Những pho tượng đá ở Yên Tử

"Sau khi đọc bài “Cái gì vừa to vừa xấu?” của họa sĩ Lê Thiết Cương in trên Đất Việt Chủ nhật ngày 21/3/2010, tôi thấy có nhiều điều rất đáng phải suy ngẫm. Chợt nghĩ, trên núi Yên Tử gần nơi tôi đang dạy học, có những bức tượng không to lớn, hoành tráng gì nhưng lại rất đẹp, có hồn, mang giá trị nghệ thuật và tâm linh không thể thay thế được. Dù biết rằng họa sĩ Lê Thiết Cương đang bàn về “tượng đài” chứ không chỉ bàn về “tượng”, nhưng cũng xin ghi lại vài cảm nhận của mình để bạn đọc cùng tham khảo…”

Núi Yên Tử, quê hương của dòng thiền Trúc Lâm, là nơi linh thiêng về mặt tín ngưỡng, đạo pháp của dân tộc. Trải qua gần một nghìn năm phát triển và tạo dựng, người xưa đã để lại nơi đây những tác phẩm nghệ thuật tôn giáo độc đáo. Một trong những di sản quý giá đó là những pho tượng đá cổ có giá trị cao về mặt tạo hình và văn hóa tín ngưỡng, đa số được đặt trong tháp mộ các nhà sư.

Theo Báo Đất Việt

Tượng Trần Nhân Tông tạc bằng đá trắng đặt ở tầng một của tháp Huệ Quang. Cả tháp và tượng đều được dựng sau khi Trần Nhân Tông qua đời (thế kỷ XIV). Tượng cao 62 cm, khoảng cách rộng giữa hai đầu gối là 50 cm. Tượng được tạc trong tư thế ngồi, thế liên hoa tọa (ngồi hình hoa sen).

Hai tay tượng để lên bàn chân và đùi gần đầu gối. Các ngón của hai bàn tay đều co, duy ngón trỏ và ngón giữa để thẳng trong thế niệm chú. Đầu tượng không mũ, không tóc, mặt tròn trái xoan, cân đối, mũi to, môi dày, nhân trung sâu, mắt hơi lõm sâu dưới hai quầng nguyệt mi cong. Thân tượng khoác áo cà sa được diễn tả bằng những nét mềm mại, khoáng đạt, áo khoác ở bên vai trái, để lộ một phần ngực và vai phải. Hoa văn trang trí trên tượng tập trung trên diềm của áo là loại hoa văn dây, mỗi bông hoa là một bông sen cách điệu. Các hình trang trí trên bệ bao gồm rồng hoa cúc và mây xoắn.

Tượng Trần Nhân Tông là một pho đặc biệt quý hiếm vì đây là một trong số ít những tượng có từ thời Trần miêu tả nhiều nét chân dung thực của nhân vật, điều mà hơn một thế kỷ sau các pho tượng khác mới đạt được. Tượng Trần Nhân Tông cũng là pho tượng hậu Phật sớm nhất được tìm thấy. Tượng đồng Trần Nhân Tông đặt trên đỉnh Yên Tử mô phỏng nguyên mẫu pho tượng này.

Tượng An Kì Sinh trên đỉnh Yên Tử cao hai mét, là một khối đá thiên tạo dáng hình giống một nhà sư mặc áo chùng thâm, hai tay cung kính chắp trước ngực, nhà sư thanh thản đứng giữa đất trời, tà áo bay trong gió. Tương truyền An Kì Sinh là đạo sĩ từ phương Bắc tới Yên tử để tu luyện, hái thuốc, luyện đan, khi viên tịch thì hóa đá.

Một pho đặc sắc nữa là tượng nhà sư Minh Hành ở tháp Tôn Đức. Tượng diễn tả nhà sư đang ngồi tham thiền. Đầu tượng không khăn, không tóc, tai dài, mặt vuông, trán rộng, lưỡng quyền cao, khuôn mặt có phần gầy, khắc khổ. Miệng hơi rộng, nhân trung sâu, mũi dài, mắt đăm chiêu nhìn về phía trước. Toàn thân tượng được che bằng áo dài, hai tà vắt chéo qua ngực. Cả tháp và tượng đều được dựng năm 1659, năm viên tịch của sư Minh Hành.

Một pho đáng chú ý nữa là tượng nhà sư Chân Nguyên ở tháp Tịch Quang phía sau chùa Long Động (Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử). Tượng và tháp được dựng năm 1726, năm viên tịch của nhà sư. Tượng được tạc bằng đá trong tư thế tham thiền. Tượng mặc khoác rộng, cổ tròn, hai quai vắt chéo. Mặt tượng tròn, cằm nhọn, trán rộng, toát lên vẻ kiên nghị.

Những pho tượng đá Yên Tử là những di sản quý giá của điêu khắc cổ truyền và tín ngưỡng dân tộc, cần được giới thiệu, giữ gìn.