Tư duy dự án “chôn” di tích

Những năm gần đây, cùng với sự bùng nổ của các hoạt động lễ hội với văn hóa cầu lợi thực dụng, phản tâm linh mà báo chí đã phê phán là phong trào trùng tu các đền, chùa, di tích trên phạm vi cả nước. Đặc điểm chung của các hoạt động trùng tu này là hủy hoại di tích bằng tư duy dự án, thay thế văn hóa rêu phong trầm sâu cổ kính trong kiến trúc truyền thống bằng văn hóa lòe loẹt đồ sộ của kiến trúc ngoại lai.

Những ví dụ buồn!

Từ mấy năm trước đây, các họa sĩ và các kiến trúc sư đã lên tiếng mạnh mẽ trên công luận về tình trạng phá hoại di tích của các hoạt động trùng tu thiếu văn hóa, thiếu tri thức và thiếu trách nhiệm. Có thể kể ra hàng trăm ví dụ đau lòng đã và đang diễn ra ở khắp các địa phương trong cả nước.

Ở cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), người ta đắp thêm vữa cả mảng nặng và thô vào đền Vua Lê, hủy hoại giá trị của tòa nhà duy nhất có bộ đao góc đùn lên theo những lớp ngói dày như những cánh hoa, bóc đi cả những phần gạch men hoa nhiều sắc độ còn tốt để xây lại tất cả bằng gạch hoa men mới láng bóng. Đền thờ Lý Bát Đế (Bắc Ninh) được trùng tu bề thế nhưng lại lát gạch carô ximăng và đưa vào đó hai con sư tử. Ở Lam Kinh (Thanh Hóa), người ta đã dùng đá ốp hầu hết các lăng ở khu lăng mộ nhà Lê khiến KS. Ngô Huy Giao phải thốt lên rằng, người ta đã xóa đi những dấu vết cuối cùng của triều đại này, các lăng mộ cổ bây giờ trông như những bể nước ở các chung cư.

Ở TP.HCM, người ta đã quét sơn xanh rờn ngôi tháp 3 tầng gắn đĩa sứ xung quanh của ngôi chùa cổ Giác Lâm nổi tiếng và đặt thêm 7 pho tượng Phật bằng gỗ trước bàn thờ chính trong chính điện của chùa này, hủy hoại một di tích mang nhiều nét tiêu biểu của dòng kiến trúc tháp Nam Bộ với những pho tượng cổ hàng trăm tuổi; người ta cũng tô sửa tượng cổ trong chùa Phụng Sơn thuộc quận 11, một công trình kiến trúc cấp quốc gia của thời vua Gia Long có 228 năm tuổi đời, làm mặt tượng trắng toát như trét phấn, rồi còn đặt thêm hai pho tượng Văn Thù và Phổ Hiền Bồ Tát làm bằng đá trắng toát và tượng Di Lặc đúc bằng xi-măng, sơn đỏ rực ở tiền đường; đặt 4 con sư tử bằng đá dữ tợn ở quanh sân.

Ở thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, người ta cũng bày thêm hai con sư tử đá vừa to vừa xấu chầu hai bên sân Thiên Trù chùa Hương; copy cổng chùa Láng để xây cổng tam quan đền Voi Phục; tu bổ Văn Miếu với nội thất quá nhiều sơn son thếp vàng; nhân tiện trùng tu để xây thêm cả một khối nhà ba tầng ngay ở mặt tiền chùa Lý Quốc Sư; xây một bệ tượng bê-tông cốt thép ở chùa Trăm Gian che khuất toàn bộ những bức phù điêu tiêu biểu cho mỹ thuật gốm không men Việt Nam cuối thế kỷ 16; dựng lại cổng thành cổ Sơn Tây và quét nước xi-măng lên xóa nhòa cả màu đá ong rất đặc trưng.

Cổng chùa Trấn Quốc chụp năm 1958.Ảnh: TL

Trùng tu hay hủy hoại di tích bằng tư duy dự án?

Ở khắp mọi nơi, các tượng thờ, hoành phi, câu đối, cửa võng, bát bảo, cuốn thư trong đền chùa đã được sơn phết lại bằng sơn công nghiệp trở nên lòe loẹt, diêm dúa như các chùa Tàu, chùa Miến Điện, Đài Loan, trái ngược với vẻ trầm sâu của kiến trúc cổ Việt Nam. Văn hóa bóng lộn đã thay thế văn hóa rêu phong cổ kính.

Gần đây, một số đền chùa ở Hà Nội như Quan Thánh, Trấn Quốc và Võng Thị đều đang được tu bổ theo một kiểu dáng mới có tầm vóc đồ sộ hơn. Thậm chí, cổng chùa Trấn Quốc được xây mới theo kiểu Tam Quan khác hẳn hình ảnh kiến trúc  lưu trong các hồ sơ di tích. Sự đồ sộ của những phần tu bổ này không chỉ sai lệch với kiến trúc vốn có của di tích với những nét văn hóa tâm linh truyền thống, mà còn gây cảm giác phá hủy cảnh quan hài hòa tạo nên vẻ đẹp gần gũi và trang nhã của đền chùa miếu mạo Việt Nam. Khi bước vào các đền chùa Việt Nam ngày xưa, người ta không thấy cảm giác bị  kiến trúc uy hiếp đè lên không gian và con người như khi bước vào các đền chùa trùng tu hay xây mới bây giờ. Cung cách tu bổ di tích theo hướng đồ sộ hóa có vẻ là dấu hiệu bành trướng của văn hóa đô thị, văn hóa bê-tông muốn lấn áp thiên nhiên. Ở Singapore, khi xây dựng khu du lịch, người ta cũng chặt cây đi để làm những cây đại thụ giả, nhưng đó không phải là sự chèn ép thiên nhiên, thu hẹp thiên nhiên mà chính là sự khôi phục tượng trưng một thiên nhiên cổ xưa hoang dã đã bị mất đi  trong kỷ nguyên đô thị hóa.

Ở ta, sự bành trướng theo hướng đồ sộ hóa của các phần kiến trúc đền chùa miếu mạo tu bổ cũng bộc lộ một thực trạng nguy hiểm đáng báo động là sự phát triển của tư duy dự án đang có xu hướng phá hủy những kiến trúc và những cảnh quan truyền thống. Khi có được một dự án trùng tu di tích, người ta phải triển khai theo cái cách nào đó tương hợp với quy mô dự án - thường là hoành tráng hơn nhu cầu thực tế - đã được phê duyệt. Đó là căn nguyên dẫn đến sự đồ sộ hóa, sự tùy tiện bày vẽ các công việc làm mới di tích để giải ngân mà rút cục phá hoại vẻ đẹp vô giá của ngàn năm mà cha ông bao đời đã dày công gìn giữ. Không kiểm soát được sự tùy tiện, sĩ diện và vụ lợi của tư duy dự án thì chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ mất hết những di sản độc đáo, vô giá làm nên chiều sâu văn hóa và niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

KTS Trần Cương (SKDS)