quát. Một, chủ quan, nghĩa là do ước muốn cá nhân. Chính sự bất mãn hoặc sự sụp đổ lý tưởng xuất gia đã khiến cá nhân tu sĩ rời bỏ đoàn thể. Con người ai mà không cố gắng tìm kiếm “tự do” cho chính mình? Bị thôi thúc bởi những vọng tưởng, ý tưởng riêng tư, cá nhân luôn muốn thoát ly khỏi sự kiềm tỏa của tập thể. Hai, khách quan, hoàn cảnh đưa đẩy. Hoàn cảnh ở đây chỉ chung cho toàn bộ những gì bên ngoài cá thể. Mâu thuẫn nội bộ trong mỗi tự viện, sự đỗ vỡ tương thông giữa các thành viên thường là lý do chính của các cuộc chia ly, chia rẽ. Chúng bao hàm tất cả những phiền phức, rắc rối, bất cập phát sinh trong quá trình sinh hoạt cộng đồng giữa thầy và trò, giữa huynh đệ với nhau, thậm chí có cả trường hợp giữa tu sĩ và cư sĩ. Lý do thứ hai này còn gồm các yếu tố xã hội, chính trị, kinh tế, tôn giáo tác động gián tiếp hoặc trực tiếp lên đời sống cá nhân tu sĩ và khiến họ phải xa rời tổ ấm của mình. Dưới áp lực mở rộng ảnh hưởng của tập thể, nhiều tu sĩ phải rời khỏi tu viện để sống một mình ở một vùng đất mới xa xôi hẻo lánh. Nhìn chung, dù chủ hay khách quan, việc tu sĩ rời khỏi tổ chức thì trách nhiệm được quy cho Tăng già.

Tiếp theo, chúng ta tự hỏi tại sao hễ ly chúng là Tăng tàn, tại sao hổ rời khỏi núi rừng là chết? Hổ-thú dữ ăn thịt, mạnh bạo, hung dữ, chúa tể sơn lâm, thế mà khi từ bỏ môi trường sinh hoạt của mình-ly sơn, còn bị thất bại, thua các loài khác, huống gì vị Tăng sĩ vốn hiền lành chất phác? Một khi rời khỏi môi trường kháng nhiễm của Tăng chúng, cá nhân tu sĩ dễ dàng bị thâm nhiễm sự ô nhiễm của thế gian. Thiếu sự bảo vệ, kiểm soát, dạy dỗ, sách tấn khuyên can của sư trưởng; không có sự chia sẽ, nhắc nhở của bạn đồng tu; cọng với nội lực chưa đủ mạnh để chống chọi với sự cuốn hút của ngoại duyên, tất cả các điều này trở thành tăng thượng duyên cho chúng ta hư hỏng. Chí đạo nan văn, vọng tình dị tập. Đi ngược lại bản chất, sống trong môi trường độc hại, nguy hiểm, không nơi nương tựa, không người chở che thì hư hỏng-tàn là điều chắc chắn. Thay đổi môi trường là chết. Chết, dù Tăng hay hổ, không những vì môi trường mới độc địa hiểm ác, mà còn chết bởi chẳng có khả năng thích ứng với môi trường ấy. Cho nên mới khẳng định, kết luận: Tăng ly chúng Tăng tàn, hổ ly sơn hổ bại. Ly là tàn, ly là bại, bất kể Tăng hay hổ, người hay vật, mạnh hay yếu.

Thứ đến, ta xét tiến trình ly và tàn. Trật tự ly rồi sẽ tàn đôi khi cũng có thể hoán đổi, nghĩa là tàn thì chắc chắn sẽ ly. Song câu châm ngôn trên có vẻ nhấn mạnh ý nghĩa thứ nhất: Tăng ly chúng thì Tăng sẽ hư hỏng-tàn. Tuy nhiên, thực tế không phải không có trường hợp Tăng ly chúng mà không tàn, Tăng không ly chúng mà vẫn tàn. Ly mà không tàn là do cá nhân có ý thức trách nhiệm cao, ly với lý do chánh đáng-chuyên tu, hoằng pháp vùng sâu vùng xa. Chúng ta không cần ca ngợi nhiều những vị Tăng ly chúng mà không tàn nhưng phải đặc biệt chú ý tình trạng Tăng không ly chúng mà vẫn tàn. Việc sống với chúng không phải là nhân tố độc nhất quyết định sự hư hỏng hay thành công của cá nhân tu sĩ. Tuy nhiên, ngôi chùa cần đạo tạo những Tăng sĩ đủ tư cách và loại trừ các tu sĩ không xứng đáng. Chính những cá nhân hư hỏng cọng trụ trong đoàn thể Tăng là những con sâu làm rầu nồi canh, là sư tử trùng thực sư tử nhục. Nếu giáo hội không phát hiện, không quyết tâm loại trừ, thậm chí còn dung dưỡng, thì những con sâu và trùng này sẽ phá hoại bản chất thanh tịnh hòa hợp của Tăng, làm suy giảm đạo tâm tôn kính của tín đồ đối với Tam bảo, đặc biệt, lũng đoạn, gây chia rẽ sức mạnh đoàn kết trong nội bộ Tăng đoàn.

5. Liên quan. Ngoài ra, Tăng ly chúng tăng tàn trực tiếp bàn đến vấn đề quan hệ giữa cá nhân và tập thể, vấn đề đạo đức cá nhân, vấn đề chất lượng giáo dục và sinh hoạt Phật giáo trong các tự viện, vấn đề tồn tại, phát triển và suy vong của cá nhân trong mối tương quan với cộng đồng. Việc một vị tu sĩ biệt chúng-ly, hoặc hư hỏng-tàn, không chỉ là trách nhiệm riêng của họ mà toàn thể thành viên trong tự viện mà vị ấy cư trú đều có bổn phận. Luôn luôn có sự tương quan, liên đới về trách nhiệm và nghĩa vụ giữa thành viên Tăng và toàn bộ Tăng đoàn. Cá nhân tốt, vị Tăng tài đức hiển nhiên sẽ mang lại uy tín cho tu viện-nơi mà vị ấy cư ngụ. Cũng vậy, khi cá nhân hư hỏng, sa đọa đạo đức, chắc chắn tập thể cưu mang cá nhân ấy bị liên lụy những ảnh hưởng xấu. Chất lượng giáo dục trong mỗi tự viện thường quy định khả năng, tài đức của mỗi vị Tăng. Do đó, tu sĩ muốn hành đạo yên ổn, muốn có điều kiện tốt nuôi dưỡng thánh thai, phát triển đạo nghiệp, cần lựa chọn và sống trong ngôi chùa có môi trường giáo dục và sinh hoạt ổn định theo đúng thanh quy giáo pháp. Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài, chúng ta ghi nhớ điều này để ý thức tầm quan trọng của nơi ăn chốn ở.

Tăng tàn không phải do ly hay hợp mà do Tăng không sống trọn vẹn với bản chất thiêng liêng cao quý vốn có của mình. Vấn đề không phải ở chỗ ly hay hợp mà ở chỗ đời sống của Tăng, môi trường giáo dục tự viện như thế nào, có giữ đúng thanh quy giới luật không, có lục hòa, quan tâm và có trách nhiệm đối với nhau không? Cọp chết thảm vì không có đồng loại bảo vệ, từ bỏ núi rừng, đơn thân độc mã đối mặt với hiểm nguy, không biết lượng sức mình. Cũng thế, trần gian hiểm ác, Tăng tàn vì không mặt áo giáp giới luật, khô nước thiền định, thiếu gươm trí tuệ, xa thiện tri thức, sống môi trường xấu. Cọp bại chỉ phí một đời nhưng Tăng tàn sẽ oan uổng nhiều kiếp. Tăng tàn thì đạo suy, đó là điều chắc chắn. Khi con người sa sút đạo đức thì họ xem thường đời sống thánh thiện. Cho nên, vạn bất đắc dĩ mới ly. Nếu thế thái nhân tình bắt buộc phải ly, thì chúng ta tùy duyên ly trong hòa hợp và thanh tịnh: thống nhất cái đầu và thắt chặt đôi tay. Nghĩa là, chấp nhận có khoảng cách vật lý nhưng luôn luôn gắn bó trên quan điểm tư tưởng và hành động. Song nếu hợp-trái nghĩa với ly, có tính chất bè phái, tôn phái, đảng phái, môn phái chống báng nhau thì đó là đại ly, là hại đạo tập thể, là đàn sâu, là bầy sư tử trùng. Bởi vì, chia rẽ là dấu hiệu của suy tàn, đỗ vỡ; thống nhất là biểu hiện của sức mạnh và trường tồn. Dù ly hay không ly, bản chất của Tăng mãi mãi là thanh tịnh và hòa hợp. Thuận với bản chất ấy thì sống, sống xứng đáng với địa vị Chúng Trung Tôn. Nghịch bản chất ấy thì dù sống cũng coi như đã chết, chết trong sự nguyền rủa vì hại đạo hại đời, hại mình hại người.

Tình hình chính trị, bối cảnh chế độ lịch sử, thực tế xã hội không ngừng thúc đẩy chúng ta đi từ sự phân ly này đến sự phân ly khác. Cá nhân luôn có xu hướng xoáy theo vòng xoay ly tâm khỏi những ràng buộc của tập thể. Đó là tổng thể đời sống vô cùng phức tạp mà Tăng-già cần tỉnh táo nhìn ngắm lại bản thân mình, nội bộ tổ chức mình. Nhìn ngắm, quan sát kỷ để Tăng-già biết trong nồi canh có bao nhiêu con sâu, biết trên lưng sư tử có mấy đàn bọ chét, nhằm vạch ra những hướng đi nhất quán với chánh pháp.  Biết chấp nhận chia ly với cái đầu thông minh và đôi tay nhất thống thì không sợ tàn, không nao núng bại. Bao giờ Phật giáo cũng chủ trương nếp sống tập thể song song với việc phát triển cá nhân cho Tăng ni Phật tử trong môi trường Giới Định Tuệ.

Huế, 15/8/2552
Chánh Trí